Kỷ niệm về nhà văn Minh Khoa

185

                                                                                                            Trần Thế Tuyển

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), từ Trung đoàn 174, tôi được điều về học tập và làm việc ở báo Quân khu 7. Vừa đặt ba lô trong tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp tại căn cứ Trần Hưng Đạo, nơi đặt ” tổng hành dinh” của Bộ Tổng Tham mưu quân đội chế độ cũ, anh Mai Bá Thiện lúc đó phụ trách báo Quân khu 7 dẫn tôi ra mắt Phó phòng Tuyên huấn Quân khu – nhà văn Minh Khoa, lúc đó trực tiếp làm Tổng biên tập báo Quân khu 7. Từ lâu đã nghe danh nhà văn Minh Khoa với những truyện ký viết về Anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, đặc biệt vở kịch ” Người ven đô ” với nhân vật Ông Tám Khỏe đậm đặc chất nông dân Nam Bộ, nay được gặp trực tiếp tác giả, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động.

Nhà văn Minh Khoa mở đầu câu chuyện:
⁃ Chú Tám đã đọc các bài báo và cả thơ, truyện của cháu. Nay về báo Quân khu viết chuyên nghiệp phải cố gắng học tập, rèn luyện nhiều nhé ? Chú tin là cháu sẽ trưởng thành trong nghề cầm viết. Tôi hứa với vị thủ trưởng mới sẽ làm tốt những lời ông dặn. Và, đúng như thế, nhà văn Minh Khoa luôn theo sát sự học tập và rèn luyện của chúng tôi. Hậu sinh, nhưng may mắn, tôi cùng các anh Mai Bá Thiện, Xuân Hòa, Thanh Giang, Võ Trần Nhã …, cùng với ông là Hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TP HCM. Có lẽ vì thế, ngoài việc làm báo, nhà văn Minh Khoa còn ” rèn luyện” chúng tôi qua các bài viết thuộc thể loại văn chương. Khi ấy ngoài làm thơ, tôi tập tẹ viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký. Ông rèn chúng tôi qua sự thẩm định bản thảo. Đến bây giờ tôi còn giữ được bản thảo chằng chịt nét bút đỏ của nhà văn Minh Khoa. Mỗi lần như thế, chúng tôi trưởng thành rõ rệt.

Nhà văn Minh Khoa

Nhà văn Minh Khoa là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc. Ông không chỉ nghiêm túc với chúng tôi, những học trò mà còn nghiêm túc với cả chính mình. Tôi nhớ không ít lần, các bài viết đã được Tổng biên tập Minh Khoa duyệt, mang xuống nhà in xếp chữ, ông vẫn gọi điện sửa bài, đôi khi chỉ là một câu văn, thậm chí cả một từ.

Nhà văn Minh Khoa cùng với các bậc tiền bối của chúng tôi như các ông: Phạm Thành Hưng, Huỳnh Phước Lộc, Đoàn Thành, Mai Bá Thiện…luôn dành cho chúng tôi sự quan tâm đặc biệt. Mỗi lần đi chiến trường, các ông lo cho chúng tôi từng chi tiết: máy ảnh, giấy bút và cả súng đạn, lựu đạn nữa. Là nhà văn trưởng thành từ chiến trường thời chống Mỹ, ông dặn chúng tôi: “Phóng viên chiến trường là người lính chiến thực thụ. Bám sát bộ đội nơi tiền tiêu mới có bài viết và ảnh thời sự có giá trị. Và như thế khẩu súng và lựu đạn cùng với máy ảnh là vật bất ly thân”.

Tôi còn may mắn nữa, giữa năm 1981, sau chuyến đi công tác ở mặt trận 779 về, phòng Tuyên huấn và báo Quân khu 7 tổ chức cưới vợ cho tôi. Ông Minh Khoa và các thủ trưởng phòng Tuyên huấn lo cho chúng tôi nơi ở của đôi vợ chồng trẻ. Trong anbum ảnh của gia đình vẫn còn lưu giữ những tấm ảnh các ông : Minh Khoa, Đoàn Thành, Mai Bá Thiện…bận quân phục, mũ vải mềm đi đón dâu…
Nhìn lại những bức hình đầy nghĩa tình ấy, chúng tôi không cầm được nước mắt…

Nay nghe tin thủ trưởng cũ – nhà văn Minh Khoa về với tổ tiên, đồng đội. Thương tiếc ông, tôi vẫn thấy như ông đang cười, động viên các học trò nhỏ của mình ngày nào. Cách đây 15 năm, từ Bộ VHTT, tôi được điều về làm tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, nhà văn Minh Khoa đến tận tòa soạn chúc mừng. Ông nói: ” Thế là cháu đã thực hiện được lời hứa: học tập và rèn luyện” . Ông dặn dò thêm: ” Nhiệm vụ được giao rất nặng nề, phải tiếp tục học tập, rèn luyện và tu dưỡng mới có thể hoàn thành được”.

Chú Tám Minh Khoa ơi, con cảm ơn chú. Cầu mong chú thanh thản về cõi vĩnh hằng. Chú đi xa nhưng những nhân vật trong tác phẩm của chú như Ông Tám Khỏe, cô Mỹ Hạnh…vẫn sống mãi với thời gian./.

T.T.T