Kỷ niệm với “Kẻ sát nhân lương thiện”

1076

Lại Văn Long

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tháng 6/1988, tôi về công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng. Cả nước đang “dò dẫm” đổi mới, nhưng cơ chế bao cấp vẫn hiện diện khắp nơi, cuộc sống đói nghèo phủ kín từ thành thị đến nông thôn. Mỗi tháng tôi được khoảng 50 kg gạo (tương đương 700 – 800 ngàn đồng bây giờ) là lương, công tác phí và tất tật các chế độ. Cứ cầm tờ phiếu bằng bao thuốc lá ra cửa hàng lương thực để lấy gạo, chở bằng xe đạp ra chợ Đà Lạt bán bớt một nửa lấy tiền mua thuốc lá, thức ăn. 25 kg còn lại thì mang về để tôi cùng 2 em trai đang trọ học ăn chung. Ngày chỉ dám ăn 2 bữa, độn thêm rau lang, su su vào cho đủ no. Cả xã hội thời đó đều sống lây lắt như vậy!

Ngày mới bước chân vào khoa Triết – Kinh tế chính trị, nghe các thầy giảng về nhiệm vụ lịch sử của giai cấp vô sản là lật đổ bọn tư sản bóc lột, giành lấy chính quyền về tay dân nghèo để xây dựng CNXH và CNCS tôi rất thích thú và cảm thấy “may mắn” vì gia đình mình nghèo từ chế độ cũ sang chế độ mới. Tôi tin vào lý thuyết “đấu tranh giai cấp” còn hơn ông bà, cha mẹ tôi tin vào Đức Phật. Tôi ghét những ai ác cảm với CNXH, CNCS nên xin làm tuyên huấn là vì vậy.

Tôi bảo thủ đến cực đoan nên khi nghe báo, đài nói đến dự thảo thu viện phí, học phí và phát triển kinh tế tư nhân theo tiến trình xóa chế độ bao cấp, tôi hụt hẫng, tức tối vì cho rằng có một thế lực xấu đang muốn hủy hoại thành quả cách mạng CNXH. Đến lúc chứng kiến một biệt thự trên đường Nguyễn Du – Đà Lạt, bên cạnh cơ quan, bị trả lại cho chủ cũ là sĩ quan, tư sản chế độ cũ, tôi càng tin rằng CNXH đã bị “phản bội”!

Tôi đau khổ, buồn bã suốt nhiều ngày, thậm chí chán sống khi hàng ngày đọc báo thấy người ta hí hửng khoe những thành quả bước đầu xóa bao cấp, phát triển kinh tế thị trường.

Rồi chiều 9-10-1990, đang làm việc tại cơ quan, tôi nảy ra ý định viết cái gì đó. Sẵn có giấy bút trên bàn tôi viết luôn một lèo được 6, 7 trang thì bụng đói nên phải nghỉ, nấu mì gói ăn rồi ngồi viết luôn đến 5 giờ sáng ngày 10-10-1990 thì hoàn thành một truyện ngắn khoảng 25, 26 trang viết tay trên giấy A4. Đầu óc căng như dây đàn và cơ thể mệt mỏi vì uống cà phê, hút thuốc lá, viết sáng đêm, nhưng tâm trạng thì rất phấn khởi vì đã “trút hết nỗi niềm” vào tác phẩm vừa hoàn thành này. Tôi viết thêm đoạn đối thoại cuối truyện với cảm xúc trào dâng, cứ như mình là nhân vật “hắn” trong tay đang có súng, quyết trả “mối hận giai cấp” kéo dài qua nhiều thế hệ. Tôi hả hê với những phát súng bắn vào kẻ thù “cũ” và “mới” xuất hiện trước và sau đổi mới nên mới có câu cuối truyện: “Chỉ có người lương thiện thật sự mới dám nổ súng vào sự đè nén truyền kiếp. Tôi không muốn con vua tiếp tục làm vua…”. Viết xong trong tâm trạng lâng lâng vì vừa “đấu tranh giai cấp”, tôi viết tên truyện mà không cần suy nghĩ “Kẻ sát nhân lương thiện” (KSNLT), với ý đồ rõ ràng là bênh vực quyết liệt cho nhân vật “hắn” – một người trẻ tuổi đang muốn bảo vệ CNXH, CNCS đến mức sẵn sàng dùng “bạo lực cách mạng” một lần nữa!

Nhưng trớ trêu thay, khi truyện được đăng trên báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 1991 và sau đó được đăng lại nhiều lần trên các sách, báo trong, ngoài nước; nhiều người lại quy chụp cho tôi là “phản động”, muốn phủ định thành quả cách mạng! Còn một số nhà văn, nhà phê bình người Việt ở hải ngoại thì coi tác phẩm này là “bắn vào Việt kiều”, “mang tính ác”, “sùng bái bạo lực, bất chấp đạo lý”, v.v… Cũng may Ban biên tập báo Văn Nghệ và Ban giám khảo cuộc thi năm đó đã rất dũng cảm, không nao núng trước dư luận nhiều chiều và trao giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1990 – 1991 cho tác phẩm chịu nhiều “sóng gió” này!

Đầu tháng 4-1992, anh Huỳnh Bá Thành lúc đó là quyền Tổng Biên tập báo CATP tuyển tôi về làm phóng viên thì mấy ngày sau sinh viên khoa Văn – ĐH Sư phạm TP.HCM mời tôi đến nói chuyện. Trong môn lý luận văn học, thầy ra đề: “Nhân vật “hắn” trong truyện KSNLT là lương thiện hay bất lương?”, các bạn sinh viên nhờ tôi trả lời câu này. Dĩ nhiên tôi bênh “Hắn” vì đó là nỗi niềm thế sự, nhưng tôi không mong bất kỳ ai hành xử bạo lực như nhân vật của mình!

22 năm sau… Đất nước đã thay đổi rất nhanh, rất sâu rộng, chất lượng sống của từng gia đình Việt phát triển gấp nhiều lần thời bao cấp, vị thế đất nước được nâng cao khi kinh tế tăng trưởng gấp cả trăm lần trước đổi mới; thế nhưng, kinh tế thị trường cũng phơi bày trớ trêu của lịch sử cùng sự xuất hiện của những “chức tộc tham nhũng” – chồng bổ nhiệm vợ, cha bổ nhiệm con làm “quan”! Khẩu hiệu: “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” chẳng ai muốn nhắc lại trong dòng chảy hội nhập cuồn cuộn và chủ trương “phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp tư nhân”!

Mới 30, 40 năm trước kinh tế tư nhân bị quy là “bóc lột”, thương gia bị coi là “con buôn gian xảo”, nhà đầu tư bị miệt thị là “bọn đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường”… thì nay được tôn vinh là “động lực phát triển đất nước”… Trong thế sự như vậy, tôi muốn viết phần 2 KSNLT. Đó là khi “hắn” chấp hành xong án chung thân về tội giết người, được đặc xá trả tự do và ngỡ ngàng với một xã hội đã hoàn toàn thay đổi so với hình dung suốt 22 năm trong tù của mình!

Nếu ở đầu thời đổi mới, bố hắn – vị đại tá về hưu phải quay lại “kiếp” cắt cỏ ngựa thuê cho kẻ thù giai cấp là “tầng lớp trưởng giả cũ” để hắn phải uất ức “nổ súng vào sự đè nén truyền kiếp”, thì giờ đây bản thân hắn cũng phải chăm ngựa cho tầng lớp “trưởng giả mới”. Đau đớn hơn khi cha của bà chủ kiêu sang có con ngựa triệu đô giao cho hắn chăm sóc lại là ông Trần – tài xế của bố hắn sau chiến tranh. Ông Trần đi lên nhờ xương máu và bệ phóng từ bố hắn.

Dư – bộ đội, thương binh phục viên – bạn hắn lại là con một sĩ quan chế độ cũ. Khi người Mỹ quay lại Việt Nam, Dư hí hửng chờ đãi ngộ. Chẳng ngờ người Mỹ rất thực dụng, chỉ thích tuyển lựa, làm ăn với con cháu những người đang cầm quyền. Những trớ trêu của lịch sử làm hắn “sốc”, buồn… nên tìm về cửa Phật!

Tập truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện” – NXB Hội Nhà văn 2020 là để kỷ niệm tròn 30 năm tác phẩm nổi tiếng này ra đời, được dựng thành kịch, phim, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giảng dạy tại nhiều trường đại học trong, ngoài nước. Truyện ngắn KSNLT được tôi viết sau truyện đầu tay “Màu mận chín” đăng trên Tuổi Trẻ chủ nhật tháng 6-1988. Đây là sáng tác đã làm thay đổi cuộc đời, để tôi có cơ hội và động lực đi theo nghiệp cầm bút. Xin cảm ơn một đêm Đà Lạt kỳ diệu đã giúp cảm xúc tôi thăng hoa để viết nên một truyện ngắn được giải nhất. Xin cảm ơn Ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn VN 1990 -1991 và tất cả những ai đã đọc, thích, chia sẻ truyện ngắn này.

17-11- 2020

L.V.L
Theo Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 625