Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân

3193

Diễm Thi

(Vanchuongphuongnam.vn) – Là người công nhân tay chai chân đất ít chữ nghĩa, ngay từ thuở nhỏ chỉ biết ăn chắc nói thật, tôi cũng đã hiểu đôi điều về cung cách sống của con người trong quần thể nhân loại. Nguyên tổ tiên xa xưa của tôi vốn là người Minh Hương gốc Hoa ở phương Bắc, hành phương Nam sang sống lâu đời nên đã đích thực trở thành công dân Việt Nam. Dần lớn lên, nhờ giáo lý thâm sâu của các nhà hiền triết phương Đông, nhất là Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử… của Trung Quốc do cha tôi vốn là một cụ đồ ở gia đình và các thầy cô dạy Hán Văn truyền dạy cho tôi ở trường học.

Hôm nay chúng tôi được hiểu thêm những giáo điều sâu sắc trong đạo lý làm người. Câu nói nổi tiếng tôi không bao giờ quên chứa đựng một triết lý về cách ứng xử trong quan hệ thường nhật giữa con người với nhau có giá trị vượt không gian và thời gian, được thể hiện trong tư tưởng: “Không làm cho người điều ta không muốn người làm cho mình” (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).

Thế mà, tôi cảm thấy vô cùng thắc mắc, không hiểu tại sao, trong hơn bốn thập niên vừa qua, Trung Quốc – một đất nước rộng lớn trên thế giới, được coi là biểu tượng cho một nền văn hóa chói lọi, chiếc nôi của nhiều tư tưởng xử thế và triết lý thâm sâu của thế giới liên tục giở những hành động tương phản lại với lời dạy của thánh hiền triết gia như thế. Năm 1974, lợi dụng trong hoàn cảnh chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam, Trung Quốc mang quân chiếm đảo Hoàng Sa vốn là phần biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không dừng lại từ đó những hành động thiếu nghĩa tình anh em vô sản quốc tế, năm 1978, họ lại tiếp tục một mặt tiếp tay bọn phản động ở đất nước Chùa Tháp quấy rối chính quyền Cam-Pu-Chia và Việt Nam; một mặt xua quân phá hoại biên giới phía Bắc nước ta.

Vẫn với thói hung hăng như kẻ cướp, bọn họ ỷ thế mạnh quân đông, năm 1988 ngang nhiên tiến chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Và gần đây, năm 2014, với sự yểm trợ của tàu chiến và phi cơ, Trung Quốc lại ngang ngược một cách phi pháp hạ đặt giàn khoan dầu 981 tại hải phận quần đảo Trường sa cũng thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam được quốc tế công nhận từ bao lâu nay. Ngư dân và cảnh sát biển của ta ngăn cản bảo vệ theo đúng luật pháp thì bọn chúng cũng ỷ thế mạnh hùng hổ xịt vòi rồng hoặc đụng chìm tàu của ta thật tán tận lương tâm.

Và trong thời gian gần đây, Trung Quốc lại tiếp tục phát triển và cải tạo Trường Sa mà họ đã chiếm đóng phi pháp của Việt Nam từ các năm trước với ý đồ bành trướng thành sân bay, gây ảnh hưởng và thế lực rộng lớn trên biển Đông trước lời phản đối với quốc tế của chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hành xử như một nhóm người thiếu hiểu biết như thế, thử hỏi có đúng với luật pháp quốc tế và đạo lý cơ bản xưa nay của con người trên thế giới này không ?

Phương ngôn dân gian thường nói: “Suy bụng ta ra bụng người/Điều ta không muốn thì người chẳng ưa”. Vậy mà Trung Quốc lại thẳng tay hành xử chẳng khác nào một thế lực phi văn hóa như thế. Quả là họ đã tỏ ra ngạo mạn thách thức với luật pháp quốc tế, đi ngược lại với lời dạy có ý nghĩa sâu sắc đầy tính nhân văn từ mấy nghìn năm của các bậc tiên hiền đáng kính của họ: “Điều ta không muốn người làm cho ta, ta không được làm cho người”.

D.T