Cuộc đời đó, ký ức đó của mẹ như đã giữ cả dáng hình thế kỷ, mang tính đại diện cho những người mẹ cầm súng của miền Tây Nam Bộ.
Đã đi qua thời đạn bom khốc liệt, những cay đắng đau thương, kiên cường đánh giặc nuôi con, đến giờ trong ký ức nhớ quên của mẹ Trang Thị Láng vẫn nguyên vẹn những câu hát ru xưa. Ở tuổi 90, lời của mẹ Hà Thị Nhạn – người đã có mặt chỉ huy “đội quân tóc dài” địa phương trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968: “Tôi rồi sẽ ra đi, không có gì để lại cho con chỉ còn lại tình thương của người mẹ, hòa với nước non”…
Nhà văn Trầm Hương vừa hoàn thành hai tác phẩm ghi chép hồi ký cuộc đời của Anh hùng lực lượng vũ trang Trang Thị Láng (Ba Bi) và mẹ Hà Thị Nhạn (Minh Kiều, 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng). Một người từng có mặt trong phong trào Đồng Khởi, cùng “đội quân tóc dài” đấu tranh từ miền Tây lên đến Sài Gòn. Một người từng là chỉ huy địa phương (Trà Vinh) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Hồi ký của những “Người mẹ cầm súng”
Lớn lên trong tình cảnh đất nước đang bị ách thống trị của “hai tròng Pháp – Nhật”, Hà Thị Nhạn (quê huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) từ thuở lên mười đã ôm ấp lý tưởng: “Người thanh niên không thể thờ ơ với vận mệnh dân tộc, mỗi người phải góp sức vào”. Và rồi cô gái nhỏ ấy đã vào cuộc, bắt đầu từ những buổi theo dõi các cuộc nói chuyện, mít tinh, truyền bá chữ Quốc ngữ… cho đến khi cả gia đình bị kẻ thù truy sát vì anh trai cô hoạt động cách mạng, những cuộc chạy trốn thoát chết trong gang tấc đã đưa cô bé Nhạn đến gần hơn với cách mạng.
Hai tập hồi ký về những “người mẹ cầm súng” vừa được ra mắt trong tháng 3/2021
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, mẹ Hà Thị Nhạn nằm trong ban Chỉ huy Sở, phụ trách nội ô thị xã Trà Vinh, vận động xây dựng hàng loạt cơ sở, chuẩn bị thời cơ. Nhiệm vụ của mẹ Hà Thị Nhạn khi ấy là xây dựng cơ sở, đón bộ đội vào nội ô chuẩn bị tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của tỉnh Trà Vinh. Mặt khác chuẩn bị hậu cần cơ sở vững chắc. Thời điểm ấy, hai con của mẹ còn nhỏ, đứa năm tuổi, đứa chỉ mới được hai tháng năm ngày.
Có lúc cơ sở bị lộ, bản thân bị giặc lùng bắt, mẹ Hà Thị Nhạn một tay ẵm con nhỏ, một tay dắt đứa lớn chạy về vùng giải phóng. “Chân tôi bỏng rát đạp lên những vỏ đạn vương vãi trên đường. Những người vợ lính xách những gà-mên cơm tiếp tế cho chồng. Tôi dựa vào họ để qua trạm kiểm soát của bót địch. Trên đường đi, thật bất ngờ tôi gặp anh Năm Kiên, chồng tôi, vợ chồng ôm nhau, mừng rơi nước mắt…” – chia sẻ cảm động của mẹ Hà Thị Nhạn trong cuốn hồi ký(nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Còn mẹ Trang Thị Láng, cho đến giờ vẫn còn nhớ lời hứa với chồng: “Tôi hứa với mình, tôi ở vậy, thay mình nuôi con. Tôi sẽ dành thời gian chăm sóc con. Chiến tranh, lo công tác, chiến đấu, tụi nhỏ bị bỏ bê. Có lúc giặc càn, trốn dưới hầm, con khát sữa, vú căng mà đau xót. Hòa bình, tôi sẽ bù đắp cho các con…”.
Trong cuộc chiến ấy, những người mẹ, người vợ hậu phương không thể tựa vào chồng ngoài tiền tuyến, họ tựa vào chính mình, tựa vào dân để sống và chiến đấu. Sự tần tảo lam lũ của mẹ quê nhiều lần trở thành điểm tựa giúp họ vượt qua nguy nan.
Như mẹ Trang Thị Láng, một lần đưa cơm cho bộ đội bị địch phát hiện, mẹ nhanh trí xuống ruộng cấy. Lý do: “Ráng cấy đêm cho kịp ngày mùa, sẵn dịp mò bắt mấy con cá dưới xẻo cho tụi nhỏ ăn”, và sự khéo léo trút hết mớ tôm cá ngụy trang trong giỏ cho mấy tên lính tuần tra đã giúp mẹ thoát được kẻ địch, không làm lộ hầm bí mật đang che giấu bộ đội. Sự mềm dẻo ấy còn giúp mẹ Trang Thị Láng và “đội quân tóc dài” trong công tác binh vận của phong trào Đồng Khởi, những cuộc đấu tranh chống áp bức, đòi thả người, lên tiếng tố cáo tội ác của kẻ thù…
“Còn tình thương của mẹ, hòa với nước non”
Chọn ghi chép lại hồi ký cho hai người mẹ Việt Nam bất khuất, kiên cường Trang Thị Láng và Hà Thị Nhạn, cũng là cách để nhà văn Trầm Hương góp phần gìn giữ kho tàng ký ức của những người mẹ anh hùng – những người đã đến tuổi gần đất xa trời. Cuộc đời đó, ký ức đó của mẹ như đã giữ cả dáng hình thế kỷ, mang tính đại diện cho những người mẹ cầm súng của miền Tây Nam Bộ. Phía trước là mặt trận, phía sau là con nhỏ, sự sống cũng chỉ trong gang tấc, nhưng họ đã sống đúng tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh” (trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Đình Thi).
Cuộc đời của mẹ Hà Thị Nhạn chất chồng những đau thương chia lìa khi từ sớm đã mồ côi mẹ, cha và em bị Pháp bắt không rõ tung tích, anh trai hy sinh, rồi chồng cũng hy sinh vì nước… Mẹ một mình nuôi con, tựa vào dân và vì nhân dân mà đấu tranh, tổ chức nên hàng chục phong trào đấu tranh gây tiếng vang cả Nam Bộ khiến kẻ thù run sợ. Vậy mà ở tuổi gần đất xa trời, người mẹ anh hùng ấy chỉ để lại lời nhắn gửi: “Tôi ra đi, quy luật không thể nào tránh khỏi. Tôi không có gì để lại cho con, chỉ còn lại tình thương người mẹ, hòa với nước non”.
Còn mẹ Trang Thị Láng, 91 tuổi, đã từng đi qua bom đạn, đau thương, nước mắt, những năm tháng kiên cường đánh giặc, nuôi con có lúc đã thành ký ức nhớ quên. Nhưng chỉ có một điều mẹ chưa bao giờ quên: những câu hát ru từ thời mẹ còn con gái. Hồi ký Người mẹ đảm đang mà nhà văn Trầm Hương viết về mẹ Trang Thị Láng ngoài ký ức chiến tranh, còn như một công trình điền dã sưu tầm những câu hát ru mà mẹ vẫn còn nhớ như in. Mẹ Láng đã trở thành một “bảo tàng sống” để kể với đời sau một kho tàng văn hóa dân gian trong câu hát. Những cuốn hồi ký về những người mẹ cầm súng vì thế mà trở nên giá trị, gìn giữ ký ức và tình yêu thương, đến muôn đời.
Theo Lục Diệp/PNO