Ký ức mùa tựu trường

122

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mấy ngày gần đây, tiết trời đã không còn ngột ngạt, oi bức mà trở nên mát mẻ, dìu dịu, bầu trời trong xanh hơn, nắng vàng trải nhẹ khắp nơi, trên những cành cây ngọn cỏ, trên những đường làng, góc phố…. Gió heo may nhẹ thổi, cuốn theo những chiếc lá xoay xoay rơi nhẹ như những nốt nhạc buông lơi dưới phím đàn. Một mùa thu nữa lại về.

Ảnh minh họa

Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã mấy mươi năm, tuổi học trò đã lùi xa mãi mãi với thế hệ chúng tôi. Lớp bụi thời gian đã phủ mờ quá khứ, nhưng mỗi khi mùa thu về, bất chợt trong tôi lại bồi hồi nhớ về những tháng năm tươi đẹp của lứa tuổi học trò, để vương mãi trong lòng những ký ức đẹp về mùa tựu trường và tiếc nhớ bâng khuâng…

Ngày ấy- những năm 80 của thế kỷ trước, lũ trẻ chúng tôi luôn bước vào năm học mới với rất nhiều háo hức mong đợi, với một tâm thế tích cực, chủ động trong việc học, dù điều kiện kinh tế gia đình vô cùng khó khăn: bữa đói bữa no… Nhưng cũng chính từ sự thiếu thốn, kham khổ đó mà tình thầy trò, tình bạn bè thật cao đẹp, cách cư xử với nhau luôn đúng mực: kính trọng, chan hòa, nhân ái và đầy bao dung. Và cũng nhờ vậy mà lũ chúng tôi luôn biết trân quý những thứ mà mình có được, trong đó có những bộ sách giáo khoa. Ngày ấy, dẫu là những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu có, nhưng chẳng đứa nào được sử dụng bộ sách giáo khoa còn thơm mùi mực mới, bởi lúc bấy giờ sách giáo khoa do nhà trường quản lý và cho học sinh mượn để học tập vào dịp đầu năm học mới. Nhớ lại những ngày trước khai giảng, học sinh tập trung đến trường sớm. Chủ yếu là lao động vệ sinh trường lớp và mượn sách giáo khoa. Đến ngày mượn sách, thầy cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn trong Ban cán sự lớp và một số bạn nam to khỏe đến thư viện để nhận sách. Tôi không là Ban cán sự lớp, cũng không to khỏe vậy mà năm nào cũng được đi cùng thầy cô chủ nhiệm. Có lẽ do tinh thần và sự nhiệt tình của tôi! Khi sách được chuyển về đến lớp, đứa nào cũng hồi hộp, nôn nao không biết bộ sách của mình có đủ không, có mới hơn không! Một số môn học thiếu sách giáo khoa thì mấy bạn ở gần nhà dùng chung một quyển. Nhớ năm học lớp 7, vì nhận sách ở thư viện trễ nên phát chưa hết cho các bạn thì trời đã tối. Thế là chúng tôi lại môt lần nữa, phải khệ nệ ôm sách về phòng nội trú của cô. Để rồi mỗi đứa nhận được một ly nước chanh. Cảm giác mát ngọt vẫn như còn đọng mãi đến bây giờ.

Sách nhận về, phần thì các thầy cô giáo luôn nhắc nhở, phần thì luôn trân quý những cuốn sách giáo khoa để các lớp sau còn học, vậy nên không ai bảo ai, tất cả đều có ý thức bảo vệ, giữ gìn sách rất tốt, khi trả lại cho trường thì những cuốn sách gần như vẫn còn nguyên vẹn như lúc mượn, chỉ cũ hơn chứ không bao giờ nhàu nát, hay mất trang.

Gia đình tôi vốn đã khó, lại càng khó hơn vào mỗi mùa tựu trường,dẫu không nói ra nhưng tôi vẫn cảm nhận được những tiếng thở ngắn than dài của mẹ, nào là cặp sách, bút mực, quần áo, rồi thời gian phụ việc gia đình cũng được rút ngắn lại. Mẹ như tất bật và vất vả hơn, những nhọc nhằn hằn trên gương mặt lo toan của mẹ …Bất chợt lại nhớ đến lời cô bạn nói với tôi hôm họp lớp vừa rồi: “ Nhớ hồi đi học, mỗi lần thu tiền quỹ lớp thì mặt ông B như khỉ ăn ớt”. Vậy nên tôi luôn hạn chế đến mức thấp nhất những chi phí cho ngày khai giảng.

Tôi có ông cậu họ, gọi bằng cậu nhưng chỉ học trên tôi một lớp. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần cuối năm học, sau ngày bế giảng là tôi xin toàn bộ vở cũ, để vào năm học mới nếu bài nào không làm được thì sẽ dựa vào những cuốn vở đó, nhưng quan trọng hơn là lấy những tờ giấy trắng còn thừa cuối vở. Mỗi quyển thừa ra khoảng 5,7 tờ, cùng với đó là những tờ giấy trắng còn thừa trong các quyển vở của tôi.Tất cả được cắt ngay ngắn để đóng lại thành những cuốn vở mới. Còn giấy bao vở, cũng cả một vấn đề. Không riêng gì tôi mà đa số chúng bạn đều thế, giấy bao vở là giấy báo, hoặc là những tập lịch tờ treo tường, nhưng đâu phải dễ tìm, cả thị trấn ngày đó được mấy người đọc báo, được mấy người treo lịch để mà xin.Vậy nên gấy bao vở dùng nhiều nhất vẫn là từ bao xi-măng.Mỗi lần đi đâu thấy có ai làm nhà thì vào xin. Mang về phải giũ sạch sẽ, gấp phẳng phiu rồi tỉ mẫn bọc từng cuốn vở. Những chiếc nhãn vở cũng được “ tự biên tự diễn” bằng cách kẻ những đường diềm trực tiếp trên giấy bao, rồi nắn nót từng dòng: Trường, Họ và tên, Lớp, Vở, Năm học. Tuy chỉ là bao và làm nhãn vở nhưng cảm giác thật vui sướng, thật hạnh phúc như vừa hoàn thành một công việc gì đó to lớn,quan trọng lắm. Những cuốn vở như thế đã theo bao thế hệ học trò của chúng tôi. Dù vở bọc bằng giấy bóng, dù bằng giấy báo hay giấy xi măng… chúng tôi vẫn chăm ngoan, vẫn khôn lớn và vẫn trưởng thành trong tình yêu thương vô bờ của gia đình và  thầy cô giáo.

Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng phát triển. Nhận thức của đa số người dân về việc học hành của con cái cũng đã thay đổi. Mỗi gia đình dù ở nông thôn hay thành thị, dù nghèo khó hay khá giả; đều luôn quan tâm, đầu tư cho việc học tập của con cái. Trước khai giảng một vài ngày, bố mẹ chỉ cần chở con dạo một vòng thì nào là quần áo, dày dép, sách vở, bút mực …tất tần tật đều chỉ một thoáng là xong. Các em học sinh dẫu không còn háo hức, nôn nao chờ đợi ngày tựu trường để gặp lại thầy cô giáo và bạn bè sau bao ngày xa cách, nhưng các em vẫn có niềm vui riêng trong ngày tựu trường, vẫn có sự hân hoan đón chờ năm học mới. Vậy nên hãy để cho các em có sự bận rộn của mùa tựu trường từ việc chuẩn bị phương tiện dụng cụ học tập… cho đến việc quét dọn,trang trí góc học tập của mình. Khi mà các em tự tay chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho việc học thì các em sẽ có động lực để cố gắng hơn, đó sẽ là ký ức đẹp của tuổi học trò đầy thơ mộng. Để rồi khi đã lớn khôn, khi đã trưởng thành, những ký ức đẹp về mùa tựu trường sẽ làm cho các em có chút tiếc nhớ bâng khuâng. Và trên suốt hành trình dài rộng của cuộc sống sau này, những hoài niệm vè mùa tựu trường sẽ làm cho các em bình yên hơn và có thêm nguồn năng lương tích cực để chinh phục những chặng đường phía trước.

Nguyễn Văn Bình