Ký ức ngày xuân – Tản văn của Trịnh Bửu Hoài

616

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi cha tôi về dựng nhà trên mảnh đất này tôi mới bảy tuổi, cách đây hơn năm mươi năm. Một xóm quê không xa chợ nhưng hẻo lánh, nối với các xóm nhà khác bằng những con đường đất hoang vu, um tùm lau sậy. Trời sụp tối không ai dám ra đường nếu chẳng có việc cần kíp. Ban đêm là thế giới của người dữ và thú dữ. Không gặp bọn lục lâm thảo khấu cũng đạp phải rắn rít, thỉnh thoảng còn chạm mặt cọp beo.

Nhà văn Trịnh Bửu Hoài 

Nhìn qua biên giới là cánh đồng rau muống bạt ngàn, hoang dã, tới mùa nở hoa tím ngát chân trời. Người dân vùng này hầu hết làm nghề nông, một số ít buôn bán nhỏ. Người khai khẩn đất nhiều chủ yếu làm ruộng sạ vào mùa khô, nghỉ ngơi trong mùa nước, làm chơi ăn thật. Người đất ít mùa nước nổi thêm nghề câu lưới, lọp lờ; nhưng cũng chỉ sắm vài tay câu, dăm ba cái lọp, vì cá tôm đầy sông, bắt được nhiều quá bán không ai mua. Người không đất buôn bán nhỏ, chủ yếu các vật dụng cần thiết như thuốc rê, thuốc tàu, rượu đế, cà ròn, lưỡi hái, nón lá, khăn rằn… Không biết nước đá và cũng chẳng có khái niệm về cà-phê. Cuộc sống đạm bạc nhưng thảnh thơi, nhàn hạ, nên những ngày Tết thường kéo dài với thú vui đồng quê, bù lại một năm không có ngày Chủ nhật.

Tôi được cắp sách đến trường, nhưng trường cũng cách nhà hơn hai cây số, phải băng qua một rừng mây gai và một nghĩa địa hoang lạnh. Mỗi chiều đi học về bọn tôi phải kết nhóm năm ba đứa mới dám đi qua khu này và chỉ cần một tiếng “soạt” là cả bọn cắm đầu chạy trối chết.

Đất lành chim đậu. Người xứ khác kéo đến lập nghiệp, người trong xóm sinh sôi nẩy nở. Con người lấn dần đồng hoang và thú dữ. Xóm làng đông đúc nhộn nhịp. Đất đai như hẹp dần. Cá tôm thưa thớt. Ánh sáng văn minh bắt đầu ló dạng. Đôi nhà có xe đạp, radio. Các xóm thôn như xích lại gần hơn. Ngày giỗ, ngày Tết cũng đông đảo, xôm tụ hơn.

Ông nội tôi cũng là một nông dân, nhưng không hiểu sao ông lại có nhiều sách. Tháng ngày nông nhàn ông thường mang sách ra đọc, kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe hoặc đàm đạo với các bạn già bên chung trà nghi ngút khói. Ông từ đâu tới xứ này lập nghiệp, vì sao phải lưu lạc đến cõi biên thùy heo hút, đó là điều ông chết mang theo!

Gia đình tôi là một trong số ít gia đình có nề nếp, gia phong. Ông nội tôi còn nặng óc phong kiến. Các cô tôi theo trào lưu mặc quần ống túm, uốn tóc quăn, muốn ra cửa trước phải đợi lúc ông ở nhà sau, nếu ông tôi ở nhà trước các cô phải đi cửa sau và lội tắt đường đồng.

Ngày Tết, ông mang từ đâu về những câu liễn đỏ, chữ nho, cả nhà chẳng ai đọc được. Trên tủ bàn, ghế giường, lu hủ, cột nhà, cây cối… hầu như là tất cả vật dụng, thậm chí trên sừng đôi bò, ông đều dán giấy đỏ vào đêm giao thừa cho chúng vui tết. Thời ấy pháo còn hiếm, người ta dùng ống tre và khí đá đốt ống lói nổ đùng đùng đón xuân. Thời ấy chưa có điện, nhà nào giàu lắm mới sắm được cây đèn măn-xông, chỉ để dùng thắp sáng trong ba ngày tết hoặc khi có đám tiệc rồi đem cất.

Ông nội tôi rất thương trẻ con. Ông nghiêm khắc nhưng thân thiện, dễ gần dễ mến. Đối với lũ nhóc chúng tôi ông vui vẻ giải đáp những thắc mắc ngây ngô, có khi ngớ ngẩn. Tôi còn nhớ rất rõ, những đêm đầu xuân dưới ánh đèn sáng choang, trên tấm đệm lớn trải ở hiên nhà, bọn tôi quây quần bên ông nghe kể chuyện…

– Các cháu có biết vì sao ăn Tết phải tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo mới không?

Một đứa nói:

– Dạ, nếu không tắm cho sạch thì sẽ ở dơ cả năm.

Cả bọn cùng nhe răng cười. Ông cũng cười run cả chòm râu bạc:

– Giỏi lắm. Năm mới cái gì cũng phải mới, phải sạch. Ngày đầu năm là tiêu biểu cho cả năm.

– Ông nội, hồi chiều lu nước còn nhiều mà mẹ bảo con xách thêm cho thiệt đầy, chi vậy ông nội?

– Đầu năm, chẳng những nước đầy lu mà gạo cũng phải đầy hủ, có như thế cả năm mới sung túc, no đủ.

– Mẹ dặn chị hai quét nhà cho sạch, tới giao thừa là không được quét nữa, sao vậy ông?

– Ừ, ngày Tết kiêng cử quét nhà. Vì nếu quét ra ngoài thì cả năm tiền của sẽ theo ra. Quét trở vô thì được nhưng sẽ làm nhà dơ thêm. Tết nhứt các cháu nhớ đừng xả rác nghe không.

– Dạ nhớ, nhưng sao gọi là Tết nhứt vậy ông nội?

– Tết là người ta nói trại ra từ chữ “tiết”, chữ Nho gọi là “tiết lễ”. Ngày tết gọi là “tiết nhựt”, người Việt mình nói trại thành “tết nhứt”. Sách vở còn gọi là Tết Nguyên Đán, có nghĩa là buổi sớm mai đầu năm.

– Ông nội nói hay quá. Con xin hỏi ông sao ngày Tết nhà nào cũng chưng hoa mai chớ không là hoa gì khác?

Một đứa hỏi chen vào:

– Người ta đốt lói chi vậy ông, nghe sợ quá?

Ông xoa đầu nó rồi nói:

– Khoan, từ từ ông sẽ trả lời. Hoa mai có màu vàng rực rỡ, biểu hiện cho niềm vui, còn có ý nghĩa may mắn. Hoa mai tượng trưng cho ngày Tết ở miền Nam cũng như hoa đào ở miền Bắc. Đây là hai loại hoa chỉ nở vào mùa xuân, không như những loài hoa nở khác mùa hoặc nở quanh năm thì thường quá. Ngoài Bắc thấy hoa đào, trong Nam thấy hoa mai là biết trời vào xuân. Còn đêm giao thừa người ta đốt pháo, đốt ống lói là để đón mừng năm mới và tiễn đưa năm cũ bằng những tiếng nổ rộn rã, vui tai; ý nữa là xua đuổi tà ma.

Nghe đến ma đứa thì rút cổ, đứa ngoái nhìn sau lưng. Ông nói tiếp:

– Người xưa có dạy rằng: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Ý nói chúng ta vui xuân không quên ơn nghĩa của đấng sinh thành dạy dỗ. Ngày mai, sáng sớm các cháu cúng viếng bên nội, ngày mốt về thăm quê ngoại, bữa kia nhớ đến viếng thầy. Xong bổn phận đó thời giờ còn lại các cháu được phép đi chơi thoải mái.

– Dạ, chúng cháu nghe lời ông dặn.

– Khi đi chơi không nên gây gỗ, có chuyện gì cũng phải nhường nhịn lẫn nhau. Đầu năm phải luôn giữ không khí vui vẻ, hòa thuận, trong gia đình cũng như ngoài đường.

Chúng tôi cùng “dạ”. Thấy mẹ tôi bưng rổ bánh tét nghi ngút khói đi ngang, ông nói về sự tích bánh chưng, bánh dày đời vua Hùng Vương, do người con thứ 18 là Tiết Liêu được mẹ báo mộng chỉ cho cách làm dâng lên vua cha hai loại bánh có hình tròn và hình vuông tượng trưng cho trời và đất để tỏ lòng hiếu thảo. Từ đó loại bánh nầy phổ biến trong dân gian và được mọi người làm trong dịp tết để cúng tổ tiên. Theo chân những người mở cõi, vào Nam bánh được cải tiến thành bánh tét. Đặc điểm của bánh là khi ăn được cắt thành khoanh nhỏ, nếu cắt bằng dao thì bị nếp dẻo bám dính làm méo mó nên người ta dùng dây chuối cột bánh tét thành từng khoanh rất đẹp. Có lẽ vì thế mà có tên gọi dân gian là bánh tét. Rồi chuyện quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng chưng trên bàn thờ bắt nguồn từ sự tích Mai An Tiêm bị vua Hùng Vương thứ 17 đày ra đảo hoang. Nhờ chim tha hạt giống mà ông trồng được loại dưa ngon ngọt này để sống và gởi về cho vua. Vua cảm kích trước tấm lòng và nghị lực của An Tiêm nên ân xá và rước vợ chồng ông về đất liền.

Những câu chuyện tuy hấp dẫn nhưng đêm đã khuya, có mấy đứa tới cử ngủ gà ngủ gật dù cố nhướng mắt vểnh tai để nghe. Thấy vậy, ông nói:

– Thôi, các cháu đi ngủ, tối mai ông kể tiếp.

Có đưa chưa chịu nghỉ, ông phải dỗ dành:

– Các cháu đi ngủ sớm để mai thức sớm mừng tuổi ông bà và được lì xì.

– Mừng tuổi ông bà có ý nghĩa gì mà được lì xì vậy ông nội?

– Mừng tuổi là mừng ông bà chú bác cha mẹ được thêm một tuổi thọ. Từ niềm vui đó người lớn sẽ lì xì, ban lộc cho con cháu bằng một số tiền dù không nhiều nhưng là niềm vui lớn của các cháu trong những ngày Tết…

Tết năm nay, xóm quê tôi quá nhiều thay đổi. Nhà đúc nhà lầu mọc lên san sát, điện sáng khắp nhà khắp ngõ, honda chạy dập dìu trên đường. Tivi, đầu máy video nhà nào cũng có. Không khí ồn ào náo nhiệt cuốn hút con người vào tiện nghi vật chất. Các tục lệ ngày xưa bị lãng quên dần và cũng ít ai tìm hiểu ý nghĩa của nó. Cuộc sống ngày nay có những giá trị tinh thần bị đơn giản hóa và ngược lại, vật chất phù du lại được xem là quan trọng. Ông nội tôi qua đời đã lâu, nhưng ấn tượng của ông để lại trong lòng tôi không phai mờ. Như mọi năm, tôi đều thắp một nén nhang tưởng niệm trên bàn thờ ông vào buổi sáng đầu năm mới.

T.B.H