“Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn – Ký ức rực rỡ” giới thiệu loạt tranh khổ lớn về thời vang bóng của các đoàn cải lương, rạp phim….
Trong sách, họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm vẽ theo lối digital art những tòa kiến trúc xưa như các dinh thự, hội quán, đền chùa… Anh cũng phác họa những nhân vật vang danh một thuở của Sài Gòn, vẽ lại các bức chân dung nghệ sĩ do nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu từng thực hiện. Họa sĩ đưa người đọc ghé thăm phòng trà, rạp hát của người Hoa, những đoàn cải lương, kịch sĩ… Sách bìa cứng gồm 284 trang in màu, kèm bốn bức về Sài Gòn có thể tách rời thành tranh riêng.
Trang vẽ về bưu điện thành phố qua lời văn của Phạm Công Luận. Ảnh: Phương Nam Book
Kha Liêm ấp ủ dự án để thể hiện tình yêu dành cho Sài Gòn qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Họa sĩ thực hiện loạt tranh ở khổ lớn từ năm 2017. Tác giả cho biết nghiên cứu tỉ mỉ về văn hóa, nhất là các công trình tôn giáo, dấu ấn sinh hoạt của người Sài Gòn xưa.
Anh mô phỏng phong cách tranh quảng cáo trước năm 1975, dựng lại phông chữ theo trường phái retro (hoài cổ), cách vẽ tờ rơi giới thiệu phim chiếu rạp, tuồng cải lương hoặc các tờ nhạc rời, tạp chí cũ. Xem tranh, độc giả có thể nhìn sâu vào từng ô cửa để phát hiện nội thất một dinh thự xưa, soi những phù điêu trang trí trên bức tường một ngôi chùa cổ, hoặc nhìn tường tận từng bảng hiệu nhỏ nằm lẩn trong khu phố náo nhiệt…
Tranh trong sách được thực hiện với kích cỡ lớn. Ảnh: Phương Nam Book
Phần lời do nhà báo Phạm Công Luận – tác giả nhiều sách về Sài Gòn – chấp bút. Trong sách, có đoạn ông miêu tả những buổi chiều chủ nhật vui như trẩy hội trên ba con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Tự Do (nay là Đồng Khởi). Tác giả viết: “Từng nhóm gia đình, những đôi trai gái, những cặp vợ chồng chầm chậm đổ về bến Bạch Đằng hay tới chợ Bến Thành. Gió mát từ phía sông thổi tung những tà áo dài. Các quý ông Sài Gòn chỉn chu với mái tóc ngắn gọn thường được chải brilliantine cho gọn gàng, diện áo sơ mi tay ngắn hay montagut đỏ sẫm hoặc vàng nghệ. Những kiểu cách đơn giản mà như huyền thoại, chỉ còn đọng lại trong phim ảnh một thời”.
Phạm Công Luận sinh năm 1961 ở TP HCM. Ông là tác giả nhiều cuốn sách như Những sắc màu Nhật Bản, Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, đồng tác giả với Đặng Nguyễn Đông Vy), Chú bé Thất Sơn, Đường phượng bay… Tác phẩm nổi bật của Phạm Công Luận là bộ sách Sài Gòn – Chuyện đời của phố – ra mắt tập đầu năm 2014. Họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm hiện làm thiết kế sáng tạo tại một công ty quảng cáo truyền thông.
Theo Tam Kỳ/VnExpress