Ký ức tuổi thơ – Tạp văn của Phạm Hồng Soi

657

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ mỗi độ xuân về, trong tôi lại dâng trào cảm xúc lâng lâng. Miên man thả hồn chiêm ngưỡng những chồi non, lộc biếc đang hòa quyện với đất trời, báo hiệu thời khắc mùa xuân đang tràn về trên mọi miền quê Tổ quốc.

Tác giả Phạm Hồng Soi 

Ai chả có những kỷ niệm để mà yêu mà nhớ. Với tôi những kỷ niệm về tết quê hương của tuổi ấu thơ đã tạc vào trong ký ức. Ký ức đẹp với nhiều mộng mơ mỗi khi tết đến xuân về, tâm trạng trong tôi lại háo hức. Tuy chất lượng cuộc sống ở thời điểm ấy còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng đầy ắp những yêu thương nơi làng quê yên ả. Vào những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ hai mươi, khi đó tôi mười một tuổi. Cái tuổi ngây thơ, đẹp như hoa đầu mùa, tươi như trăm rằm tháng tám. Ngày nào cũng ngước mắt lên đốc lịch để xem còn bao nhiêu tờ nữa là đến tết. Miệng thì lẩm bẩm, cầu mong cho trái đất quay thật nhanh để được tung tăng trong tiết xuân khoe những tà áo mới. Và được ông bà, cha mẹ, anh chị… mừng tuổi cầu may khởi đầu cho một năm mới mọi sự an lành, được nghe tiếng pháo đuổi “tà ma” nổ rền vang khắp cả làng trên xóm dưới, nghiêng ngả đất trời trong thời khắc đón giao thừa.

Quê tôi, là một vùng quê chiếu cói – thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa nằm ở phía bắc Trung bộ, nghề nông nghèo khó quanh năm người dân quần quật ngoài đồng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vậy mà vẫn cứ thiếu ăn. Hồi ấy, hầu như cả làng tôi ăn cơm độn hấp toàn ngô khoai, sắn và củ chuối…. Cơm độn chan nước mắm đã theo tôi suốt cả tuổi ấu thơ. Có khi cả tháng trong mâm cơm mới có mấy lạng thịt lợn lèo tèo kho với củ cải, hoặc mấy con cá rô, cá diếc và mớ cá đòng đong… mẹ bắt ở ngoài đồng mang về kho với khế. Và mỗi khi trái gió trở trời trâu, bò, gà, vịt lăn ra chết mới được ăn. Thuy thoảng có bát canh cua, canh hến, canh tép… nấu với rau đay, rau mồng tơi… Phải đợi chờ mãi đến ngày giỗ, ngày tết mới được ăn no.

Tôi còn nhớ như in sáng hai mươi tám Tết năm Tân Dậu (1981). Mẹ cầm chiếc làn cói trên tay và bảo tôi đi với mẹ “Nhà bác Hùng ở xóm ngoài hôm nay mổ lợn ăn Tết, nhà mình có chung một suất”. Nghe mẹ nói vậy tôi mừng lắm! Thế là háo hức chạy ton ton cùng mẹ, mười phút sau có mặt tại sân nhà bác Hùng. Người lớn thì ít, trẻ con thì nhiều, chắc cũng khoảng hai chục đứa choai choai như tôi. Trên sân, từng phần thịt lợn được chia đều đặt trên các tàu lá chuối cả thịt và xương. Món lòng thì vẫy đang luộc trong nồi sôi sùng sục, khi bác Hùng mở nắp vung ra để vớt lòng ra rổ, mùi lòng sốt lan tỏa thơm ngây ngất. Chúng tôi mắt đứa nào đứa đấy tròn xoe, miệng cứ tóp ta tóp tép, nuốt nước miếng ừng ực. Hiểu được tâm trạng của bọn trẻ, bác Hùng cắt ngay một phần hai lá gan lợn, thái ra chia cho chúng tôi mỗi đứa một miếng chừng hai ngón tay người lớn. Rồi bác bảo “Các cháu ăn xong ra ngoài ngõ chơi nhé”! Tôi nhai ngấu nghiến, cảm giác lúc ấy sao mà ngon đến thế, hình như đã mấy tháng rồi nay mới được ăn gan. Các cụ xưa nói chẳng sai chút nào “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ mãi”.

Sáng hai chín Tết, mẹ dắt tôi đi chợ mua sắm tết, tôi là con út nên được mẹ cưng chiều. Mẹ bảo “Hôm nay đi chợ xa lắm, quãng đường khoảng bốn cây số, con có đi được không?”. Nghe mẹ nói đi chợ sắm Tết và lần đầu tiên được mẹ cho theo làm tôi thích thú gật đầu lia lịa. Đi mỏi cả chân mà vẫn chưa thấy chợ đâu? Thấy tôi cứ hỏi mãi chợ sắp đến chưa, mẹ lại động viên “Sắp đến rồi cố gắng lên con nhé!”. Vừa tới chợ mẹ đưa tôi vào quầy bán quần áo, mắt tôi sáng rực lên bởi quần áo mới bày bán la liệt, nhìn bộ nào cũng thích. Mẹ hiểu ý “Con ưng bộ nào để mẹ mua, nhưng chỉ được một bộ thôi nhé, còn để tiền mua dép nữa”. Tôi hỏi “mẹ có mua cho chị con không ạ?”. Mẹ nhìn tôi âu yếm, rồi ghé vào tai tôi nói nhỏ “Quần áo của chị con vẫn còn mới”. Nói xong, mẹ kéo tay tôi đi đến quầy bán hàng mã: mua hương, vàng bạc, giấy tiền, mua trầu, cau… Và sang quầy hàng bán tranh, mẹ chọn mua một tờ tranh ngũ quả, một tờ tranh có cậu bé ngồi trên chú gà trống đang thổi sáo và một tờ tranh con cá chép đang quẫy đuôi bay lên trời… chợ bầy bán nhiều đồ chơi Tết, cái gì tôi cũng thích nhưng mẹ bảo không còn tiền để mua

Đi chợ về tới đầu ngõ, thấy chị gái đang đứng ngóng chờ. Tôi giơ bộ quần áo mới toanh mẹ vừa mua reo lên khoe với chị. “Mẹ mua cho em này, chị không có đâu!”. Hình như chị không tin lời tôi nói, chị chạy ngay tới lục tung chiếc làn cói của mẹ ra để xem. Thấy thế, mẹ tôi xoa lên đầu chị động viên khéo “Quần áo của con còn mới, mẹ chỉ còn đủ tiền mua cho em thôi, Tết năm sau mẹ sẽ mua cho con nhé!”. Nghe mẹ tôi nói vậy, nét mặt chị chùng xuống buồn rười rượi, rồi chị chạy một mạnh vào trong buồng nằm khóc nức nở. Lúc ấy, tôi nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đỏ hoe. Mẹ nói với theo chị trong nghẹn ngào “Để chiều mẹ ra chợ mua cho con đôi dép nhé!”. Chị chẳng nói chẳng rằng, hôm đó chị bỏ cơm chiều và trùm chăn khóc đến tối… Không biết anh trai đã nói gì với chị, mà sáng hôm sau tôi thấy chị dậy rất sớm và đang phụ giúp mẹ quét giọn lau chùi nhà cửa, quét sân, quét ngõ và rửa bát đũa nữa. Thấy vậy, tôi cũng lăng xăng đến phụ giúp cha quét giọng bàn thờ, cùng anh trai đóng mấy tờ tranh trang trí tết, hạ cây nêu treo lá cờ Tổ quốc mới tinh, chặt cành đào cắm vào lọ chưng trên bàn thờ và lau xấp lá dong lá chuối để cha gói bánh chưng. Anh trai ghé vào tai tôi nói nhỏ “làm nhanh lên tối mai đón giao thừa anh cho em hai quả pháo đại nhé, có thích không?”. Sợ tôi không tin, anh chạy vào buồng cầm ra mấy quả pháo đại to đùng và kèm theo hai bánh pháo hiệu Bình Đà vẫn còn trong hộp. Rồi anh bảo “Đêm giao thừa mình đốt một bánh, còn một bánh để sáng mùng một đốt. Tiền anh đi móc cua bán để giành mua pháo đó, đừng cho mẹ biết nhé!”. Nghe nói đến pháo tôi khoái chí, nên anh sai làm việc gì tôi cũng răm rắp nghe theo.

Cùng lúc đó, bà cô người cùng xóm cạnh nhà ghé sang chơi khen đấy khen để. “Năm nay nhà bác ăn tết to nhỉ, nhà em chưa có gì cả! Em nhờ bác sáng mùng một Tết cho thằng út sang xông nhà em nhé! Rồi cô phàn nàn, không nhớ rõ năm rồi ai đến xông nhà mà cả năm xúi quẩy, đau ốm triền miên!”. Trước lúc ra về, cô nhìn tôi nhắc lại thêm lần nữa “Mai cháu nhớ sang sớm để cô mừng tuổi nhé”. Tôi chưa hiểu ý nghĩa xông nhà như thế nào, đứng đực mặt ra. Hiểu ý tôi, cha liền giải thích như muốn nhồi nhét vào đầu “Xông nhà hay còn gọi là đạp đất, người bước chân vào nhà đầu tiên của năm mới là người xông nhà”. Sau này tôi mới biết người ta quan niệm, năm mới người nào vía tốt đến xông nhà sẽ làm ăn phát đạt, nếu ai vía xấu là cả năm xui xẻo. Cha tôi dặn thêm “Sáng mùng một thức dậy con rửa mặt mũi xong mặc bộ quần áo mới mẹ mua, rồi chạy sang xông nhà cho cô nhé! Trước khi bước chân vào cửa ngõ con nói thật to “Đầu xuân năm mới cháu chúc gia đình cô năm nay khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, vạn sự như ý, tỷ sự như mơ…”. Tôi chợt nhớ lời cô dặn, khi sang xông nhà được mừng tuổi làm tôi càng háo hức thêm.

Tối hôm đó mẹ tôi ngồi canh nồi bánh chưng, tôi lân la sà vào lòng mẹ thủ thỉ “Nhà mình năm nay nấu nhiều bánh chưng không mẹ?”. Mẹ tôi bảo “Chỉ có sáu chiếc để thờ tổ tiên thôi, còn lại là của các bác, các chú nhờ mẹ nấu giúp”. Rồi mẹ kể cho tôi nghe về sự tích bánh chưng, bánh dầy, bánh téc và các phong tục tập quán ngày tết của từng miền quê. Tôi thích thú đăm chiêu nghe mẹ kể. Sau này mới hiểu, từ xa xưa ông cha ta đã có quan niệm rằng, ngày đầu xuân là ngày thiêng liêng nhất trong một năm, nên mới có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, đó là sự bày tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ, sự biết ơn những người lái đò đã dạy dỗ, dìu dắt và truyền thụ tri thức cho học trò chắp cánh những ước mơ…

Trưa ba mươi Tết, nhà tôi tổ chức bữa cơm tất niên cuối năm. Cô dì chú bác anh em con cháu họ hàng có mặt đông đủ. Người đến thì mang con gà, người thì mang chai rượu, thẻ hương, người thì cặp bánh chưng, con cá… Mẹ bảo cha tôi là trưởng họ nên cô dì, chú bác mang lễ vật đến góp để cúng tổ tiên. Tôi nhẩm tính Tết này trong nhà có khoảng bốn đến năm con gà, gần chục đồng bánh chưng và bốn đến năm cây giò gì đó… tha hồ mà ăn Tết. Bữa cơm tất niên hôm đó thật đầm ấm, các mâm cỗ nhà tôi bầy ra chật cứng các món ăn nào là thịt, xôi, dò, cá… vậy mà tan cỗ trong mâm sạch bách chẳng còn thứ gì, chúng tôi được một bữa no nê thỏa thích.

Tối ba mươi Tết, mẹ tôi nấu một nồi cơm nếp, luộc một con gà trống và nấu một nồi chè đậu đen để cúng tổ tiên đêm giao thừa. Tôi buồn ngủ quá đành lên giường đánh một giấc, mãi đến khi nghe tiếng pháo nổ đùng đoàng ở ngoài sân mới vội vàng bật dậy chạy ra xem anh trai đốt pháo, tiếng pháo trong làng mỗi lúc nổ dồn dập. Chú cún con nhà tôi sợ quá chạy vòng quanh sân gâu gâu mấy tiếng rồi cụp đuôi chui vào gầm giường nằm im thin thít

Ngày mùng một Tết, tôi loanh quanh ở ngõ xóm xem anh trai chơi đáo ăn tiền. Hôm ấy có lẽ anh được nhiều, thấy túi quần rất căng. Sáng mùng hai Tết mẹ dắt tôi đi thăm chúc tết nhà bà con trong dòng họ, niềm vui mừng trong khôn xiết thật khó tả. Vui bởi được các ông bà, cô dì, chú bác, các anh, các chị thay nhau mừng tuổi để cả năm được may mắn. Tiền mừng tuổi tôi đưa hết cho mẹ cất giữ, mẹ bảo để sau này mua quần áo và các đồ dùng học tập cho tôi. Ngày mùng ba Tết chị gái dắt tôi đi xem các trò chơi dân gian ở sân làng tổ chức gồm có: đu quay, nhảy bao bố, ném vòng cổ chai, bịt mắt bắt vịt, kéo co, chọi gà… không khí ngày xuân quê tôi ấm áp vô cùng

Nhân dịp xâm Canh Tý năm 2020 cha tôi tròn chín mươi lăm tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm. Tuổi như cụ trong làng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Con cháu trong gia đình, dòng họ và cả làng Thuần Hậu vui mừng tổ chức lễ thượng thượng thọ bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các bậc sinh thành, người đã có công xây dựng làng quê. Cũng đã lâu lắm rồi nay tôi mới được trở về vui Tết quê hương, nơi đã từng “chôn nhau cắt rốn”, nơi đã chắp cách ước mơ tuổi thơ. Xuân quê tôi vẫn ấm áp tình người son sắt thủy chung, chỉ khác xưa là chất lượng cuộc sống nay nhiều đổi mới, đường làng, ngõ xóm, nhà cửa khang trang, bởi được khoác trên mình chiếc áo “nông thôn mới”. Chỉ tiếc rằng những trò chơi dân gian nay không còn nữa, có lẽ ký ức của bọn trẻ thời 4.0 sau này sẽ khác xưa.

Thấm thoát đã gần bốn mươi năm, nhưng ký ức về tết quê hương xuân Tân Dậu ngày nào trong tôi vẫn còn nguyên vẹn. Ký ức Tết tuổi thơ một thời biết bao kỷ niệm nơi vùng quê nghèo khó nhưng sâu nặng nghĩa tình. Và mỗi khi mùa xuân về, miền quê ấy luôn tự tin lạc quan khoác lên mình chiếc áo “mùa xuân” rực rỡ, ấm áp chân chất thôn quê. Không khí bữa cơm tất niên thật ấm cúng, cái cảm giác thiêng liêng trong giờ phút đón giao thừa thắp nén hương thơm dâng lên tổ tiên bày tỏ lòng thành kính. Và bức tranh toàn cảnh những trò chơi dân gian vui nhộn, nồng ấm sắc xuân, tình làng, nghĩa xóm sau một năm đồng áng vất vẫn còn vương vấn đâu đây!

P.H.S