Ký ức về ba người thầy – Ba nhân cách lớn

835

Trần Ngọc Tuấn  

(Vanchuongphuongnam.vn) – Kỷ niệm 20-11 năm nay, tôi lại nhớ về những người thầy lớn là những nhân cách lớn. dù họ đã quá cố nhưng tấm gương sáng về học thuật và nhân cách của các thầy như vẫn còn tỏa sáng đâu đây. Đó là ba người thầy: GS NGND Lê Trí Viễn, GS NGND Hoàng Như Mai và GS Ngô Gia Hy. Dù có người tôi không trực tiếp được học, mà chỉ qua tiếp xúc, qua công việc nhưng tâm huyết của họ để lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ…

Tác giả Trần Ngọc Tuấn

Thầy Lê Trí Viễn – “Duyên phận” với Truyện Kiều!

Tên tuổi và những cuốn sách của GS NGND Lê Trí Viễn đã khiến tôi mến phục và thầm ước ao được diện kiến thầy từ khi còn ở trường phổ thông.

 

Tôi vào đại học thì thầy Viễn, giảng viên ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, mới vừa nghỉ hưu (1992). Mặc dù đã về hưu nhưng thầy vẫn thường xuyên lui tới khoa Văn, thầy dạy một số chuyên đề về văn học Việt Nam và làm công tác đào tạo sau đại học. Thầy Viễn rất được các giảng viên và sinh viên trong trường yêu mến, kính trọng. Ngoài gần 50 công trình học thuật, những bài giảng của thầy được tập hợp và đưa vào cuốn sách Những bài giảng văn ở đại học (1982)Sau này ra trường, đi dạy, dù đọc khá nhiều sách tham khảo, tôi vẫn thấy những bài giảng của thầy rõ ràng, súc tích, kiến thức thật uyên thâm.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn

Nhắc đến thầy Viễn, không thể không nhắc đến Truyện Kiều, giống như là “sinh mệnh” đời văn của thầy vậy. Bởi lẽ, thầy là người bình Kiều rất hay. Thầy có sự đồng cảm sâu sắc, xem như mình là “người trong cuộc” với Tố Như (tên chữ của Nguyễn Du), với Thúy Kiều. Mà bài thơ Đêm ấy đêm này thầy đã bộc bạch tâm sự:

    Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
    Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
    Anh đến với em đêm thần tiên ấy
    Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men…

Bài thơ này hầu hết sinh viên văn khoa thời ấy đều thuộc. Sau này, lúc thầy về sáng lập và làm hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, tôi có viết bài thơ đăng trên báo ngành để tặng thầy nhân ngày lễ nhà giáo, trong đó có mấy câu:

   Có chắc gì đâu khi cụ Nguyễn viết Kiều
   Ba trăm năm sau, ai người khóc mình, lòng còn trăn trở?
   Thân mười lăm năm nổi trôi, Kiều còn bao tâm sự
   Ai hiểu bằng người trong cuộc với nhau!
   Đau lắm Tố Như ơi: Kiều nát thịt, thân nhàu
   Cả thời đại nghiêng, đổ thân nàng xuống mồ Tiền Đường tang tóc!
   Tuy người trước người sau, nhưng cùng nỗi đau, đã có ngày gặp mặt:
   Hể hả cười giữa phiên tòa báo oán, báo ân!

Có một kỷ niệm về thầy làm tôi nhớ mãi. Đó là một lần thầy làm chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ cho một nghiên cứu sinh về đề tài văn học trung đại Việt Nam. Khi thầy nhận xét, thầy đã cầm ngược đầu micro. Trong hội đồng không ai muốn nhắc thầy vì thấy thầy say sưa quá, sợ làm mất sự hứng thú của thầy. Mặc dù thế, song giọng thầy vẫn khỏe chắc, người nghe vẫn bị lôi cuốn, hấp dẫn với gần 20 phút đồng hồ!

Thầy Hoàng Như Mai – Một người thầy nghệ sĩ!

Tôi được may mắn gắn bó với GS NGND Hoàng Như Mai gần 6 năm. Lúc đó thầy là hiệu trưởng Trường Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) vừa mới thành lập. Mến thầy, tôi có câu đối viết tặng thầy:
Hơn nửa thế kỷ: mài chân xuống đá, đá mòn, dạ chẳng mài mòn
Gần một đời người: lặn lội kiếm tìm, tóc trắng, mắt còn đăm đắm.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như

Ai tiếp xúc với thầy Mai hẳn sẽ có ấn tượng đầu tiên là mái tóc bạc trắng, ánh mắt tìm tòi, giọng nói rắn rỏi, dứt khoát, giàu âm vang, đầy nhiệt huyết. Thầy là người hoạt động khá rộng, từ nghiên cứu, giảng dạy, viết báo, đến nói chuyện chuyên đề văn hóa, giáo dục… Đến thăm thầy sinh thời, tôi bị thuyết phục bởi sức làm việc không biết mệt mỏi của thầy. Trong một gian phòng đầy sách (hơn 2.200 đầu sách), trên chiếc bàn làm việc với ngổn ngang tài liệu, cùng một lúc có đến ba bốn bài báo, bài nghiên cứu đang viết dở. Chính thầy đã truyền cảm hứng và nhiều lần khuyên tôi viết bài. Tôi trưởng thành hơn về viết lách từ những lời khuyên ấy.

Được hầu chuyện với thầy, tôi mới cảm hết sự nhiệt huyết, nhân cách và trách nhiệm của một trong những người đi đầu ngành giáo dục nước nhà. Thầy kể, có lần, thầy làm nhiệm vụ đại diện để tiếp một phái đoàn người Pháp sang Việt Nam tìm hiểu về giáo dục. Khi họ thắc mắc sao sách giáo khoa văn học Việt Nam viết nhiều về nội dung kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thầy đã trả lời: “Đất nước chúng tôi vừa trải qua chiến tranh, chúng tôi phải dạy cho thế hệ con cháu biết tự hào về cha ông, về dân tộc…”.

Với thầy Mai, tôi tâm đắc nhất hai câu thơ lục bát này trong một bài thơ:

Cảm ơn anh lại chơi nhà
Nhưng quên nhau ấy mới là tương tri!

Nó bàng bạc một chút gì đó về sự lịch lãm, từng trải, nhuốm màu sắc thế sự, đượm chất nhân văn của một cốt cách nghệ sĩ nơi thầy.

Thầy Ngô Gia Hy – Một bác sĩ nhiều tâm huyết về giáo dục!

Cơ duyên tôi được gặp và được trò chuyện với GS Ngô Gia Hy không phải với tính cách một bác sĩ danh tiếng, “tác giả” của ca mổ tách cặp song sinh Việt – Đức tại bệnh viện Từ Dũ (4.10.1988), mà là một nhà giáo dục đầy nhiệt tâm. Lúc đó thầy là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học dân lập Hùng Vương (từ năm 1995 – 2000). Dưới sự dẫn dắt của thầy, có thể nói, Trường Đại học Hùng Vương trước đây từng là một trong số những trường điển hình cho sự thành công của mô hình đại học dân lập, mô hình của trường đại học không lợi nhuận. Trong đó, không thể không kể đến một sáng kiến tiên phong, có tính đột phá mà chưa có trường đại học nào ở Việt Nam đưa vào áp dụng. Đó là buộc sinh viên năm thứ nhất, khi mới nhập học vào trường, phải học bộ môn với tính chất như phương pháp tự học, gọi là “Phương pháp tự lượng giá kiến thức”. Đây là một “sáng kiến” của lãnh đạo nhà trường, mà người đứng đầu là thầy Ngô Gia Hy.

Giáo sư Ngô Gia Hy

Thế là tòa soạn một tờ báo mà tôi cộng tác lúc ấy điều tôi đến để xin viết đề tài này. Khi tôi đến, thầy Hy bảo tôi ngồi đợi và cho người lấy ý kiến của sinh viên. Chỉ khoảng 30 phút sau, thầy đưa cho tôi một xấp khá dày ý kiến, cảm nghĩ của sinh viên về bộ môn học. Thầy cho địa chỉ nhà và hẹn tôi sáng mai, 8 giờ, gặp để trao đổi.

Đúng 8 giờ sáng hôm sau, tôi lần đến nhà thầy ở số 92 đường Trần Huy Liệu, Q. Phú Nhuận, TP.HCM. Ấn tượng đầu tiên về nơi thầy ở là con đường từ cổng dẫn vào đến sân nhà, một lối đi giữa đầy hoa thơm mát. Một chiếc bàn giản dị đặt dưới bóng mát cây xanh trong sân vườn, bình trà lài ngào ngạt, phong thái ung dung của một hiền triết phương Đông, thầy đã truyền giảng cho tôi ghi về tâm huyết đổi mới giáo dục, đổi mới cách học đại học của thầy trong hơn hai tiếng đồng hồ…

Bây giờ mỗi lần đi ngang số nhà 92 ấy, thấy cửa đóng then cài, đất đầy cỏ dại… vì lâu rồi không ai ở, lòng lại nao nao nhớ về một người thầy với một nhân cách lớn!