“Ký Việt Nam đương đại”(*) – Một đóng góp mới cho nghiên cứu lý luận, phê bình văn học

1180

                                                        Nguyễn Đình Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong bức tranh văn xuôi đương đại sau năm 1975, ký Việt Nam có nhiều thành tựu nổi bật, góp phần làm sôi động đời sống văn học nói chung văn xuôi nói riêng, đặc biệt là từ khi có xu trào đổi mới. Ký được xem như là thể loại xung kích của văn xuôi, hấp dẫn bạn đọc bởi tính thời sự, bám sát hiện thực đời sống, có khả năng bộc lộ trực tiếp cảm xúc, suy tư của người viết. Những thành tựu đóng góp của thể ký giai đoạn này tuy đã được giới nghiên cứu khảo sát đánh giá trên nhiều phương diện, tuy nhiên vẫn cần thiết có thêm những công trình nghiên cứu đánh giá có hệ thống về những thành tựu, sự vận động của ký Việt Nam đương đại đặt trong bối cảnh vận động chung của văn xuôi Việt Nam sau năm 1975.

Tác phẩm Ký Việt Nam đương đại

Công trình nghiên cứu văn học: “Ký Việt Nam đương đại” do PGS – TS Đinh Trí Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội LH Văn học Nghệ thuật Nghệ An chủ biên và Nhà báo Phạm Thùy Vinh – Tổng biên tập tạp chí Sông Lam, các nhà nghiên cứu  Hà Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Cao Thị Anh Tú phối hợp biên soạn được Nhà xuất bản Đại học Vinh ấn hành cuối tháng 7 năm 2020 là sự lý giải khá thỏa đáng về mặt lý luận văn học cũng như về thực tiễn sáng tác  và lý do vì sao có  sự phát triển vượt bậc thể ký trong giai đoạn này.

Công trình nghiên cứu lý luận văn học này có độ dày trên 400 trang. Gồm có 5 chương, với 2 phần nội dung.

Phần thứ nhất: Gồm Chương 1 và  2:  Tổng quan về ký Việt Nam đương đại; Sự tương tác, giao thoa  thể loại của ký Việt Nam đương đại.

Phần thứ hai; Gồm chương  3,  4,  5,  6:

Chương 3: Hồi ký Việt Nam đương đại

Chương 4: Tản văn Việt Nam đương đại.

Chương 5: Du ký Việt Nam đương đại.

Chương 6: Chân dung văn học Việt Nam đương đại.

Trong phần thứ nhất: “Tổng quan về ký đương đại Việt Nam”;  và “Sự tương tác, giao thoa thể loại của ký Việt Nam đương đại” các tác giả công trình nghiên cứu “Ký Việt Nam đương đại” đã làm sáng tỏ các vấn đề sau:

Xác định giới hạn thời gian, không gian nghiên cứu của “Ký Việt Nam đương đại” là nghiên cứu thể ký Việt Nam thuộc giai đoạn từ 1975 đến nay. Giai đoạn này được gọi là đương đại. Trong đó có khoảng thời gian đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 1986 đến nay, khi công cuộc đổi mới được Đảng phát động và công cuộc đổi mới đã tạo cho văn học (trong đó có thể ký) có thêm sự khởi sắc, ngày càng đa dạng phong phú, thực sự hội nhập với văn học thế giới.

Vấn đề thứ hai trong Chương 1, 2 được các nhà nghiên cứu “Ký Việt Nam đương đại” đề cập đến là các tác giả của công trình nghiên cứu đã đưa ra một số ý kiến của các nhà lý luận văn học Việt Nam trong các công trình lý luận văn học trước đó còn có sự khác nhau về việc xác định khái niệm thể ký mà nhóm tác giả  biên soạn “Ký Việt Nam đương đại” do PGS – TS Đinh Trí Dũng chủ biên, cho rằng cần phải được trao đổi thêm. Đó là các ý kiến:

Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) cho rằng: “Ký là lại hình trung gian nằm giữa báo chí và văn học gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự như bút ký, hồi ký, du ký, phóng sự, ký sự, nhật ký”. Đối tượng  nhận thức của thể ký thường là “Một trạng thái tồn tại của con người hoặc một vấn đề xã hội nóng bỏng”.

Trong 150 thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân cho rằng: Ký là một thể tài nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học (báo chí, ghi chép).

Lý luận văn học của Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình – NXB  Giáo dục 2006, xác định ký có 3 đặc điểm chính:

 1- Một loại văn tự. 2- Trần thuật người thật việc thật. 3- Ký văn học có thể hư cấu nhưng nói chung là ít và thường ở những thành phần không xác định và với mục đích góp phần tái hiện  lại một cách xác thực người thật việc thật. Theo các tác giả này ký có các thể loại phổ biến như phóng sự, ký sự, hồi ký, truyện ký, bút ký… nhưng lại gạt ra ngoài không bao hàm tùy bút và bút  ký chính luận”.  

Hoàng Ngọc Hiến  trong cuốn “Năm bài giảng về thể loại” có viết: Ký là một thuật ngữ để gọi tên một thể lại văn học bao trùm nhiều “thể”  hoặc “Tiểu loại”: Bút ký, hồi ký, du ký, chính luận, phóng sự, tùy bút, tản văn, tạp văn…”

Các tác giả “Ký Việt Nam đương đại” (PGS – TS Đinh Trí Dũng, Phạm Thùy Vinh, Hà Kim Phượng, Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Cao Thị annh Tú – NXB Đại học Vinh – 2020) cho rằng: “Không nên giản đơn gạt hẳn tùy bút  và bút ký chính luận ra khỏi đại gia đình ký” và bằng việc phân tích thực tiễn có sự giao thoa giữa thể ký với các thể loại văn học khác và sự giao thoa giữa các tiểu thể loại của ký Việt Nam thời đương đại với nhau và bước phát triển mới của ký thời đương đại, các tác giả “Ký Việt Nam đương đại” khẳng định ký là một loại thể văn học. Thể ký bao gồm các thể/tiểu loại sau: Ký sự, Phóng sự, Nhật ký, Hồi ký, Bút ký, Tùy bút, Du ký, Tản văn/Tạp văn, Chân dung văn học.

Bàn về sự giao thoa giữa các thể loại, “Ký Việt Nam đương đại” nêu rõ:

“Lý luận văn học thường chia ra ba loại  trong văn chương là tự sự, trữ tình và kịch. Tuy nhiên trên thực tế sáng tác, ranh giới giữa chúng không bao giờ rõ ràng. Giao thoa thể loại là một thực tế tồn tại từ xưa đến nay trong đời sống văn chương, đó là hiện tượng các thể loại “Xâm nhập lẫn nhau”, “Thu hút nhau”, “Hợp nhất vào nhau” để tạo ra những hình thức thể loại mới. Chính sự giao thoa này đã góp phần làm cho đời sống văn học trở nên đa dạng phong phú”… “Ký và sự giao thoa giữa các thể/tiểu loại ký văn học phát triển mạnh và mang những đặc điểm, biến đổi và giao thoa thể loại độc đáo. Ngoài ra giữa ký và các thể loại văn học khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ cũng có sự thâm nhập các đặc trưng của nhau, về phương diện này các công trình nghiên cứu về ký đương đại còn ít quan tâm. Cuốn sách này mong muốn góp phần làm rõ sự tương tác giao thoa thể loại – Một biểu hiện của hiện tượng mở rộng dường biên thể loại nhằm gia tăng khả năng phản ánh hiện thực và thể hiện những vấn đề nhân sinh”. Nhóm tác giả  “Ký Việt Nam đương đại” còn đưa ra  khá nhiều dẫn chứng để phân tích làm rõ:

Sự tương tác giao thoa giũa ký và các thể loại: Giữa ký và tiểu thuyết; Giữa ký và thơ.

Sự tương tác, giao thoa giữa các thể /tiểu loại của ký: Giữa ký sự, bút ký, du ký; Giữa tản văn, tạp văn, tùy bút; Giữa ký sự, hồi ký và chân dung văn học.

Một vấn đề khác có tính chất lý luận văn học mà “Ký Việt Nam đương đại” cũng đã giải quyết một cách khá thuyết phục. Đó là khi đã khẳng định Tản văn là một trong những tiểu loại của ký, thì sẽ có một sự cấn mắc nằm trong nội bộ thể tản văn: Tại sao các tác phẩm có sự tương đồng nhau về phương thức biểu đạt nhưng có nhà văn gọi là tản văn, có người gọi là tạp văn, lại có người gọi đặt cho tiểu loại này một cái tên khác? Cụ thể: “Ngay cách định danh trên các tác phẩm nhà văn cũng rất tùy hứng: Với Nguyễn Khải được gọi là tạp văn; với Tô Hoài, Mạc Can được gọi là tạp bút; với Hoàng Phủ Ngọc Tường được gọi là nhàn đàm, tùy bút; với Y Phương, Nguyễn Quang Thiều thì gọi là tản văn; với Nguyễn Ngọc Tư khi thì tản văn khi thì gọi là tạp văn...”. Các tác giả của “Ký Việt Nam đương đại” cho rằng Tạp văn là khái niệm bao trùm, trong Tạp văn có Tản văn….

Ngoài những vấn đề mang tính Lý luận văn học cần được thống nhất và được xác lập thêm như đã trình bày ở trên, trong  Chương 1 và 2, “Ký Việt Nam đương đại” còn phân tích và làm sáng tỏ  thêm một loạt nội dung như sau của ký Việt Nam đương đại:

Sự vận động của ký Việt Nam đương đại: Khi đề cập tới sự vận động phát triển của ký Việt Nam đương đại các tác giả đã chỉ rõ bối cảnh xã hội của thời kỳ này đã có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của thể loại ký:

“Bối cảnh lịch sử – xã hội – văn hóa tác động đến sự vận động của ký Việt Nam đương đại lại trở nên thường trực và mạnh mẽ đến vậy. Và để biểu đạt khái niệm này không gì tốt hơn, trực diện hơn bằng/qua thể loại ký (Đời sống chính trị xã hộị; Đời sống văn học)”.

Các chặng đường vận động của ký Việt Nam đương đại:

Có 3 thời kỳ: Thời kỳ 1 từ  1975 đến 1985; Thời kỳ 2 từ 1986 đến năm 2000; Thời kỳ thứ 3: Từ 2000 đến nay. Trong 3 thời kỳ đó thì thời kỳ thứ 2 là thời kỳ đặc biệt nhất: Thời kỳ thứ 2 này  là thời kỳ đã tạo nên sự phát triển của ký: “Chưa bao giờ trên quy mô thể chế xã hội và ở các cá nhân riêng rẻ, nhu cầu xây dựng và thực thi tinh thần dân chủ lại diễn ra mạnh mẽ đến thế”… “Dù mới phục hưng nhưng những bước đột phá mạnh mẽ tiên phong của phóng sự mở đầu cho hành trình đổi mới văn học. Số phận con người trong hành trình đi tìm công lý số phận của con người trước sự nghiệt ngã của hoàn cảnh là mảng hiện thực được thể hiện thành công trong phóng sự đầu giai đoạn đương đại. Từ năm 1986, phóng sự có cái nhìn đa chiều hơn về hiện thực… Trong đó số phận con người đặc biệt là số phận người lính thời hậu chiến”; Từ 1986-2000: “Chưa bao giờ  trên quy mô thể chế xã hội và ở các cá nhân riêng rẻ, nhu cầu xây dựng và thực thi tinh thần dân chủ được đặt ra…”, “Dù mới phục hưng nhưng những bước đột phá mạnh mẽ tiên phong của phóng sự mở đầu cho hành trình đổi mới văn học. Số phận con người trong hành trình đi tìm công lý số phận của con người trước sự nghiệt ngã của hoàn cảnh là mảng hiện thực đựơc thể hiện thành công trong phóng sự đầu giai đoạn đương đại. Từ năm 1986, phóng sự có cái nhìn đa chiều hơn về hiện thực… Trong đó số  phận con người đặc biệt là số phận người lính thời hậu chiến”. Thời kỳ 3: Từ 2000 đến nay: “Phóng sự có sự bùng nổ về số lượng. Có thể nói khó có thể sự phận loại rạch ròi đâu là phóng sự, ký sự báo chí, đâu là phóng sự ký sự văn chương. Một hiện tượng cũng được dư luận chú ý là sự xuất hiện trở lại  của nhiều tác phẩm trong đó có tản văn được viết bởi các nhà văn trước đây được xem là “có vấn đề” đang sống và sáng tác ở hải ngoại do các nhà xuất bản trong nước thực hiện. Có thể kể đến “Quê hương tôi” (Tùy bút) của  Võ Phiến, NXB Thời đại  2012. Tùy bút tuyển chọn của Du Tử Lê, NXB Hội Nhà văn 2015. Có thể xem đây là hai cây bút viết tùy bút xuất sắc của Việt Nam”... “Sau năm 2000 sự bùng nổ của du ký thế hệ 8x, 9x có thể xem là hiện tượng đặc biệt của ký. Trong hơn một thập kỷ trở lại đây cùng với sự phát triển của xu hướng hội nhập quốc tế  truyền thông và mạng xã hội du ký đang trở thành thể loại văn học có sức hấp dẫn bậc nhất  đối với  bạn đọc trẻ”.

Đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức của ký Việt Nam đương đại: Các đặc điểm nổi bật đó là:

“Cái tôi nhập cuộc mạnh mẽ trong mối quan hệ nhiều chiều với hiện thực…”.

Bút pháp đa dạng (bút pháp hiện thực, bút pháp trữ tình, bút pháp nghiên cứu khảo cứu).

Kết cấu của ký linh hoạt (kết cấu theo dòng sự kiện; kết cấu theo dòng hồi ức liên tưởng). Giọng điệu, ngôn từ đa thanh, nhiều sắc thái, ngôn từ có sự đan xen phối hợp.

Ký sau 1975 hết sức đa dạng: Các nhà văn có thể kết hợp cả bút ký và hồi ký, hồi ký và du ký, hồi ký và chân dung văn học, có thể xen thư từ, tài liệu ghi chép phỏng vấn. Tóm lại sau năm 1975 đặc biệt là sau 1986 thể loại ký có sự bùng nổ về số lượng, đồng thời ngày càng tạo được sự chú ý của giới chuyên môn của bạn đọc.

Phần thứ hai: Các chương 3, 4, 5, 6

Tập trung giới thiệu và phân tích một số tác giả và một số tác phẩm tiêu biểu của họ từ năm 1975 đến nay ở các thể loại: Hồi ký, Tản văn, Du ký, Chân dung văn học. Do công trình nghiên cứu về thể ký cho nên các Chương này của “Ký Việt Nam đương đại” cũng chỉ dừng lại giới thiệu và phân tích các tác phẩm ký (Hồi ký, Tản văn, Du ký, Chân dung văn học) của các tác giả có nhiều sáng tác ký thành công được độc giả chú ý như Tô Hoài,  Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Đỗ Phấn. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vương Khả Sơn, Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Nguyên Ngọc, Băng Sơn, Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân, Nguyễn Việt Hà, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Quang Lập, Huyền Chíp… Nghiên cứu  sự tương tác giữa thể loại ký với một số thể oại văn học khác và bản thân sự tương tác gữa các thể loại/tiểu ký không bao hàm việc xem xét tương tác phẩm ký với các “Môi sinh văn hóa” rộng hơn như hoạt động báo chí sự phát triển của internet và không gian mạng. Cái đáng ghi nhận về nội dung học thuật trong các chương 3, 4, 5, 6 của “Ký Việt Nam đương đại” là đã đưa ra các khái niệm khá chuẩn xác về các tiểu loại ký. Theo các nhà nghiên cứu của “Ký Việt Nam đương đại” thì các khái niệm về các tiểu loại ký được xác định  ngắn gọn như sau:

Về Hồi ký Việt Nam đương đại:

Hồi ký là một thể loại thuộc loại hình ký, kể lại những biến cố xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến.

Hồi ký xuất hiện tương đối muộn vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX. Cho dến sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt sau năm 1986 hồi ký mới thực sự bùng nổ và gặt hái được nhiều thành tựu.

Về Tản văn đương đại

Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc có thể  trữ tình, tự sự, nghị luận miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật hoàn chỉnh. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất khám phá, không nhất thiết đòi hỏi cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn  tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lọ trực tiếp tình cảm, ý nghĩa  mang đậm bản sắc cá tính của tác giả.

Du ký Việt Nam đương đại:

Du ký là một thể tài mang tính phức hợp, luôn nằm trên những đường biên đặc biệt giữa văn học và phi văn học, giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa làn ranh của các tiểu loại tản văn, tùy bút, nhật ký, hồi ký… độ mờ nhòe trong việc xác định bản chất thể loại cộng với tính linh hoạt trong lựa chọn phương thức phản ánh đã chứng minh du ký là một thực thể văn học đầy sống động. Đó là một thể tài vẫn còn trong quá trình định hình và phát triển mà việc nhận diện và kiến giải nó luôn là thách thức thú vị đối với cả giới nghiên cứu phê bình và tiếp nhận.

Chân dung văn học:

Chân dung văn học theo nghĩa hẹp là một thể tài xuất phát từ chất liệu sáng tác là tiểu sử, cuộc đời của nhà văn, có mục đích hướng tới là dựng nên “Gương mặt tinh thần” độc đáo, đánh giá về vị trí, vai trò đóng góp nhà văn đối với nền văn học.

Theo nghĩa rộng chân dung văn học có thể viết về cuộc đời, sự nghiệp của giới văn nghệ sỹ nói chung (nhà văn, họa sỹ, nhạc sỹ, nhà điêu khắc, đạo diễn điện ảnh…). Về thể loại chân dung văn học có tính hợp thể, có sự kết hợp độc đáo giữa ký, truyện danh nhân và phê bình văn học.

Cùng với việc đưa ra các khái niệm của một số thể ký cơ bản: Hồi ký, Tản văn, Du ký, Chân dung văn học, các Chương 3, 4, 5, 6 của “Ký Việt Nam đương đại” còn phân tích làm rõ: Sự vận động phát triển, thành tựu; Đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật của các tiểu loại ký ở trên…

Đọc xong hơn 400 trang sách của “Ký Việt Nam đương đại” người đọc có thể hình dung ra được bức tranh toàn cảnh về sự phát triển và sự đóng góp của thể loại ký cho sự phát triển của nền văn học nước nhà từ 1975 đến nay. Cuốn sách sẽ giúp cho những người làm công tác Nghiên cứu, Phê bình văn học đến thời điểm này, sẽ không còn băn khoăn về sự thiếu rạch ròi giữa  ký và các tiểu thể của ký và các thể loại khác của văn học trong sự định danh thể loại của văn học Việt Nam. Chúng tôi cho rằng: “Ký Việt Nam đương đại” là một đóng góp mới đáng ghi nhận cho bước phát triển mới của hoạt động Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình văn học của PGS – TS Đinh Trí Dũng, nhà báo Phạm Thùy Vinh cùng các nhà nghiên cứu văn học Hà Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Cao Thị Anh Tú.

Vinh tháng 6 năm 2021

N.Đ.A 

(*) Ký Việt Nam đương đại – PGS – TS Đinh Trí Dũng, nhà báo Phạm Thùy Vinh cùng các nhà nghiên cứu văn học Hà Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Cao Thị Anh Tú – NXB Đại học Vinh năm 2020.