Lá bồ đề – Truyện ngắn của Lại Văn Long

601

(Kẻ sát nhân trở về)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tháng 5 – 2012, sau 22 năm thụ án chung thân về tội giết người, hắn được đặc xá, trả tự do.

Nhà văn Lại Văn Long

Trước cơ quan điều tra cũng như ngày ra tòa, hắn kiên quyết không nhận tội sát nhân, một mực cho rằng việc xả súng làm chết một người, bị thương bốn người ở Villa pensée (Trong tiếng Pháp pensée: tư tưởng) là hành động… đấu tranh giai cấp! Hắn tự nhận mình là “sản phẩm hoàn hảo” của nền giáo dục căm thù bóc lột và nuôi ý chí xóa bỏ áp bức bất công. Cơ quan ngôn luận trong nước đồng loạt gọi hắn là “Kẻ sát nhân lương thiện”, trong khi đài báo Việt ngữ lưu vong nguyền rủa hắn là “kẻ thù ý thức hệ”. Có hãng thông tấn nước ngoài đưa ra câu hỏi gay gắt: “Các ông tuyên bố đổi mới, kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc, tại sao bênh vực cho hung thủ bắn vào Việt kiều?” Luật sư bào chữa cho hắn thản nhiên đáp lại: “Thân chủ của tôi không bắn vào Việt kiều, anh ấy chỉ bắn vào áp bức bất công!”

Cuối cùng bản án dung hòa cũng được tuyên: “Bị cáo đã sử dụng chất kích thích (rượu) nên không làm chủ được mình. Hơn nữa bị hại Lâm Quang Vinh có một phần lỗi là đã hành hung bị cáo trước. Vì vậy tuyên phạt bị cáo tù chung thân về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động…”

***

8 giờ, chiếc xe tải mui bạt với ba hàng ghế gỗ, chở ba mươi bảy con người vừa được trả lại quyền công dân, từ từ ra khỏi cổng trại giam. Hai cánh cửa thép to lớn khép lại, tất cả bỗng òa khóc. Khóc vì tự do!

Năm mươi cây số từ cổng trại ra đến quốc lộ IA đã thay đổi nhiều quá. Ngày hắn đi vào chỉ là con đường đất với làng mạc thưa thớt xen kẽ những bãi hoang, rừng rậm. Nay nhà cửa san sát nhau như phố cùng những thị trấn sầm uất. Người ta vào, ra trên con đường này bằng xe máy chỉ mất cỡ hai giờ đồng hồ, còn hắn mất… hai mươi hai năm! Khi đi vào là một thanh niên tuổi ba mươi cường tráng, nghĩa khí. Lúc quay ra đã năm mươi ba tuổi ốm yếu, già nua, cam chịu. Ngày bố hắn trở về, cũng trạc tuổi hắn bây giờ. Ông không chỉ là trung tá trung đoàn trưởng có xe com măng ca, tài xế, cận vệ riêng, mà còn có cả hào quang của chiến thắng rúng động thế giới. Còn hắn trở về trên chuyến xe của trại giam với tư cách ghê sợ là hung thủ một vụ thảm sát trong quá khứ. Cha con hắn cùng thực hiện đấu tranh giai cấp. Nhưng sao cha hắn trở về trong vinh quang, còn hắn bị coi là tên tội phạm hình sự kinh khủng trong hệ thống pháp luật của một nhà nước được hình thành từ đấu tranh giai cấp?

***

Ngày hắn bị bắt, bố mẹ vẫn tá túc trong gian chuồng ngựa phía sau Villa pensée. Ông, bà Trương Văn Sửu ngã quỵ bên chiếc xe đạp thồ mấy bao cỏ ngựa khi nghe tin con trai là kẻ sát nhân. Bao nhiêu đau thương đã tan chảy thành nước mắt. Khẩu súng kỷ niệm thời chinh chiến của vị chỉ huy trung đoàn xung kích anh hùng từ Tây Nguyên đến miền duyên hải, cửa ngõ Xuân Lộc, Biên Hòa về Sài Gòn… trở thành hung khí của án mạng khủng khiếp. Cơ quan điều tra thu giữ súng trước khi mọi sự trở nên tồi tệ hơn nếu rơi vào tay vị đại tá già đang tận cùng tuyệt vọng, uất ức, đau khổ! Mẹ hắn vật vã than trách: “Sao con nóng nảy, ngây thơ thế. Ở đời làm gì có công bằng mà cầm súng đi đòi hở con!”

Đau thương nguôi dần, nhất là khi được tin con thoát án tử hình. Ông bà lại mơ về ngày đoàn tụ nên gượng dậy, tiếp tục chiến đấu với số phận. Trên mảnh đất năm trăm mét vuông ở ngoại ô vừa được cấp, ông bà đã nỗ lực, gom góp dựng lên một căn nhà đơn sơ. Cứ ba tháng vợ chồng lại dìu dắt nhau ra tận miền trung thăm con trai đang thụ án chung thân. Mười năm sau ngày con đi tù, bà mất vì đau tim ở tuổi ngoài bảy mươi, bỏ lại mình ông lặng lẽ trong căn nhà hiu quạnh. Đất nước đổi mới, lương hưu đại tá của ông tăng lên. Ông tằn tiện để mỗi năm thăm nuôi con vài lần và mỗi tháng dư vài triệu đồng gửi tiết kiệm. Ông nhẩm tính đến ngày con ra tù cũng có được căn nhà, một ít vốn liếng để nó lấy vợ, sinh con.

***

Năm thứ hai mươi trong trại giam, hắn được tin ngôi nhà ngoại ô của gia đình mình bị giải tỏa để cùng với đồi thông gần đó, trở thành khu du lịch do một tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư. Gần đến ngày ra trại, hắn nhận thư, bố cho biết đã vào trung tâm dưỡng lão. Ông đã tám mươi lăm tuổi và cứ chợp mắt là nghĩ đến ngày đoàn tụ với vợ. Điều làm ông được an ủi là có sẵn phần mộ bên cạnh vợ. Ông ước mơ được thấy con trai trở về trước khi đi hết cuộc đời này…

– Anh tìm tướng Sửu?

– Không! Đại tá Trương Văn Sửu!

– Trông anh giống cụ ấy lắm !

– Tôi là con trai cụ …

– Ồ ! Anh ra tù rồi à ? Cụ cứ nhắc anh mãi. Cụ ở khu cao cấp cùng các cụ lão thành. Ở đây người ta gọi cụ bằng “ông tướng”. Tướng do dân phong   “chuẩn”  và “thọ” như thánh!

Cô hộ lý của trại dưỡng lão đưa hắn đi theo con đường tráng xi măng rợp bóng cây. Hai bên đường là những biệt thự xinh xắn nằm giữa những vườn hoa được cắt tỉa công phu. Bước lên tam cấp tô đá rửa màu hồng ngọc, cô hộ lý đẩy cánh cửa ngôi nhà A9:

– “Ông tướng” ơi dùng cơm chưa? Có người đến thăm này, nhận ra ai không?

Trong phòng ăn nhỏ gọn có bốn cụ đang ngồi quanh chiếc bàn vuông với mâm cơm đang ăn dở dang. Ông Sửu tóc bạc trắng, mặc bộ pijama xanh nhạt, run rẩy đứng lên ôm con, miếng cơm nhai dở trào ướt sũng vai áo hắn. Ba cụ ngồi cùng bàn cũng buông đũa, khóc theo hai cha con. Cô hộ lý đứng bên cạnh la oai oái:

– Bình tĩnh, bình tĩnh nào ông tướng! Xúc động như thế huyết áp tăng là nguy!

Hắn ở với bố suốt hai tuần. Suốt ngày, hai cha con trò chuyện không chán. Cơm chiều xong lại pha ấm trà mang ra vườn vừa ngắm trăng sao vừa nói chuyện đến khuya. Cả đời ông Sửu mới được dịp tâm sự với con. Mấy hôm trước, trung tâm cho ô tô chở hai bố con đi viếng mộ cụ bà, ông sụt sùi khoe với vợ:

– Con mình về rồi, tôi đang kiện đòi nâng giá tiền đền bù. Nếu được một tỷ, nó sẽ giàu hơn vợ chồng mình ngày xưa nhiều…

Hắn thấy cay đắng trước hy vọng cuối đời của bố.

***

Ông Trần chủ tịch tỉnh cùng cậu thư ký ôm một gói quà to đến thăm ông Sửu. Sau trận kịch chiến Xuân Lộc, trung đoàn xung kích hy sinh quá nhiều nên được bổ sung hơn hai trăm tân binh vừa huấn luyện xong, trong đó có Trần khi ấy mới mười bảy tuổi. Trần khôi ngô, nói giọng Huế. Gặp Trần lần đầu khi cậu ta theo y tá lên băng bó vết thương trên vai trái cho ông, trung đoàn phó Trương Văn Sửu đã giật mình. Giữa đạn bom đinh tai và khói lửa bao trùm, bỗng có linh cảm kỳ lạ nên ông dồn dập hỏi cậu tân binh tên cha mẹ, quê quán. Hỏi để thất vọng khi biết nó không phải là đứa con trai bặt tin mà ông đang cố tìm, dù quê nó cách quê ông chỉ một cánh đồng. Cha nó cũng đi ở đợ cho nhà giàu, cũng tham gia Việt Minh như khi ông còn trẻ. Ông giữ lại Trần làm cần vụ. Cứ mỗi lần máy bay địch đến ném bom, Trần lại run lẩy bẩy ngồi ôm đầu góc hầm. Có hôm cậu còn bậy cả ra quần làm căn hầm chỉ huy khét mùi thuốc súng càng khó thở. Thiếu tá Sửu bực bội định quát vệ binh khiêng ra ngoài. Nhưng rồi ông chợt nghĩ: “Biết đâu con trai mình đang là tân binh ở một đơn vị nào đó, ai chở che cho nó?”…

Từ đó đến khi giải phóng Sài Gòn, “chiến binh” Trần chưa phải bắn một phát súng và luôn quanh quẩn sau lưng thủ trưởng cùng đội vệ binh hừng hực khí thế. Kết thúc chiến tranh, Trần vừa là lái xe cho ông Sửu vừa đi học bổ túc công nông. Trần gọi ông là “thủ trưởng”, xưng “con” và không nề hà trong việc phục vụ thủ trưởng. Sau khi Trần tốt nghiệp cấp ba, ông Sửu lúc này đã là thượng tá, phó tư lệnh sư đoàn, cho Trần vào học viện lục quân. Trước khi nối gót tổ tiên đưa sư đoàn ra Bắc đánh “giặc đồng chí”, ông ký quyết định cho Trần chuyển ngành ra làm phó giám đốc xí nghiệp khai thác lâm sản. Đồng đội của Trần lần lượt hy sinh, hoặc trở về với thân thể mất mát. Còn Trần cứ phây phây thăng quan tiến chức vì năm nào phá rừng cũng vượt chỉ tiêu. Vợ Trần là con gái bí thư tỉnh ủy. Bà chuyên kinh doanh những biệt thự chưa được hóa giá. Bà mua quá rẻ của những người có công cách mạng được cấp biệt thự rồi về chạy hợp thức hóa, bán lại mỗi căn lời vài trăm lượng vàng. Tiếng súng bắn vào áp bức bất công truyền kiếp của hắn ở Villa penseé hai mươi hai năm trước qua cơn mưa thông tin trên báo chí, đã giúp nhiều đồng đội của ông Sửu sực tỉnh. Họ bán nháo nhào hàng ngàn biệt thự tránh viễn cảnh các chủ cũ từ nước ngoài trở về đòi lại. Mấy năm gần đây Trần phu nhân lại sang Lào, Campuchia mua rừng, nhập gỗ về nên càng giàu. Có lần về địa phương giảng nghị quyết, nghe cán bộ cơ sở than nghèo kể khổ, ông Trần nổi nóng:

– Nghèo thì xin ra khỏi Đảng đi! Đảng viên mà bất tài, nghèo đói thì nói sao dân tin!

Hôm ấy có cựu chiến binh lụ khụ, đeo huân chương đầy mình, đi cái xe đạp lọc cọc đã… bật khóc!

Chủ tịch Trần bắt tay con trai ông Sửu, vui vẻ gợi chuyện:

– Ba mươi lăm năm trước chúng ta đã gặp nhau, anh còn nhớ không?

Hắn cúi mặt lí nhí đáp:

– Thưa cán bộ tôi nhớ, ngày đó cán bộ lái xe đưa ba tôi về tìm mẹ con tôi ở vùng kinh tế mới.

– Phải rồi, hồi đó tôi cũng chỉ lớn hơn anh một hai tuổi, còn thủ trưởng thì đầu đã bạc. Ngày anh đi tù, tôi cũng điện thoại gửi gắm cho anh!

– Dạ! Xin đội ơn cán bộ!

Hai mươi hai năm trong tù, hắn quen lối xưng hô của kẻ không còn quyền công dân. Chủ tịch Trần vỗ vai hắn cười xuề xòa:

– Đừng gọi tôi là cán bộ, tôi cũng là “con” của thủ trưởng như anh vậy. Không có cụ, tôi làm sao được như hôm nay. Mình là anh em!

Khi ông Trần ra về, hắn nhìn gói quà có chai rượu Tây với mấy phong bánh, hộp sô cô la, nói với bố:

– Ông ấy tốt quá ba nhỉ!

Ông cụ cười như khóc, đôi mắt già nua nhìn xa xăm:

– Ở đời nên nhìn người ta làm, đừng nghe người ta nói. Nếu nó tốt thật, ba không phải vào trại dưỡng lão và đi kiện mòn hơi. Thời này làm quan oai quyền lắm, giàu sang lắm, chứ không chỉ có mấy bộ quân phục, ít phong lương khô, cái ba lô như ba thời trước! Thế hệ của ba đã trao lại giang sơn cho lớp của Trần, nhưng chúng nó chỉ mong sớm được đọc điếu văn cho mấy ông già này để rảnh tay xây cơ đồ tư bản!

***

Năm Mậu Thân, ông Sửu chỉ huy đại đội đặc công chín mươi lăm người tấn công vào thị xã. Đến lúc rút ra chỉ còn bốn mươi bốn tay súng bị cả tiểu đoàn địch vây trên đồi thông. Sau ba ngày hai đêm cầm cự, đánh bật hơn mười cuộc tấn công của địch, lực lượng của ông chỉ còn lại bảy người hết đạn, kiệt sức, đầy thương tích. Đến đêm thứ ba chỉ còn ông và hai chiến sĩ thoát được khi du kích địa phương đến hỗ trợ mở đường máu. Về đến căn cứ ông ngất đi bởi sáu vết thương nặng trên người và hơn một ngày nhịn đói, khát… Mảnh đất năm trăm mét vuông ông được cấp vào đầu năm 1989 nằm cạnh khu đồi thiêng vẫn còn xương cốt của bốn mươi mốt liệt sĩ ấy. Căn nhà của ông tuềnh toàng, với bốn bức tường gạch không được tô và mái lợp giấy dầu. Nhưng ông vẫn dồn tiền xây một cái am khang trang sau vườn để thờ những liệt sĩ đã chiến đấu cùng ông trong thị xã và trên đồi thông này. Cả đại đội gần trăm người, chỉ còn ba người sống sót. Nước mắt của ông không đủ để khóc họ! Cứ mỗi tối ra thắp nhang, ông lại gọi tên từng chiến sỹ thân yêu của mình. Có những đêm khuya thanh vắng, ông lại ra miếu ngồi trầm ngâm. Tiếng gió rít qua đồi thiêng nghe như tiếng ai oán của những linh hồn. Ngày ông Trần làm chủ tịch tỉnh, dự án khu du lịch đồi thông được triển khai. Ông Sửu hỏi ông Trần:

– Bốn mươi mốt anh em mình đã nằm lại trên đồi này, sao cậu không cho xây đài tưởng niệm mà tính chuyện ăn chơi múa hát ở đó?

Ông Trần cười cười, vỗ vai ông Sửu:

– Đây là đất vàng, xây đài liệt sỹ phí lắm! Hơn nữa… (ngập ngừng, đăm chiêu, ông Trần hạ giọng) biển Đông đang sóng gió, cần thêm bạn bớt thù!

Khu đồi thông bây giờ đã là một đại công trường với máy ủi, máy cạp ầm ì suốt ngày đêm. Những cần cẩu cao vợi và các hạng mục công trình ồ ạt mọc lên trên nền đất sét đỏ thẫm. Nhờ tác động của ông Trần, hắn đã trở thành nhân viên bảo vệ ở đây. Sáng nay có một đoàn ba chiếc ô tô cực sang phăm phăm chạy vào công trường. Sáu, bảy người trên các xe bước xuống, có hai ông Tây cao lớn và một bà Đầm tóc vàng rực. Dư – người đồng nghiệp ở chốt bảo vệ phía Đông nói với hắn:

– Ba người Mỹ đó là nhà đầu tư dự án này. Còn chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty là cô Bích Ngọc mặc sơ mi trắng, đầm xanh đấy!

– Cái gì? Ông có nhầm không, cháu nó đang mặc đồng phục học sinh kia mà…

– Nhầm thế nào được! Cô ấy thi rớt đại học nên phải vào trường đào tạo cán bộ phong trào của tỉnh. Mới tốt nghiệp tháng trước, tháng sau có quyết định bổ nhiệm chức chủ tịch kiêm Tổng giám đốc liên doanh Việt Mỹ này đấy. Coi thế chứ hai mươi hai tuổi rồi. Hơn nữa lại là công chúa tỉnh nhà và mới đi Mỹ, Nhật học thêm quản trị doanh nghiệp.

– Vậy là con gái ông Trần?

– Ừ ! đứa út đấy, cô chị là Bích Ngà lớn hơn vài tuổi học thiết kế thời trang ở Châu Âu về, đang là phó giám đốc sở tài nguyên môi trường, nay mai chắc sẽ lên phó chủ tịch tỉnh.

– Thế tỉnh mình có nhiều nhân tài trẻ tuổi như vậy không ?

– Ít hơn thời phong kiến, bởi bây giờ mỗi gia đình chỉ có hai con. Ít con nhưng nhiều chức tộc, cũng thế thôi !

– Có chức tộc nào cho con du học ở Cu Ba, Bắc Triều Tiên… không?

Dư trợn mắt :

– Ông điên à?

Dư là con một phế binh Việt Nam cộng hòa, cha của Dư là trung úy biệt cách dù, bị Việt cộng bắn rụng hai chân ở trận An Lộc 1972. Sau khi đất nước thống nhất, ông không phải đi cải tạo nên ngày ngày ung dung lê lết ở chợ, bến xe vừa xin ăn vừa bán vé số. Vì không có ba năm ở trại cải tạo nên phía Mỹ không cho ông xuất cảnh theo diện H.O. Ông bất mãn uống rượu, chửi trời, chửi đời, chửi đồng minh lẫn tổng thống của mình. Còn Dư là thương binh bộ đội cụ Hồ, anh chiến đấu ở Campuchia từ năm 1980 đến 1985. Sau khi xuất ngũ, anh lấy vợ, sinh con, vất vả chạy xe ôm nuôi gia đình. Ngày liên doanh Việt – Mỹ tuyển công nhân, Dư hí hửng ôm hồ sơ đến nộp và hãnh diện khoe với ông Mỹ phụ trách nhân sự :

– Cha tôi từng hy sinh cho nước Mỹ, ông ấy bị cụt hai chân và được thưởng bội tinh của quân đội Mỹ !

Cô gái ngồi bên cạnh dịch lại bằng tiếng Anh, ông Mỹ cười khùng khục:

– Chúng tôi tuyển người cho công việc kinh doanh chứ không phải cứu trợ cho người từng hy sinh vì nước Mỹ. Nếu cha của ông là sĩ quan, công chức của chính phủ Việt Nam mà chúng tôi đang làm ăn, ông sẽ được tuyển!

Trong những nhà đầu tư đến từ Mỹ, có tiến sỹ Phan, nguyên là bộ trưởng Việt Nam Cộng hòa. Ông Phan đại diện cho một ngân hàng của Mỹ trong dự án này. Ông thường chơi golf với ông Trần và các quan chức trong tỉnh. Ông Phan nhìn Dư thương hại qua đôi tròng kính dày cộp rồi nhỏ nhẹ nói với thương gia Mỹ một tràng tiếng Anh. Ông Mỹ miễn cưỡng gật đầu. Nhờ vậy hôm nay Dư được làm bảo vệ chung với con ông đại tá bên kia chiến tuyến với cha Dư…

***

Hai con gái ông Trần là Bích Ngọc, Bích Ngà dù chưa lấy chồng vẫn được bố mẹ cho ở riêng. Hai cô có biệt thự Hồng gia lộng lẫy màu đỏ son với hồ bơi nước nóng, có máy tạo sóng, lát men hồng và vườn hoa cũng trồng toàn các loại cây ra hoa lá đỏ rực. Biệt thự này chung hàng rào bên trái với chùa Bồ Đề. Dù đang là lãnh đạo, nhưng hai cô gái trẻ còn tính khí rất vô tư. Cứ ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, họ lại mời bạn bè về biệt thự Hồng gia tổ chức tiệc tùng tưng bừng. Các loại ăn mày, vé số, đánh giầy cứ bu lại làm vất vả các vệ sĩ ở đây.

Hôm nay sinh nhật lần thứ hai mươi hai của Bích Ngọc, cô chỉ vào đám xe siêu sang của câu lạc bộ Rolls-Royce đang đậu chật khoảng sân mênh mông, cười khiêu khích:

– Hãy xem quà sinh nhật “không đụng hàng” nhé !

 Cô đưa chiếc còi mạ vàng óng ánh lên đôi môi đỏ tươi thổi ba hồi dài. Từ con đường lát đá dẫn ra phía sau biệt thự, hai người đàn ông mặc đồng phục trắng, cả nơ và găng tay cũng trắng, dắt ra một con ngựa bạch tuyệt đẹp, to lớn dị thường. Hai ông giữ dây cương cao chưa đến lưng ngựa, thân thể tròn lẵn, vạm vỡ của bạch mã nặng đến cả tấn, gấp ba lần ngựa cỏ thông thường. Các bạn của Bích Ngọc trố mắt bu lại xem, Bích Ngọc giảng rành rọt:

– Ngựa giống của hoàng gia Thái. Ông nội nó quốc vương cưỡi, cha nó Hoàng Thái tử cưỡi và nó…

Bích Ngọc điệu đàng, kênh kiệu leo lên lưng ngựa. Bây giờ các bạn mới hiểu vì sao Ngọc mặc đồ kỵ sĩ trắng, đội mũ bảo hiểm, đeo găng tay và đi ủng cao cũng màu trắng trong tiệc sinh nhật. Đã được tập luyện rất kỹ nên Bích Ngọc tự tin, sành điệu dong con ngựa khổng lồ len lỏi qua hai hàng xe hơi sang trọng để ra cổng, phi nước kiệu. Vó ngựa hùng dũng nện lộp bộp xuống đường, Bích Ngọc biểu diễn trên lưng ngựa cứ như cảnh thần tiên, lãng mạn trong phim Mỹ. Cô lượn một vòng rồi quay ngựa về giữa tiếng hoan hô chúc mừng náo động của đám bạn…

***

Bích Ngọc mặc áo đầm như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích, chống nạnh quát:

– Mất trộm thứ gì?

– Dạ… Năm bao xi măng, sáu cây sắt phi hai mươi lăm, một máy cưa gạch… tổng thiệt hại gần mười triệu đồng ạ!

Hắn thay mặt anh em trong tổ bảo vệ công trường báo cáo với chủ tịch kiêm tổng giám đốc của liên doanh.

Bích Ngọc xỉa ngón tay nhọn hoắt sơn màu đen tím vào mặt hắn, đay nghiến:

– Nghe nói ông mới ra tù tội giết người, tôi mới nhận ông để “lấy độc trị độc” bọn giang hồ. Ai ngờ ông vô tích sự như thế! Hay ông đồng lõa với chúng nó?

Hắn cúi đầu nhẫn nhục. Hai mươi hai năm trong trại giam hắn được rèn nhẫn nhục. Lúc Bích Ngọc đi rồi, Dư nói với hắn:

– Chiều nay tôi với ông đến chuộc lỗi với cô ấy đi! Tôi có cách làm cô ấy hài lòng, không đuổi việc anh em mình!

Dư đoán thật tài, Bích Ngọc vừa xuống ô tô đã vội vã đi về chuồng ngựa. Thấy hai ông bảo vệ công trường đang hì hục tắm rửa, chải chuốt cho bạch mã triệu đô của mình, cô hài lòng ra mặt. Rút trong túi xách hàng hiệu có giá bằng mười năm lương giáo viên ra chai nước hoa Pháp, cô thảy cho hắn, dặn:

– Lau khô rồi xịt cho nó. Từ ngày mai hai chú được về sớm để sang đây tắm cho ngựa của tôi. À nghe nói ngày xưa trước khi đi tù chú từng cắt cỏ, chăm sóc cho mấy con ngựa của chủ Villa pensée phải không? Thế thì kinh nghiệm quá còn gì! Làm tốt tháng sau tôi tăng lương cho…

Đêm nay sau khi tắm ngựa cho cô chủ, trên đường thẫn thờ đi bộ trở về chốt bảo vệ công trường, hắn thấy buồn ghê ghớm. Nhớ đến bảy năm “ở đợ nước ngoài” – suất ưu tiên cho con cán bộ trung cao cấp mà hắn được hưởng ba mươi năm trước, càng thấy ngậm ngùi. Hắn bỗng thèm được tâm sự với cha và quay gót về hướng trại dưỡng lão. Phòng của ông Sửu còn sáng đèn, ông và năm sáu cụ ông cụ bà lão thành khác đang say sưa vỗ tay hát bài quốc tế ca “… vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian. Vùng lên hỡi những ai cực khổ, bần hàn…” Thấy hắn bước vào với bộ đồ công nhân ướt nhẹp, bốc mùi ngựa, một cụ bà gọi:

– Này! Vào đây hát với các bác, vui lắm cháu à!

Hắn không thấy vui, chỉ rùng mình, lạnh gáy khi nghe lại lời hiệu triệu khốc liệt đó. Một chiều hè oi bức, hắn đã “vùng lên với hờn căm sôi sục” và được… án chung thân!

***

Cả ngàn công nhân mặc đồng phục các hãng nổi tiếng thế giới, xuống đường với ảnh Các Mác và rừng biểu ngữ đòi tăng lương, giảm giờ làm. Ngược chiều với họ là cuộc biểu tình của mấy trăm nông dân cầm quốc kỳ, ảnh lãnh tụ và hô vang các khẩu hiệu đòi đất, nâng giá đền bù giải tỏa, việc làm và… trừng trị quan tham. Hai đoàn người từ hai hướng rầm rập kéo về bùng binh trung tâm thành phố. Ở đó có sẵn đám đông văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên học sinh… đang tuần hành chống “giặc đồng chí” và “đường lưỡi bò”…

Ông Trần mặt xám ngoét ngồi trên ô tô, căng thẳng dùng điện thoại chỉ đạo các lực lượng giải tỏa biểu tình. Hàng loạt xe cứu hỏa, cứu thương, xe búyt chờ sẵn sau hàng rào đông đặc cảnh sát chống bạo động đội nón sắt, mặc áo giáp, cầm khiên, dùi cui… Hắn chở ông già trên xe máy mượn của Dư, đi thăm mộ mẹ về. Tấp xe vào đám đông ven đường, cha con hắn cùng xem biểu tình. Hắn nói nhỏ vào tai cha:

– Liên minh công – nông – trí, sao giống y thời sinh viên con học về cách mạng vô sản?

– Ừ! Thế hệ của ba từng khởi đại nghiệp bằng cách này!

– Cha con mình theo phe nào?

– Nhân dân!

– Nếu nhân dân bị bọn phản động xúi giục thì sao?

Ông Sửu giận đỏ mặt, vung tay, nghiến răng:

– Liên Xô, Đông Âu sụp đổ vì những suy nghĩ ngu xuẩn, xúc phạm nhân dân như vậy. Đừng bao giờ mở mồm là đòi “giáo dục nhân dân”. Hãy quì xuống xin được nhân dân dạy dỗ!

***

Trong vụ án mạng ở Villa pensée hai mươi hai năm trước, Việt kiều Lâm Quang Vinh bị bắn chết. Ông Lâm Quang Sang – cha của Vinh cùng vợ và hai quan chức cấp tỉnh cũng trúng đạn. Sau khi lo tang lễ cho con và điều trị lành các vết thương, ông bà đã mang tro cốt của con về Pháp và hiến Villa pensée cho giáo hội phật giáo. “Ngôi nhà tư tưởng” đầy hận thù, máu và nước mắt đã được dựng lại thành “chùa Bồ Đề”. Chùa nằm cạnh biệt thự Hồng gia. Mỗi khi đến chăm sóc cho con bạch mã của cô chủ Bích Ngọc, hắn lại nghe văng vẳng tiếng tụng kinh êm đềm, tiếng chuông mõ khoan thai từ chùa vọng sang. Rồi một buổi tối, khi ra khỏi biệt thự Hồng gia, hắn đi vào chùa. Dấu vết của Villa pensée – ngôi nhà “chiến lợi phẩm” của bố hắn ngày nào, đã không còn gì. Cảnh chùa tĩnh mịch, mùi trầm hương thoang thoảng làm tâm hồn hắn dịu lại.

Hắn đứng thật lâu ngắm cây bồ đề xanh tươi trước chánh điện sáng trưng. Ngắt chiếc lá non ép giữa hai bàn tay chấp lại trước ngực, hắn thấy mát tâm lẫn dạ, minh mẫn lạ thường. Hắn lẩm bẩm một mình: “Hai mươi sáu thế kỷ lá bồ đề vẫn xanh mát, còn hận thù giàu nghèo trong ta mới vài chục năm đã héo úa, tàn lụi. Ta tin vào màu lá từ bi hay tiếp tục làm khổ mình, khổ người, khổ đời bằng những tranh đọat tàn khốc, phù phiếm…?”

L.V.L

(Đăng trên tạp chí Văn chương ngày nay)