Lạc quan lên! – Truyện ngắn của Trần Như Luận

202

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hùng hạt điều chậm rãi cầm li bia lên thưa với cha: “Hôm nay hăm ba âm, cha nói Tết này cha không về quê được, con xin mừng cha một ly”.

“Ối trời!” Ông Mẫn hơi nhếch mép, “Mày quên lời cha dặn rồi sao?” Ông vừa nói vừa đưa ngón tay trỏ lên sửa lại gọng kính bị chệch trên sống mũi. Ông đeo đôi gọng kính khá độc đáo. Nó đen bóng, có vài “điểm nhấn” óng ánh kim loại, trông rất hợp với khuôn mặt chữ điền của ông. Cách đây một tuần, khi ông nhận được khoản tiền trợ cấp chống dịch đợt ba, vợ ông dặn ông nên thay gọng khác. Bà chê nó cũ, đã hơn bảy năm trời, sao cứ mang đi mang lại cái gọng kính lỗi thời ấy làm chi. Lúc đó ông chỉ cười, nhỏ nhẹ: “Em ưa sắm gì cho ba ngày Tết, cứ sắm đi. Anh thấy kính còn xài được. Không sao đâu!”

“Không sao đâu!” và “Lạc quan lên!” là mấy cụm từ ông quen sử dụng lâu nay với nỗ lực an ủi người bệnh hoặc động viên vợ con. Ông thường thốt lên mấy tiếng đó với vẻ mặt thân thiện, nụ cười dễ mến và ánh mắt thật trong sáng ẩn hiện đằng sau cặp kính lão. Ông có một vẻ đẹp trời ban, thể hiện nơi gương mặt phương phi, đầu tóc muối tiêu, dáng dấp cao to, lưng thẳng, bước đi vững chãi. Giọng ông thường sang sảng nhưng ẩn chứa sâu sắc bao chân tình và thiện chí. Chính vì vậy, đối với mọi người, khi nghe được mấy tiếng đó phát ra từ đôi môi của một người chín chắn như ông, họ cảm thấy rất an lòng.

Ông là bác sĩ mát tay nhất nhì thị xã miền núi rộng lớn này, và là trạm trưởng trạm y tế xã có thâm niên lâu nhất. Năm ngoái ông chính thức bàn giao chức trưởng trạm y tế Giao Thành, nằm kề trung tâm thị xã cho một đồng nghiệp trẻ tuổi, rồi về nghỉ hưu ở tuổi sáu mốt. Cũng mừng cho ông là cậu y sĩ trẻ đó luôn tỏ ra kính mến, nể phục ông từ chuyên môn tới đạo đức nghề nghiệp. Trong lúc chờ bác sĩ khác đến nhận nhiệm vụ, y sĩ Bình tạm thời đảm đương chức vụ đó. Bình thân với ông như bác cháu trong nhà. Mấy năm trước, khi dịch bệnh covid-19 chưa bùng phát tại địa phương, thỉnh thoảng cuối tuần mọi người hay trông thấy hai bác cháu ngồi nghe nhạc, uống nước giải khát tại quán cà phê Dốc Bình Minh, cách trạm ấy mấy căn nhà. Bình là tay nghiện thuốc lá có tính “gia truyền”, mỗi ngày phập phà hơn hai chục điếu. Song, kể từ khi trạm có quy định nghiêm khắc CẨM HÚT THUỐC LÁ dán khắp tường và bác sĩ Mẫn nhẹ nhàng nhắc nhở theo kiểu mưa dầm thấm lâu, cậu bỏ dần thói quen đó.


Ảnh minh họa

Hùng là con thứ của ông Mẫn. Anh lấy bằng kĩ sư nông nghiệp mười mấy năm trước. Vì đam mê canh tác điều, chè, đậu phộng, anh chọn vùng quê đất ba-zan mênh mông bát ngát này làm nơi sinh sống lâu dài. Anh cũng từng bị cha mình “lên lớp” vì dính phải thói quen hút thuốc, uống bia. Sau khi vợ chồng anh nghe cha giải thích cặn kẽ về tác hại của mấy thứ đó, anh quyết bỏ thuốc lá. Anh bỏ được vì biết rõ khói thuốc ảnh hưởng tới sức khỏe của đứa con gái mười tuổi của mình và những người xung quanh, đồng thời có thể gây đủ thứ bệnh cho chính mình. Hai tháng trước, trước mặt cha, anh mỉm cười vui vẻ hứa sẽ cố gắng bỏ bia, nhất là tuyệt đối không ra đường sau khi uống bia. Nhưng giờ đây, có lẽ vì háo hức đón Tết, hoặc mừng vì cha mẹ lên thăm, anh lại nâng li trước mặt cha, mời cha uống.

Thực ra, ông Mẫn không phải là người nghiêm khắc gì. Chưa bao giờ người ta thấy ông la mắng vợ con hay trách phạt nhân viên. Khi rảnh rỗi, thói quen bén rễ của ông là đọc tài liệu chuyên môn trên mạng Internet. Khi được bạn bè ở các thành phố lớn gửi tặng sách y học hoặc mấy cuốn tiểu thuyết nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, ông mừng ra mặt. Mỗi cuối tuần, ông cầm tòng teng túi ba-lô nhỏ, đi làm thêm cho một phòng khám tư nhân tại trung tâm thị xã để có thêm thu nhập. Vợ ông, trong một lần gọi điện nói chuyện với thằng Minh đang làm việc cho một bệnh viện tư tại quận Tân Bình, từng khéo léo nhắc nhở, “Má không biết con làm ăn và xử sự với mọi người ra sao, nhưng má dặn con là nên bắt chước ba con. Cả một đời, ba con luôn sống tử tế, thanh bạch. Chuyên môn vững vàng, ba con từng chữa lành hằng nghìn bệnh nhân và cứu sống hằng trăm người bệnh thập tử nhất sinh. Dù không dư ăn dư để gì, nhưng ba con là mẫu người thành đạt đó, Minh ạ.”

Bà Mẫn còn nhớ, lúc đó cậu con trai trưởng đã cười cợt ra mặt trước những lời lẽ của bà. Cậu cao giọng, “Ôi! Má ơi, thời buổi bây giờ nói như má người ta chả tin đâu!” “Sao vậy?” “Chẳng ai thừa nhận một người thành đạt mà suốt đời ở mãi nhà cấp bốn như ba. Tạng người như ba xưa rồi má!” “Ý con là sao?” “Thời buổi này, ai làm ăn phất lên thì mới gọi là thành đạt.” “Không phải vậy đâu con. Làm nghề y mà nhanh chóng giàu sụ lên, ắt là có vấn đề. Ba con cả một đời tận tụy. Má biết, ba con chẳng bao giờ chạy theo đồng tiền. Nhờ vậy, dân thị xã này, cũng như dân ở các huyện lân cận, và rất đông bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, mỗi lần có bệnh, hầu như ai cũng trông cả vào ba con.” “Má ơi! Con thấy ăn lương nhà nước, rồi về hưu đi làm công như ba chả bao giờ giàu được đâu. Má biết không, mỗi tuần con chỉ cần mổ 3 ca thôi là đủ tiền xài mấy tháng. Nếu nói chuyện thành đạt thì con nhanh chóng thành đạt hơn ba nhiều!” “Cái thằng này! Coi chừng tham thì thâm, lận thì mạt. Đừng tưởng nhanh chóng sắm xe hơi, nhà lầu, đầu tư bất động sản khắp nơi như mấy bác sĩ ở bệnh viện con là chuyện tốt đẹp! Người ta nói, ăn dày có ngày ăn dép. Rồi con sẽ hiểu, những người sống vô tư thoải mái và luôn tận tụy giúp đỡ mọi người như ba con là thanh thản nhất.” “Dạ, con cũng rất tự hào về ba mà. Nhưng nếu tụi con chỉ làm ăn tà tà, lương ba cọc ba đồng, không hề bươn chải gì như ba thì vợ chồng con và hai đứa nhỏ không thể sống nổi trong cái đất Sài Gòn vật giá đắt đỏ này. Đụng tới chuyện gì cũng cần tiền! Con cho hai đứa nhỏ ăn học mỗi tháng mất tới sáu chục triệu. Mà má biết không, ở đây, bác sĩ không sắm nổi xe hơi xịn, coi chừng thiên hạ khinh ra mặt đó.”

Với bản tính nhu mì, quen chiều chuộng chồng con, bà Mẫn chẳng biết nói gì thêm. Bà chỉ dặn dò con phải luôn thận trọng, đừng để xảy ra sơ suất gì trong tất cả mọi chuyện, đặc biệt là chuyện chuyên môn.

Trong lúc Hùng và cha đang trò chuyện, bà Mẫn dặn con dâu rút bớt củi lửa ở nồi nấu bánh chưng, rồi lễ mễ bưng rổ sắn vừa mới vớt ra còn bốc hơi nóng, bước lên nhà trên, mời cả nhà cùng ăn. Cháu nội bà, con bé Nguyệt đang dán mắt vào màn hình máy tính để bàn. Dáng vẻ nó rất nghiêm túc. Bên đôi tai nó, ẩn khuất sau hai bím tóc đen tuyền là cái earphone trắng, dây nhợ lòng thòng.

“Ngừng nghe nhạc, qua ăn sắn đi con!” bà Mẫn vỗ vai cháu.

“Con học online gần xong rồi, bà nội,” con bé nghiêng đầu đáp. Hai cái nơ buộc tóc màu hồng phấn của nó khẽ nhún nhảy yểu điệu trong ánh đèn nê-ông vừa mới bật lên.

“Mọi người đừng nói lớn tiếng, để cháu học,” ông Mẫn nhắc.

“Reng…reng…reng…” tiếng chuông điện thoại bỗng réo lên.

“A lô, ba nghe đây!” giọng ông Mẫn tỏ vẻ rất mừng rỡ.

“Hôm nay khiếp quá ba!”

“Chuyện gì vậy Minh?” ông nheo mày.

“Tiến sĩ Hân bị người nhà bệnh nhân cầm dao truy đuổi quá trời luôn!”

“Ủa? Vì sao vậy?”

“Mấy tháng nay anh ấy phẫu thuật thẩm mĩ cho một cô chân dài. Nhưng cả ba ca mổ không mấy thành công. Sau hai lần mổ lại, mũi cô ta trông càng tệ; còn đôi mí mắt thì mất cân đối, không sao chỉnh lại được. Hồi chiều, thằng bồ bụi đời của cô ta tới bệnh viện làm mưa làm gió. Hắn rượt anh Hân chạy bạt mạng từ phòng này sang phòng khác như người ta săn bắt cướp!”

“Ghê dữ!… Vậy, nếu con thấy bệnh viện không an toàn thì tạm thời nghỉ vài ngày đi,” ông Mẫn lo lắng nhắc.

“Dạ, mấy tuần nay do dịch bệnh, con nhận mổ ít lắm. Ba yên tâm.”

“Ba nghe nói chỗ con làm đang bị mang tiếng về giá phẫu thuật. Coi chừng vì chuyện ấy mà ảnh hưởng tới uy tín lâu dài của con đó.”

“Dạ, giá cả cũng linh hoạt lắm ba. Thường con không hề lấy giá cao như mấy ông tiến sĩ ấy đâu. Đối với bà con nghèo, con còn cho thêm tiền để họ về xe nữa đó. Thôi, con lo về ăn cơm. Ba má giữ gìn sức khỏe. Ba không được làm việc quá sức đâu đó.”

Cả Hùng lẫn bà Mẫn hướng mắt về phía ông. Sau khi nghe kể đầu đuôi sự việc, bà tỏ ra rất băn khoăn. Lâu nay bà thầm đoán các đồng nghiệp hám tiền của Minh trước sau gì cũng gặp những chuyện rắc rối, nhưng không ngờ sự cố xảy ra nhanh thế. Nguyệt lanh lẹ thoát chương trình, tắt máy, gỡ dây nghe, bước sang bá cổ bà:

“Bà nội ơi! Sao lâu nay ông bà không lên thăm con vậy?”

“Ở trung tâm thị xã, dịch covid-19 đang lây lan nhanh lắm. Ông nội con bận tham gia lực lượng tình nguyện chống dịch. Trước khi lên đây, ông bà đã test hai lần rồi mới quyết định đi đó con. Hồi trưa, khi ngang qua xóm Dốc Chè, bà cũng thấy người ta giăng dây phong tỏa thôn. Ở trên này, dịch bệnh cũng đâu có thua gì dưới trung tâm thị xã đâu con.”

“Dạ, cô giáo chủ nhiệm dặn ra Tết sẽ tiếp tục học online một thời gian nữa. Ở nhà chán lắm! Chẳng ai chơi với con hết!”

Ông Mẫn mỉm cười, với tay lên, vỗ vai cháu. Đoạn ông lựa khúc sắn trong trong dài dài, có vẻ dẻo nhất đặt vào tay bé Nguyệt: “Ăn đi con! Khúc này hợp ý con nè.” Con bé nhoẻn miệng cười với ông.

Bỗng nghe bên ngoài có tiếng chân, Hùng đột ngột đứng lên. Trong khoảnh sân nhá nhem tối, một bóng người lật đật trờ tới, dừng lại nơi thềm cửa.

“Anh Hùng! Nghe nói bác trai mới lên hả?” Người thanh niên mang khẩu trang xanh, đứng hẳn ở đó và thốt lên, giọng gấp gáp.

“Ừ… Có chuyện gì sao?” Hùng ngập ngừng hỏi.

“Thưa bác sĩ, má con nguy rồi!” cậu nông dân trẻ cùng canh tác chè trên mảnh đất mấy hecta của Hùng ngước mặt vào thưa.

“Sao vậy cháu?” ông Mẫn cất tiếng hỏi.

“Tuần trước má cháu nóng sốt. Tưởng bà bị cảm, cháu mua thuốc về cho uống. Không ngờ…”

“Giờ bà sao rồi? Có phải cháu đang nói tới bà Bảy rau củ quả không?”

“Dạ, đúng vậy bác. Má cháu khó thở lắm.”

“Cháu thu xếp đưa má đi nhập viện lẹ lên. Bác sẽ đích thân chữa bệnh cho bà. Lạc quan lên! Đừng sợ.” Sau câu nói rành rọt đó, bác sĩ Mẫn dặn Hùng: “Con rú xe tới trạm y tế Giáp Sơn, nói nhân viên trực cho cha mượn bộ trang phục bảo hộ, kèm thêm vài cái khẩu trang N95. Cha chở bà Bảy đi, rồi ở lại trực bệnh viện luôn. Mau lên con!”

Hùng phóng xe ra đường. Chưa đầy năm phút sau, anh quay lại với mấy thứ vừa kể. Với tác phong như thanh niên và rất thuần thục, ông Mẫn mặc đầy đủ phương tiện bảo hộ vào. Rồi ông cỡi honda sang nhà bà Bảy. Trong ánh điện nhập nhòa, bà con láng giềng trông thấy ông cầm tay lái ngồi yên trước, cậu thanh niên ẵm mẹ lên yên sau. Cái bóng nhỏ nhắn ốm o của bà bám vào dáng dấp cường tráng của vị bác sĩ, chẳng mấy chốc đã khuất dần sau những lùm cây sum suê. Cậu thanh niên con bà Bảy nổ máy, tháp tùng theo.

Bà Mẫn nở nụ cười. Bà quàng tay ôm chặt lấy bé Nguyệt như muốn tỏ quyết tâm bảo vệ giống nòi trước nguy cơ dịch bệnh, rồi dõng dạc dặn con trai: “Hùng! Hồi nãy con sơ ý đứng gần con bà Bảy. Giờ con là F2 đó! Nhớ mang khẩu trang thường xuyên và siêng rửa tay bằng cồn 70 độ. Con bước qua nhà sàn, tự cách li cho bảo đảm.”

Nói xong, bà dắt cháu ra đường, nhìn theo bóng hai chiếc xe gắn máy đang chầm chậm lao xuống con dốc hẹp. Bà đứng đó, tần ngần nhìn ngắm mãi cho đến khi chiếc xe máy đưa bà Bảy khuất dần nơi một con đường đất rộng nhưng hơi vắng vẻ. Một màn sương mờ bao phủ lấy không gian bạt ngàn, tạo nên một vẻ đẹp thượng du nửa hư nửa thực. Ánh điện còn sáng rực nơi mấy dãy nhà gần mặt lộ. Bà hỏi bé Nguyệt: “Con biết ông nội đi vậy là đi đâu không?”

“Dạ, ông đi cứu bà Bảy. Nghề của ông là nghề cứu người mà bà!”

T.N.L