Lái xe 115 – Truyện ngắn Đỗ Xuân Thu

722

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trưa mùng mười Tết, đúng ngày vía Thần Tài, Hảo đang chuẩn bị mâm cỗ cúng thì điện thoại reo vang: “Anh đến ngay bệnh viện để đi Hà Giang nhé”. Tiếng trưởng phòng hành chính nói gấp gáp trong máy. Hảo vội hỏi lại: “Có việc gì thế?”. “Cấp cứu! Báo động đỏ! Đến ngay nhé!”. Buông vội chiếc bánh chưng đang chuẩn bị bóc, vơ cái áo khoác Hảo nói với vợ: “Có ca cấp cứu ở Hà Giang. Anh phải đi bây giờ. Em ở nhà lo nốt đi nhé”. Duyên sững sờ cằn nhằn: “Trực cả Tết rồi, được ngày nghỉ bù, lại đi!”. “Thì cấp cứu mà em. Biết làm thế nào được. Thế nha. Anh đi đây”. Nói xong Hảo ba chân bốn cẳng chạy thẳng tới bệnh viện…

Đến nơi, ê kíp đã sẵn sàng. Hảo nắm sơ bộ thông tin: trên biên ải cực bắc của Tổ quốc, có một nữ giáo viên sắp đến tháng sinh thì bị tai nạn xe máy rất nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và con, cần được cấp cứu gấp. Đây là đứa con đầu lòng của cô ấy. Chồng cô là người Mông ở sở tại. Cô này tuổi ba lăm, thuộc diện hiếm muộn, chạy chữa mãi mới có bầu. Vậy mà, không may cho cô, anh chồng chở cô đi về bản, xe va vào hòn đá, mất tay lái, cả người và xe lao xuống vực. Còn vì sao mà tận trên đó lại gọi về bệnh viện dưới này lên cấp cứu thì Hảo nắm được: một đồng nghiệp của cô giáo đó tình cờ đọc báo thấy thông tin về bệnh viện của anh có dịch vụ cấp cứu bệnh nhân từ xa nên đã lưu số điện thoại lại, để đề phòng khi cần. Và khi đó đã đến, nghĩ bệnh viện ở dưới xuôi có đủ điều kiện hơn nên họ gọi nhờ tư vấn. Hai bên kết nối, cuối cùng họ quyết định đi thẳng tuyến này cho chắc ăn. Thế là cuộc chiến giành giật sự sống cho mẹ con cô giáo đó bắt đầu.


Nhà văn Đỗ Xuân Thu.

Một ê kíp bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm cùng các máy móc, phương tiện đã tập trung đầy đủ. Lập tức, Hảo cho ô tô nổ máy, lượn ra cổng, hú còi vút đi. Từ đây lên đó cả đi và về khoảng sáu trăm cây số. Đường Hà Giang đèo cao, vực sâu, rất nguy hiểm. Nơi đó quanh năm mây mù bao phủ. Người dân ngàn đời nay sống trên đá, chết vùi trong đá. Không thể lấy tốc độ dưới xuôi để tính thời gian đi cho quãng đường trên đó được. Đèo dốc quanh co, xe bò nhích từng tí một khéo chỉ nhanh hơn xe đạp ở dưới xuôi một ít thôi. Mấy ngày nay, mưa phùn lại liên miên. Dưới này rét đậm, chắc chắn trên đó sẽ rét hại, không chừng có băng giá, mưa tuyết cũng nên? Thế nên, phía trước Hảo, chiều và đêm nay sẽ là một cuộc chiến khốc liệt. Trách nhiệm dồn lên tất cả vào tay lái của anh. Làm sao phải an toàn cho ê kíp bác sĩ, phải đến đó được nhanh nhất, sớm nhất. Sinh mạng mẹ con cô giáo đó đang được tính từng phút, từng giờ.

Thời Covid, lái xe cấp cứu cho bệnh viện cũng đối mặt với hiểm nguy chẳng khác gì đội ngũ cán bộ y tế. Thậm chí, anh còn phải liên tục xông xáo đi lại giữa vùng nọ vùng kia, bất kể đó là “xanh, vàng” hay “cam, đỏ”. Nhà Hảo gần bệnh viện nên anh được phân công trực Tết cả hai đợt. Mãi tới mùng tám tháng giêng anh mới được nghỉ bù. Tiếng là nghỉ bù nhưng giám đốc bệnh viện vẫn nói với Hảo: “Chú phải để điện thoại 24/24 đấy nhé. Có gì chúng tớ còn gọi chú hỗ trợ”. Y như rằng xảy ra vụ hôm nay. Hảo là tay lái cứng của tổ lái, đã có thời lái xe ở vùng cao, phải ra trận này là đúng rồi. Đường Hà Giang lên Mã Pì Lèng, Lũng Cú mà không vững tay lái, không có kinh nghiệm, mưa rét trơn trượt này có khi chưa cứu được bệnh nhân thì đã phải cứu các bác sĩ rồi!

Dịp Tết vừa rồi, chẳng hiểu sao lại xảy ra nhiều vụ tai nạn đến thế? Uống rượu say tự ngã nằm chỏng chơ ở rệ đường sáng sau có người phát hiện gọi mới biết. Ẩu đả đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Phóng nhanh vượt ẩu va quệt, đâm chồ… Thế là gọi 115 cấp cứu. Có ngày mấy ca liền. Xe Hảo nháy đèn, hú còi mọi nơi mọi lúc, mất hết cả không khí Tết. Tết người ta sum họp vui vẻ đằng này Hảo và cánh bác sỹ toàn phải đối mặt với những chuyện buồn. Phải có thần kinh thép mới trụ được. Thì máu me, rên rỉ, gào khóc thế cơ mà? Đêm hôm rét mướt, vợ chồng cái con người ta trùm chăn ngủ ngon, đằng này đội ngũ y tế trực phải căng mắt, căng tai ra theo dõi từng cử chỉ của bệnh nhân để chăm sóc, chữa trị. Có ca cấp cứu vào thì túi bụi mọi việc, rồi thức trắng đêm. Chưa kể hiểm nguy do phơi nhiễm virus SARS CoV-2 nữa. Tất bật với công việc, họ đúng là những thiên thần áo trắng. Còn Hảo, nhiệm vụ của anh là “đưa đường, dẫn lối” cho họ. Cũng quan trọng lắm chứ. Thì lúc này, con chiến mã 115 Hảo lái đang xuyên mây bò lên đèo Quản Bạ, chênh vênh bên sườn núi rồi đây. Phía sau anh, các bác sĩ đang thiu thiu ngủ. Cứ tranh thủ mà chợp mắt đi các chiến binh của tôi để lấy sức đêm nay mà chiến đấu. Yên tâm, tôi lái thì vô tư nhé.

Dọc đường, điện thoại réo liên tục. Hảo vừa lái vừa a lô. Phần thì hỏi đường, phần thì động viên họ cố gắng chờ đợi. Có lúc, anh phải chuyển máy cho bác sĩ Hùng, kíp trưởng để cậu ta tư vấn về chuyên môn cho phía trên đó. Tám giờ tối, xe Hảo cũng tới được nơi cần đến. Trạm y tá xã K gần đồn biên phòng. Hai vợ chồng cô giáo đã được các thầy giáo và cán bộ trạm y tế sơ cứu hiện tạm ổn. Riêng cô vợ thì vẫn mê man bất tỉnh. Hảo theo chân các bác sĩ len vào xem. Rồi anh chợt sững người. Trời ơi! Dung! Phải Dung của anh mười năm trước không? Hảo tiến lại gần nhìn cho rõ. Đúng Dung thật rồi. Khuôn mặt ấy, dáng hình ấy thì không lẫn vào đâu được. Có điều em già hơn nhiều. Đang trong cơn nguy kịch, gương mặt em tái đi, nhiều lúc nhăn nhó vì đau, đôi mắt em khép lại nhưng Hảo vẫn nhận ra. Tuy vậy, anh hỏi cánh giáo viên thêm mấy câu để xác nhận. Quả thực, đúng là Dung thật. Em là giáo viên miền xuôi lên đây cắm bản cách nay đã gần chục năm rồi. Ký ức ngày ấy ùa về trong Hảo.

Ngày đó, Hảo gặp Dung đang học ở trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Hảo là thợ xây. Đội thợ anh đang làm cho một ông cai xây dựng thi công một tòa nhà ở đây. Dung học năm áp chót. Hảo vừa bộ đội về đầu quân cho cánh thợ. Tuy khác quê nhưng họ hợp nhau lắm. Thế rồi, chẳng biết hai người yêu nhau lúc nào không hay. Không ngày nào là Hảo Dung không tìm cớ gặp nhau. Họ đã thề non hẹn biển. Quán cà phê Nửa nhớ bên bờ hồ Văn Lang là điểm hẹn của họ. Khi Hảo sắp xong công trình thì cũng là lúc Dung bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Dung nói với Hảo: “Tạm thời giai đoạn này chúng mình sẽ không gặp nhau. Em tập trung vào ôn thi. Anh tập trung vào công trình. Cứ thi xong một môn thì gặp nhau một lượt. Thế nha. Đến khi em xong hết các môn, anh xong công trình này thì tha hồ ta bên nhau”. Hảo chiều người yêu và làm đúng như thế.

Thi xong môn thứ ba cũng là đến lần gặp thứ ba thì Dung nhắn tin cho Hảo. “Anh ơi! Lần này em xin lỗi hẹn với anh nhé. Môn tới bài vở nặng quá, em phải tranh thủ học thêm đã”. Hảo tiếc lắm nhưng cũng kịp nhắn lại: “OK. Em học và thi tốt nhé”. Tối đó, theo thói quen, sau một ngày làm việc vất vả, Hảo lại lang thang ra quán. Ngồi một mình bên ly cà phê, Hảo lặng ngắm những lứa đôi đang dìu dặt bên nhau quanh hồ, trên các ghế đá trong công viên. Anh nhớ Dung quá chừng. Một lát sau đó, đập vào mắt anh là Dung. Cô đang nhõng nhẽo khoác tay rất tình tứ với một chàng trai bảnh bao đi vào quán. Mắt Hảo hoa lên. Người anh nóng bừng. Ôn tập là thế này đây. Bài vở nhiều là thế này đây. Máu nóng dồn lên đầu, anh đứng dậy tiến đến bàn của Dung. Lúc này, Dung mới sững người ú ớ. Nhìn thẳng vào mặt Dung, Hảo nói một câu gọn lỏn: “Thì ra là vậy”, rồi quay ngoắt ra cửa mặc cho Dung chạy tới níu kéo thanh minh. Hảo vùng vằng dứt khoát đi thẳng. Trong đầu anh hiện rõ hình ảnh chàng trai phong độ hào hoa sánh vai Dung vào quán lúc nãy. Về phòng, Hảo tắt điện thoại, nằm trân trân nhìn lên trần nhà. Mấy ngày sau, anh lánh mặt Dung, cũng chẳng thèm đọc những dòng tin nhắn của cô nữa. Anh quá sốc vì bị phản bội. Hảo chính thức bỏ đội thợ về đi học lái xe. Từ đó, họ bặt tin nhau. Mấy năm sau, anh lấy Duyên rồi quên hẳn mối tình đầu năm ấy.

Báo động đỏ toàn bệnh viện. Các phòng khoa lập tức khởi động các bộ phận. Ê kíp bác sĩ hội chẩn. Ai cũng thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng hộ bảo vệ lây nhiễm virus SARS CoV2. Việc đầu tiên là xét nghiệm nhanh cho cặp vợ chồng bệnh nhân. Vừa chờ kết quả xét nghiệm vừa khám tổng thể. Anh chồng Dung khá hơn, chỉ bị gãy tay, giao về khoa ngoại xử lý. Dung bị gãy chân, mất máu nhiều, lại bụng mang dạ chửa, khoa sản và hồi sức sẽ cấp cứu giải quyết. Quyết định mổ vừa lúc có kết quả xét nghiệm. Rất may họ âm tính. Ca mổ “bắt con” được triển khai. Ít phút sau, tiếng em bé đã oa oa chào đời. Ai cũng vui mừng khôn xiết. Dung nhoẻn miệng cười rồi lịm đi. Các chỉ số sinh tồn của cô bỗng tụt dần xuống. Cô bị mất máu quá nhiều. Phải truyền máu lập tức cho sản phụ ngay. Tuy nhiên, kho máu dự trữ trong bệnh viện không còn nhóm máu O. Mọi người ngơ ngác. Điểm danh trong số cán bộ, nhân viên bệnh viện thì chỉ có Hảo lái xe là thuộc nhóm máu này. Anh được mời đến. Sau khi nghe qua tình hình, anh lập tức để các bác sĩ lấy máu mình truyền cho Dung. Hơn ba giờ sáng, tất cả mọi việc đều ổn. Mọi người thở phào. Lúc đó họ mới thấm mệt. Vừa đói, vừa buồn ngủ, ai nấy đều nhanh chóng thay đồ bàn giao công việc để về nghỉ. Hảo đứng bần thần ngắm mẹ con Dung.

Dung nằm bên con. Sau cơn vượt cạn và chống trọi với vết thương, cô đang thiêm thiếp ngủ. Ở khoa ngoại, được tin vợ sinh con trai, anh chồng người Mông của Dung sướng quá, quên cả đau, cứ mỉm cười một mình trong đêm. Được làm bố rồi, Giàng ơi! Họ Thào nhà mình đã có người nối dõi rồi! Sướng cái bụng quá, vợ à! Không sợ con ma nào bắt vợ con đi nữa đâu. Mà sao lại có ngôi nhà sang trọng, sạch sẽ, tiện nghi đầy đủ đến thế này? Không có cái cán bộ bác sĩ bệnh viện này thì vợ chồng mình bây giờ không biết ra sao? Vợ mình có khi theo ông bà tổ tiên rồi ấy chứ? Lấy đâu có thằng bé họ Thào kia? Cảm ơn cái cán bộ nhiều lắm.

Sáng sau, Hảo đến thăm mẹ con Dung. Lúc này Dung đã tỉnh và khá hơn nhiều. “Người đã hiến máu cứu cô đêm qua là anh này đấy. Không có anh ấy khéo chẳng có còn cô đâu”. Bác sĩ trực chỉ tay vào Hảo và nói với Dung. Đôi mắt Dung mở to, ứa lệ. Cô lí nhí: “Em cảm ơn anh!”. “Không có gì đâu Dung à – Hảo nói – Không ngờ lại gặp em trong hoàn cảnh này. Mừng cho em mẹ tròn con vuông nhé”. “Nhà em anh ấy có sao không ạ?”. “Không. Chú ấy ổn rồi. Nghe tin sinh con trai chú ấy cứ đòi sang thăm đấy”. “Em mang ơn các bác sĩ, mang ơn anh nhiều lắm”.

Hai người rủ rỉ nói chuyện với nhau. Qua câu chuyện, Hảo biết sau ngày anh bỏ đi, Dung đã âm thầm cay đắng vuột mất tình đầu, chạy xin việc khắp nơi không được. Sau đó, cô đầu quân cho ngành giáo dục Hà Giang. Định cắm bản vài năm lấy biên chế rồi xuôi, nào ngờ bén rễ, thế là lấy chống và ở luôn trên đó. Rõ khổ, lại thuộc diện hiếm muộn. Năm năm trời mới có thằng bé này. Ông trời bắt em như vậy chăng? “Anh tưởng chồng em là anh chàng hôm ở quán cà phê ấy chứ”. “Anh nhầm rồi. Em đã nhắn tin nói rõ với anh mà anh vẫn không chịu hiểu. Đó là anh trai họ của em. Hôm ấy anh từ Hà Nội về thăm em đột xuất nên em đưa anh ấy ra quán ấy đấy”. “Giời ạ! Thế mà anh cứ tưởng. Anh thật hồ đồ. Tha lỗi cho anh nhé”. “Không sao đâu anh. Số em nó vậy. Đành mất anh mà. Mình có duyên mà không có phận anh ạ. Giờ anh lại cứu em. Thế là em vui lắm rồi!”. Dung nhoẻn cười và mệt mỏi nhìn Hảo. Vừa lúc đó, điều dưỡng tới chuẩn bị tiêm cho Dung. Hảo chào Dung và lặng lẽ lui ra ngoài.

Điện thoại Hảo rung lên. Lại có ca cấp cứu chuyển viện mới. Anh ba chân bốn cẳng chạy ra nhà xe. 115 tức tốc lên đường. Câu chuyện và hình ảnh về Dung, Hảo đành tạm gác lại. Phía trước anh là con đường, là sinh mạng của bệnh nhân và các bác sĩ. Quyết không để phạm sai lầm như cái thời nông nổi tình đầu nữa. 115 hú còi lao đi…

Đ.X.T