23.5.2018-11:00
NVTPHCM- Trong xu thế chung, các báo văn học đang chuyển sang phiên bản điện tử. Song dù dưới hình thức nào thì chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật mới là điều quan trọng nhất để neo giữ độc giả.
Tâm tình từ những bản thảo viết tay
Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm báo Văn nghệ ra số đầu tiên (1948-2018), các nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ của tờ báo đã kể lại những ký ức khó quên về giai đoạn làm báo thời chiến và khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Thời bom đạn thì sự liên lạc, trao đổi với tòa soạn vất vả là một nhẽ. Ngay cả khi bắc nam liền một dải, việc kết nối bằng điện thoại giữa người dân vẫn chưa thật sự phổ biến, hình thức liên lạc phổ biến nhất vẫn là qua đường thư tín. Bởi vậy bài cộng tác của các văn nghệ sĩ gửi về báo Văn nghệ chủ yếu vẫn là thư tay. Thư từ người gửi tới tòa soạn nhanh thì vài ngày, lâu thì có khi mất cả tháng. Để tiếp nhận thư cộng tác viên gửi đến, báo có riêng bộ phận tiếp nhận thư, vào sổ và phân bổ bài tới các ban chuyên môn. Vì viết tay nên dấu ấn mỗi cá nhân hiện lên qua từng trang bản thảo, mang lại nhiều cảm xúc cho các biên tập viên. Có biên tập viên sau bao nhiêu năm vẫn nhớ như in: nhà thơ Huy Cận chữ nắn nót như học sinh; nhà văn Tô Hoài chữ nhỏ, chỉn chu; nhà văn Sơn Nam các nét chữ thường bị giản lược và díu vào nhau; nhà thơ Lưu Quang Vũ chữ mộc mạc; nhà thơ Phạm Tiến Duật chữ mảnh dẻ, dễ nhìn nhưng hay gạch xóa; nhà thơ Trần Lê Văn có chữ ký cực kỳ đánh đố… Đôi khi gặp một số bản thảo viết khó đọc đến nỗi dịch được chữ tác giả chẳng khác nào đọc mật mã! Tuy việc liên lạc mất nhiều thời gian nhưng mối liên hệ giữa tòa soạn và cộng tác viên vẫn diễn ra bền bỉ theo mỗi cánh thư. Chính từ đây những tình bạn đẹp trong văn chương đã hình thành và không ít người sau này đã trở thành tri kỷ.
Khi văn chương cập nhật công nghệ
Phải đến những năm 90 của thế kỷ trước, điện thoại mới dần trở nên phổ biến, việc liên hệ giữa tòa soạn và cộng tác viên dễ dàng hơn. Cùng với đó một số cộng tác viên của báo Văn nghệ bắt đầu sử dụng máy tính, bản thảo gửi đến tòa soạn được gõ vi tính sạch sẽ. Có cộng tác viên còn nộp bài theo dạng đĩa mềm, nhờ vậy bài chỉ việc copy vào máy tính, công việc của biên tập viên nhẹ đi bội phần vì giờ đây không cần phải dùng đến kéo, giấy và hồ dán để xử lý bài! Phòng máy vi tính của cơ quan trở thành nơi được chăm sóc đặc biệt. Đã có chuyện thật như đùa là có nhà thơ sợ không dám đi giày dép vào phòng vì “nhỡ con virus từ đế giày nhảy vào máy”! Tuy vậy sự tiện lợi cũng vô tình làm mất cơ hội lưu bút tích của các nhà văn nổi tiếng vốn là một niềm yêu thích của các biên tập viên báo văn.
Sang đầu thế kỷ 21, công nghệ có những bước tiến lớn, nhờ vậy người làm báo nói chung, giới hoạt động trong lĩnh vực văn chương nói riêng được hưởng lợi đáng kể. Đó là sự ra đời của dịch vụ internet thông qua mạng điện thoại công cộng bằng cách quay số dial-up với các đầu số như VNN 1260, VNN 1269 và VNN 1268. Việc dùng thư điện tử, mạng xã hội như Yahoo đã tạo ra sự thay đổi ngoạn mục. Khoảng cách về địa lý, không gian, thời gian đã không còn là trở ngại nhờ chiếc máy tính kết nối internet. Các biên tập viên và bạn viết ngay lập tức có thể trao đổi với nhau về đề tài, cách triển khai bài vở, vì vậy thông tin trên báo cũng thời sự hơn, đa dạng, hấp dẫn hơn.
Cùng với đó, trào lưu mở blog cá nhân, mở chuyên trang văn chương trên mạng nở rộ trong giới văn chương. Người tiên phong có lẽ phải kể đến nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre). Sau đó có thể kể đến các trang văn chương khá đình đám của nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Hòa (quản lý dữ liệu website vannghesongcuulong.org), Trần Thanh Giao, Hoàng Đình Quang, Trần Quốc Toàn, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Công Hùng, Lê Thị Kim, Hồ Tĩnh Tâm… Không khí văn chương nhờ vậy cũng sôi nổi hơn bởi giờ đây nhà văn có thể thoải mái “xây nhà” trên mạng, đăng tải các sáng tác mới, trực tiếp trao đổi, bàn luận về các vấn đề văn chương với bạn bè, độc giả ngay trên trang cá nhân, không còn phải trông chờ nhân viên bưu điện hoặc lệ thuộc vào các cuộc điện thoại đường dài. Không khí này cũng có tác động đáng kể vào công việc của những người làm báo Văn nghệ. “Lướt” vào không gian mạng, biên tập viên nắm bắt nhanh và đa dạng hơn những thông tin, ý tưởng, công việc sáng tác và nội dung tác phẩm mới… của nhiều tác giả trong cả nước. Đòi hỏi trang báo phải bám sát, không được tụt hậu so những gì đã, đang có trong đội ngũ cầm bút.
Tờ báo Văn nghệ 70 tuổi, bên cạnh việc duy trì ấn phẩm báo giấy đã có phiên bản điện tử. Công nghệ đã trao cho văn nghệ sĩ những vận hội mới. Song cũng phải thấy rằng công nghệ dù phát triển đến đâu cũng không thể thay thế trí tuệ, cảm xúc, sự sáng tạo của con người, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Độc giả vẫn luôn trông chờ những tác phẩm có giá trị của các nhà văn, dù đăng tải dưới hình thức nào.
PHONG ĐIỆP/NDĐT
>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…