Lam Giang: Đời lính, đời người, đời thơ

732

Nguyễn Vĩnh Bảo

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hành trình văn chương của nhà văn Lam Giang (Thượng tá Hồ Sỹ Thành) dài hơn nửa thế kỷ. Sinh ra và lớn lên trên làng Quỳnh, Nghệ An – quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sau 17 năm sống tại quê nhà, Lam Giang ra Hà Nội học tập và công tác tại các tỉnh phía Bắc. Năm 1965 – 19 tuổi, anh hăng hái nhập ngũ, suốt mười năm cầm súng lăn lộn trên chiến trường miền Nam.


Nhà văn Lam Giang: Tên thật là Hồ Sĩ Thành cấp bậc Thượng tá. Ông còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn TP. HCM.

Gắn bó với quê hương, anh đau đáu mang theo những hình ảnh quê nhà từ thời ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Bằng tất cả những tâm huyết của mình, Lam Giang đã trở thành nhân tố sáng trong làng văn Việt Nam. Tên tuổi anh có khá nhiều người trong và ngoài ngành văn chương biết đến. Anh cũng là chiến sĩ dũng cảm, chỉ huy chiến đấu tài ba, luôn được các đồng đội kính phục, cấp trên đánh giá cao. Dấu ấn của nhà văn Lam Giang thể hiện qua bút pháp: gần gũi, sáng tạo, đời thường, luôn hòa mình vào mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, nơi anh sinh ra. Lam Giang tốt nghiệp Học viện Thủy Lợi – Điện Lực (Hà Nội) năm 1962. Khi trở thành quân nhân, anh tham gia các chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968, xuân hè 1972, đặc biệt chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975.

Hơn 50 năm viết báo, viết văn, làm thơ, anh đã rong ruổi cả một quãng đường dài suốt từ Bắc chí Nam. Trên vai ba lô đầy ắp những khúc quân hành ca, những câu thơ, bài báo, bài văn hừng hực ý chí chiến đấu. Đời binh nghiệp với những ngày tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt đã cho anh vốn sống phong phú. Tôi may mắn được nghe vợ anh kể về những ngày đầu nhập ngũ, những ngày anh khoác ba lô trên vai. Khi dừng chân bên rừng, bên suối, bên mái nhà tranh, bên con sông quê hương, là những bài thơ, những dòng tiểu thuyết tuôn trào. Những bài thơ luôn mang nặng dấu ấn với gia đình, với quê hương, bạn bè… Có một lần đơn vị anh hành quân qua làng Quỳnh, trên một chuyến tàu: Chập chờn giấc ngủ qua quê/ Con tàu lướt giữa trời khuya gập ghềnh/ Nằm ngang đầu gối làng Quỳnh/…Sương nhòa hai phía đường ray/ Hương đêm như cũng vào đầy trong khoang/…Giật mình thức giữa mơ màng quê tôi/ Cách nhau mấy bước chân thôi/….(Giấc ngủ qua quê – 6/2001). Anh viết đến say sưa, quên cả tháng ngày, quên cả thư tình của người yêu gửi cho mà quên không đọc. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh về công tác ở Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh và Quân khu 7. Những ngày tháng đó anh tranh thủ thu thập lại những bài thơ, những trang tiểu thuyết…

Rồi lần lượt anh cho ra đời: “Những tiếng nổ rung chuyển Sài Gòn” (truyện ký 1984), “Đường dây vô hình” (truyện vừa 1985), “Ngày cuối cuộc chiến tranh” (truyện vừa 1986), “Dấu chân qua đường phố” (1988), “Trên con đường không cột số” (1999), “Người con đất thép” (2004). Những cuốn tiểu thuyết đã xong bản thảo, hoàn chỉnh các công đoạn cuối cùng cho ra đời: “Chiếm đoạt tình yêu” (1991), “Vùng trắng” (2015). Với thơ anh đã cho ra đời: “Trở lại dấu chân mình” (trường ca 1994), “Qua miền hoa chân chim” (1995), “Cửa gió” (1997), “Lục bát ru em” (2002), “Về gần nhớ xa” (2005), “Gom nhặt tháng ngày” (2006), “Mưa riêng” (2007), “Phía sau huyền thoại” (trường ca 2009), “Lam Giang” (thơ chọn 2010), “Giây phút khứ hồi (2013), “Bất chợt hoa xoan” (2015), “Thơ lẻ theo mùa” (2017). Lam Giang luôn khắt khe với chính mình, nghiêm khắc với chính mình, đó là một con người đầy cá tính. Những tác phẩm về thơ, văn đều được anh em, bạn bè, đồng đội đón nhận, hào hứng ngợi khen, đánh giá rất cao các tác phẩm của anh. Chính vì vậy mà các tác phẩm của anh đã được nhiều giải thưởng: Giải thưởng thơ (Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam 1975 – 1976). Giải thưởng thơ – văn của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh 1977, 1984, 1985, 1986. Giải thưởng văn – thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2010. Giải thưởng tiểu thuyết “Vùng trắng” (giải nhì không có giải nhất, TP.HCM năm 2015). Anh gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997.

Bây giờ anh đã về miền xa thẳm, nơi có các đồng đội cũ, nơi có những người thân quen… Nhưng với chúng tôi vẫn cảm thấy anh Lam Giang còn đó – một nhà văn, nhà thơ tài hoa, giàu cá tính.

Sài Gòn tháng 1/2021
N.V.B