Lâm Long Hồ – nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm mà trổ xanh hồn mình

721

Khét

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa bắt đầu lạnh, người ta thường nhận ra sự thay đổi âm thầm của tiết trời, sương mù bảng lảng chạm vào da thịt, cái lạnh len lỏi trong ánh mắt mỗi người. Có lẽ những đổi thay không mãnh liệt, từ tốn và thầm thì cũng đủ làm ta xao động, như giữa tấp nập, xô bồ của nhịp sống, đâu đó còn sự chênh vênh vài tiếng hót bị bỏ quên trên nóc nhà phố thị. Đôi lúc, tôi là kẻ khất thực những khoảng lặng để ngắm lại mình, ngắm lại buồn vui vừa nổi, vừa chìm hôm qua, hôm kia và sau này nữa… Phải chăng, cũng vì thế mà Lâm Long Hồ khi tựa vào sông nước mênh mông lại viết:

“Lòng sông

trăn trở

đục trong hai mùa”.


Nhà thơ trẻ Lâm Long Hồ.

Nếu sông chỉ có hai mùa thì có thiết phải trăn trở hay lòng ta cũng như lòng sông, vẫn đục – trong khi còn mở – nhắm mắt?

Cảm thức sông là cảm thức không thể cản ngăn luôn chảy trong tiềm thức người đồng bằng. Đó là cái cảm thức vô hình chung ấn định vào trang viết, dù vô tình hay cố ý, nó luôn hiện hữu như những rung cảm của chúng ta từ bao thế hệ sinh thành trên mảnh đất này. Sông êm đềm hát ru người mẹ nghèo xứ sở, khỏa lấp những đoạn buồn trên tay và chan hòa cái mặn của nước mắt… Vậy nên đôi lúc, chúng ta muốn quay về ngồi bên dòng sông nào đó, để chạng vạng mình vẹn nguyên như tiếng khóc đầu đời.

Lâm Long Hồ cũng vậy, anh ta chạng vạng mình khi ngồi trước dòng sông: nếu chỉ “đục trong hai mùa” vậy sông đã mang giấu đi đâu những vơi cạn vui buồn? Có phải không sông ơi – dòng chảy nào đã xuyên thấu bao thế hệ người nơi đây. Có chiếc áo bà ba lam màu khói của mẹ tôi sau hè, có lời ru con theo nhịp cầu tre lắt lẻo, có giọt nước đã tắm táp trưa tôi sũng ướt đến bây giờ, và dòng nào đã làm tím lục bình lang thang… Tất cả những câu hỏi đó đã khơi mạch chảy thẳng vào tôi khi đọc bài trên, nó làm tôi nửa yêu, nửa sợ con sông cũng như sợ chính mình.


Tập thơ Haiku “Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm” của Lâm Long Hồ.

Haiku Lâm Long Hồ luôn là nốt trầm để ta soi lại những gì nhỏ nhặt, thân quen, mà cơ hồ ta đã quên, như trước vũng nước đọng lại sau cơn mưa bất chợt: “Vũng nước tù/ dưới giày cao gót/ trăng thu”. Tưởng chừng nó giản đơn quá, từ ánh nhìn đến ngôn từ, nhưng không hẳn vậy, từ “giày” (người) tạo ra “vũng nước” trên mặt đất, mưa (thiên nhiên) và còn lồng cả ánh “trăng thu” vằng vặc lá vàng và cái gì rơi rụng theo mưa nữa. Con người chúng ta có thể không để ý đến những tác động vào thiên nhiên, nhưng dù rất nhỏ cũng tạo ra sự tròn – khuyết nào đó, còn thiên nhiên thì luôn bao dung, chấp nhận và mở lòng với người. Vả chăng, theo cách nào đó, nó là một thông điệp. Ngoài ra, bài thơ trên còn cho ta thấy khoảng trời góc sân của hạnh phúc, viên mãn mà ta luôn kiếm tìm, đuổi bắt mộng tưởng nơi xa xôi, nhưng lại hờ hững, quên rằng hạnh phúc luôn ở gần ta như mảnh trăng thu trong vũng nước trước sân nhà mình vậy!

Hành trình sáng tạo là cuộc hành trình kỳ lạ. Nó được khởi hành từ cái tôi thực tại, bên ngoài dò dẫm đi vào bên trong, suy xét, bóc tách từng nếp lòng và đối chiếu, truy vấn, có khi còn rượt đuổi với cái tôi bên trong. Lâm Long Hồ cũng không ngoại lệ, anh ấy tự tách mình ra, rồi ngắm lại những chai sần vừa nở, vừa tàn trong đoạn đời đã qua, cùng với sự chiêm nghiệm tĩnh lặng như đêm, anh quán chiếu lại thực tại: “Ốc/ trọ/ trong vỏ ốc”, đó cũng là niềm trăn trở chung, sự tự mổ xẻ mình của người viết. Trong bước hành hương về ngôi đền thiêng của lòng, cái luôn thừa thãi là sự cô đơn, sự tự dằn vặt mình “Xác hoa/ nở đầy/ trên bóng cây” – ta đã làm những gì trong quãng đời đấy nhỉ? Tại sao ta lại cười, cái cười không đến từ con tim mà chỉ đến từ cơ mặt. Không. Đó không phải là cười, chỉ là sự nhăn nhúm của khuôn mặt để làm đẹp lòng ai đó. Tại sao ta lại thở để làm điều ta không muốn? Tấm thân này ích kỷ với tấm lòng, ta gian dối,… quãng thở đó chỉ là “xác hoa”, chỉ xứng là “xác” thôi và dĩ nhiên nó chưa bao giờ “nở” – là để tìm chân giá trị bản ngã, từ đó, chắt lọc thành những sớm mai trở giấc, đơm mầm trong cái tôi chính thể, như cánh bướm trước khi bay phải ươm kén thân mình.

Và trong những cú va đập, đối lập giữa quá khứ – hiện tại, sự tương quan, luân hồi giữa sống và chết, cái còn và cái mất song hành như “Trẻ con Ba Chúc/ hát đồng dao/ bên xương người”, sẽ luôn sản sinh một ra nguồn năng lượng mới, nó như khúc đồng dao chân thật và nặng tình.

Quan trọng hơn, là sau những cuộc tự tranh đấu ấy đều mang lại cho ta một khoảng nở, khoảng bay “Bồ công anh đón gió/ cho hạt tự do/ bay”. Tôi luôn đề cao khoảnh khắc đốn ngộ trong haiku Lâm Long Hồ, nó như cái tay nắm cửa mở ra những vùng trời cho ta giàu mắt, sáng lòng. Những bí bách thường nhật dĩ nhiên vẫn hiện diện trong thơ, như điều căn bản là chân ta trên đất, nhưng hồn ta thì không, sẽ được cứu rỗi bằng khoảnh khắc tiếng chuông gióng lên trong cổ tự hồn mình, như khoảnh khắc đốn ngộ này: “Giữa hồi kinh/ con bướm nhỏ/ tự sinh ra mình”.

Những dòng thơ của Lâm Long Hồ là một sự tận tụy hướng nội. Tuy nhiên, khi ta đã đặt mạch nguồn của tập thơ này vào bước đi trong lòng tác giả, chúng ta đều hiểu rằng: Ở một khoảng nào đó quá lâu, người ta sẽ quên bẵng đi ngoài kia những tia nắng sớm còn đang ấm. Và hướng đi của thơ cũng ít có ngoại lệ. Khi ta ươm hồn mình, đắp lên những ý niệm trong tâm thức và mải mê khai hoang nó, tôi sợ, ta có thể sẽ bỏ lỡ thứ gì đó tươi đẹp ngoài sân. Như nỗi sợ của người viết là giẫm lại bước chân mình, và sáng tạo luôn là những cuộc đào thoát xưa nay.

Ngõ hầu, tập Nhìn tôi bằng đôi mắt nhắm với 90 bài haiku – Nxb. Đà Nẵng 11/2021, đã cho ta thấy một Lâm Long Hồ nhiều nội lực, thăng trầm và chiêm nghiệm, tôi tin đó là tiền đề để nhành triêu nhan này vượt qua giới hạn đôi chân mình, và hứa hẹn một mùa ngát hương: “Triêu nhan ơi/ khi thiền ni Chiyo xin nước/ mi thoát kiếp hoa rồi”.

K.