Lận đận Trúc Phương

1067

Tương Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những nhạc sĩ kháng chiến có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng luôn chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử âm nhạc dân tộc. Tài năng của Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Trần Kiết Tường… không ai có thể  phủ nhận được. Nhưng bên cạnh đó, những nhạc sĩ tài danh trong giới mộ điệu tân nhạc không phân biệt chính kiến, từ trước những năm giữa thập niên của thế kỷ hai mươi ở phương Nam, phải công tâm mà nói rất khó kể hết. Theo dư luận chung trong hàng ngũ những nhạc sĩ tài hoa ấy, công chúng âm nhạc không thể nào quên Lam Phương, Trịnh Công Sơn, Trúc Phương…

Trước năm 1975, từ chiến khu đến vùng tạm chiếm, có những những nhạc sĩ nổi tiếng mà tên tuổi mỗi khi nhắc đến công chúng yêu nhạc đều trân trọng và ngưỡng mộ như nhạc sĩ như Trúc Phương, Thanh Sơn, Lam Phương… Hoàn cảnh chiến tranh của đất nước đã đưa mỗi người đến một số phận nghiệt ngã trong đó có nghệ sĩ mà bản thân họ cũng không muốn. Nhạc sĩ Trúc Phương, người nhạc sĩ tài hoa được nhiều người xem là điển hình cho một cung đàn bạc mệnh trong hoàn cảnh đất nước tang thương vì khói lửa đao binh.


Nhạc sĩ Trúc Phương.

Nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, quê quán ở xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (còn gọi là Vĩnh Bình), thị trấn của ao Bà Om huyền thoại với những cây sao cổ thụ bốn mùa phủ mát bóng râm trên đường phố. Xuất thân trong một gia đình có người mẹ mua bán nhỏ ở chợ quê, cậu bé Thiên Lộc đã sớm say mê âm nhạc. Đến tuổi thành niên, Thiên Lộc đến hoạt động văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Trà Vinh trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn tìm học nhạc với nhạc sĩ Trịnh Hưng (1930-2008), tác giả bản nhạc nổi tiếng Lối về xóm nhỏ. Nghệ danh Trúc Phương bắt đầu được biết đến trong làng nhạc phương Nam với ca khúc nổi tiếng Tình thắm duyên quê (1957), Chiều làng em (1958) – bản nhạc đánh dấu tình thương người vợ quê ở Bến Tre chung quanh nhà có trồng nhiều tre trúc. Sau nhạc phẩm Đò chiều (1959), nhạc sĩ Trúc Phương để đời với bản nhạc bất hủ Tàu đêm năm cũ (1960) thực sự đã đi vào lòng người yêu tân lẫn cổ nhạc lúc bấy giờ. Chính giọng hát liêu trai của danh ca Thanh Thúy xưa xinh đẹp đã gắn liền tên tuổi mình với bản nhạc nổi tiếng này. Danh ca cải lương Hữu Phước – thân phụ của nghệ sĩ Hương Lan – cũng đã trình diễn rất mùi mẫn 6 câu Vọng cổ Tàu đêm năm cũ đậm nét trữ tình, phản ánh cảnh tượng đau lòng cuộc chia tay lâm ly đẫm lệ giữa đôi nam nữ yêu nhau trong thời chiến.

Số lượng nhạc phẩm của Trúc Phương có gần 100 bản được xuất bản đàng hoàng, phổ biến rộng rãi trong quần chúng từ 1960 cho đến nay. Những nhạc phẩm mà công chúng mộ điệu ai cũng có thể thuộc lòng ít nhất vài câu là: Tình thắm duyên quê, Chiều làng em, Đò chiều, Tàu đêm năm cũ, Chiều cuối tuần, Nửa đêm ngoài phố, Con đường mang tên em, Ai cho tôi tình yêu),Chuyện chúng mình, Mưa nửa đêm, Bóng nhỏ đường chiều, Hai chuyến tàu đêm, Thói đời, Người ngoài phố… và tác phẩm sáng tác sau cùng, trước khi nhạc sĩ Trúc Phương đi xa về với thế giới âm thanh vĩnh hằng Xin cảm ơn đời (3/1995) mà chính tác giả cho rằng không mấy thành công.

Nhạc sĩ Trúc Phương sớm lập gia đình với người vợ quê ở xứ dừa và có được 6 người con. Không uống rượu li bì như nhiều nghệ sĩ khác, nhạc sĩ cũng từng tạo xe Mazda, Peugeot 404 khi cuộc đời lên voi. Sau khi nước nhà thống nhất, do hoàn cảnh khó khăn như nhiều người trong thời bao cấp, Trúc Phương đã mấy lần vượt biên nhưng không thành công! Sau khi ra tù, mất hết cả xe hơi, nhà cửa, nhạc sĩ trắng tay, gia đình vợ con chịu cảnh sa sút cũng như chính bản thân nhạc sĩ. Về sau, hội Văn nghệ Vĩnh Long cảm thương tình cảnh khốn đốn của người nghệ sĩ tài hoa, đã cấp cho nhạc sĩ chỗ ở tại trụ sở Hội Văn nghệ số 6 Hưng Đạo Vương, tỉnh Vĩnh Long trước khi Trúc Phương trở lại thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi qua đời.

                                                                    ***

Trong gia tài đồ sộ của một nhạc sĩ danh tiếng từng bị người gán vào dòng nhạc vàng (?) – có họ hàng với nhạc sến xuất phát từ hai chữ Pháp Marie Sến chỉ người đi ở đợ cho giai cấp giàu có được gọi là con sen với ý nghĩa bôi bác coi thường người lao động nghèo khó. Nhưng cũng có người bình tĩnh hơn, trân trọng gọi nhạc sĩ Trúc Phương là ông hoàng boléro.

Thực tế để đánh giá được ít nhiều tài năng, phong cách nghệ thuật của nhạc sĩ Trúc Phương phải là người yêu nhạc, hiểu cơ bản về lý thuyết âm nhạc và biết cảm thụ về nghệ thuật của giai điệu âm thanh huyền hoặc phù thủy trong những ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Trúc Phương. Cũng chơi tân nhạc và sáng tác ca cổ, tôi gốc người Cần Thơ, cách không xa mấy xứ sở ao Bà Om và biển Ba Động, cũng từng đi lại hoạt động văn nghệ từ nhiều thập niên trước đây từ trước và sau năm 1975. Thú thật, xuất phát từ lòng say mê nhạc Trúc Phương và am hiểu được tình cảm quần chúng văn nghệ với những ca khúc bất hủ Nửa đêm ngoài phố hoặc Chiều cuối tuần, Buồn trong kỷ niệm… tiêu biểu cho khối lượng không nhỏ danh tác của Trúc Phương, hôm nay tôi mới dám đánh bạo viết bài về chàng nhạc sĩ tài hoa này.

Thời kỳ ca khúc của Trúc Phương được coi là ngự cao ở đỉnh điểm giá trị là giai đoạn tôi đang dạy học vì trốn đi học làm sĩ quan cộng hòa, mới từ một huyện lỵ xa vừa trở lại thành phố để xin dạy tư. Mang mặc cảm tê tái cô đơn của một thanh niên thời chiến, ngoài giờ đứng lớp ở trường tư và các trung tâm dạy thêm, tôi cùng các bạn thân cùng tâm trạng hay đàn đúm nhau tại tiệm cà phê nhạc hoặc các quán rượu. Trong khoảng không gian nồng nực men bia và mịt mùng khói thuốc bay vòng vèo lên trần nhà là ngồn ngộn âm thanh của những ca khúc trữ tình của Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Thanh Sơn,… Mỗi nhạc sĩ nổi bật lên một chủ đề riêng trong tác phẩm mình, như Trịnh Công Sơn: tình tự quê hương; Trúc Phương: tình yêu đơn côi, thói đời đen bạc…; Thanh Sơn: tình cảm học trò, ký ức tuổi thơ…

Nhìn lại sự nghiệp không hề nhỏ của nhạc sĩ Trúc Phương, những ai yêu nhạc tữ tình cũng thấy rõ những sợi chỉ hồng chủ đề nội dung căng suốt trong gần trăm ca khúc không thiếu tính nghệ thuật của nhạc sĩ là:

Nỗi cô đơn của kẻ khát tình, tâm sự thèm yêu của chàng trai thời loạn: Có dịp gần gũi Trúc Phương, ai cũng thấy rõ nhạc sĩ vóc người không nhỏ bé nhưng lưng hơi tôm và khuôn mặt Trúc Phương cũng không được mấy đẹp giai như các nhạc sĩ Hoài Linh, Thanh Sơn, Trần Thiện Thanh… Phải chăng đây là điều minh chứng cho thuyết “bỉ sắc thử phong” (cái này trội thì cái kia kém) mà thi hào Nguyễn Du đã nói lên trong phần mờ đầu Truyện Kiều: Lạ gì bỉ sắc thử phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Tư tưởng này bàng bạc trong những nhạc phẩm: Ai cho tôi tình yêu, Con đường mang tên em, Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Người ngoài phố, Bóng nhỏ đường chiều,…

Nói thay tâm sự nhớ nhung của người lính chiến: Đó là nỗi buồn xa nhà, xa vợ con của anh lính cộng hòa cực chẳng đã phải mang màu áo trận, trấn thủ nơi miền xa với nỗi buồn vui đan xen khi trở lại thành phố, được đoàn tụ với bạn bè, người yêu, với người thân. Cuộc chia tay đẫm lệ, đau đáu cháy lòng giữa người đi và kẻ ở trong thời quê gia đình: 24 giờ phép, Người xa về thành phố, Trên vùng chiến thuật, Bông cỏ may… trong hoàn cảnh quê hương binh biến, thể  hiện trong nhạc phẩm nổi tiếng Tàu đêm năm cũ (ca sĩ Thanh Thúy xưa hát) mà ai yêu cả tân lẫn cổ nhạc (danh ca Hữu Phước ca) cũng có thể đã thuộc lòng.

Nỗi buồn về nhân tình thế thái dàn trải triền miên trong nhiều ca khúc xót xa rã ruột: Lời than thở về lòng tráo trở, thói đổi trắng thay đen của con người trong cõi nhân gian được nhạc sĩ chua xót nói lên: Xưa trắng tay, gọi tên bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ thâm giao… còn gian dối cho nhau (Thói đời), Xin cảm ơn đời… với giai điệu não nề là những lời trăn trối nức nở của người sắp vĩnh biệt bao người mình yêu thương, là bản nhạc cuối đời của một nhạc sĩ tài hoa. Ngồi lắng lòng thưởng thức những ca khúc đậm màu triết lý thể loại này, ta không khỏi nhớ đến những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm: Thế gian biến cãi vũng nên đồi/Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi/ Còn bạc còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm hết gạo, hết ông tôi (Thế thái nhân tình).

Nuối tiếc nhớ thương về kỷ niệm xót xa trong tình yêu tuổi ngọc và tình bạn đã mất: Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, chắc chắn không một ai yêu nhạc trong công chúng mà không nhớ đến những lời ca tê tái cõi lòng về chuyện tình yêu không trọn thật xót xa vô hạn: Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn… Nụ cười ngày xưa chết trên bờ môi héo mòn tuổi đời… (Buồn trong kỷ niệm), những dấu ấn không vui về  tình bạn trong cuộc đời sóng gió vì lửa binh cũng được nhạc sĩ nhắc đến với tâm trạng buồn đau trong nhạc phẩm Chuyện chúng mình… Rồi những tác phẩm: Bóng nhỏ đường chiều, Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần, Con đường mang tên em, Hai chuyến tàu đêm,… Giọng vàng của những danh ca thời đại như Thanh Thúy, Giao Linh, Chế Linh, Thanh Tuyền,… đã liên tiếp thay nhau chấp cánh cho giai điệu bất hủ của người nhạc sĩ tài hoa bạc phận ngày càng bay cao lên khung trời âm thanh và len sâu vào tận đáy lòng công chúng yêu ca nhạc cho đến hôm nay.

                                                                  ***

Đa phần ca khúc của nhạc sĩ Trúc Phương phổ một cách điêu luyện theo game thứ (âm giai thứ) theo thể điệu boléro nên âm hưởng trầm buồn cộng với nội dung đậm chất trữ tình do vậy rất dễ đi sâu vào lòng công chúng mộ điệu. Điều này khiến ta nhớ đến câu thơ Pháp: Tiếng hát tuyệt vọng nhất là tiếng hát hay nhất  (Les plus désespérés sont les chants les plus beaux – A. de Musset).

Với chủ trưởng hòa hợp sau hơn 45 năm thống nhất nước nhà với truyền thống nhân văn, đạo nghĩa của tổ tiên, nhiều tác phẩm nghệ thuật của một thời tóc tang binh lửa đã được nhà nước cởi trói. Trúc Phương người nhạc sĩ có chân tài sở hữu những giai điệu bất hủ và lời ca thi vị trong gia tài âm nhạc đồ sộ mình rất cần được đánh giá công bằng để không phụ lòng con người nghệ sĩ tài hoa đã khuất. Với những ca khúc bất tử vượt thời gian không gian của người nghệ sĩ tài hoa đã đi sâu vào tận trái tim đa phần những người mộ điệu, nhạc sĩ Trúc Phương ắt hẵn sẽ có lại một vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc hòa hợp đầy tính nhân văn của dân tộc.

T.N