Lằn roi của Má! – Tản văn của Thanh Nguyên

2788

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tuổi thơ là những ngày lớn lên bởi nụ cười và nước mắt, trưởng thành là những ngày lớn lên bởi nước mắt và nụ cười…

Tác giả Thanh Nguyên

Ngày nhỏ tôi không sợ con chuột, không sợ rắn, thằn lằn, nhền nhện hay các thể loại khác có thể dọa được con nít, chỉ sợ mỗi lằn roi của Má. Má là thợ may, đồ nghề có cây thước may dài năm tấc, bằng ván ép, mỏng và nhẹ, khi Má gõ nhịp nhịp cây thước xuống nền nhà, tim tôi cũng bắn loạn theo nhịp thước Má gõ.

Mỗi lần làm sai, nghịch phá hay chưa vâng lời, Má nhỏ nhẹ rút cây thước may, kêu nằm sấp xuống nền nhà, không dám cãi lại mà nước mắt đã giọt ngắn giọt dài. Hồi hộp nhất là lúc Má vừa kể tội, vừa răn đe, vừa nhịp nhịp thước xuống sàn nhà, hồi hộp vì không biết cuối câu thứ mấy thì nhát thước hạ thẳng xuống mông, cảm giác cứ lo sợ phập phồng, nơm nớp. Mà có lần nào bị đòn giống lần nào đâu, mỗi lần mỗi kiểu mà nghịch thì vẫn nghịch. Có khi Má đánh một roi, khi thì hai roi, tội lớn lớn chút nữa thì ba roi… đánh xong Má thường kết luận “Đáng lẽ tội này phải đánh mười roi cho nhớ, mà thấy tội nên đánh nhiêu thôi, cho thiếu nợ nhe, lần sau tái phạm trả gấp đôi à!”. Lúc đó mừng thì cũng có mừng trong bụng nhưng vẫn tức tưởi, ấm ức, gượng gạo đứng dậy xin lỗi cho có rồi lẻn vào phòng hay xuống cái võng dưới sàn nhà nằm tức tưởi tiếp xong ngủ lịm đi lúc nào không hay. Ngủ một giấc dậy là quên hết, Má cũng lơ luôn như chưa có việc gì, lại nghịch, lại phá, lại không vâng lời và lại bị đòn.

Thường lần sau bị đòn tiếp Má lại quên mất tiêu món nợ cũ, nên không tính, toàn tính nợ mới rồi thiếu nợ tiếp, rồi lại quên. Nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in những lần “thiếu nợ đòn” của Má, có lẽ vậy mà thấy mình nợ Má biết chừng nào mới trả hết. Thỉnh thoảng hay ngồi lại với Má, can đảm lắm mới nhắc lại chuyện bị đòn, chuyện xấu hổ, khóc la tèm lem, tức tưởi mà kể gì. Mà ngộ, Má lại lơ sang chuyện khác, kiểu như làm sao mới bị đánh đòn, rồi giận lẫy ra sao, chuyện ngày nhỏ như thế nào… chưa bao giờ nghe Má nhắc ngày xưa thiếu nợ Má bao nhiêu roi…

Còn về lí do để bị đánh đòn thì hỡi ơi, toàn chuyện trên trời dưới đất hà, kiểu mê chơi không lên võng nằm ngủ trưa, đi ra bờ sông chơi mà không xin phép người lớn, len lỏi theo tụi nhỏ trong xóm ra sau vườn hái trái Nhãn Lồng, lúc về quần áo bụi đất, da ngứa đỏ mẩn lên… Trong hàng tội đáng bị đánh đòn, tội mà tôi còn thấy ấm ức nhất là tụi con nít trong xóm con trai, con gái cùng chơi ném lon, chơi đá dép, chơi bắn bi… thấy vui vui xúm xít lại thế nào Má cũng gọi về, tiếng “dạ” để đó nhưng đến tiếng “dạ” thứ ba là y như rằng cây thước may trên chiếc bàn cắt được rút xuống, gõ nhịp nhịp xuống sàn nhà. Quan niệm của Má đứa con gái ngoan là phải ngồi ở nhà, quẩn quanh dưới chân ghế bàn may của Má… chơi với em búp bê, lâu lâu Má cho mảnh vải con con đẹp đẹp, chỉ cho cách may áo, váy, gối nệm cho búp bê. Chán trò đó thì trò thứ hai được cho phép là Má sẽ ra bờ sông, cắt cho vài cọng lục bình, ngồi bán bánh mì, lâu lâu Má sẽ quay sang, “Bán cho tui ổ bánh mì đi cô” hay “Bán cho cái bánh bò đi cô”. Với đứa con nít lên bảy, lên tám thì còn gì chán bằng ngồi nhà chơi một mình và chỉ biết ngó ra đường nhìn tụi con nít trong xóm tụ tập reo hò… ngặt một nỗi, ngán tiếng thước gõ nhịp nhịp của Má mà đành ngồi nhìn với cái mặt méo xệt.

Thật sự, với con nít mà nói thì những điều người lớn càng ngăn cản, răn đe thì càng thấy tò mò, háo hức khám phá cho bằng được. Ngày nhỏ nhiều khi nỗi tò mò lấn át được tiếng gõ nhịp của cây thước may, nên canh lúc Má ra sau nhà hay ngủ trưa, nhẹ nhàng “tẩu thoát” theo mấy đứa con nít trong xóm. Chỉ đi lang thang ở những bờ rào, bụi cây dang nắng chơi, vậy chứ cảm giác rất mê tơi và đầy háo hức, mặc dù sau đó là tiếng hức hức khóc tức tưởi dưới lằn roi của Má. Giờ lớn rồi, dẫu việc gì có tò mò, có háo hức đi chăng nữa cũng phải cân nhắc thiệt hơn hậu quả, phải đắn đo suy xét, đôi lúc nghĩ xong thì hết muốn làm, thôi tò mò nữa và dĩ nhiên cuộc sống bớt đi phần thú vị hơn. Thiệt ngộ, kiểu như ngày nhỏ bị răn đe, ngăn cấm, chỉ mong lớn lên để được tự do làm điều mình thích, lúc lớn rồi, tự do rồi lại chần chừ, do dự, biện ra đủ thứ lí do rồi tự trói chân mình vào những điều được cho là “an toàn” nhất.

Dường như hạt bụi thời gian đã làm lu mờ đi những hồn nhiên ngày trẻ nít. Dẫu vẫn nhớ tiếng cây thước may được gõ nhịp xuống sàn nhà, vẫn còn cảm giác hồi hộp, lo lo không biết đến hết câu nói nào thì nhát thước rớt xuống người đau rát… Nhưng sao tò mò, háo hức nghịch dại, những điều muốn vượt ra khỏi khuôn khổ “an toàn”, nề nếp lại ngày một vơi đi, chẳng hứng thú nữa, mặc dù bây giờ Má có bắt nằm sấp đánh đòn nữa đâu.

T.N