Lan tỏa ký ức một thời hào hùng

845

Phan Tùng Sơn thực hiện

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (NXB QĐND) vừa cho tái bản tập trường ca “Gió thổi miền ký ức” của nhà thơ Trần Thế Tuyển. Sau một năm ra đời, trường ca “Gió thổi miền ký ức” (NXB QĐND 2020) đã thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã trải qua chiến tranh. Để lan tỏa ký ức một thời oanh liệt và hào hùng, thông qua câu chuyện thơ của Trần Thế Tuyển đến với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, tháng 6 năm 2021, NXB QĐND đã cho tái bản trường ca “Gió thổi miền ký ức”.


Nhà thơ Trần Thế Tuyển

Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi gửi đến bạn đọc cuộc trò chuyện giữa Đại tá nhà báo Phan Tùng Sơn và tác giả tập trường ca – nhà thơ Trần Thế Tuyển.

– Đại tá – nhà báo Phan Tùng Sơn: Trường ca “Gió thổi miền ký ức” của ông vừa được NXB QĐND tái bản. Việc một tác phẩm thơ được tái bản là điều khá hiếm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Với tư cách tác giả, ông nói gì về điều này?

Trường ca “Gió thổi miền ký ức” của Trần Thế Tuyển

+ Nhà thơ Trần Thế Tuyển: – Trước hết tôi cảm ơn BGĐ – BBT NXB QĐND đã cho tái bản trường ca “Gió thổi miền ký ức” của tôi, đúng như Đại tá – nhà báo Phan Tùng Sơn nói, là điều khá hiếm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Khá hiếm, trước hết phải nói, thơ nói chung và trường ca nói riêng rất kén bạn đọc và điều này nữa đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng không phải ai cũng thích đọc. NXB QĐND cho tái bản trường ca này, theo chỗ tôi biết là nhằm phát hành trong hệ thống thư viện toàn quân là một hạnh phúc lớn lao đối với những người cầm viết nói chung và tác giả trường ca “Gió thổi miền ký ức” nói riêng. Điều quan trọng nữa, với tư cách tác giả trường ca đồng thời là nhân chứng của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc gần đây, tôi có dịp chia sẻ cùng bạn đọc, nhất là những người lính Cụ Hồ về ký ức một thời gian nan mà hào hùng của dân tộc.

– Trường ca “Gió thổi miền ký ức” ra mắt độc giả từ giữa năm 2020, đã được báo chí, truyền thông giới thiệu. Ở lần tái bản này, ông có điều gì muốn nói thêm về đứa con tinh thần của mình?

+ Nếu có thể nói thêm, cũng chính là điều tôi đã đề cập ở trên. Rằng, để có ngày hôm nay, đất nước ta, dân tộc ta đã phải trải qua những tháng ngày kháng chiến gian khổ, ác liệt. Đã có hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Đúng như đôi câu thơ, cặp vế đối của tôi viết về họ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia”. Qua trường ca này, tôi muốn chia sẻ rằng, không điều gì, không ai có thể bị lãng quên, nếu họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả đời mình cho Tổ quốc.

– Nhân nhắc về đôi câu thơ, cặp vế đối ấy, ông có thể cho biết hoàn cảnh ra đời và “số phận” của nó hiện nay ra sao?

+ Có thể mọi người đã biết, Đồng Tháp Mười, đặc biệt Long Khốt, Vĩnh Hưng, Long An là chiến trường cũ của chúng tôi. Đây là nơi nằm lại của trên 2000 đồng đội chúng tôi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng cảm hứng cho người cầm viết. Tôi đã viết hai tập trường ca và một tập truyện ngắn cùng hàng trăm bài báo, bài thơ về vùng đất gian nan và hào hùng này. Đôi câu thơ, cặp vế đối kể trên cũng ra đời từ đây. Sau khi xuất hiện trên sách báo (năm 2009) nó đã được bạn đọc quan tâm đặc biệt. Mở đầu từ đền thờ liệt sĩ Long Khốt, đôi câu thơ này đã được chọn đúc trên chuông đồng, hoành phi, bia ghi danh liệt sĩ ở nhiều đền thờ liệt sĩ dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa và một số đền thờ liệt sĩ trong cả nước. Có một công ty sản xuất đồ thờ cúng tại Huế, có văn phòng ở nhiều nơi đã chọn đôi câu đối này làm sản phẩm của họ. Đôi câu đối này của tôi đã được Bộ VH TT DL công nhận quyền sở hữu, quyền tác giả.

– Trở lại vấn đề trường ca. Từ trường ca “Phía sau mặt trời” xuất bản năm 2014 đến “Gió thổi miền ký ức” ông vẫn trung thành với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, trong đó Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh chủ đạo. Độc giả nhận thấy, ông chọn đề tài từ chinh những năm tháng khốc liệt trên chiến trường và những hy sinh mất mát của bản thân, gia đình, đồng đội. Đây là lợi thế của nhà thơ khi viết trường ca?

+ Văn chương là hiện trạng của một thời đã sinh ra nó. Gần nửa thế kỷ cầm súng và cầm viết, những năm tháng chiến tranh cứ ám ảnh tôi mãi. Khi cầm bút viết về đồng đội, tôi như người nông dân cần mẫn cày trên cánh đồng (chữ nghĩa  của mình. Tôi CÀY như trả nợ. Có lẽ thế, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn là đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của tôi. Tôi đã cho in một số tập thơ và đăng báo nhiều bài thơ về đề tài này. Song, tôi thấy “món nợ” chưa vơi. Và, tôi chọn trường ca để may ra có thể giải tỏa được phần nào.

– Không chỉ trường ca, trong các tác phẩm văn chương, báo chí của ông, mạch cảm hứng chủ đạo chính là lòng biết ơn, tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu cho Tổ Quốc?

+ Đúng như thế, vì nặng nợ với họ, nên tôi tự nhủ hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tri ân họ. Các sáng tác văn chương và báo chí của tôi có thể giúp tôi một phần nào điều sâu kín ấy.

– Ký ức chiến tranh ngày càng lùi xa đời sống hiện đại. Nhà văn viết về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang vì thế cũng ngày càng ít, vừa ít tác giả, vừa hiếm tác phẩm hay. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào khi mà thế hệ người cầm bút đã đi qua chiến tranh ngày càng ít dần?

+ Đó là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Đảng, nhà nước, quân đội đã có chủ trương tạo điều kiện cho nhà văn sáng tạo ra tác phẩm cho xứng tầm thời đại. Nhưng công bằng mà nói, đến nay chưa có hoặc chưa nhiều tác phẩm đạt được tiêu chí ấy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, nhưng tôi cho rằng cả hai, từ phía nhà nước và từ phía nhà văn. Nhà nước chưa tạo điều kiện tối đa cả tinh thần và vật chất cho nhà văn có cảm hứng sáng tạo. Nhà văn, đặc biệt những người cầm viết đã qua chiến tranh chưa “tập trung cao độ” chưa có cảm hứng mãnh liệt để thai nghén, “mang nặng đẻ đau” cho ra các tác phẩm xứng tầm thời đại. Trong vấn đề này, không thể không nói đến vai trò của Hội Nhà văn.Một trong những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội Nhà văn là tạo ra môi trường sáng tạo cho nhà văn và kế đó, cùng với nó là thẩm định, đánh giá công bằng, khách quan, có định hướng tư tưởng đối với các tác phẩm, các công trình sáng tạo của nhà văn.

– Là Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP HCM, công việc có ý nghĩa nhân văn này có tác động như thế nào đến cảm hứng và phong cách sáng tác văn học của ông? 

+ Như tôi đã nói ở trên, mình còn sống sau chiến tranh thì mình phải làm tất cả những gì có thể làm được để tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ cũng vì mục đích ấy. Công việc nghĩa tình, nhân văn như nhà báo Phan Tùng Sơn nói đã tiếp cho tôi thêm cảm hứng sáng tạo. Cảm hứng khi viết về họ, những liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ và cả những người thiện nguyện tri ân liệt sĩ như dòng sông cuồn cuộn, không ngừng nghỉ.

– Ông thích phong cách trường ca của tác giả nào nhất? Tại sao?

+ Theo thống kê chưa đầy đủ cả nước ta hiện giờ có trên 300 nhà thơ có tác phẩm là trường ca, đấy là chưa kể các trường ca khuyết danh. Mỗi tác giả trường ca có phong cách riêng, nhưng có lẽ tôi thích trường ca của Thu Bồn. Trường ca của Thu Bồn đến với tôi rất sớm từ hồi còn cắp sách tới trường. Đó là trường ca “Bài ca chim Chơ- Rao”. Và, khi trở thành phóng viên mặt trận theo chân các chiến sĩ tình nguyện ở Cam Pu Chia, tôi đọc và thích trường ca “Oran 76 ngọn” của ông. Với trái tim mẫn cảm và sự quan sát tinh tế, nguồn cảm hứng khi viết trường ca của Thu Bồn như dòng sông quê hương mang bút danh của ông cuộn chảy.

– Để khép lại cuộc trò chuyện tháng sáu đầy ý nghĩa này, ông có thể chia sẻ cùng độc giả các dự định sáng tác của ông trong thời gian tới.

+ Nói trước bước không qua, nhất là ở tuổi sắp “xưa nay hiếm” này. Nhưng tôi vẫn tin mình có thể tiếp tục công việc nghĩa tinh được. Tôi sẽ tiếp tục viết về đồng đội và những người thân yêu của họ, trong đó có những bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ. Đồng đội chẳng phải đâu xa, chính là bạn bè cùng mái trường cấp 3 Hải Hậu, cùng ngôi làng dọc bờ sông và trong đó có em trai của tôi. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nay mà họ mãi chưa về. Những bà mẹ liệt sĩ cũng chẳng phải đâu xa, chính là mẹ đồng đội và cả mẹ tôi nữa, với câu hỏi đời người mà chúng tôi không bao giờ trả lời được: “Con về rồi, còn em con đâu?”…

Cảm ơn nhà thơ Trần Thế Tuyển về cuộc trò chuyện lý thú này. Chúc ông có nhiều sức khỏe và tiếp tục sáng tạo ra các tác phẩm văn chương “tái hiện một thời đã sinh ra nó”.

P.T.S