Lặng lẽ đời người – Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt

534

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hẳn không nhiều như ở bệnh viện nhưng ở quê ông Hữu vẫn đều đều làm cái việc quá quen với mình. Nhà nào trong làng có tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng nhạc tang là ở đó có ông.

 Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Tin bệnh ông Hữu bị thầy thuốc “chê” lan khắp xóm. Bà Miên đến thăm ông vào buổi chiều thứ hai sau khi ông được đưa từ bệnh viện về. Lúc bà đến, ông đang đứng trước ngõ, tay vịn cây xoài, tay kia quàng cổ con trai, mắt đăm đắm nhìn cánh đồng làng. Đôi mắt mệt mỏi của ông dường như muốn thâu trọn hình ảnh những đứa bé thả diều cùng đàn bò trên đê đến những chấm nón trắng nhấp nhô trên thảm lúa vàng và cả làn khói đốt rơm lẫn trong mây chiều mùa hạ. Bà vội quay đi, cố dằn lòng khi thấy lệ nhoè trên má ông.

Cậu mồ côi cha mẹ; cô mất cha, mẹ tái giá nên đành chăn trâu kiếm cơm nhà người – chính là ông và bà của hơn bốn mươi năm trước. Hai mảnh đời bất hạnh lớn lên trên lưng trâu, quen với rơm cỏ; còn lớp học chỉ biết vào buổi tối. Dẫu nắng nóng tháng Năm hay mưa phùn tháng Chạp, hai đứa trẻ côi cút vẫn quần cộc nón cời, dắt trâu cắt cỏ trên đồng. Khi cô biết lấy tay che nơi áo rách trước cái nhìn của bạn trai cùng cảnh thì Hữu rời quê lên phố. Bặt tin một thời gian rồi Miên nghe Hữu đang sống bằng nghề nhặt ve chai ở bãi rác; sau đó, lại nghe anh lê cái chân thương tật cùng thùng kem đi bán dạo.

Cũng đột ngột như lúc đi, ba năm sau Hữu về làng. Chẳng còn quần đùi áo cộc, anh bảnh trai trong bộ quần tây áo sơ mi trắng. Cả mái tóc cũng rẽ ngôi thẳng băng chứ chẳng còn dựng đứng, xù ngược như rễ tre; lại thoảng hương thơm xà bông chứ không khét mùi phèn như trước. Niềm vui vỡ oà, Miên để im bàn tay trong tay anh nóng hổi. Hữu tặng cô cái kẹp tóc, cái lược và cái gương hình trái tim, to bằng bàn tay. “Anh không làm điều xấu là được chứ gì” – Nghe Miên hỏi nghề nghiệp, anh cười đáp. Tin anh nhưng câu trả lời không cụ thể kia khiến cô thắc mắc, cũng chỉ thoáng qua thôi. Anh bảo sẽ gắng làm, gắng dành dụm tiền để ngày nào đó về làm đám cưới.

Ngày đó đến vào mùa xuân năm sau, khi hoa gạo đầu làng chói lên màu lửa. Bấy giờ, ba anh em Miên đã thôi cảnh chăn trâu, bồng em cho nhà người mà sum họp dưới một mái ấm gia đình. Hữu chuẩn bị cho ngày vui của hai người từ chăn màn, bánh kẹo đến đôi dép và quần áo mới cho cô. Buổi tối, cùng ngồi dưới ánh trăng quê, Hữu kể cho người yêu nghe về việc anh đang làm. Nghe anh nói, Miên trố mắt, bàng hoàng. Nỗi sợ đồng lõa với bóng đêm vây lấy cô. Người bạn vốn sợ máu (sợ đến nỗi có lần thấy Miên cắt cỏ đứt tay, Hữu xanh mặt, xé toạc áo mình buột vết thương cho bạn) giờ lại làm cái nghề cô không tưởng nổi: khâm liệm người chết trong bệnh viện. Miên bủn rủn chân tay, ôm choàng lấy Hữu rồi đột ngột bỏ ra bởi mơ hồ như người anh có hơi lạnh. Trên đường về nhà, Miên không dám đi trước, lại sợ đi sau nên đành bước ngang với anh. Và trong đêm trắng đầu đời ấy, Miên co người, ôm chặt đứa em gái trên giường. Những hình ảnh quái dị của trí tưởng tượng cùng những chuyện ma từng nghe bổng trỗi dậy, khiến cô sợ đến vã mồ hôi. Cứ nghĩ đôi bàn tay ngày ngày sờ xác chết sẽ ôm mình, Miên điếng người. Tình yêu tưởng không thể chia lìa bỗng mong manh trước nỗi sợ. Không lời nhắn lại, Miên bươn bộ đến nhà người cô ruột đã có chồng xa, khi trời vừa hửng sáng…

Sau này, Miên nghe anh trai kể lại câu chuyện bi thương đã đưa Hữu đến với cái nghề khiến cô rùng rợn. Chuyện rằng, có người bạn cùng cảnh không người thân, cùng đi bán kem với anh, bị xe chà rồi bỏ chạy mất. Nhờ những người từ tâm, Hữu đứng ra lo hậu sự cho bạn. Và bệnh viện, nơi đêm đêm anh ngủ nhờ dưới mái hiên đã thương tình nhận Hữu vào giúp việc ở nhà tang lễ. Lặng một thời gian, Miên nghe Hữu đã có vợ, là nữ hộ sinh làm cùng bệnh viện. Vậy là đời cần người nâng niu những đứa trẻ mở mắt nhìn trời; lại cần kẻ chăm lo cho người về với đất lạnh. Miên ngộ ra điều ấy sau bao dằn vặt, xót xa. Cứ mỗi lần soi vào chiếc gương hình trái tim anh tặng ngày nào, thấy thời gian đọng thành những nếp nhăn trên mặt, Miên lại thương anh, trách mình.

Nghỉ hưu, ông Hữu đưa vợ về quê, để nhà trên phố cho con. Chính quyền cắt cho ông nửa sào đất để lập vườn, cất nhà. Có người nói ông dại bởi “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”; ông chỉ cười khà khà, bảo quê có cái thích của quê. Dù đã hai thứ tóc và thành bà ngoại bà nội từ lâu nhưng mỗi lần nói chuyện với ông, tuổi thơ bầm dập cùng nắng mưa, đói rét lại hiện hiện trong bà. Trong dòng ký ức ấy, có đoạn buồn hai người không thể quên nhưng đều bỏ lửng thành khoảng trống. Cái khoảng trống buồn ấy đã bao lần khuấy động sự bình yên lòng bà. Và cũng bao lần, bà tự động viên bằng cái câu xưa như chính tình yêu đôi lứa của con người – thôi thì, số phận…

Hẳn không nhiều như ở bệnh viện nhưng ở quê ông Hữu vẫn đều đều làm cái việc quá quen với mình. Nhà nào trong làng có tiếng chiêng, tiếng trống cùng tiếng nhạc tang là ở đó có ông. Mãi rồi thành quen, người ta nghĩ đó như lẽ đương nhiên. Khi nhà có người mất, ông là một trong những người đầu tiên được nhớ đến. “Đã báo ông Hữu chưa?”; “Việc này không ai biết đâu, phải hỏi ông Hữu”. Thế là ông có mặt, chỉ cho mọi người chuẩn bị lễ vật, sắm sửa đồ tang, đào huyệt. Riêng tắm và khâm liệm người quá cố dường như chỉ có tay ông. Bà Miên nhớ mãi lần ông lo cho mẹ mình. Bà cụ “đi” sau mấy năm nằm liệt giường nên lưng đã lở; nói phải tội, con cháu cũng ái ngại. Nhưng ông Hữu vẫn điềm nhiên, từng động tác nhẹ nhàng như dành cho người đang ngủ.

Đến khi đi đâu phải có cái chân thứ ba là cây gậy tre, ông Hữu ghi lại những điều cần cho một đám tang. Từ nghi lễ rồi bát cơm, quả trứng đến đồ tuỳ tán theo người quá cố; cả nội dung tờ sớ để trên quan tài trước khi hạ huyệt mà ông bảo là tờ khai xin nhập tịch nơi âm phủ… đều được ông nắn nót chép vào quyển vở học trò. Ông bảo: “Vì người chết nhưng cũng vì người sống đấy”. Ông đưa quyển sổ ấy cho anh đội trưởng nhạc tang của làng, liền nhận được cái rụt cổ cùng câu trả lời: “Cháu chịu thôi!” Mới nghe ông nói ý định, anh phụ trách đội chiêng trống của xóm đã xua tay: “Tôi yếu tim, hay bị bóng đè, không làm được đâu!” Ông Hữu còn gặp hai người nữa nhưng chẳng ai muốn thay ông làm cái việc trong đời người ai cũng một lần cần đến.

Lần thứ hai, bà Miên đến thăm ông, thấy quyển vở ấy để trên đầu giường. Không nỡ đánh thức người đang khò khè trong giấc ngủ nặng nhọc, bà ngồi xuống cầm quyền vở xem. Bà xem đi xem lại, cố nhập tâm từng dòng chữ run run, đứt đoạn, lòng miên man buồn khi nghĩ quỹ thời gian của đời ông đã cạn.

Như được báo trước nhưng chòm xóm vẫn đột ngột trước sự “ra đi” của ông Hữu. Bà con đến thăm viếng đông. Chẳng còn ông đứng đó nhắc nhở như mọi khi nhưng đâu vẫn vào đấy. Duy có việc hệ trọng ông từng làm cho bao người chết, đem lại sự yên lòng cho bao người sống thì ai cũng nhìn nhau, bối rối. Mọi người chợt nhận ra, ông cần cho làng xóm biết chừng nào. Sáng kiến được đề xuất – nhờ ông Trí làng bên khâm liệm. Một thanh niên lấy xe máy lao vút đi. Hơn một giờ phập phồng chờ, mọi người cùng hướng ra ngõ khi nghe tiếng xe quay về. Đáp lại niềm hy vọng là cái lắc đầu thất vọng: “Trên ấy cũng có hai đám, lại trùng giờ với mình nên ông Trí không giúp được!”. Mọi người lao xao, liên tục đưa ra những câu hỏi không lời đáp. Trên tay vẫn cầm quyển vở ông Hữu để lại, bà Miên nói trong nước mắt: “Thôi… khỏi nhờ”.

Đúng giờ, bà bước lại bên giường ông nằm, nhẹ nhàng giở chiếu, lấy tờ giấy trắng đắp trên mặt người quá cố và cởi áo chuẩn bị tắm cho ông. Bàn tay bà run run, chẳng phải sợ mà bởi xúc động vì chưa bao giờ bà thấy người chết gần gũi như thế. Những đôi mắt tròn dồn về phía bà. Rồi chẳng cần nhờ, hai người đàn ông xắn tay áo, bước nhanh tới bên giường, cùng hỗ trợ cho bà.

N.T.H

(Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)