Lặng lẽ tỏa hương giữa đời thường xứ Huế

467

Xuân Trường

Giữa phố phường tấp nập, đâu đó, trên những con đường nhỏ, nơi góc phố thân quen ở xứ Huế (TT Huế), ngày ngày có những con người âm thầm mưu sinh bằng chính sức lực của mình dù họ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và cơ thể không lành lặn như bao người khác. Vượt lên hoàn cảnh, họ sống đẹp giữa cuộc đời.

Mình còn khỏe thì phải làm

Như thường lệ, vào khoảng bốn, năm giờ chiều, có dịp đi ngang qua đường Bùi Thị Xuân, dưới chân cầu Dã Viên, khi nào cũng thấy một ông cụ đội chiếc nón ngồi bên gánh rau. Dừng mua bó rau, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông. Ông tên là Hồ Văn Tề, 94 tuổi, ở phường Kim Long. Nhiều năm nay ông trồng rau trên bãi đất bồi bên bờ sông Hương. Niềm vui của ông là được tự tay mình chăm sóc những luống rau nơi bãi phù sa ven sông rồi chiều chiều gánh đi bán. Ông tâm sự, “Vui vì ngồi đây khách qua lại trò chuyện và mua rau. Ngày nào bán hết cũng kiếm được khoảng 50 ngàn đồng”. Trong câu chuyện ông hài hước, mình còn khỏe được ngày mô là làm việc ngày đó, đỡ đần con cái. Ngày mô không đi bán là nhớ khách, nhớ phố lắm”.

Khác với ông Tề,  mệ (bà) Nguyễn Thị Tồn chọn một góc phó ở bờ Bắc để nán hàng mưu sinh. Mệ Tồn năm nay đã ngoài 80 tuổi. Mệ ngồi bán ở ngã ba giao nhau giữa đường Lê Huân với đường 23 Tháng 8 phía bên Thành Nội (Đại Nội-TP Huế) cũng nhiều năm rồi. Nhà mệ ở kiệt 44 đường Phan Trọng Tịnh, phường Hương Long. Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, đều đặn  đôi quang gánh trên vai, mệ Tồn lặng lẽ đi bộ đoạn đường dài 7 cây số về đây ngồi bán. Mệ kể: “buổi chiều mệ đi quanh thôn xóm hái rau, mua khoai, mua trứng. Sáng mai 5 giờ mệ đã thức dậy và gánh đi bán. Có ngày bán đắt thì được về nhà sớm, ngày mô ế chập choạng tối mới  về”.


Ảnh: Văn Toản

Nhiều lần nói chuyện, chúng tôi biết được hoàn cảnh của mệ rất khó khăn. Hiện mệ sống với hai người con trai tàn tật, mất khả năng lao động. Việc chi tiêu trong nhà ngoài sự giúp đỡ ít ỏi của các con, còn lại phụ thuộc vào số tiền kiếm lãi từ mớ rau, rá trứng của mệ. Trong câu chuyện với chúng tôi, mệ chia sẻ: “Thôi, con cái cũng nghèo, đứa thì bệnh tật, mệ phải cố gắng làm. Vất vả nhưng quen rồi, ông trời thương còn cho sức khỏe. Mệ mong ngày mô cũng bán hết rau, trứng là mệ đã thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Vượt qua bệnh tật để sống có ích  

Thường ghé vào đổ xăng nơi cây xăng Ngô Đồng trên đường Lý Thái Tổ, phường An Hòa TP Huế, chúng tôi làm quen với một người đàn ông có đôi chân không lành lặn cầm xấp vé số trên tay. Tên chú là Trần Hữu Thêm, năm nay trên 60 tuổi. Nhà chú Thêm thuộc diện hộ nghèo của phường Phú Hiệp (nay là phường Đông Ba).

Sinh ra vốn khỏe mạnh, song nỗi bất hạnh sớm đến với chú Thêm. Một cơn đau nặng khi mới 3 tuổi đã làm cho đôi chân của chú bị rút xương và teo tóp dần. Mấy chục năm qua, chú sống trong cảnh tật nguyền, nhức nhối khi trái gió trở trời. Vợ chú cũng nay ốm mai đau, đứa con gái làm nghề may vá thu nhập bấp bênh. Trước đó chú làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Cách đây 10 năm, được một tổ chức từ thiện tặng cho chiếc xe lăn, vậy là chú Thêm chính thức bước vào nghề bán vé số dạo.

Nắng cũng như mưa, ngày nào chiếc xe lăn theo người đàn ông tật nguyền ốm yếu lăn bánh bươn chãi giữa phố phường đông người qua lại để mưu sinh. Buổi sáng, xuất phát từ đường Bạch Đằng, rong ruổi trên các góc phố rồi dừng lại ở cây xăng Ngô Đồng ở đường Lý Thái Tổ vì đã thấm mệt. Chú tâm sự: “Đôi chân nhức lắm nhưng phải cố gắng thôi. Ngày nào đắt bán được khoảng 80 cái, kiếm được khoảng 40 ngàn. Có ngày ế ẩm chưa được 20 ngàn đồng”. Dù chẳng được là bao nhưng chú Thêm cảm thấy vui vì mình còn làm được, ít nhất tự nuôi sống bản thân. Tiếng rao thân quen “Vé số bác ơi, o (tức là cô) ơi” của chú Thêm đã trở nên quen thuộc với khách đổ xăng ở nơi đây. Trong câu chuyện với chúng tôi, chú luôn mong ước ngày nào cũng được đi bán vé quanh phố phường vậy là vui lắm rồi. Những ngày bão dịch, chú Thêm phải ở nhà. Dừng xe nơi cây xăng, người thưa thớt, phố vắng hơn. Lòng bâng khuâng tự hỏi, khi nào mình mới nghe lại được tiếng rao bán vé số của chú Thêm, của những người mưu sinh lặng lẽ này.

Được nói chuyện, được chứng kiến những việc làm thầm lặng, niềm vui bé nhỏ của ông Tề, mệ Tồn, của chú Thêm chúng tôi lại càng trân trọng hơn những cảnh đời, những con người luôn biết vượt qua tuổi tác, bệnh tật. Họ đã cho chúng tôi bài học về khát vọng sống, về đức tính cần mẫn và luôn biết vượt qua hoàn cảnh để sống đẹp, sống có ý nghĩa giữa cuộc đời này.

X.T