Làng nghề mây tre đan Bao La: Bao La tình – Tản văn của Trang Thùy

855

(Vanchuongphuongnam.vn) – Được biết đến là một làng nghề truyền thống lâu đời, làng nghề mây tre đan Bao La nằm cách thành phố Huế 15 km đoạn trung lưu bờ bắc sông Bồ, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.

Tác giả Trang Thùy

Hôm nay, với mong muốn tìm hiểu và trải nghiệm cùng làng nghề, chúng tôi nương theo câu ca dao quen thuộc: “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột Chiếu Quảng Ngãi tốt lắm ai ơi…”  ghé thăm Hợp tác xã làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La và thật may mắn cho chúng tôi vì đã được gặp rất đông đủ các anh chị xã viên cũng như Ban chủ nhiệm hợp tác xã.

Đặc biệt chú Thái Phi Hùng là một trong bốn nghệ nhân đã cùng nhau thành lập nên mô hình hợp tác xã từ những ngày đầu phôi thai trong bao khó khăn từ những đồng vốn nhỏ bé ban đầu. Chú cũng là người đại diện trong HTX được cử đi học thêm kĩ thuật nâng cao tay nghề để HTX mở rộng mô hình cho đến nay.

Với dáng vẻ chân chất thuần túy của một lão nông, vừa pha ấm trà mời chúng tôi chú vừa tâm sự: Theo Ô Châu cận lục, làng nghề truyền thống Bao La được hình thành cách nay chừng 600 năm. Ngày xưa nơi đây là một vùng đất đai trù phú, đặc biệt ngoài nghề đánh bắt ven sông, trồng lúa thì cây tre, lồ ô còn góp phần làm nên thương hiệu truyền thống của làng nghề. Sau này làng nghề ngày càng phát triển, lồ ô trong làng không đủ phục vụ cho sản xuất thì nguồn nguyên liệu được các nghệ nhân mua từ những vùng cao như Bình Điền, Tuần…

Nói về sự hình thành và phát triển làng nghề, chú Thái Phi Hùng tâm sự một cách phấn khởi: Trước đây, những sản phẩm của làng nghề chủ yếu sản xuất những vật dụng phục vụ cho gia đình, nghề nông, nghề chài… Sau này, thực hiện chủ trương phát triển và khôi phục làng nghề năm 2007, chú cùng ba người trong làng đứng ra vận động bà con, từ những đồng vốn nhỏ ban đầu và đứng ra vay vốn, sáng lập xã viên, sau đó tổ chức đại hội, rồi ra mắt liên minh hợp tác xã và hoạt động từ đó cho đến nay.

Ngoài những sản phẩm phục vụ thường ngày như thúng mủng, nia, sàng, giần, rổ rá…, sản phẩm của làng nghề còn tỏ ra rất linh động khi luôn cải tiến thêm mẫu mã và kiểu dáng đa dạng, phù hợp và đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Những chiếc đèn ngủ, đèn dầu, những chiếc giỏ xách, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ khiến tôi cứ muốn ngắm nhìn không biết chán.

Lòng tôi dâng một niềm vui hân hoan khi chú Hùng cho biết những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi này đã có mặt trong rất nhiều nước trên thế giới và những đơn đặt hàng luôn dày đặc. Các xã viên luôn làm mà không kịp theo đơn đặt hàng, nhiều lúc phải làm cả đêm cả ngày. Điều đó có nghĩa rằng các anh chị em xã viên nơi đây và những người dân trong làng đều có công việc và thu nhập ổn định.

Với một vùng quê xa xôi thì thu nhập một tháng trung bình khoảng 6 triệu tôi nghĩ điều đó thật sự là một niềm vui cho các xã viên. Người dân làng nghề Bao La không chỉ các xã viên trẻ tuổi mà từ các cụ già lẫn các em nhỏ đều có thể đan lát được. Đó thật sự là một điều rất cần cho các cụ tuổi đã cao có thêm thu nhập còn các em nhỏ tranh thủ sau khi học hành xong cũng có thể làm thêm.

Ngắm nghía những sản phẩm thủ công mỹ nghệ nơi đây tôi thầm thán phục những đôi bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân. Mỗi sản phẩm nơi đây là một sự tâm huyết đầy sáng tạo của những người nông dân hồn hậu chất phát. Đặc biệt tôi thật ấn tượng với khung cảnh làm việc của những xã viên. Dưới cái nắng gắt của trưa hè nhưng một không khí chan hòa thân mật luôn thể hiện trên gương mặt của các xã viên. Họ hát hồn nhiên cùng chúng tôi và đọc cho tôi nghe những vần thơ mộc mạc họ sáng tác trong lúc làm việc:

“Bao La hai tiếng ngọt ngào Mênh mông đồng ruộng, dạt dào hàng tre Ai về Quảng Phú có nghe Làng nghề truyền thống chính là quê tôi”. Một không khí lao động thật sôi nổi, trên mỗi gương mặt các anh chị xã viên là những nụ cười hồn hậu, vô tư. Tôi nhìn ra gần đó, chú Hùng liền ngưng tay đan, mừng vui giới thiệu cho chúng tôi đó là dãy nhà đang xây dựng, tương lai sẽ hình thành để HTX mây tre đan Bao La thành một địa chỉ du lịch, từ đó sẽ kết nối với các tour du lịch để đưa Bao La mở rộng thị trường, tiếp cận với khách hàng một cách gần gũi thân thiện hơn.

Rời làng Bao La, chúng tôi nghe một niềm vui đang rộn rã trong lòng. Vui vì chúng tôi đã có một buổi chiều thật sự có ý nghĩa, được mang lời ca tiếng hát của mình giao lưu cùng các xã viên. Và điều đáng mừng nhất là sự vươn mình đi lên của một vùng quê nghèo nay đã thành một làng nghề với những ngôi nhà khang trang, đời sống được nâng cao từ làng nghề đã là lời khẳng định cho câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Lòng luyến lưu, chúng tôi giã biệt nhau trong bịn rịn và không quên hẹn nhau sẽ cùng trở lại Bao La vào một ngày không xa, để được cùng người dân Bao La hòa mình vào những hồn tre, hồn mây bao la tình cây, tình đất, tình người.

T.T