Những câu chuyện, những con số được chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ khiến khán giả lặng người.
“Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ, thi thể các anh chị còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Biển Đông. Hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị…” – Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi vừa diễn ra sáng nay (17/12).
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển.
Cuộc vận động do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM và Tạp chí Văn nghệ TP.HCM tổ chức nhằm tri ân, lan tỏa những tấm gương hy sinh cao cả của các liệt sĩ, sự cống hiến của thương binh, gia đình liệt sĩ và sự đóng góp của toàn xã hội cho đạo lý nhân văn này.
Chiến tranh đã qua đi, Nam Bắc đã nối liền một dải nhưng nỗi đau thì mãi luôn còn đó. Hoà bình, độc lập có được hôm nay có được phải trả giá bằng bao máu xương của hàng triệu chiến sĩ đồng bào đi trước. Đại tá Trần Thế Tuyển chia sẻ chỉ tính riêng các cuộc kháng chiến giải phóng, bảo vệ Tổ quốc gần đây, đã có gần 1,2 triệu người được công nhận liệt sĩ.
Trong đó có 191.605 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; 105.627 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo và làm nghĩa vụ quốc tế).
Nhà văn Trầm Hương đề xuất phải có bức ảnh chân dung nhân vật kèm theo.
“Hơn 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam. Gần 111.000 người hoạt động cách mạng, người tham gia kháng chiến bị địch bắt giam, tù đày, tra tấn trong các nhà tù như: Hỏa Lò, Phú Quốc, Côn Đảo, Sơn La, Lao Bảo… Để có được Sài Gòn hôm nay bao nhiêu người con Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh…đã vào đây chiến đấu hi sinh và ngã xuống” – Đại tá, Nhà văn Trần Thế Tuyển lặng người.
Nhà văn Trịnh Bích Ngân (Chủ tịch Hội nhà Văn TPHCM) xúc động khi nghe tới những con số, những mất mát lớn lao của dân tộc.
“Những hi sinh mất mát, những con số khó có thể thống kê. Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại ở các chiến trường…con số khiến chúng ta lặng đi” – nhà văn Trịnh Bích Ngân nghèn nghẹn.
Ban chung khảo: Nhà văn Bùi Anh Tấn, nhà văn Trầm Hương, Đại tá, Nhà văn Trần Thế Tuyển (từ trái qua).
Cuộc thi này kéo dài trong 3 năm hướng tới ngày kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm đầu tiên (năm nay) sẽ viết về thể loại bút kí văn học. Đối tượng là tất cả bạn đọc mong muốn tham gia cuộc thi (nhà văn, nhà báo, người viết trong nước và ngoài nước…) không giới hạn ở TP.HCM, địa bàn đề tài viết là cả nước, ưu tiên cho địa bàn TP.HCM.
Năm hai sẽ thi về thơ: trường ca… Năm thứ 3 sẽ viết về tiểu thuyết và truyện dài. Mỗi năm cuộc thi sẽ có tiêu chí, thể lệ riêng. Những tác giả ấp ủ thi ở tiểu thuyết và truyện dài có thể lên kế hoạch từ bây giờ. Thời gian nộp bài trong năm đầu tiên từ nay đến ngày 1/10/2022. Giới hạn khoảng 3.000 chữ dành cho kí.
Doanh nhân Nguyễn Thanh Ngà.
Doanh nhân Nguyễn Thanh Ngà là thành viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ cũng là nhà tài trợ cho cuộc thi này. Ba anh cũng là người lính cụ Hồ.
“Ba tôi là lính của cụ Phạm Văn Đồng, quê chúng tôi ở Quảng Ngãi, ông là sĩ quan quân đội, là thương binh. Khi tôi còn nhỏ ba từng kể với tôi rất nhiều chuyện về đời lính, người lính cụ Hồ. Chúng tôi là thế hệ trẻ con cháu của những người đã ngã xuống. Chúng tôi luôn nhắc nhở mình cuộc sống hoà bình hôm nay chúng tôi có được, để chúng tôi yên tâm làm việc là nhờ máu xương của biết bao thế hệ người xưa” – doanh nhân Nguyễn Thanh Ngà trải lòng.
Tác phẩm tham gia cuộc vận động viết về đề tài thương binh liệt sĩ chưa sử dụng dưới bất kì hình thức nào. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chân thật và bản quyền tác giả.
Năm 2021 cơ cấu giải thưởng như sau: Giải nhất: 20 triệu (1 giải), giải nhì: 10 triệu (2 giải), giải 3: 7 triệu (3 giải) và giải 4: 4 triệu (5 giải).
Theo Nguyễn Trà/PLO