2021 có thể nói là năm đầy khó khăn với bất kì ngành nghề nào, và giới xuất bản cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong thời gian dịch bệnh, sách nhiều lần được đề xuất trở thành “mặt hàng thiết yếu”, từ đó có thể thấy ngày nay văn hóa đọc đã được phổ biến rộng rãi. Và để phù hợp với sự lớn mạnh ấy, cũng như đáp ứng sự thay đổi của thị trường đọc, các nhà làm sách cũng đã linh hoạt đổi mới mình để thích ứng, đồng thời cho ra đời các đầu sách chất lượng.
Ngày càng nhạy bén
Với sự gia tăng vượt bậc của văn hóa đọc, ngày càng nhiều hội nhóm chia sẻ trải nghiệm đọc sách mọc lên cùng với đó là nhiều nhà làm sách xuất hiện, cả lớn lẫn nhỏ, dưới nhiều hướng đi. Do đó có thể nói thị trường hiện nay vô cùng nhộn nhịp với nhiều lựa chọn từ phía người đọc, đòi hỏi thành công không chỉ nằm ở một khía cạnh nhất định, mà đó là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ danh tiếng, chất lượng, bản quyền, truyền thông cho đến các hệ sinh thái bao quanh.
Về phía bản quyển, có thể nói là trong những năm gần đây các đơn vị làm sách rất chịu khó đầu tư ở mảng này. Điểm nhấn lớn nhất chắc có lẽ là những tác phẩm được ra mắt song song với thế giới. Điều này không chỉ là niềm tự hào, mà nó còn cho thấy giới làm sách ngày càng có khả năng cũng như tiềm năng không thua kém các nước khác. Đem lại cơ hội tiếp cận nhanh – ngay cho độc giả trong nước.
Tác phẩm “Lược sử loài người qua tranh” của Omega+…
Omega+ ra mắt bản Lược sử loài người bằng tranh chỉ sau một tháng so với thế giới, Đinh Tị mạnh dạn mang về bộ Xứ Nevermoore diệu kỳ khi tập 1 chỉ mới được tác giả hoàn thành, dù chưa biết nội dung trọn bộ ra sao. Hướng đi này xuất hiện lần đầu tiên là ở NXB Trẻ với Harry Potter, nhưng nếu bộ sách đó vốn dĩ đã sẵn có sức hút toàn cầu, thì hướng đi của Omega+ cũng như Đinh Tị có thể nói là khá mạo hiểm, có phần dũng cảm và rất đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, tận dụng thời điểm cùng các sản phẩm chuyển thể để “truyền thông” kép cũng là một phương thức hiệu quả. Xứ cát hay Đừng bao giờ buông dao của Nhã Nam bỗng “hot” lại là minh chứng rõ nhất cho điều này. Nhà Xuất bản Phụ Nữ cũng có Kim Ji Young, sinh năm 1982 hay tác phẩm triết học của Judith Butler – Antigone ra mắt trùng các sự kiện lớn. Phanbook có sách của nhạc sĩ Lam Phương ra đúng lúc các liveshow diễn ra. Hệ sinh thái của Phương Nam thì mang về bộ Kỷ lục Guiness Thế giới, ra mắt song song, như nhánh nối dài của phía nước ngoài.
Bên cạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội thì các chương trình audio đọc thử hay video trailer cũng đang chứng minh là một hướng đi đúng đắn. Bên cạnh các app sách nghe có bản quyền, giờ đây từng nhà cũng có kênh riêng như Kim Đồng, Phanbook, Nhã Nam… Ở mảng video, Phương Nam Books có thể nói là đơn vị tiên phong, nhưng tiếc là vẫn chưa thành điểm nhấn, có thể là do còn “đơn thương độc mã”. Nhưng rõ ràng đây là một hướng đi rất tốt mà các các nhà làm sách có thể tham khảo. Ngoài ra Phương Nam Books cũng có một website riêng tổ chức giải sách được bình chọn độc lập dành cho độc giả, nhìn chung, đây là một website chất lượng về các bài viết văn chương, với sự khó tính trong khâu chọn bài cũng như xét duyệt.
Nhã Nam và Phanbook cũng có tạp chí điện tử của riêng mình, Dây cót và Ga văn được ra mắt định kì vừa là cánh cửa giúp độc giả hiểu biết sâu hơn về các tựa sách, cũng là một nền tảng giúp việc giao tiếp với độc giả thân thiết. Tuy đây không hẳn là một cách làm mới, nhưng với sự phát triển của các trang web cho phép đọc báo trực tuyến thì đây cũng là một hướng đi nhiều sáng tạo có thể tham khảo và mở rộng hệ sinh thái hơn nữa.
“Ga văn” – Tạp chí điện tử của Phanbook.
Các trào lưu xuất bản
Hơn một năm qua, có thể thấy ngày càng xuất hiện nhiều hướng đi “cùng nhau” của giới xuất bản. Đó có thể là việc tái bản các đầu sách cũ, phát triển tổ hợp sách và tranh minh họa màu, dòng sách sinh thái hay các dòng sách cao cấp hơn, như sách khổ bỏ túi, sách vi quyển hay các ấn phẩm đăc biệt.
Một trong những hướng đi được nhiều nhà làm sách tập trung phát triển là tái bản các đầu sách cũ. Có thể lí giải điều này bởi nhiều năm trước khi các cộng đồng đọc sách chưa phát triển, thì việc các đầu sách có chất lượng và giá trị nghệ thuật cao (được gọi chung là “khó đọc”) bán không chạy, dẫn đến các nhà làm sách e ngại. Nhưng giờ đây với sự lớn mạnh của giới đọc sách, thì việc tái bản lại những tựa này cũng như việc “giải khát” khi những tựa sách trở nên quá khan hiếm.
Trường hợp này có thể thấy ở bộ hai tác phẩm Hảo nữ Trung Hoa và Thiên Táng của nhà văn Hân Nhiên. Đó còn là những tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel như J.M.Coetzee hay Mario Vargo Llosa. Các tác phẩm nhiều nổi bật hơn một thập kỉ trước đã vắng bóng nay cũng trở lại, như Totem sói, Huynh đệ, Người đàn bà trên cồn cát… phần nào cho thấy không chỉ biến đổi về số lượng mà còn là phong phú trong gout đọc sách của bạn đọc.
Tác phẩm “Xứ cát” của Frank Herbert được tái bản cùng lúc với bộ phim chuyển thể.
Bên cạnh việc tái bản, thì hướng đi tập trung vào sách có tranh minh họa màu cũng được các nhà chủ động khai thác. Thay vì các sách kinh viện chỉ dành riêng cho một lớp độc giả cố định, thì với việc bổ sung tranh minh họa hay chuyển thể, sự đa dạng độ tuổi đã được cải thiện, từ đó nâng sức tiếp cận của các tác phẩm này đối với giới độc giả nói chung.
Minh chứng rõ ràng nhất là bộ Lược sử loài người qua tranh bốn tập được chuyển thể từ cuốn Homo Sapiens rất nổi tiếng của Yuval Noah Hararri. Nếu trước đó cuốn non-fic nhiều thông tin này chỉ dành cho riêng những ai ham thích khoa học, thì nay khi được chuyển thể dưới dạng truyện tranh, ai cũng có thể đọc được. Bên cạnh đó, những tác phẩm khi mua bản quyền mới cũng được các nhà làm sách đầu tư ở khoản tranh vẽ, đơn cử như Người trồng rừng của Jean Giono hay các sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh dành cho thiếu nhi. Hiệu ứng của những quyển sách này là vô cùng lớn, và là một hướng đi vô cùng hứa hẹn cho các nhà làm sách tham khảo.
Ngoài ra, sự lớn mạnh của “đế chế” bản đặc biệt cũng được xác lập trong năm qua, khi nay không chỉ nội dung mà hình thức cũng được các nhà làm sách tập trung và chú ý cải thiện. Trong số này, không thể không nhắc đến các bộ sách khổ bỏ túi thuận tiện cho di chuyển, sách vi quyển mang giá trị sưu tầm cao; hay các sách bìa cứng quen thuộc. Đây là hướng đi không có gì đáng nói, nếu như các nhà làm sách ngày nay phần nhiều chỉ tập trung vào các tác phẩm kinh điển in đi in lại nhiều lần, mà điểm nhấn duy nhất chỉ là cải biên hình thức.
Tác phẩm “Những người phụ nữ bé nhỏ” được xuất bản dưới dạng vi quyển.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cực đoan hơn, như Tủ sách Trăm năm Nobel chỉ làm bìa cứng thật đặc biệt, với giá lên đến hàng triệu một bản, phần nào ngăn cản độc giả tiếp xúc với những giá trị tinh hoa này. Dẫu biết các tác phẩm Nobel có thể khó đọc với độc giả đại chúng, nhưng không thể phủ định là trong mỗi năm gần đây, các nhà phát hành khác cũng đã nổ lực mua bản quyền những tác phẩm này, để giới thiệu với độc giả. Ta có Yasunari Kawabata, có J.M. Coetzee, có Clezio, có Albert Camus và rất nhiều những tác giả khác, nên việc cho rằng vì bài toán kinh doanh mà ngăn cản sự tiếp cận của độc giả là vô lí, trong khi bên cạnh bản “siêu đẹp” cũng có thể phát hành bản phổ thông một cách dễ dàng.
Trong một năm qua, có thể nói làng sách đã trải qua nhiều biến động lớn khi trải qua một năm dịch bệnh làm biến đổi thị trường, đồng thời cũng là có sự biến đổi nhanh chóng để thích ứng. Tuy có những ưu điểm và hạn chế riêng, nhưng có thể nói là văn hóa đọc chưa khi nào lớn mạnh như trong những năm gần đây. Các nhà làm sách ngày càng cầu toàn hơn cho sản phẩm của mình. Họ nhạy bén, thức thời và nắm bắt thị hiếu rất tốt. Tất cả như một dấu chỉ cho những thành công sau này, những nỗ lực rất đáng được ghi nhận.
Theo Ngô Minh/Văn nghệ Quân đội