Lật tìm “Một nửa đàn ông”

1309

Lê Ngọc Minh Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn)“Một nửa đàn ông” là tập thơ thứ 9 của Đỗ Ký sau “Lời cầu nguyện cho chiếc răng cuối cùng”; “Giữa nắng sân trường”; “Chút tình trong thơ Đường”; “Buổi sáng có chàng trai xin chết”; “Lá gan chuột nhắt”; “Bài thu hoạch về tim”; “Khóc mây” và “Nghe giữa vườn trưa”… Sách do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành cuối năm 2016.

Tập thơ “Một nửa đàn ông” của nhà thơ Đỗ Ký

Một chút tò mò, tôi tranh thủ mở ra xem bài đầu tiên của anh và thích thú khi đọc hai câu lục bát:

“Tôi xin trồng một cây si

Ngẩn tò te ngóng mỗi khi em cười”

Nhà thơ có bút danh Đỗ Ngàn Gam năm nay sắp đến tuổi thất thập cổ lai hy mà vẫn ngẩn tò te trước một nụ cười như thế thì quả là “gừng càng già càng cay”, có vẻ tương đồng khi nhìn anh với mái tóc bạc trắng và nụ cười luôn thu hút đôi tai và ánh mắt người đối diện.

Chợt nhớ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã viết về anh: “Nhà thơ Đỗ Ký có hình dáng gồ ghề như một tiều phu chất phác, và có khuôn mặt râu ria như lãng tử giang hồ. Thế nhưng ông lại có cái miệng duyên đáo để, cười rổn rảng, hào sảng mà có khúc chiết chân thành”.

Sự chân thành đó đi vào thơ của anh bỗng dưng nhẹ nhàng, an yên.

“Sóng gương biết gợn hiền từ

Chăn sương quàng núi mỏng như tần ngần”

Đứng trước hồ Khe Tân vùng B, Đại Lộc, Quảng Nam quê mình, sau dặm dài hành trình của kiếp nhân sinh anh lại ước ao một điều bình dị nhất:

“Thỏa lòng rày ước mai ao

Có về cố quận, có chào Khe Tân!”

Bài thơ thứ hai trong tập đã không còn sự tinh nghịch “ngẩn tò te” nữa mà nhà thơ dẫn dắt bạn đọc đến cái chất trữ tình vốn có của thơ, có cả tính tự tôn, tự hào như tinh thần lời hịch của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, khi anh viết.

“Đất nước tôi ưỡn ngực gió biển đông

Dập tắt chiến tranh, mỗi tấc đảo vùng trời đều cất lời hoan ca hòa bình hữu nghị

Khát vọng muôn đời của dân tôi là vậy

Xin ai chớ lưỡi rắn, lưỡi hươu, lưỡi cạp, lưỡi bò

Nếu cái lưỡi kia lè ra toan liếm nuốt cơ đồ

Thì hãy nhớ lịch sử xa xưa có những khúc xương chưa bao giờ nuốt nổi

Biển trời Nam hiền hòa nhưng cũng biết cồn lên dữ dội

Có muôn lưỡi sóng thần ẩn náu giữa trùng khơi”

“Một nửa đàn ông” thôi đã không thể ngồi yên, thờ ơ trước chính sự biển Đông, thì huống gì khi một nửa còn lại hiệp sức chung lòng thì biển trời tổ quốc sẽ mãi luôn vững bền, độc lập.

Đó không chỉ là lời khẳng khái của riêng mình, mà anh còn gởi gắm đến đứa con trai vừa mới chào đời với cái nhìn lạc quan đầy nghĩa khí ấy.

“Con ba vừa mấy ngày tròn

Thèm hơi sữa, đã dỗi hờn mà nư

Mẹ cười – đã hiện nết hư

Còn ba thì thấy… con cừ đấu tranh(!)”

Chất lửa đấu tranh trong thơ anh biến chuyển qua nhiều cung bậc cảm xúc, nghe như nồng nàn yêu thương của một cặp vợ chồng trong “Vàng cuối thu”, nhưng ngay trong lời tự tình đó tôi lại nghe một nỗi niềm đau đáu trước sự đổi thay và biến chuyển của cuộc sống thời hiện đại.

“Em khỏi gánh những nhọc nhằn bao bận

Đất sẽ rộng thêm để dành trồng bất tận lúa và hoa

Cao tốc nở nang, cao ốc tăng tòa

Vượt khát vọng trục tung, bung trục hoành cơm áo

Theo công nghiệp, thơ mượn đà vũ bão

Rượt khủng hoảng kẻ thù ngơ ngáo cụp cong đuôi”

Để rồi anh “Tự khóc” trước những thói hư tật xấu của đời:

“Gió mưa còn thánh thót

Thiên địa còn hữu hình

Vần thơ còn nhồn nhột

Đỗ ký còn khóc mình”

Dường như “Một nửa đàn ông” trong anh lúc nào cũng khát “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” để mà chung vai giữ gìn vùng biển thiêng liêng của tổ quốc. Lẽ đó mà khi “Nghĩ bên chuồng bồ câu” anh cũng thấy.

“Chuồng này khách sạn trên cây

Cánh này đẹp, cánh kia bay tha hồ

Đã hòa bình, lại tự do

Bồ câu – sứ giả ước mơ nhân loài!

Chờ chim đáp xuống bờ vai

Truyền tin nắng đã thắp ngoài biển Đông!”

Tôi nhớ mình đã đọc đâu đó những nhận xét về anh, rằng thơ Đỗ Ký đậm chất triết lý về hai đối cực thiện ác, đẹp xấu đan xen, những lời thơ có vẻ trào phúng, ngây ngô mà sâu sắc, có khi đến xa xót cõi lòng được anh góp nhặt trên suốt chặng đường rong ruổi bán thơ để gom lại, cô đúc, nén chặt trong từng ý, từng câu, để rồi nó tự bung tràn ra khi chạm phải một ánh mắt, nụ cười hay thậm chí là một cái răng.

Răng là thứ trên đời cần thiết

Lương tâm mong có răng để mà cắn rứt

Hòn đất mong có răng để mà phản bác

Và mẹ cha từng mong em chóng có răng để ngà ngọc chào thưa”

Không là câu hỏi, nhưng ray rức lòng, để rồi giọng thơ anh lại nửa đùa, nửa thật, nửa trào phúng, nửa mỉa mai khi “Lại nói với tuổi dần”

Bấy nay ta thích lặng thinh

Vô thanh là chỗ diệu huyền của thơ

Huống chi ta vốn gã khờ

Lỡ tiêu non hết ngày giờ thanh xuân”

Gần nửa đời người sống trọn tình cho thơ, gần 20 năm “Gã bán thơ” rong ruổi khắp mọi miền đất nước, anh đã phát hành trên 500.000 bản các tập thơ của mình và bạn bè thân tình đã cùng anh sống cùng hơi thở thi ca. Những ngày này khi các con đã trưởng thành thì anh vẫn miệt mài cùng trang viết, ngôi nhà ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp với anh góc nhìn nào cũng ăm ắp ký ức thơ.

Anh đã làm thơ suốt buổi đợi chờ

Suốt ngày, tháng, năm, thiên niên kỷ…

Để lẩn thẩn với một điều bình dị

Biết bao giờ, bao giờ mới ngừng thơ?

Anh thôi làm thơ để tập lãng quên

Quên, em ạ! Quên em và tất cả

Tập hồi tưởng một đất trời yên ả

Chưa có gì, chưa có… cả em, anh!”

“Một nửa đàn ông” trong thơ Đỗ Ký hóa ra lại không là một nửa riêng ai, mà là cả một hành trình, một chặng đường mà anh đã đi qua, từ “Giếng quê”, “Lầu hạc”, “Xuyên Mộc”, “Miền đông”… đến “Láng sen”, “Sông Hậu”, “Long Trì”… Từ “Khói hoàng hôn”, “Đèn đường”. “Tờ lịch” đến “Hoa Quỳnh”, “Buổi sáng”, “Phù dung”… độc giả bắt gặp ở thơ anh hai cảm xúc khác biệt nhau nhưng hội tụ một chữ tình, cái tình của một tâm hồn không giản đơn như giọng cười khà khà run cả râu lẫn tóc, không chỉ khóc cười khi “Đi tìm một nửa” trăm năm.

Gót trần bước thấp bước cao

Nhặt vàng hái ngọc ném vào bao la

Năm lăm trong cõi người ta

Đàn ông một nửa… mới là nửa vui”

 L.N.M.H