Lau trắng Tràng An

655

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bạn đã đến xứ sở Tràng An mùa hoa lau chưa? Tôi mỗi ngày chạy trên cung đường đầy sắc trắng hoa lau mà mắt cứ dõi  vào bạt ngàn phất phơ đu đưa ấy, lau trắng như mây bồng bềnh, bồng bềnh nơi triền sông thoai thoải, lau ngút ngát leo điệp trùng đồi núi cao, lau lấp ló bên mái cong đầu đao cổng đình hay tam quan  hoặc thấp thoáng ngôi miếu nhỏ.

Lau cũng có thể chỉ là một số cụm mọc rải rác giữa dải phân cách những con đường du lịch. Lau đã đi vào điển tích của đất cố đô Hoa Lư. Đã có lần tôi viết:

Mùa hoa lau nở đất Tràng An

Miên man sắc trắng trải tràn lan

Tơ hoa thong thả bay trong gió

Xứ lạ hỏi người có ngóng sang!

           Đến Tràng An bạn sẽ yêu ngay loài cây tự sinh tồn trong thiên nhiên từ thuở hồng hoang khi mà vùng đất Ninh Bình là nơi sinh sống của người vượn cổ. Trải qua ngàn năm sau cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh đã lấy lau làm cờ khởi binh tập trận rồi từ đó, dẹp loạn 12 sứ quân, thu phục sơn hà, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.

           Trước đây vùng Ninh Bình đặt biệt là khu vực Uy Viễn thuộc châu Đại Hoàng thường ngập lụt, nước nhấn chìm cỏ cây từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Khi nước rút đến đâu thì loài cỏ gà, cỏ lau mọc luôn đến đó từ những gốc rễ cây còn sót lại, hay hạt ủ mình trong đất. Vì thế khi thấy cỏ lau mọc là người dân biết mùa nước đã rút, chuẩn bị cho một mùa màng năm sau. Phải tự sinh tự dưỡng nên cỏ lau tự biết toả sáng bản thân mình, nó tung cao cần hoa trắng lên trời xanh, không phải một bông mà là tất cả bạt ngàn họ nhà lau như đội binh tập trận nhất loạt dương cờ.

          Lau mọc tới đâu những loài cỏ khác đều cúi rạp dưới lau, dáng lau mảnh, lá lau dài, nở hoa vào mùa thu, ban đầu là đọt tim tím nhô lên trong trời xanh thẳm. Rồi bông lau tung cứ dần, tung dần những bông mây thật nhẹ, thật mỏng manh tơi xốp ấy, hạt lau mỏng mảnh theo gió bay khắp nơi, rơi xuống đất đợi mùa sau đâm chồi nảy lộc mở mang bờ cõi.

Lá lau được cắt kết thành tấm lợp nhà. So với rơm rạ lợp nhà thì cỏ lau chắc và bền. Nhà lợp cỏ lau vừa sạch vừa mát, ít mối mục. Rễ cỏ lau còn dùng để làm thuốc chữa bệnh.

 Lau có ở nhiều nơi trên dải đất hình chữ S yêu quý, nhưng hoa lau vùng Ninh Bình là đẹp nhất bởi thân lau cao, khoẻ, trắng xanh mập mạp, lá vươn dài, lau làm nên biểu tượng cố đô. Mùa hoa lau nở là mùa đẹp nhất xứ Tràng An. Bên mái Tam Quan màu nâu trầm bông lau trắng phất phơ tạo nét thơ lắm sao! Du khách đến Ninh Bình đều muốn mang về những bông hoa lau, mà kì lạ cái hoa lau cắm trong bình gốm để trong góc phòng khách nó cuốn mắt người ta lắm!

Bây giờ người dân không đi cắt lá lau lợp nhà nữa mà đi thu hái những bông lau lúc viên mãn nhất, phơi trong gió, trong nắng thu vàng cho hoa từ từ khô mà vẫn giữ nguyên sắc trắng, nguyên độ bông bềnh của bông. Rồi cũng như hoa cải vàng vùng Hà Giang, Hoa Lau được bán làm đồ lưu niệm cho khách du lịch. Vậy là hoa lau lại mang thêm giá trị kinh tế.

Tôi thì nhất định mỗi mùa hoa lại đắm chìm trong sắc trắng hoa lau ấy, lại thấy từng tơ lau bay bay trong gió như là từng chữ, từng lời,từng câu truyện kể về quê hương. Tôi lần theo tơ trắng hoa lau, theo sợi dây nối hiện tại với quá khứ, bước chân về ngàn năm xưa. Hoa Lau! Tôi lại mường tượng ra trước mắt mình một vùng hang động Hoa Lư với những nghĩa quân thiếu niên lấy hoa lau làm cờ, kiệu cậu chủ soái trên tay, tiếng hô dậy non sông. Cậu bé ấy cùng bạn bè trang lứa, cùng nhân dân mở ra một trang thiên niên sử của dân tộc!

          Hoa Lau, hoa lau, hoa lau!  Bắt đầu từ loài cây cỏ bình dị mà làm nên một địa danh lịch sử. Hoa lau nối quá khứ với hiện tại, lau kể cho ta nghe về làng Đại Hoàng, huyền thoại dòng Hoàng Long, về núi Kì Lân, lau dẫn ta đi xuyên thuỷ động, đến tường thành của nhà Đinh, lau đưa đường ta đi lên núi Mã Yên để mà từ đây nhìn ra bốn phía đất trời lồng lộng.

          Hoa Lau dã dắt dẫn chúng ta đi từ buổi sơ khai hang động núi đá vôi với người tiền sử đặc trưng của văn hoá Hoà Bình tiến ra biển đến thời kì lịch sử mở đầu triều đại phong kiến. Cây lau, hoa lau luôn gắn bó với người dân vùng châu thổ sông Hoàng. Để đến hôm nay hoa lau cùng hậu duệ cố đô đất Ninh Bình đi vào thời kì mới làm sống lại và toả sáng một vùng kinh kì xa cũ. Bông lau trở thành hình ảnh biểu tượng đất Tràng An.

Thanh Duyên

Mùa hoa lau – Ninh Bình