“Lau trắng Truông Bồn”- Một lối suy ngẫm riêng về cuộc đời, văn hóa, lịch sử của nhà thơ Đậu Phi Nam 

1271

Nguyễn Đình Anh

(Vanchuongphuongnamm.vn) – Nhà thơ – Bác sỹ Đậu Phi Nam – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1962 ở xóm Thịnh Mỹ – Xã Quỳnh Thiện huyện Quỳnh Lưu – tỉnh Nghệ An. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay anh đã có 3 tập thơ được xuất bản: Hoa sim Làng mỗi (NXB Phụ nữ 2010), Trắng lau Truông Bồn (NXB Hội Nhà văn 2015) và Từ miền gió cát (NXB Hội Nhà văn năm 2020). Riêng bài viết này chúng tôi xin được có một số ý kiến về tập thơ thứ 2 “Lau trắng Truông Bồn” của nhà thơ Đậu Phi Nam.

Tác phẩm Trắng lau Truông Bồn của Đậu Phi Nam

Đọc “Lau trắng Truông Bồn” của Đậu Phi Nam, điều đầu tiên  người đọc đễ dàng cảm nhận được là có một nỗi buồn hình như  đã đi suốt cả quảng đời anh từng sống. Nỗi buồn đó chính là sự nuối tiếc về một làng quê đã quá nhiều đổi thay sau những biến cố thăng trầm của gia đình, của thời gian. Vì vậy khi những kỷ niệm về người thân và vùng quê đó hiện về thì tâm khảm anh không tránh khỏi nỗi dày vò. Để đến hôm nay khi trở lại vùng quê ấy, phong cảnh ngày xưa ấy vẫn hiển hiện trước mắt anh, đưa đến cho anh một nổi luyến nhớ buồn thương khó tả, có khi đến rát lòng. Bởi dù có nghèo đói thì cái làng quê ven biển ấy vẫn là nơi đã sinh ra anh, nơi cất giấu tuổi thơ, nơi nhen nhóm những ước mơ đầu đời của anh. Đó là một làng nghèo ven biển Quỳnh Lưu: “Tuổi thơ tôi là những con cáy bờ sông gọng đỏ/ Tiếng sáo diều bay lẫn với ước mơ tôi”. Nhưng nay khi mỗi lần anh trở về làng cũ, mọi chuyện của làng cũ giờ đây chỉ còn lại là những mảnh vỡ của ký ức: “Con về thăm lại vườn xưa/ Dây trầu thì héo, cau cưa gốc rồi/ Góc vườn bà lão bình vôi/ Lặn vào nỗi nhớ làm tôi rát lòng..” (Vườn xưa).

“Vườn xưa” đã diễn tả được nỗi buồn của một người con khi trở lại quê hương mà phải lãnh nhận cái cảm giác mọi cái tưởng như  đang còn nhưng thực ra thì đã mất: “Dây trầu thì héo, cau cưa mất rồi”. Dù có sao đi chăng nữa thì “Trở lại vườn xưa” đối với nhà thơ Đậu Phi Nam vẫn là việc trở lại với những gì quý giá, bởi trở lại với vườn xưa còn là sự trở lại với một đoạn đời mà ngày xưa gia đình nhà thơ đã từng sinh sống. Nơi đó anh có một người mẹ nghèo đói suốt đời lam lũ, tần tảo nhưng giàu tình thương, đảm đang thay chồng lo mưu sinh cho cuộc sống của “mười mặt con” còn thơ dại:

“Người đàn bà hai lần nách con đi ở đợ

Bảy lần làm nhà

Bảy lần đốt cây chổi chuyển

Dựng ngược cây chuối lập bàn thờ đuổi tà ma

Để nói nhà không có đàn ông

Mẹ tôi

Người con gái có chồng”

(Mẹ tôi)

Suốt cả hai cuộc chiến mẹ anh bám làng, làm ruộng nuôi con. Nay mỗi lần giỗ mẹ, anh không tài nào ngăn được dòng nước mắt. Là một người đã thành đạt và là một nhà thơ nhưng đối với mẹ anh vẫn như một đứa trẻ, anh đã thốt lên trong đêm giỗ mẹ: “Đêm nay giỗ mẹ sáng trăng/ Mảnh trăng thượng tuần mẹ xuống cùng con”. Và vào những ngày đó hình ảnh của người mẹ kính yêu và những tháng ngày lam lũ  với ruộng đồng của mẹ lại hiện về trước mắt anh:

“Trọn đời bó mạ giật lùi

Ngón tay cắm mạ sần sùi ngón tay

Mảnh trăng non dáng hao gầy

Qua hai cuộc chiến hao gầy mảnh trăng.

 

Mười mặt con lưng thẳng băng

Còn dáng lưng mẹ như trăng thượng tuần

Mẹ ơi bao nỗi gian truân

Mảnh trăng lưng mẹ xay vần tứ thân

Cho con tấm áo ấm thân

Cho con cái chữ cho nên con người

Mẹ ơi đi suốt cuộc đời

Mẹ đâu đòi hỏi một lời tri ân

Đêm nay giỗ mẹ sáng trăng

Mảnh trăng thượng tuần mẹ xuống cùng con”.

(Trăng thượng tuần – Đêm cúng cơm hôm giỗ hạ khăn mẹ  Nguyễn Thị Nguôn 20/4/2014 giáp Ngọ)

Vào một lần giỗ khác, anh lại nói về mẹ mình bằng những câu thơ rưng rưng: “Năm nay giỗ mẹ se se lạnh/ Đàn Sếu cuối trời giăng dăng bay/ Giàn trầu sau chái đâu đâu mất /Vò vỏ bình vôi chẳng chẳng còn/ Chỉ thấy cháu con tiến tiến tới/ Trầu ấm vôi nồng kính dâng dâng” (Đĩa trầu).

Với “Trăng thượng tuần” và “Đĩa trầu” Đậu Phi Nam đã phác họa lại một cách trung thực và sinh động bóng dáng người mẹ tảo tần giàu nghị lực của mình và giãi bày nỗi lòng thương nhớ mẹ trog anh không bao giờ nguôi dứt. “Trăng thượng tuần”, “Đĩa trầu” và những bài thơ viết về mẹ trong “Trắng lau Truông Bồn” đã cho chúng ta không ngần ngại khi nói rằng: Chùm thơ viết về mẹ của Đậu Phi Nam là một trong những chùm thơ cảm động nhất, thành công nhất của thơ Nghệ An đương đại viết về mẹ.

Trong “Lau trắng Truông Bồn” Đậu Phi Nam có những dòng thơ  xúc động phác họa chân dung người cha  chất phác, cần cù của mình:“Cha tôi cả đời lành như đất/ Vài mảnh vườn cùng con cháu cấy cày/ Lam lũ cả năm, vất vả suốt ngày/ Bảy ba tuổi cha tôi về với Phật” (Gốc khế).

Mạch cảm xúc thứ hai được thể hiện như một dòng cảm xúc mãnh liệt chảy ngầm trong “Lau trắng Truông Bồn” của Đậu Phi Nam là sự suy ngẫm của nhà thơ về sự hy sinh của những chàng trai cô gái thuộc thế hệ của anh cho cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước. Đến thăm thành cổ Quảng Trị một địa danh lịch sử bi hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự tàn khốc của chiến trường xưa lại hiện về ám ảnh trước mắt nhà thơ Đậu Phi Nam: “Tháng tư thành cổ phượng rơi/ Trắng phau chiến địa tơi bời tuổi xuân/ Tuổi đôi mươi mãi thanh tân/ Dòng sông Thạch Hãn trắng ngần bóng mây” (Tháng tư thành cổ). Viết về Quảng Trị, Đâu Phi Nam còn có thêm một tứ thơ khác thật độc đáo, trung thực, giàu liên tưởng  khi nói về sự bi thương nhưng oai hùng của sông Thạch Hãn:

“Chèo không buông cá lặng đớp mồi

Dưới đáy nước lung linh xương trắng

 

Lau Thạch Hãn trổ bông

Dải khăn trắng vắt qua bao đời góa phụ

Trắng lau này trắng mãi đến trời xanh”

(Lau Thạch Hãn)

Thành công của bài thơ trên chính là ở chỗ khi nói về bi thương nhưng Đậu Phi Nam không rơi vào bi lụy mà vẫn giúp cho người đọc cảm nhận được sự oai hùng của dòng sông lịch sử này.

Cùng với mạch cảm xúc đó khi cùng với nhà văn Trần Huy Quang, tác giả tập truyện ký “Thánh ca Truồng Bồn” trở lại   viếng thăm khu lưu niệm 13 thanh niên xung phong hy sinh ở Truông Bồn, Đậu Phi Nam đã viết được một bài thơ xúc động về Truông Bồn. Bài thơ đã thể hiện được một cách nhìn riêng, suy tư riêng không trùng lặp với bất kỳ ai khi viết về Truông Bồn. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cách nghĩ, cách cảm của Đậu Phi Nam về địa danh lịch sử Truông Bồn.

Đến với Truông Bồn ở thời  điểm sau cuộc chiến, Đậu Phi Nam không nói nhiều về sự mất mát đau thương về việc sự hy sinh của 13 nam nữ thanh niên xung phong cách đây đã gần 50 năm. Anh chỉ giải bày cảm xúc của mình về sự khốc liệt của vùng đất cỗi cằn, đặc trưng của vùng đất này là vùng đất trắng một màu bông lau:

“Lau Truông Bồn phau phau màu tinh khiết

Vẽ lên trời xanh những điều ta chưa thể biết

Lau trắng, lau trắng Truông Bồn”

Từ đó anh khẳng định thêm lòng dũng cảm của các thanh niên xung phong là họ đã tình nguyện đưa tuổi thanh xuân của mình đến gắn bó và chiến đấu tại vùng đất có thời tiết khắc nghiệt  đầy nắng gió và ác liệt của bom đạn Mỹ nơi chỉ có màu lau trắng này:

“Lau Truông Bồn thành sợi chỉ

Khâu lành chiếc nón cưới ngày xưa

Lau Truông Bồn xe thành sợi chỉ

Đau những hồn thiêng giữ mãi đất này”.

Và đến khi họ đã hy sinh thì lau Truông Bồn đang neo giữ linh hồn bất tử của họ ở lại với  một vùng đất khắc nghiệt nhưng có lịch sử rất đau thương, bi hùng. Mọi người hôm nay đến với  Truông Bồn là đang đến với những người con trung kiên đã hy sinh vì tổ quốc ngay tại mảnh đất đầy lau trắng này:

“Lau Truông Bồn xe thành sợi chỉ

Khâu những tâm hồn phiêu đãng nơi đây”.

Cũng từ cái cảm nhận linh thiêng có thật đó mà nhà thơ tưởng như mình đã ngất đi khi nhà văn Trần Huy Quang làm thủ tục hóa vàng cuốn truyện ký “Thánh ca Truông Bồn” của chính tác giả để kính dâng lên 13 liệt sỹ trước tượng đài Truông Bồn nơi họ đang yên nghỉ:

Tôi chết lặng dưới chân tượng đài

Người nghệ sỹ Hóa thánh ca Truông Bồn

Khói hương tỏa về môn phương.

 

Tâm hồn tôi tỉnh lại

Xin chỉnh lại những chân hương.

Trên tay một nhúm tro tàn

Một dòng lệ trắng tế đàn người ơi”

Cuối bài thơ “Lau trắng Truông Bồn” nhà thơ như muốn khẳng định lau trắng Truông Bồn cùng với khói hương tưởng niệm nơi đây sẽ lan tỏa và bay vút lên cao hòa cùng mây trắng bay giữa nền trời xanh uy nghi của tự do và hòa bình. Hay nói theo cách khác sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong cách đây hơn 40 năm tại vùng  đất cỗi cằn chỉ có lau trắng chống chọi nổi với nắng gió và bom đạn ở Truông Bồn đã cùng lau trắng Truông Bồn làm nên kỳ tích góp phần đưa lại hòa bình cho non sông đất nước. Linh hồn họ cùng lau trắng Truông Bồn đã trở thành những đám mây trắng vờn cao trên tít tận trời xanh:

“Tóc xanh xanh mãi đôi mươi

Ngàn lau vi vút kiếp người bể dâu

Chuông  lòng dấu tận nơi đâu?

Thỉnh vào cõi Phật trắng phau Truông Bồn”

(Lau trắng Truông Bồn)

Cùng với những suy ngẫm của mình về sự hy sinh anh dũng của  quân và dân ta ở hai vùng đất kiên cường của Nghệ An và Quảng Trị, Đâu Phi Nam còn có một số bài thơ giãi bày cách nghĩ cách nhìn riêng của mình về chiến tranh. Những bài thơ như những câu hỏi lớn về thế sự được đặt ra sau chiến tranh. Trong số đó có bài thơ “Ai”: “Linh thiêng ngôi mộ chung/ Nghẹn ngào ba bát cơm trắng/ Ngọn nến đốt lên trời xanh kêu oan/ Cỏ xanh đắp cho người trong đất/ Linh thiêng ngôi mộ chung/ Oai phong góc tượng đài/ Trầm rền một hồi chuông/ Ai chiến tháng/ Ai chiến bại/ Ai? Linh thiêng ngôi mộ chung/ Oan khiên những kiếp người/ Ai lầm đường ai chính nghĩa/ Ai? Linh thiêng ngôi mộ chung/ Đau thương dòng Lạc Hồng/ Vui buồn sau chiến thắng/ Nỗi niềm một nhành hoa” (Quảng Trị tháng 4/2013).

Trong “Lau trắng Truông Bồn” chúng ta còn bắt gặp một số bài thơ có cách nhìn sâu sắc và sự đánh giá công bằng đối với các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam và của nhân loại. Người đọc sẽ rất khó quên những dòng thơ mà Đậu Phi Nam viết về đất nước bạn Lào. Nhà thơ giãi bày sự ngưỡng mộ của mình trước vẻ đẹp cổ kính, sức sống bền lâu mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc đó là Luông Parabang thủ phủ của nước bạn Lào. Đến với cố đô nhà thơ đã thốt lên vì sự viên mãn.

“Tôi chếnh choáng mà viên mãn quá

Em Lào thoong không tuổi Luông rabang”

Và có lúc nhà thơ lại giống như là công dân của nước bạn, Đậu Phi Nam đã thoảng buồn khi bắt gặp sự phôi phai của Cánh đồng Chum:

“Bình minh cánh đồng Chum

Đưa ta về với người Lào cổ

Những hố bom trong cỏ um tùm

Những cánh chim rạn vỡ

 

Một nỗi buồn hậu thế trào dâng”

(Nỗi buồn hậu thế)

Và khi tạm biệt nước bạn Lào về Việt Nam cũng đã có Lúc Đậu Phi Nam nhớ nước Lào đến cháy bỏng. Trong bài “Nhớ tiếng người” anh viết:

“Mê Kông tửu khúc dạo nào

Mà nay ngược suối lộị đèo về đây

 Luông Pabang thảm rừng dày

 

Ngắm sông nhớ bến tựa cây nhớ người

Thương người lắm lăm người ơi

Mê Kông tửu khúc

Vắng lời tri âm”

Mạch cảm xúc thứ ba trong “Lau trắng Truông Bồn” là Một tình yêu mạnh liệt thủy chung của nhà thơ với người mình yêu. Chỉ  là chuyện lâu ngày không nhận được tin của người yêu nhà thơ đã day dứt, lo lắng thốt lên đòi bắt đền:

“Lâu lâu không nhận được tin người

Phải chăng người giận hay là… người ơi

Chiều nay thứ bảy mưa mờ phố

Hờn mưa hay nước mắt bắt đền… tôi”

 

“Anh rất muốn nhón chân đóng cổng thời gian…

Trong mắt nhau

Ta mãi mãi là buổi ban đầu”.

(Bắt đền)

Đậu Phi Nam có những câu thơ thật hay viết cho người người bạn gái trong dịp đi thăm Nhật Bản:

“Niềm tin lớn

Anh gửi vào cửa Phật

Còn ái tình anh gửi lại mắt em”

(Cuối thu – Osaka, Nhật Bản cuối thu 2012)

Nhà thơ không dấu diếm tình yêu của mình. Yêu một cách cuồng nhiệt, không giũ ý, giữ tứ trước mặt mọi người:

“Cánh cửa xe khép hờ/ Sao anh không đóng lại/ giọt mưa Thu tê tái/ Làm ướt tóc em thôi/ Mua cứ mưa tơi bời/ Tình yêu trong hoang dại/ Hạnh phúc như hoa trái/ Ta tìm về hoang sơ” (Hoang sơ)

Dẫu là bác sỹ, nhà thơ của thời 4.0 nhưng tình cảm của Đậu Phi Nam với người mình yêu chân thực như anh bình dân trong ca dao:

 “Người đi phố chợ buồn teo

 Con chim quên hót ngọn đèn đường ngẩn ngơ

 Nông sâu bến nước ai dò

 Mảnh trăng khuyết một con đò đợi ai

 

 Người đi để nhớ ai đong

 Để thương ai gánh

 Để sầu ai mang

 

 Người đi hoa gaọ đổ vàng”

(Người đi)

Tình yêu trong thơ Đậu Phi Nam còn được thể hiện ở tầng bậc cao hơn là ý thức trách nhiệm của một bác sỹ, một nhà thơ đối với nhân dân của mình. Trong bài thơ “Thổn thức” Đậu Phi Nam đã giải bày điều đó:

“Ca trực đêm nay ta phải tra từ điển

 Tìm phương thuốc hay cho ca bệnh hiểm nghèo

 Ngoài đời mây gió quyện trăng reo

 Đây thổn thức chân trời hy vọng”  

(Thổn thức)

Về nghệ thuật người đọc dễ dàng nhận thấy thơ Đậu Phi Nam thường diễn đạt ngắn gọn và thơ anh giàu tính triết lý. Trước  câu chuyện đã có hơn mấy ngàn năm của lịch sử chưa có nhà thơ nào có sự lý giải hợp lý về truyền thuyết “Mỹ Châu Trọng  Thủy”, Đậu Phi Nam đã có cái nhìn đầy tính triết lý và tính nhân văn bằng câu hỏi tu từ ngắn gọn  trong đoạn thơ sau:

“Ôi tình yêu

Ngươi là gì 

Mà ngàn năm rồi vẫn để lại thổn thức trong tim”

(Mỵ Châu)

Với “Lau trắng Truông Bồn” Nhà thơ – Bác sỹ Đậu Phi Nam đã  đưa đến cho người đọc  một cách suy ngẫm riêng về tình yêu quê hương, gia đình cha mẹ và một hướng tiếp cận mới mẻ về lịch sử đau thương nhưng oai hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về các giá trị văn hóa lịch sử trong nước và quốc tế. Đặc biệt với lối đi rất riêng đó “Lau trắng Truông Bồn” của nhà thơ Đậu Phi Nam đã đưa đến cho nền văn học nước nhà một số bài thơ có giá trị viết về đề tài chiến tranh. “Lau trắng Truông Bồn” tuy là tập thơ thứ hai trong số 3 tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Đậu Phi Nam nhưng nó đã đánh dấu  một mốc son khá quan trọng trọng về tình yêu thơ ca trên bước đường hoạt động nghệ thuật của một Doanh nhân – Một bác sỹ – Một nhà thơ thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An.

 N.Đ.A

Trưởng ban Lý luận Phê bình – Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An