Lê Đạt với cái tâm đắc đạo

888

21.4.2018-11:00

 Nhà thơ Lê Đạt

 

Lê Đạt với cái tâm đắc đạo

 

THANH HẰNG

 

NVTPHCM- Nhà thơ Lê Đạt tên thật là Đà Công Đạt, sinh ngày 10.9.1929 bến Âu Lâu sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái, qua đời ngày 21.4.2008 tại Hà Nội. Kỷ niệm 10 năm ngày mất của một nhà thơ lớn, xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của Thanh Hằng về ông…

 

Sinh thời, khi tâm sự với chúng tôi, không giống như nhiều lời đồn đại, nhà thơ Lê Đạt giữ một tâm thế hết sức hồ hởi, dễ gần: “Có người cứ bịa ra tâm trạng của tôi, chứ bản thân tôi không có thời gian ngoái nhìn quá khứ. Không nên quá quan trọng cuộc đời, vì khi ta quan trọng cuộc đời tức là ta tự đánh giá mình cao quá đó thôi! Bình thường tâm là đắc đạo!”

 

Tin nhà thơ Lê Đạt mất đột ngột loang nhanh, khiến không ít người nửa tin nửa ngờ. Bởi ông vừa cùng các nhà văn trở về từ một trại viết ở Tây Nguyên do Tạp chí Tia Sáng tổ chức.

 

Cũng vừa tối hôm trước, ông còn ngồi trò chuyện cùng mấy bạn văn già. Tôi gọi về cái số máy hồi nào ông đưa, hy vọng vẫn còn được nghe tiếng cười lạc quan của ông như hôm nào ở căn nhà mát bóng cây trên đường Phó Đức Chính, Hà Nội, song không còn liên lạc được nữa.

 

Nhưng thông tin này đã được nhà văn Nguyễn Hoa xác nhận với sự nghẹn ngào: “Tôi đang viết tin buồn đây!” Hóa ra, đêm hôm đó, tai nạn ngã cầu thang đã đưa ông về cõi vĩnh hằng.

 

Tôi vẫn còn nhớ lần được gặp ông cách đây ít lâu, khi ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007. Cả giọng nói và tiếng cười của ông luôn vang âm, khỏe khoắn trong căn nhà cao tầng, như bất chấp thời gian đã ngả trên mái tóc trắng màu sương.

 

Cuộc trò chuyện bên chậu mai tứ quý luôn đầy ắp tiếng cười sảng khoái của ông. Không giống như nhiều lời đồn đại, nhà thơ giữ một tâm thế hết sức hồ hởi, dễ gần: “Có người cứ bịa ra tâm trạng của tôi, chứ bản thân tôi không có thời gian ngoái nhìn quá khứ. Không nên quá quan trọng cuộc đời, vì khi ta quan trọng cuộc đời tức là ta tự đánh giá mình cao quá đó thôi! Bình thường tâm là đắc đạo!”

 

Với cái tâm đắc đạo ấy, ông trút lòng mình vào tác phẩm. Đã là người cầm bút thì phải tin vào tác phẩm của mình. Nếu không thì viết làm gì? Đã mang hết lòng mình vào trong tác phẩm thì trước sau cũng sẽ được công nhận. Bởi thế, suốt mấy mươi năm qua, ông chưa bao giờ không sáng tác. Ông bảo, khi viết, ông luôn tràn đầy hy vọng và độ lượng, bao dung. Mỗi ngày ông đều đặn viết 2-3 tiếng, kể cả khi đã ở tuổi 80.

 

Có thể nói, Lê Đạt không chỉ là một nhà thơ viết khỏe, mà còn là người đặc biệt cẩn trọng trong từng âm tiết, để làm nên những câu thơ thật độc đáo. Đọc thơ ông thật khó lẫn, khó quên với những hình ảnh có lẽ chỉ riêng ông mới cảm để viết lên được: “Chia xa rồi anh mới thấy em/Như một thời thơ thiếu nhỏ/Em về trắng đầy cong khung nhớ/Mưa mấy mùa mây mấy độ thu” hay “Mộng nhớ trán vầng đêm hằn nếp/ Bóng em tạm trú nếp nhăn nào“.

 

Sức viết khỏe, cái nhìn cá tính trong từng trang viết không có tuổi. Vì thế, cách đây vài tháng, ông đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “U75 từ tình” (NXB Phụ nữ) gây ấn tượng với bạn đọc và đang tiếp tục hoàn thành cuốn “Đoản ngôn” và tập tiểu luận “Đường chữ”. Đấy là chưa kể, ông còn là một cộng tác viên ruột của Tạp chí Tia sáng đã lâu.

 

Trong cuộc đời, ngoài viết, người bạn trung thành nhất của nhà thơ Lê Đạt là sách. Ông tâm sự: “Lúc khó khăn nhất, tôi đọc sách, tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Khi đọc sách, tôi được giao lưu với những bậc đại gia của văn hoá nhân loại, làm cho mình sang trọng lên. Điều quan trọng là luôn sống bao dung và giữ gìn sự hài hước”.

 

Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe ông kể rằng, ngoài lúc viết, đọc sách, nhà thơ cao niên này còn rất thích nghe nhạc, xem phim Hàn Quốc và đặc biệt là thích xem biểu diễn thời trang.

 

CAND 2008

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC