Lê Hà Uyên – Một giai điệu tự tình

1578

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lê Hà Uyên gắn bó với trường lớp do bận công tác chuyên môn ở trường học nhưng anh cũng ít khi xa rời lâu việc cầm bút. Trước ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Quới có bài đăng trên các báo và tạp chí ở miền Nam: Văn, Tin Văn, Khởi hành, Văn nghệ Miền Tây… và soạn sách giáo khoa. Anh đã xuất bản tập thơ Di chúc (in chung với Thông Xanh). Sau năm 1975, Lê Văn Quới thỉnh thoảng có gửi bài cho các báo, tạp chí: Cần Thơ, Hậu Giang, Văn nghệ Cần Thơ…

Do tình hình đôn quân của chính quyền đương thời, tôi phải trốn lệnh gọi đi học sĩ quan Thủ Đức, lánh mặt về Tây Đô dạy tư. Ngoài những buổi dạy giờ tại các Trung học Tư thục, tôi mở phòng tranh và viết bài cho các báo, tạp chí ở Sài Gòn. Năm 1967, tôi chủ trương tạp chí Văn nghệ Miền Tây với cộng tác của văn nghệ sĩ: Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyễn Bá Thế, và những cây bút quen thuộc viên đa phần gốc giáo viên có tư tưởng tốt ở miền Nam lúc bấy giờ như: Nguyễn Bá Thảo(1), Nguyễn Đức Minh(2), Nguyễn Xuân Vũ, Võ Bá Hài… và thường xuyên nhất là cây bút thơ Lê Hà Uyên.

Anh Lê Hà Uyên gốc là giáo sư môn Văn, thành viên của Thi văn đoàn Về Nguồn của nhà thơ Lê Trúc Khanh, cộng tác ở lĩnh vực thơ với tạp chí Văn nghệ Miền Tây (1967-1970)(3) của Ngũ Lang (Nguyễn Thanh) lúc bấy giờ.

Nhà thơ Lê Hà Uyên (sinh năm 1942) tên thật là Lê Văn Quới, bào huynh của nhà thơ Lê Trúc Khanh, gốc người làng Tân Thạch, huyện Trúc Giang, tỉnh Bến Tre. Anh Quới còn ký với các bút danh khác là: Thạch Hồ, Mai Duy Khôi (Mai: tên vợ, Duy và Khôi là tên hai con trai của anh, cả hai hiện nay đều là giáo sư Đại học). Thời cấp sách đến trường, Lê Văn Quới học ở tiểu học Tân Thạch, trung học Nguyễn Đình Chiểu, Pétrus Ký (Sài Gòn). Sau khi tốt nghiệp ban Việt Hán tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, anh ra trường rồi cùng các em theo mẹ về Cần Thơ (1964) dạy học tại trung học Phan Thanh Giản. Say mê văn chương, anh đã sáng tác văn thơ từ những năm còn ở bậc Trung học. Anh Lê Văn Quới là Chủ biên của Đặc san Triều Sống Xanh, Khơi dòng của Trung học Phan Thanh Giản và là cộng tác viên nòng cốt của Thi văn đoàn Về Nguồn.

 

Từ sau năm 1975, Lê Văn Quới tiếp tục công tác trong ban Giám hiệu trường Phổ thông Trung học An Thôn Trang, rồi trở về trường trung học Phổ thông Châu Văn Liêm (Cần Thơ). Hiện giờ, nhà thơ Lê Hà Uyên đã nghỉ hưu và đang sống với yên ấm với hiền nội của anh nguyên là cô giáo dạy Văn – Lê Thanh Mai, tại số nhà Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Hằng năm, sau giờ phút thiêng liêng của đêm trừ tịch, với hỗ trợ đạo cụ đắc lực của họa sĩ Đan Thanh, nhà thơ Lê Hà Uyên được mời với tư cách là người hiền của thành phố cầm thi để phát biểu dăm lời chúc tốt đẹp đầu năm trước khán giả truyền hình.

Nhà thơ Lê Văn Quới hiện nay là hội viên Hội Nhà văn TP. Cần Thơ và đã nghỉ hưu ở trường học.

Trọn đời, anh Lê Văn Quới (Lê Hà Uyên) đã gắn bó với trường lớp do bận công tác chuyên môn ở trường học nhưng anh cũng ít khi xa rời lâu việc cầm bút. Trước ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Quới có bài đăng trên các báo và tạp chí ở miền Nam: Văn, Tin Văn, Khởi hành, Văn nghệ Miền Tây… và soạn sách giáo khoa. Anh đã xuất bản tập thơ Di chúc (in chung với Thông Xanh). Sau năm 1975, Lê Văn Quới thỉnh thoảng có gửi bài cho các báo, tạp chí: Cần Thơ, Hậu Giang, Văn nghệ Cần Thơ…

Tác phẩm: + In chung: Bạn và Thơ (NXB Văn nghệ TP.HCM – 1995); Tuyển tập Văn Thơ (Hội VHNT Tỉnh Cần Thơ-2003); Thơ chọn lọc từ cuộc thi thơ  – 2003; Giọt nắng (thơ) NXB Đất Mũi – 2004; Thơ – Văn (nhiều tác giả) Hội Nhà văn TP. Cần Thơ – 2011; Tuyển tập thơ Tứ tuyệt mở rộng – Tạp chí Kiến thức Ngày nay. + In riêng: Như một khúc tự tình (12 bài Tản văn) – 2010; Thơ viết cho một người (68 bài thơ) – 2017. Riêng bài thơ Chút lãng mạn cuối năm được nhạc sĩ Nguyễn Thanh phổ thành ca khúc theo cung La Thứ (La Mineur) và in trong tập nhạc Thương Hoài của Nguyễn Thanh (Nhà xuất bản Âm nhạc – 2013 TP. HCM) mà nhà văn Lê Xuân đã có dịp nhắc đến trong một bài phê bình cách nay gần 10 năm.

*

Trong không gian văn nghệ phương Nam vào những năm sau sự kiện Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn dự định giết bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mac Namara (1964), Cần Thơ là tụ điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ về nguồn điển hình kế tục được truyền thống của lớp văn nghệ sĩ yêu nước đi trước. Hòa mình vào cuộc vận động mạnh mẽ thành lập Đại học Cần Thơ do các trí thức nhân sĩ, nhà giáo giàu tâm huyết khởi xướng, những thi đoàn, văn đoàn, đặc san, nhật báo, tạp chí văn nghệ… cũng được khai sinh ra rầm rộ. Trong bầu không khí đì đùng tiếng đại bác, mịt mùng khói bom lửa đạn, những tâm hồn nghệ sĩ vẫn cảm nhận được bao nỗi đau thương của đồng bào mà nói lên những tình tự với quê hương bất hạnh.

Xuất thân là nhà giáo nhưng Lê Hà Uyên nổi bật trong đồng nghiệp là một hồn thơ vì anh có cảm xúc bén nhạy làm thơ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sự nghiệp văn chương của Lê Hà Uyên có thể coi được tinh kết trong 2 tập thơ gồm khoảng hơn 70 bài thơ sáng tác theo nhiều thể loại: thơ tuyền thống, thơ mới và thơ xuôi.

Hành trình vào thế giới chữ nghĩa văn chương của nhà thơ Lê Hà Uyên, người yêu thơ có thể cảm nhận được những nét chính nổi bật trong chủ đề tư tưởng xuyên suốt trong sự nghiệp cầm bút của tác giả hai tập thơ Thơ viết cho một ngườiNhư một khúc tự tình thật rõ ràng:

– Những vần thơ tha thiết, đắm đuối tình yêu chỉ viết cho một người: Dạo bước vào vườn thơ Lê Hà Uyên, người thưởng ngoạn thi ca trước tiên sẽ bắt gặp một loài hoa mai lạ không phải màu vàng hay màu trắng đời thường mà là mai xanh – Thanh Mai. Biểu tượng tình yêu đầu đời, duy nhất và thủy chung của anh. Thanh Mai là tên gọi của người học trò sau này đã trở thành người bạn đời của nhà thơ trải qua một thời tình sử đẹp như mơ đã được vun đắp trong năm năm! Và cho đến nay, đã 50 năm, cái dư âm, cái dư vị của ngày ấy như vẫn còn phảng phất “ngàn năm hồ dễ đã ai quên”.

Xưa nay, trong các chủng loại tình cảm, không một ai có thể phủ nhận tình yêu lứa đôi là mãnh liệt và thiết tha nhất, nó vượt qua được mọi rào cản và khoảng cách về ngôi thứ “Trong tình yêu, người quý tộc và kẻ hành khất đều bình đẳng” (3). Nói chi đến chỉ một chút ranh giới mong manh về tình yêu giữa thầy và trò mà ai cũng có thể bắt gặp trong đời thường.

Ở tập thơ đầu: Thơ viết cho một người (Những bài thơ cho một mình em đọc) – Gửi người yêu Thanh Mai (Kỷ niệm một chuyện tình 50 năm), nhà thơ Lê Hà Uyên cũng đã thành thật trần tình: “Gọi là thơ, nhưng thực chất chỉ là những bức thư tình viết nhanh, viết thật, vút lên thành vần điệu từ trái tim rừng rực lửa tin yêu”. Không gọi là thề non hẹn biển trong buổi đầu mới yêu nhau mà còn mãnh liệt hơn với đối tác tình cảm – Lê Hà Uyên ra tuyên ngôn. Từ sâu thẳm trái tim, nhà thơ viết Tuyên Ngôn Xanh  để thổ lộ can ràng với người yêu. Bài thơ thể mới cách tân, gieo vần thông khi liền, khi ôm, khi gián cách, mở đầu đầu thi tập cho thấy nồng độ tình cảm cháy lòng của người thơ xứ dừa ở thời điểm bình minh của mùa yêu rực rỡ màu hồng. Trong văn chương đông tây từ xưa tới nay, hình ảnh những dòng sông, con đường, chiếc cầu… thường mang biểu tượng của tình yêu. Trong thi ca thế giới hiện đại, nhà thơ Hoài Vũ (sinh năm 1935) từng da diết với tình yêu ở con sông Vàm Cỏ, nhà thơ tình tuổi ngọc Nguyên Sa (1932-1998) đau đáu hoài niệm yêu đương với dòng sông Seine và Guillaume Apollinaire (1880-1918) ngày đêm uống rượu say mèm, đắm hồn thương đau trong hoài niệm cố nhân nơi chiếc cầu Mirabeau tình ái.

Lê Hà Uyên tự do khắc đậm tình sử của riêng mình trên con đường Phan Thanh Giản thân quen ngập tràn dấu chân kỷ niệm. Nhà thơ với nguồn thi hứng dạt dào đã phả vào từng câu chữ tinh tế chọn lọc với một phong cách nghệ thuật điêu luyện thể hiện rõ ràng trước mắt người đọc chân dung người trong tâm tưởng. Từ chân dung, ngôi nhà của người thương cho đến con đường tình sử của anh mang tên nhà thơ Lương Khê, vị tiến sĩ đầu tiên của phương Nam: Anh cúi hôn con đường Phan Thanh Giản/ Tình không vào hoang sử vì đôi mắt em/ Từ soi thấy bóng mình trong đó/ Anh những mùa xuân rộn tiếng chim (Tuyên ngôn xanh). Em đẹp như màu xanh là thủy tùng mà một nhà thơ đã gọi là thủy liễu: Tiểu đảo mươi chòm xanh thủy liễu/ Trường giang một dải rợp du thuyền (Ngũ Lang) chỉ loài cây bần thường mọc ven bờ sông Hậu có sức chịu đựng mãnh liệt trước triều cường lên xuống bất thường ở Nam bộ. Tình yêu nhà thơ xanh màu thủy chung, sự giao thoa giữa hai sắc lục trinh nguyên như để ươm mộng cho một giấc mơ xanh ân tình tiền  kiếp: Em lớn lên như hàng thủy tùng/ Tình xanh như giấc mộng màu xanh/ Nụ cười tiền kiếp từ e ấp/ Những giọt thơ nào gieo nhớ nhung (Tnx).  Bởi em là loài Mai Xanh của nhà thơ nên màu thời gian tình yêu mãi mãi là màu xanh bất diệt : Anh gọi Mai là hoa của anh/ Trong tim trong mắt rộn ân tình/ Vì em dỗ giấc đời xanh mãi/ Nên sớm xanh, hoàng hôn cũng xanh (Tnx). Triền miên một màu Xanh: của Hoa, của Mộng và của Đời như biểu trưng cho điệp khúc Xanh mãi một giai điệu thương hoài (Lê Xuân) của một ân tình chung thủy sắt son giữa người thơ và thần tượng. Những bài thơ nằm trong quỹ đạo chủ đề tình yêu giữa Lê Hà Uyên và người người bạn đời – người yêu của tác giả theo tôi là những áng thơ tình cảm động nhất vì cường độ tình cảm dạt dào, vì tính chất trí tuệ lắng sâu và biên độ cảm xúc nồng nàn qua phong cách nghệ thuật điêu luyện cùng giai điệu ngọt ngào. Đó là các bài: Tuyên ngôn xanh, Mai, Bài ca tương lai, Từ chỗ ngồi tình yêu, Từ giấc mơ xanh… Không khoảng cách. Tình cảm thủy chung thầy trò quả thực đẹp như huyền thoại tình yêu giữa Tiên Ông và Ngọc Nữ, giữa Tây Vương mẫu và Kim Đồng! 12 bài thơ viết cho một mình em đọc đích thực là những vần thơ viết cho một người ! từ sâu thẳm trái tim đa cảm đa tình của một tín đồ tình yêu!

Cùng chung tâm trạng ưu thời mẫn thế với bao nhà giáo còn giữ được thiên lương trong thời quốc phá gia vong, thời kỳ trước năm 1975, Lê Hà Uyên đã có những vần thơ tha thiết về quê hương tóc tang vì khói lửa. Nhà thơ cảm nhận sâu sắc được nỗi đau khổ của đồng bào dưới đạn bom ác liệt của kẻ thù ngoại chủng. Nhà thơ, ở tư thế người thầy đứng lớp, tác giả không tránh khỏi chua xót ngậm ngùi trước cảnh những chiếc xe tang rời sân nhà thờ theo sau chỉ có những ông già và đàn bà không còn cất lên nổi tiếng khóc than: Hai chiếc xe tang sắp rời sân nhà thờ Chánh tòa…/ Chỉ có ba người đàn ông già/ Đất nước mình rồi như thế đó các em/ Còn lại những người đàn bà đi đằng sau xe tang! (Ám ảnh). Những bài: Nước mắt quê hương, Thu trên quê hương, Dằn vặt… đã thể hiện tình cảm tác giả trước sự tha hóa, loạn cuồng của những người vong bản đô thị, mất hướng đi trong một đất nước đẹp như ca dao âm vang điệu buồn vọng cổ lay động lòngngười: Trong phân hóa – trong loạn cuồng đô thị/ Tôi gục đầu nghe nước mắt quê hương.

Sau năm 1975, khi từ trường Phan Thanh Giản, anh được chuyển lên làm Hiệu phó trung học phổ thông An Thôn Trang, Cần Thơ. Lê Hà Uyên vẫn vừa công tác vừa làm thơ. Chủ đề trong thơ anh hướng về trường lớp với những chủ thể tư tưởng là học trò nhưng trong đó người đọc thơ anh vẫn thấy phảng phất có bóng dáng người yêu của anh: Nếu bảo rằng anh chỉ yêu em/ Thì chưa đủ- vì anh còn nói dối/ …Anh yêu trường trước khi yêu em !Nhưng khi có em/ Ngôi trường càng trở thành một đời gắn bó/ Như một đời anh mãi yêu em! (Gởi trường gởi tình). Quê hương đã lặng im tiếng đạn bom, đồng bào yên tâm lo xây dựng cuộc sống thời bình, nhà giáo có lúc tâm hồn thanh thản nhớ lại kỷ niệm xưa qua đò Rạch Miễu về thăm lại những ngôi trường cũ ở quê nhà Bến Tre. Hình ảnh mẹ với bóng dáng của chính mình cũng trở về trong ký ức qua những lời thơ tự sự trữ tình của tác giả: Tôi ở Bến Tre/ qua đò Rạch Miễu/ Như  con nước mãi ròng – cảnh nhà túng thiếu/… Ngày tôi đỗ vào trường Trung học/ Mẹ ôm con – nước mắt ròng ròng… Và những người bạn học chung lớp:  Bạn bè cũ – nay cùng trời cuối đất/ Vẫn sáng trong tôi như những sáng qua đò. Và Thầy cô ngày trước, Nhớ Thầy Thuận – quyển “Sổ tay chính tả”/ Tô đậm chữ Nhân – sáng đạo làm Người… // Thầy côn ơi, xa trường con mới thấy/ Không có Thầy Cô – con chẳng thể nên người/ Không có Thầy Cô con ngu tối một đời… (Vẫn sáng trong tôi – Vầng sáng một ngôi trường).

Lê Hà Uyên cũng xâm nhập vào lĩnh vực thơ xuôi theo phong cách của nhóm Sáng tạo với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Với sự đọc nhiều kết hợp với hồn thơ tinh tế, Lê Hà Uyên đã sáng tác những bài thơ tự do không vần điệu, trắc bằng rất giàu tính trí tuệ.

Thơ Lê Hà Uyên còn cho thấy anh là một nghệ sĩ ký họa nhân vật bằng thơ. Với đôi mắt tinh tế, trong khoảnh khắc họp mặt anh em tại cơ quan hay nơi dã trại, chỉ với vài nét chấm phá anh đã tạc được như in hồn cốt bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan như một họa sĩ vẽ tranh thủy mặc. Điển hình nhà thơ đã phác thảo chân dung anh bạn thư sinh gầy ốm tay phải cầm bút, tay trái cầm cọ ở gần cùng một khu xóm lao động nghèo với tác giả mà có bốn nghệ sĩ: Nhất Tâm, Tương Như, Lê Trúc Khanh, Lê Hà Uyên: Bút vung phương múa rồng bay/ Chàng Năm ắt hẵn tình hoài ngàn năm/ Hẻm Vú Sữa, đường Duy Tân/ Gần nguồn sao mãi cỗi cằn chàng ôi! (Vịnh Ngũ Lang). Hoặc ông bạn giáo viên đầu hói, nói tiếng Bắc thích giã làm bệnh khách để được nghỉ ngơi ở nhà thương: Cao cao vầng trán Lato/ Lim dim đôi mắt ý đồ gì đây/ Một đời ngang dọc đông tây/ Đa Khoa cũng phải chịu thầy, thầy ơi! (Vịnh Đoàn Minh Tân).

Lê Hà Uyên cũng xâm nhập vào lĩnh vực thơ xuôi theo phong cách thơ của nhóm Sáng tạo với Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên. Với kiến thức phong phú kết hợp với hồn thơ tinh tế, Lê Hà Uyên đã sáng tác những bài thơ tự do không vần điệu, trắc bằng rất giàu tính trí tuệ: “Vào Cõi Thơ như vào cuộc hành hương/ …Cõi Thơ là miền thoát tục…/ Tỉnh – say, khôn – dại mặc cho thế sự nhân gian. Lòng ta rung như tơ đàn/ Chuếnh choáng men thơ/ Ai mắt trắng mặc biển dâu thế tục/ Ngẫm ngàn  xưa thanh khí hội tao phùng…(5) Trong tập Thơ tình song ngữ Pháp-Việt (Poèmes d’Amour – Bilingue) của nhà văn – Dịch giả Nguyễn Thanh, nhà thơ Lê Hà Uyên cũng thực sự đã cảm xúc như khi làm thơ, anh cũng tâm sự  thêm về nghiệp làm thơ và dịch thơ, khi giới thiệu tác phẩm này với độc giả: Làm thơ là rót dòng cảm xúc từ trái tim mình đến trái tim thi sĩ. Làm thơ đã khó. Dịch thơ lại càng khó. Dịch thơ là hứng từng giọt nước trong lẫn giọt máu hồng từ trái tim đồng điệu. Bắt nó ngưng đọng, phả vào nó hơi thở và mùi hương giúp nó hồi sinh – rồi tiếp tục gởi nó đến bao trái tim đồng cảm. Gian nan mấy tầng, nghĩ suy lắm nỗi…Nghĩa là bạn tôi đã dịch thơ ằng tất cả tấm lòng say sưa yêu mến cái hương sắc bốn phương… Quý là ở chỗ ấy – ở chỗ cái tâm muốn làm đẹp cho đời qua một thú chơi tao nhã.

Tóm lại, trong không gian văn nghệ về nguồn vào những năm cuối thập niên 70 ở Tây Nam bộ, nhà giáo – nhà thơ Lê Hà Uyên vẫn được dư luận trí thức văn nghệ, sinh viên học sinh trân trọng và thực tình ngưỡng mộ như một thi sĩ tài hoa. Dù thường xuyên bận rộn với trường lớp, thi sĩ Lê Hà Uyên vẫn sở hữu được những vần thơ hay. Giàu tính trí tuệ, trữ tình và tính nhân văn, với phong cách nghệ thuật điêu luyện, mang mang giai điệu tự tình, thơ Lê Hà Uyên theo tôi, một thời đã đi vào lòng công chúng yêu thơ.

N.T

 

 (1) Nhà văn, Giáo sư tiếng Pháp Trung học nổi tiếng, nguyên là Phó Chủ tịch MTDTGP khu Tây Nam bộ, sau 1975 là Chủ tịch Tỉnh hội Chữ Thập Đỏ TP. Cần Thơ.     

(2) Nhạc sĩ, giáo sư Âm nhạc Trung học, sau 1975 là Đồn trưởng Công an P. An Nghiệp, TP. Cần Thơ 

(3) Văn nghệ Miền Tây – Tạp chí tiến bộ ở Cần Thơ với lập trường chống thực dân đế quốc do Nguyễn Thanh (Ngũ Lang) chủ trương.

(4) Aux questions d’amour, les nobles et les mendiants sont sur pieds d’égalité.   

(5) Lời bạt trong tập Thơ tình song ngữ Anh -Việt (Love Poems, Bilingual) của Nguyễn Thanh.