Lê Hồng Thiện với tập thơ “Cả nhà cùng vui”

1025

Bùi Biên Linh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ phương Nam xa xôi, tôi may mắn nhận được món quà tặng quý từ một người bạn văn. Đó là tập thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Lê Hồng Thiện Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Cuốn sách có tên gọi yêu thương “Cả nhà cùng vui” do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015.

Tập thơ “Cả nhà cùng vui” của nhà thơ Lê Hồng Thiện 

Đọc những bài thơ, tôi hình dung tác giả là một người cha, người ông, người thi sĩ với trái tim chan chứa yêu thương với đôi mắt tinh tường trong tim tôi phát hiện… Thơ ông đã đem đến cho tuổi thơ một thiên đường nơi mặt đất. Thiên nhiên trong thơ ông từ cỏ cây hoa lá đến những con ốc, con rùa, con ong, con cá… tất cả đều hiện lên sống động vừa lạ vừa quen. Lạ qua những phát hiện tinh tế, quen vì đó đều là những gì gần gũi xung quanh, là những gì các bé vẫn thấy, vẫn gặp hàng ngày. Qua thơ ông, thế giới cây lá xung quanh trở nên đáng yêu ngộ nghĩnh đến lạ kì. Giàu có đến lạ kì! Trong vườn có bao nhiêu là lá là hoa mỗi loại một màu sắc, mỗi cây, mỗi loài một tính nết.

“Trong vườn có mắt quả na

Có tai mộc nhĩ, có hoa loa kèn

Quả mồng tơi mực tím đen

Cà rốt bút đỏ ai đem ra trồng

Quả bí ngô cái đèn lồng

Sao xanh quả khế ớt cay sừng bò”

(Bốn mùa mùa xuân)

Hay “Bông hồng đỏ như mặt trời

Giàn gấc giăng bóng như bơi trên giàn

Hoa trang điểm, quả điểm trang

Cây cũng đón tết rộn ràng mùa xuân”

(Tết của cây)

Thế giới loài vật trong thơ ông cũng đáng yêu không kém. Chúng đua nhau học bài với đủ mọi âm thanh. Điều thú vị là nhà thơ đã mô phỏng tài tình âm thanh của mỗi loài. Tất cả đua nhau cất tiếng trong buổi “Học đồng thanh”

“Cong đuôi hết ra lại vào

Vần (m) mèo học ngày nào chưa xong

Ếch kêu ồm ộp ngoài đồng

“Cuốc cuốc” rát họng từ đông sang hè

Chích chòe ôn tập vần “oe”

Vẫn chờ chim chích mải mê suốt ngày

Dưới ao mấy chú vịt choai

Theo me cạc! Cạc! Không sai vần

Trong chuồng bõ cũng âm ò

Theo gà trống đọc vần o rõ ràng”

(Đua nhau học bài)

Viết về cây cối hay loài vật, thơ Lê Hồng Thiện cũng đều lấp lánh yêu thương và gây những bất ngờ lý thú bởi sự phát hiện tinh tế, ngôn ngữ thơ ông đầy màu sắc và hương vị. Nhà thơ thường bắt đầu các bài bằng việc miêu tả hình ảnh của những con vật, đồ vật, cảnh vật với những đặc điểm ngộ nghĩnh, tự nhiên của chúng để cuối mỗi bài thường gửi gắm những cảm nhận, suy tư sâu sắc khiến cho bài thơ nên lắng đọng góc nhiều suy ngẫm cho người đọc, trong bài cũng thức nhà thơ đã viết:

“Trăng sao ngủ gối vào mây

Quả hoa ngủ gối hay lay lá cành

Thuyền ngủ gối. Sóng dập dềnh

Biển xanh ngủ gối mênh mông bến bờ

Gối trên trang giấy thơm tho

Biết bao con chữ đang chờ thơ ra

Gối trong lồng ngực thiết tha

Trái tim cùng thức với ta suốt đời.

Hay:

Bàn tay của bé ngộ ha!

Khép vào: bóng tối, mở ra: chân trời

(Cửa mở)

Hoặc:

“Vì trọng tài không có

Biết múa thắng hay thua?

(Lá mía)

Các bài như: Con ốc, chú rùa, vầng trăng cánh diều… đều có những đoạn kết thật hay và sâu sắc.

Nhà thơ đã thật khéo léo trong cách chọn đề tài, cách kể, cách lập ý cách lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh… Mỗi bài thơ giống như những câu chuyện ngụ ngôn, chuyện đồng thoại giành cho tuổi nhỏ. Sau mỗi bài là một lời răn dạy về chân lý đời sống, phổ biến giản dị được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía. Mỗi tác phẩm của Lê Hồng Thiện luôn có sự thống nhất và chuyển hóa tài tình, của nội dung và hình thức. Thể hiện, giữa cảm xúc và ý tưởng. Nhà thơ đã từ phát hiện, khám phá, rung động đến khái quát và biểu hiện bằng những ảnh hình, nhịp điệu, ngôn ngữ phù hợp… Tất cả tạo nên sự hòa hợp, sự thành công của tác phẩm.

Tập thơ có nhiều bài hay, nhiều bài bất ngờ thú vị nhưng: “Quả ớt nằm mơ” “Cả nhà cùng vui” “Cây kể chuyện mình”… là những bài đáng yêu hơn cả. Bài “Chị gà ngơ ngác” thì khiến người đọc phải bật cười thích thú với cảnh chị gà mái ngước lên cây trứng gà – ở miền Nam gọi là cây oma hoặc Lê-ki-ma, thấy quả cây đung đưa lúc lỉu vàng thơm trĩu cành, cứ ngỡ cây lấy mất trứng của mình, chị gà lo sợ vội chạy về chuồng. Nhìn thấy trứng vẫn còn đầy ổ chị mới hết buồn lo và biết mình đã nhầm to, chị thầm tấm tắc “cây kia đẻ trứng còn to hơn mình”.

Bài thơ thật ngộ, thật đáng yêu:

Chị gà ngơ ngác

Chị gà ngước mắt nhìn cây

Ngơ ngơ ngác ngác “Ơ hay… trứng mình”

Đung đưa quả chín trĩu cành

Mặt trời ủ ấp đã thành trái thơm

Chị gà chạy vội về chuồng

Thấy trứng đầy ổ hết buồn cùng lo

Biết mình ngộ nhận nhầm to

“Cây kia đẻ trứng còn to hơn mình”

Tôi đã cho học sinh lớp 12 làm bài tập phần đọc, hiểu bài thơ này. Các em rất thích thú và có những câu trả lời thật hay vì bản thân bài thơ đã rất hay.

Một trong những chức năng quan trọng của văn học là chức năng giáo dục. Thơ Lê Hồng Thiện đã thể hiện thật thân thương và thú vị chức năng này. Nhà thơ không trực tiếp răn dạy, giáo điều, ông chỉ kể, chỉ tả, chỉ bày tỏ tình yêu với vạn vật thôi nhưng qua những câu thơ đáng yêu của ông, các bé sẽ tự thấy “các bạn” ấy thật đáng yêu.

Không phải ngẫu nhiên mà những bài thơ hay trong sách giáo khoa tiểu học (cấp I) ngày xưa vẫn được bao người còn thuộc, còn nhớ (dù cho tóc đã pha sương) những bài thơ viết cho tuổi thơ mãi là những khoảng xanh thắm tươi, kỷ kỳ diệu trong tâm hồn các em.

Tôi đã nghĩ rằng: các nhà thơ nhà văn nói chung và nhà thơ Lê Hồng Thiện nói riêng, chẳng khác gì những ông tiên, cô tiên đã đem đến đã tặng cho các bé những món quà tuyệt diệu của tuổi thơ. Những vần thơ lung linh ngọt lành, thơm thảo ấy được kết tinh từ trí thức, tài năng và trên hết là tình yêu tha thiết, trong ngần của nhà thơ giành tặng cho các bé.

Những món quà ấy sẽ làm cho các bé thấy cuộc sống sao mà đáng yêu. Sao mà ngọt ngào. Sao mà cần nâng niu gìn giữ quá!

B.B.L