Lê Xuân bình bài thơ ‘Em giữa miền Trung’ của Phùng Hiệu

221

Lê Xuân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mưa gió bão bùng nổi lên ai cũng thấy, nhưng nhà thơ thấy sâu hơn, xa hơn trong tâm trí với cách diễn đạt “lạ”: “Quê nhà ngập lút mắt em”. Cụm từ “ngập lút mắt” như mở ra một không gian vừa rộng vừa xa, tạo sự liên tưởng cho người đọc thấy cả vùng trời nước mênh mông, sâu thẳm, con người trở nên nhỏ bé vô cùng…


Nhà thơ Phùng Hiệu.

Em giữa miền Trung

                     Phùng Hiệu

Đêm qua ướt cả miền Trung
Gió giông phủ xuống bão bùng nổi lên
Quê nhà ngập lút mắt em
Mưa giăng gió hú qua thềm rêu xưa


Mỗi năm dăm trận bão lùa
Đồng hoang từ dạo mấy mùa trắng tay
Vịn đêm em bước qua ngày
Nước ngậm ngang ngực tim dày vết đau


Vách thưa chìm đáy sông sâu
Khăn tang trắng toát mái đầu em tôi
Mẹ trôi về phía dòng khơi
Mình em lặng giữa bời bời khói hương!

Lời bình của Lê Xuân:

Quê nhà ngập lút mắt em!

Miền Trung – “chiếc đòn gánh” gánh hai đầu Đất nước, đang oằn mình trong bão lũ tang thương. Mưa chồng mưa, bão chồng bão… Sự “trả thù” của thiên nhiên đang dội xuống đầu người dân miền Trung. Họ đang gánh dùm nỗi đau cho bao miền khác. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong mưa lũ, hơn một trăm cán bộ, chiến sĩ, dân lành đã “ra đi” không bao giờ trở lại. Nỗi đau dâng lên tầng tầng lớp lớp như những cơn bão nối tiếp nhau dập vào dãi đất miền Trung. Song, con người nơi đây vẫn kiên cường và dũng cảm, đã vượt lên bao khó khăn gian khổ trong hai cuộc kháng chiến, và bây giờ đang chống chọi với mưa bão từng giờ. Nỗi đau này không của riêng ai. Đồng bào cả nước đang chung lưng đấu cật chia sớt với miền Trung như nhà thơ Phạm Đình Ân đã viết: “Đất nước đau thắt ruột ở miền Trung/  Da thịt nơi nào cũng có mảnh bom găm” (Đi dọc miền Trung). Mảnh bom của lửa đạn chiến tranh đã qua và “mảnh bom” của thiên nhiên quái ác đanh hoành hành.


Nhà phê bình Lê Xuân.

Những ngày này có biết bao bài báo, bài thơ, tranh ảnh, nhạc phẩm viết về miền Trung với nỗi đau dâng trào và những lời động viên bà con vững chí. Trong niềm xúc động ấy, tôi đã đồng điệu, đồng cảm cùng nhà thơ Phùng Hiệu qua nhịp đập con tim với “Em giữa miền Trung” (Trích “Biên bản thặng dư” – Trang 23). Bài thơ chỉ 3 khổ với 12 câu đã nói được bao điều. Nhân vật trữ tình ở đây là “Em” hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ trong một đêm gió mưa vần vũ. Khổ thơ đầu là bức tranh “tả thực” cảnh bão bùng ở miền Trung ghê gớm:

Đêm qua ướt cả miền Trung

Gió giông phủ xuống bão bùng nổi lên

Quê nhà ngập lút mắt em

Mưa giăng gió hú qua thềm rêu xưa.

Mưa gió bão bùng nổi lên ai cũng thấy, nhưng nhà thơ thấy sâu hơn, xa hơn trong tâm trí với cách diễn đạt “lạ”: “Quê nhà ngập lút mắt em”. Cụm từ “ngập lút mắt” như mở ra một không gian vừa rộng vừa xa, tạo sự liên tưởng cho người đọc thấy cả vùng trời nước mênh mông, sâu thẳm, con người trở nên nhỏ bé vô cùng. Câu thơ mang nặng âm thanh rùng rợn của “mưa giăng gió hú”. Bức tranh mưa bão thật đáng sợ được vẽ nên bởi sự cảm nhận của thị giác và thính giác. Mắt nhìn mưa giăng, gió giật. Tai nghe âm thanh của giông bão. Trời đất đang nổi cơn thịnh nộ. Khổ thơ là một “bức họa” vừa tả thực vừa ảo ảnh trong trường liên tưởng của nhà thơ, và nhân vật “em” càng trở nên bé nhỏ đáng thương.

Khổ 2 lại là những suy tư, chiêm nghiệm về “em” và dãi đất miềm Trung  trăm cay ngàn đắng:

Mỗi năm dăm trận bão lùa

Đồng hoang từ dạo mấy mùa trắng tay

Vịn đêm em bước qua ngày

Nước ngậm ngang ngực tim dày vết đau.

Miền Trung mỗi năm hứng chịu dăm trận bão, đồng ruộng hoang tàn. Con người trắng tay. Nỗi đau về vật chất mất mùa thì cả nước chung tay cứu giúp. Nhưng nỗi đau trong tim em thì bao giờ nguôi ngoai. Tưởng em sụp xuống trong cơn hoạn nạn nhưng em vẫn “Vịn đêm em bước qua ngày”. Cái thời gian vật lý hết ngày qua đêm là lẽ đương nhiên của tạo hóa. Nhưng cái thời gian tâm lý “em vịn vào đêm” để bước ra ánh sáng ban mai là một sự hướng ngoại đáng quý biết bao. Từ bóng đêm em bước ra ánh sáng, em không bị quật ngã, cho dù “Nước ngậm ngang ngực tim dày vết đau”. Nếu dùng từ “Ngâm” thì câu thơ đúng theo luật Bằng- Trắc của thơ Lục bát, nhẹ hơn. Song, ở đây, Phùng Hiệu dùng từ “ngậm” đắt giá hơn. Nước ngậm ngang ngực, nước như chảy vào tận tim, đọng lại ở đó và ăn sâu vào trí não làm nỗi đau tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế trái tim mới “dày vết đau”. Sự chịu đựng của con người miền Trung là thế. Năm này qua năm khác, nỗi đau như dày thêm, nặng thêm.

Khổ 3 và khổ 1 của bài thơ được tác giả diễn đạt theo mối quan hệ “nhân – quả”. Mưa lũ, bão giông được diễn tả ở khổ 1 là “nguyên nhân” và những gì nó để lại ở khổ 3 là “kết quả”. Thật vô cùng  kinh hãi và xót xa:

Vách thưa chìm đáy sông sâu

Khăn tang trắng toát mái đầu em tôi

Mẹ trôi về phía dòng khơi

Mình em lặng giữa bời bời khói hương!

Nhà cửa, ruộng vườn, mẹ già… tất cả đều “chìm đáy sông sâu”. Hình ảnh người mẹ “trôi về phía dòng khơi” vô định, sự tuyệt vọng chất đầy. Còn hình ảnh “em tôi” với “khăn tang trắng toát mái đầu” chết lặng đi như một bức tượng giữa “bời bời khói hương” thì có cảm giác như em không còn nước mắt để khóc người mẹ xấu số nữa. Nước mắt giờ đây đã chảy ngược vào tim. Từ láy “bời bời” đã hình tượng hóa được nỗi đau chồng lên nỗi đau, tầng tầng lớp lớp.

Có thể nói, bài thơ “Em giữa miền Trung” của nhà thơ Phùng Hiệu là một nén tâm nhang trong những ngày này khóc than, đưa tiễn những người con của miền Trung “ra đi” vì nghĩa lớn, khóc thương cho những số phận bất hạnh bị bão giông, mưa lũ dập vùi. Đó cũng là tiếng lòng thổn thức xót đau của mỗi chúng ta được tác giả đã nói hộ bằng điệu thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng, đậm tình nghĩa đồng bào, và rất giàu tính nhân văn. Lời thơ mãi mãi là tiếng ru cho những linh hồn đã khuất. Bài thơ còn là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh  chúng ta về “Những dự án năm – mười ngàn tỷ/ Chỉ mua về phố xá những cơn giông” (Phố ngập).

L.X