Lê Xuân với tình yêu “Hồn Việt” qua tác phẩm “Cảm nhận vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian”

790

Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Lê Xuân quê gốc Thanh Hóa, hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Cần Thơ. Có thể gọi ông là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều đúng cả. Ở lĩnh vực nào ông cũng có nhiều đóng góp và thành công đáng ghi nhận. Nói về lao động nghệ thuật sáng tác và biên khảo tính đến nay ông đã góp mặt trên 30 tác phẩm in chung và có 6 tác phẩm in riêng thuộc nhiều thể loại như thơ, tiểu luận, khảo cứu và nhận định văn học.

Có thể kể ra đây những tác phẩm của Lê Xuân:

– Lời Đồng Vọng (Đến với bài thơ hay)

– Tiếng Nói Tri Âm (Tiểu luận và phê bình)

– Nhà giáo – Nhà báo – Nhà văn (Chân dung văn học)

– Tây Bắc Yêu Thương (Truyện ký)

– Tuyển Thơ Lê Xuân (Thơ)

– Cảm nhận về Vẻ đẹp Văn hóa văn nghệ dân gian (Tiểu luận – khao cứu)

Những cống hiến cho hoạt động văn học, báo chí của ông đã đem lại nhiểu giải thưởng xứng đáng. Chứng tỏ những nỗ lực không mệt mỏi của nhà báo, nhà văn… Lê Xuân đã được công chúng yêu văn học và giới chuyên môn ghi nhận. Cuộc đời và những đóng góp cho hoạt động nghệ thuật của Lê Xuân có lẽ dành riêng cho ông một tác phẩm có qui mô với vài trăm trang mới có thể trình bày đủ ý. Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ ghi lại những nhận định của mình khi đọc tác phẩm ông vừa gửi tặng cách đây không lâu có tựa đề: “Cảm nhận về vẻ đẹp Văn hóa Văn nghệ dân gian” (Tiểu luận – khảo cứu) – NXB Văn hóa – Văn nghệ, tháng 2 năm 2020.

Cuốn sách là một ấn phẩm trình bày bắt mắt, dày 200 trang. Đây là những trang viết đầy tâm huyết, với tình yêu dành cho những di sản văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Tôi gọi cốt lõi của dòng chảy văn hóa đó là “Hồn Việt”. Cuốn sách được trình bày mạch lạc qua ba phần:

– Phần 1: Bàn luận về ca dao, dân ca, tục ngữ.

– Phần 2: Đình chùa, lễ hội ẩm thực, đờn ca tài tử.

– Phần 3: Hình ảnh 12 con giáp trong tục ngữ, ca dao, dân ca.

Nhìn chung những bài viết của Lê Xuân ở lĩnh vực nào cũng rất hấp dẫn và đầy sức thuyết phục bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng dễ hiểu. Ông đã đưa ra những dẫn chứng, cứ liệu, minh chứng mang tính khoa học. Chứng tỏ ông đã dày công nghiên cứu, bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm, biên khảo với tất cả lòng nhiệt thành, yêu quý và trân trọng những tài sản tinh thần vô giá mà tổ tiên ta đã lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở cõi… ở nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ S thân thương, đặc biệt là những nơi Lê Xuân đã có dịp đặt chân tới đều để lại dấu ấn trong những bài viết của ông về con người, di sản và lễ hội nơi đây.

Qua tác phẩm của ông người đọc như được cùng ông trở về với cội nguồn dân tộc. Những câu ca dao, những làn điệu dân ca, điệu lý, những câu hát ru… là những nét đặc trưng bản sắc văn hóa vùng miền. Ở đó chúng ta cũng được ôn lại những kinh nghiệm quý báu trong đời sống của tiền nhân về lao động sản xuất, đối nhân xử thế, nhận biết thời tiết… mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca và những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn mạch âm ỉ chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay. Khi tượng hình đến khi chào đời và cả tuổi ấu thơ với những câu hát bên nôi là lời ru của bà của mẹ cho chúng ta đắm mình trong bầu sữa ca dao, dân ca. Rồi những năm tháng trên ghế nhà trường hay đến lúc trưởng thành, trong cuộc sống, chúng ta cũng vận dụng những kinh nghiệm quý báu từ tục ngữ, ca dao. Không ít nhà văn, nhà thơ trong sáng tác cũng mang đậm hồn dân tộc ít nhiều có ảnh hưởng từ nguồn mạch dòng chảy văn hóa cội nguồn. Như vậy con người Việt Nam ta từ lúc tượng hình trong bào thai của mẹ, được chào đời đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng đều được vỗ về ca dao, dân ca. Và có một điều chắc chắn là người Việt không ai là không thuộc ít nhiều câu tục ngữ, ca dao để vận dụng trong cuộc sống hằng ngày. Bởi đó là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn của cha ông ta và được lưu truyền từ dời này sang đời khác và tin rằng còn mãi đến mai sau.

Mở đầu tác phẩm, tác giả Lê Xuân có lời giới thiệu nhẹ nhàng và rất đỗi chân thành đến với bạn đọc bằng giọng văn giàu xúc cảm, lôi cuốn người đọc từ những câu chữ đầu tiên: “Từ ấu thơ tôi đã được tắm mình trong lời ru của bà, của mẹ qua mỗi vần ca dao và những chuyện kể xen lẫn tiếng võng đưa kẽo kẹt của những buổi trưa hè hay khi hoàng hôn buông xuống. Tôi chìm vào giấc ngủ nhẹ êm mơ tới những cô Tiên, ông Bụt và được bay đến nhiều bến bờ xa lạ của những miền sông nước mênh mông hay miền núi cao xanh thẳm của Tổ quốc”. Và rồi khi ông lớn lên được đặt chân đến nhiều nơi, được tiếp cận với nhiều nét văn hóa của các vùng miền ông rút ra một điều: “Cha ông ta dù cực khổ đến mấy vẫn lạc quan yêu đời, vẫn truyền dạy lại cho con cháu những bài học về lẽ sống”. Cũng như tác giả, ai trong chúng ta cũng được thừa hưởng những nét đẹp, kinh nghiệm sống của tổ tiên từ tục ngữ, ca dao, dân ca… đó là vốn quý từ cha ông ta qua văn hóa dân gian để mỗi ngày bồi đắp, làm giàu thêm cho tâm hồn và trí tuệ. Ông viết: “Vì thế, mỗi lần đọc một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay nghe một làn điệu dân ca, thưởng thức một món ăn, hoặc xem một mái đình, một ngôi chùa, nhà cổ nào đó tôi đều ghi lại những cảm nhận của mình. Và như tìm được sự tiếp nối, đồng cảm giữa quá khứ với hiện tại trong dòng chảy văn hóa hôm nay”. Những làn điệu dân ca mang đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đều làm ông xao xuyến. Đọng lại trong tâm hồn ông nhiều cảm xúc khó quên và những nơi tác giả đi qua đều để lại dấu ấn, thể hiện trên từng trang viết của Lê Xuân. Và cũng theo ông thì những âm điệu tha thiết của dân ca đưa trẻ vào giấc ngủ, hay để trai gái tỏ tình,… người ta hát để bày tỏ tình cảm, để tăng niềm phấn khích trong lao động và cả khi tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Lê Xuân tỏ ra am hiểu về đặc điểm, âm điệu của dân ca, tiết tấu của từng vùng miền. Ví dụ: “Bài ca dao “Trống cơm” khi chuyển sang dân ca quan họ Bắc Ninh ta thấy có tiếng đệm, tiếng lót để tạo nên giai điệu riêng: (Tình bằng) có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ( ấy mấy) vông nên vông. Hát dăm Nghệ Tĩnh thì thường theo nhịp 3/2 để diễn tả động tác lao động chắc khỏe. Hát ru em có giai điệu khoan thai nhẹ nhàng.”

Lê Xuân viết về hình tượng trầu cau trong ca dao bằng câu từ dung dị mà lôi cuốn người đọc bởi cách lập luận chặt chẽ và hành văn thuần Việt, trong sáng dễ hiểu. Ông dẫn chứng nhiều ca dao quen thuộc nhưng mỗi lần đọc lại cũng đưa đến nhiều cảm xúc cho chúng ta. “Sự tích trầu cau không biết từ bao giờ nhưng nó mãi mãi tượng trưng cho khát vọng hạnh phúc và hôn nhân…”. Bởi vì: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Miếng trầu nên dâu nhà người”… Trầu cau có mặt trong mọi sinh hoạt vui buồn hàng ngày của người bình dân: lễ tết, ma chay, cưới hỏi, tân gia: Người ta đã nhắn nhủ nhau:

Ai về tôi gửi buồng cau

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

Bàn về ca dao Lê Xuân tiếp tục với nguồn mạch cảm xúc trong các bài viết: Thách cưới trong ca dao, vẻ đẹp của tình yêu trong bài ca dao “Con mình con ta”,  “Nỗi nhớ và lời trách đáng yêu trong bài ca dao “Thiếp nhớ chàng”…

Cũng với lời dẫn gợi mở nhẹ nhàng: “Ca dao là cây đàn muôn điệu của tâm hồn người bình dân. Mọi cung bậc tình cảm, mọi trăn trở, ước mơ kỳ vọng, ta đều có thể tìm thấy ở đó. Nhưng dưới chế độ phong kiến bao luật lệ khắt khe đã trói buộc đời sống tình cảm của con người”. Nên có lẽ vì thế mà để thể hiện tình yêu đời, yêu người đôi khi phải thể hiện dưới hình thức dí dỏm hài hước pha lẫn chút xót xa của một câu chuyện về một đôi trai gái nghèo. Chúng ta hãy lắng nghe cô gái thách cưới:

Cưới em có cánh con gà

Có dăm sợi bún có vài hạt xôi

Cưới em còn nửa anh ơi

Có một đũa đậu, hai môi rau cần.

Nói về nỗi nhớ và lời trách đáng yêu trong bài ca dao “Thiếp nhớ chàng” (Đây là bài viết đạt giải khuyến khích cuộc thi bình ca dao của tạp chí Thế Giới Trong Ta năm 2002-2003), Lê Xuân trich dẫn những câu ca dao đầy ý nghĩa:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than.

 Hay:  

Mình nhớ ta như cà nhớ muối

Ta nhớ mình như cuội nhớ trăng.

Lê Xuân tiếp tục đưa người đọc trở về với ca dao, dân ca. Mỗi chúng ai cũng từng lớn lên bằng lời ru của bà, của mẹ… dẫu cuộc sống còn đó những lo toan nhưng chúng ta cũng được vỗ về bằng lời ru tưởng đã ngủ yên trong tiềm thức. Khi có dịp trở về chúng ta chợt nhận ra những nét nghĩa mới theo thời gian và vốn hiểu biết của chúng ta. Bởi vì ca dao và tục ngữ có thể hiểu bằng nghĩa đen hoặc nghĩa bóng vì vốn có tính đa nghĩa nên chúng ta có thể khám phá nhiều tầng nghĩa của nó tùy theo ngữ cảnh… “Và có lẽ vì thế nó mới tạo nên sự thú vị cho người tiếp nhận, tạo nên sự đa nghĩa cho hình tượng văn học” như những câu ca dao sau đây:

Gái thương chồng đương đông buổi chợ

Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.

(Bàn thêm về câu ca dao: Gái thương chồng…- trang 36)

Tác giả Lê Xuân đưa ra những dẫn chứng, cứ liệu để người đọc đi vào dòng cảm xúc trước vẻ đẹp của ca dao qua các bài phân tích, gợi mở lý thú như bài: Tình nặng lí sâu trong câu tục ngữ “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”( trang 40), rồi bài Bàn thêm về câu tục ngữ “Ăn vóc học hay” (trang 44). Ông viết về hình ảnh mười hai con giáp trong ca dao tục ngữ, hình ảnh cây cầu trong ca dao Nam Bộ… Ngoài ca dao, dân ca Lê Xuân cũng dành nhiều tâm huyết cho việc khảo cứu về các đình chùa, lễ hội, ẩm thực, đờn ca tài tử. Đó là đời sống văn hóa tinh thần, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa dân tộc suốt chiều dài thời gian dựng nước, mở cõi, di dân. Những giá trị tinh thần đó chứa đựng hồn cốt dân tộc. Nó trở thành bản sắc riêng không mai một mà ngược lại nó phát triển phong phú, phù hợp với vùng miền và thời gian, chứng tỏ sức sáng tạo không ngừng của của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Nói đến ca dao tục ngữ hay truyện ngụ ngôn, chúng ta thấy hình ảnh các con vật mà quen thuộc, nhất là 12 con giáp không thể thiếu trong văn học dân gian. Được xem là hình ảnh hoán dụ dễ thương để chủ thể trữ tình ký thác tâm tình, gửi gắm nỗi niềm hay thông điệp đến với khách thể trữ tình. Hình ảnh 12 con giáp được Lê Xuân trình bày ở phần III của cuốn sách với các bài viết lí thú, hấp dẫn. Như bài viết về hình ảnh con chuột trong ca dao tục ngữ với cách lí giải, dẫn chứng và lời khuyên được xem là bài học từ những kinh nghiệm rút ra từ vốn sống của tiền nhân đúc kết nhiều đời qua ca dao tục ngữ:

Chớ ham mèo chuột anh ơi

Cửa nhà tan nát, miệng đời mỉa mai.

…Và đây là một kinh nghiệm: khi con chuột bỗng dưng xuất hiện báo hiệu tin vui, sắp có khách đến thăm nhà:

Thứ nhất đom đóm vào nhà

Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.

Dân tộc ta trưởng thành từ nền văn minh lúa nước với hơn 70% dân số là nông dân, gắn bó với ruộng đồng nên hình ảnh con trâu rất gần gũi với đời sống của người dân. Nên con trâu được xem như vốn quý của kinh tế gia đình. Lê Xuân đã trích dẫn:

Tậu trâu, lấy vợ làm nhà

Trong ba việc ấy thật là khó thay.

Với quan niệm này, khi nào hoàn thành ba việc ấy mới được xem là người trưởng thành chín chắn và ổn định kinh tế với mái ấm gia đình.

Tiếp tục với những bài viết, Lê Xuân đã trình bày lần lượt đầy đủ hình ảnh 12 con giáp trong ca dao, tục ngữ. Bài nào ông cũng tỏ ra am hiểu, trình bày mạch lạc, bằng ngôn ngữ khúc chiết, mạch lạc, dễ hiểu và đôi khi còn dí dỏm dễ thương làm cho người đọc tiếp cận các hình tượng văn học một cách nhẹ nhàng, thú vị.

Phần cuối sách là phần phụ lục ông giới thiệu với bạn đọc hình ảnh những đình chùa, cầu, chợ, lễ hội… và hoạt động văn hóa diễn ta ở một số vùng miền mà tác giả Lê Xuân đã ghi lại được bằng hình ảnh qua các chuyến điền dã của mình.

Như chúng ta đã biết văn hóa dân gian mà ca dao, dân ca, tục ngữ là văn học truyền miệng qua nhiều thế hệ và có sự biến tấu của từng vùng miền khác nhau tạo nên tính phong phú cũng như sự đa nghĩa, thâm thúy sâu xa cũng như nhiều chiều kích tâm trạng nên ngoài nghĩa đen vốn có của nó đọc lên ai cũng hiểu thì còn có những nghĩa bóng, chứa đựng ý tứ và thông điệp gửi gắm trong đó để người đời không ngừng tìm tòi khám phá. Vì thế những phân tích lí giải của tác giả dù rất cố gắng bằng cả tâm huyết và tài hoa của mình cũng chưa thể làm hài lòng hoàn toàn cho tất cả bạn đọc. Điều đáng quý là ông đã đóng góp cho bạn đọc vẻ đẹp, ý nghĩa, những nét nghĩa nổi trội và nhất là vốn sống hướng về cái đẹp mà văn hóa dân gian mang lại.

Những ý kiến của ông đưa ra có mục đích gợi mở để người đọc có thêm một hướng tiếp cận với những di sản văn hóa mà ông cha ta để lại để yêu quý văn hóa dân gian và tiếp tục có những khám phá mới. Ngay từ lời mở đầu lê Xuân đã gửi đến bạn đọc những lời chân thành: “Những trang viết về văn hóa, văn nghệ dân gian ở tập sách này là một món quà tôi gửi tặng quê hương, tặng những con người và vùng đất tôi đã đi qua. Đây là những cảm nhận cá nhân ở một góc độ nhất định về văn hóa, văn nghệ dân gian. Vì trình độ còn nhiều hạn chế nên không thể tránh khỏi những sai sót. Rất mong các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian và bạn đọc góp ý”. Đây là những lời bộc bạch khiêm tốn của ông. Nhưng theo thiển ý của tôi, Lê Xuân nghiên cứu khảo luận rất tâm huyết, am hiểu sâu sắc về đặc trưng thể loại văn hóa và vững vàng trong quan điểm nhận định. Là cây bút có trách nhiệm với vốn quí, tài sản vô giá của dân tộc ta.

Có thể chưa phải câu ca dao nào cũng được ông bình một cách thấu đáo nhưng thành công hơn hết là ông đã truyền cảm hứng tình yêu “Hồn Việt” từ cảm xúc của ông lan tỏa đến người đọc chúng tôi. Vâng tác giả ơi! Đây quả là một món quà quý cho những ai yêu mến “Hồn Viêt” cũng có thể gọi là “hồn dân tộc” qua những di sản văn hóa tinh thần mà cha ông ta đã tích lũy bao đời để lại cho chúng ta. Cuốn sách là một góc nhìn của một người dành nhiều thời gian cho các hoạt động khảo cứu. Chúng ta trân trọng những đóng góp quý báu của ông. Văn hóa, văn nghệ dân gian là một món ăn tinh thần với đầy đủ các chức năng giải trí, giáo dục thẫm mỹ, kinh nghiệm sống và dự báo… thông qua hình tượng nghệ thuật đưa cái đẹp vào cuộc sống, góp phần hướng con người đến chân- thiện- mỹ để cuộc sống tinh thần thêm phong phú để cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn!

Cuốn sách của tác giả Lê Xuân là kết quả của nhiều chuyến điền dã, thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của ông trong thời gian dài. Đây là một công trình nghiên cứu xứng đáng với giải thưởng mà hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng. Chứng tỏ công sức nghiên cứu và trí tuệ lao động nghệ thuật của ông đã được ghi nhận. Mong tác giả Lê Xuân nhiều sức khỏe, phát huy năng lực sáng tạo để tiếp tục có những đóng góp mới cho hoạt động văn hóa nghệ thuật như một người cần mẫn vén lớp bụi thời gian hé lộ những mảng màu đẹp từ những viên ngọc quý của tiền nhân trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Sài Gòn ngày 31/12/2020

                                                           H.T.B.H