(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông Khoa trở mình, mồ hôi chảy ướt chiếc chiếu trúc. Dạo này sao ông thấy nhức mỏi toàn thân, hình như sức khỏe của ông có vấn đề. Nhưng ông không nghĩ đến chuyện bệnh tật mà lan man nghĩ đến chuyện khác.
Nhà văn Phạm Văn Hoanh
Từ hôm nghe bài hát: “Việt Nam ơi, Việt Nam ơi! Cùng đoàn kết đánh bay Covid!…” trên ti vi khiến ông không ngủ được. Đêm nào, ông cũng nghĩ về trách nhiệm của một người thầy thuốc, trách nhiệm của một người công dân đối với đại dịch Covid-19. Bây giờ ông phải làm gì để tiêu diệt con vi rút Covid-19 này. Đang suy nghĩ bỗng bà vợ gọi:
– Khuya rồi anh. Ngủ đi để giữ gìn sức khỏe!
Ông đằng hắng để lấy lại giọng, trả lời:
– Mấy đêm nay không ngủ được. Anh lo quá!
– Anh lo gì? Về hưu rồi thì ăn no ngủ kỹ chứ lo gì nữa.
– Nói như em đâu có được. Đại dịch này làm sao có thể ngồi yên.
– Anh không nghe Bộ Y tế khuyến cáo sao? Người trên sáu mươi tuổi không được ra ngoài. Anh ở trong nhà cũng là chống dịch rồi.
– Ừ, em nói cũng phải. Muốn thắng con covid-19 là mọi người phải ở trong nhà, tránh đến chỗ đông người, có việc cần thiết ra đường phải đeo khẩu trang… Nhưng anh là một bác sĩ, anh phải có trách nhiệm chung tay với các bác sĩ khác để tiêu diệt con covid-19 chứ em.
Biết tính của chồng, vợ ông làm thinh.
Tính ông Khoa là vậy đấy. Những năm mới ra trường ông đã tình nguyện lên miền núi khám chữa bệnh cho đồng bào. Ông đi hết miền núi Tây Bắc rồi lại đến miền núi Đông Bắc. Khi mỏi gối chùn chân ông mới về phục vụ ở bệnh viện gần nhà. Hơn ba mươi năm trong ngành y, ông làm việc không biết mệt mỏi. Với bản lĩnh và phong cách của người con Quảng Ngãi, ông đã mạnh dạn học tập, áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào việc điều trị những bệnh nan y. Nhiều đồng nghiệp của ông đã nhận xét: “Bác sĩ Khoa không những có tài năng mà còn có đức độ”. Bệnh nhân có nặng đến mấy ông cũng tìm cách chữa cho khỏi. Ông phục vụ bệnh nhân hết mình miễn sao cứu được bệnh nhân là ông hạnh phúc. Có lần một phụ nữ sinh con được chuyển lên Khoa Gây mê hồi sức phẫu thuật cấp cứu; trong quá trình mổ lấy thai nhi, máu ra nhiều, sản phụ thiếu máu; nguồn máu dự trữ trong kho cùng nhóm với sản phụ không còn; bệnh viện kêu gọi các cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ cùng nhóm máu với sản phụ hiến máu để cứu người; bác sĩ Khoa đã sẵn sàng hiến những giọt máu của mình để cứu sản phụ. Đây không phải là lần đầu tiên ông có nghĩa cử cao đẹp như vậy. Đối với bác sĩ Khoa, việc hiến máu cứu người như trường hợp của sản phụ này kể sao cho hết.
Vợ ông nhớ lại, năm bà mới ra trường bị sốt xuất huyết rất nặng, ông đã điều trị và chăm sóc bà rất chu đáo. Cảm phục tài năng và phẩm chất đạo đức của ông, bà đã đem lòng yêu ông. Ông cũng không phụ tình yêu của bà nên đã kết tóc xe duyên với bà. Ông và bà sống trong khu tập thể của bệnh viện. Kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng ông không bao giờ để cái tâm của mình bị vẩn đục. Có lần vợ ông khuyên nên về thành phố. Ông bảo là ở miền núi đồng bào đang cần ông nên không thể đi được. Khi gần về hưu ông mới về phục vụ ở quê nhà. Ông làm ở bệnh viện tỉnh được mười năm rồi nghỉ hưu.
Những ngày về hưu, ông mở phòng khám từ thiện để khám chữa bệnh cho nhân dân. Ông không phân biệt giàu nghèo, ai có bệnh là ông chữa. Mấy năm gần đây sức khỏe ông không được tốt nên ông không khám chữa bệnh nữa. Hàng ngày ông phải tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe quanh khu phố để nâng cao sức khỏe…
Sáng dậy ông Khoa mở ti vi ra xem. Ông theo dõi số người nhiễm covid-19 trên thế giới nói chung Việt Nam nói riêng. Ông vô cùng cảm phục các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên y tế đã ngày đêm túc trực ở bệnh viện khám chữa bệnh cho bệnh nhân, ngăn chặn không cho dịch lây lan. Xem thời sự xong, ông Khoa chế bình trà, rồi gọi vợ lên uống cùng để bàn việc chống dịch. Bàn xong ông bưng chén trà lên uống một hớp, để lại xuống bàn rồi ngâm mấy câu thơ ca ngợi người thầy thuốc trong bài “Sen trắng hương đời” của nhà thơ Hoàng Thân: “Như một đóa hoa sen/ Cánh hoa – tà áo trắng/ Biết hy sinh thầm lặng/ Ươm mạch sống cho đời”. Ông dừng lại bình mấy câu thơ vừa ngâm cho vợ nghe. Vợ ông chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời. Bỗng ông dừng lại nói:
– Trong thời buổi đại dịch, những người trong ngành y khổ lắm em. “Chống dịch như chống giặc”. Anh sẽ tình nguyện góp một phần công sức của mình vào trận chiến này. Em có ủng hộ không?
– Em rất hoan nghênh. Nhưng chỉ sợ sức khỏe của anh thôi. Bảy mươi tuổi rồi có làm nổi không?
– Không sao đâu em. Anh sẽ làm theo sức khỏe của mình.
Ngoài cổng có tiếng chuông reo. Vợ ông chạy ra mở cửa. Một người đeo khẩu trang bước vào lịch thiệp chào rồi hỏi:
– Bác sĩ Khoa có nhà không chị?
– Dạ, chào anh. Nhà em ở trỏng mời anh vào.
Ông khách vừa đi vừa nói:
– Hồi tối bác sĩ Khoa có gọi điện cho tôi bảo là sáng nay lên tỉnh tham gia Đội tình nguyện chống dích covid 19. Ảnh có nói chị chưa?
– Dạ, có. Anh bảo sáng nay chờ bác sĩ Bình đến chở đi lên tỉnh. Anh là bác sĩ Bình?
– Đúng, tôi là bác sĩ Bình.
– Em xin lỗi! Anh đeo khẩu trang kỹ quá em nhận không ra.
– Không có chi. Chống dịch ra đường phải như thế này chứ. Mọi người như tôi thì con covid 19 nào dám tới.
Bác sĩ Bình xách va li vào, đánh tiếng hỏi:
– Anh Khoa chuẩn bị xong chưa?
– Tôi chuẩn bị hồi tối rồi. Chú ngồi xuống đây uống chén trà rồi hãy đi.
Bác sĩ Bình ngồi xuống ghế bưng chén trà uống một hớp, nói:
– Anh đã dặn vợ chuẩn bị tinh thần chưa? Chứ chuyến này lên đường ở lại bao giờ tiêu diệt được con covid-19 mới về.
Quay sang vợ ông Khoa, bác sĩ Bình nói:
– Chị thông cảm cho anh Khoa. Chị chịu cô đơn ít hôm, thắng giặc anh Khoa sẽ về với chị.
Vợ bác sĩ Khoa vui vẻ nói:
– Em sẵn sàng mà. Chỉ cầu mong hai anh được bình an. Cầu mong cho đất nước mình cũng như cả thế giới nhanh tiêu diệt con covid-19.
Uống hết bình trà, bác sĩ Bình bảo:
– Đến giờ rồi phải lên đường thôi!
Ông Khoa đứng dậy dặn vợ đôi điều rồi nói to:
– Khi Tổ quốc cần chúng mình phải biết hy sinh.
Rồi ông xách va li lên đường cùng bác sĩ Bình.
Phạm Văn Hoanh