Leng keng cà rem – Tạp văn của Ngọc Huệ

779

(Vanchuongphuongnam.vn) – Còn gì bình yên cho bằng những buổi trưa hè nóng nực mà được cầm trên tay cây cà rem và nhẹ nhàng bóc bỏ đi miếng bọc ni-lon trong suốt, chớp mắt dòm những sợi khói lạnh mỏng manh tan dần vào không khí rồi cắn một miếng cà rem mát lạnh, buốt cả chân răng và cảm nhận vị ngọt dịu thơm trong khoang miệng. 

Minh họa: P.S – Nguồn SGGP

Ông tấp xe vào vỉa hè, đứng nép dưới bóng râm hàng cây. Bây giờ trời đã về chiều và thỉnh thoảng, mỗi buổi sớm mai cơn gió chớm đông chực chờ ngoài cửa, vậy mà cái nóng hầm hập của nắng trưa còn chẳng chịu tan hết. Tay phải quạt phành phạch, tay trái ông đưa lên lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên vầng trán gầy mà có xua được cái nóng oi nồng giữa phố thị ngược xuôi xe cộ này đâu. Mà trời đất riết cũng kì, mới mưa tầm tã mấy bữa trước đến độ lòng phố hóa ra sông, mà khi vừa hết mưa, lại đổ nắng như đốt lửa, cứ như muốn vắt cạn, hong khô những giọt nước cuối cùng trong cỏ cây, trời đất. Đến ông trời còn thay đổi liên tục như vậy, hỏi sao bọn trẻ nít chẳng còn như lúc trước, chẳng còn í ới gọi mỗi lúc ông qua…

Đứng trầm ngâm hồi lâu, mắt xa xăm nhìn dòng người tấp nập, ông thoáng vui rồi chợt buồn khi những đứa trẻ bước về phía ông và đi mất. Ông khẽ thở dài. Bàn tay chai sần, gầy guộc từ từ đưa về phía ghi đông xe, một cái chạm nhẹ làm bật âm thanh leng keng giữa lòng phố thị. Nhưng âm thanh đó cũng lọt thỏm rơi vào lãng quên, chẳng ai quan tâm, hoặc cũng có thể đã chẳng ai nghe thấy. Vì người ta còn đang hối hả quay về khi ánh hoàng hôn dần che mờ mọi vật, người ta không nghe bởi xe cộ ồn ào, tiếng còi ầm ĩ, xen lẫn khói bụi và những mệt mỏi, lo toan đã át đi âm thanh trong trẻo của một thời xa lắc. Ừ… Giữa bộn bệ cuộc sống hôm nay, ông đã thật sự rơi vào quên lãng, người ta đã thật sự quên mất vị cà rem của những ngày xa ngái êm đềm nơi chốn làng quê.

Cà rem bây giờ đã lạc lõng đi vào quá khứ bởi chẳng ai còn nhớ và đón nhận chúng cả, đến bọn con nít nông thôn sống giữa đồng quê bát ngát lúa xanh cũng đã “ứ… thèm”. Những que kem mới mẻ, những cái ly tinh xảo với mấy cái dù xinh xinh và những cái tên thật hoa mĩ mà xa lạ đã thay dần hình ảnh giản dị, đơn sơ và thân thuộc của cây cà rem xưa. Giữa bộn bề và đủ đầy vật chất, lũ trẻ đã mất hẳn cảm giác lâng lâng vui sướng và thỏa mãn khi được cầm trên tay cây cà rem bình dị. Phải chăng, cuộc sống càng phát triển con người càng trở nên chai sần cảm xúc?

Không hẳn vậy. Cảm xúc không chai sần mà chỉ tạm thời bị che khuất dưới những hạt bụi thời gian. Bằng chứng là, đã qua bao tháng ngày mà ông vẫn khắc khoải nhớ thương và trân trọng niềm vui khi nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ háo hức vây lấy xe cà rem của ông ở mỗi buổi trưa hè trong quá khứ. Ông luôn hoài niệm những chuyện đã qua, đơn giản vì, với ông chúng là niềm hạnh phúc, một cái hạnh phúc giản đơn như cơn gió nhẹ xua tan cái nắng trưa hè nóng nực.

Hơn mười năm gắn bó với vòng xe xuôi ngược chở tiếng chuông leng keng khắp nẻo đường cuộc sống, thời gian đó không dài nhưng đủ để ông thấy hết cái đổi thay của con người trong từng ấy tháng năm. Nhớ hồi đó, mỗi lần nghe tiếng lóc cóc, leng keng của chiếc chuông nhỏ xinh xinh, lũ trẻ lại chộn rộn, thi nhau hò hét gọi chiếc xe đạp ghé lại nhà mình. Ông vừa đến đầu ngõ, còn chưa kịp rẽ vào cái xóm nhỏ có bóng tre kẽo kẹt rì rào, ông đã nghe vang vọng âm thanh hồ hởi của những đứa trẻ đang í ới gọi mình. Nhìn vào cuối xóm ông luôn bắt gặp những cặp mắt long lanh, háo hức, chúng sáng ngời niềm vui và hạnh phúc. Đứa nào cũng phấn khởi vui mừng, hết lăng xăng chạy lại níu giữ ông, chúng lại ba chân bốn cẳng chạy về xin tiền ba mẹ mua cho bằng được cái thức hấp dẫn kì bí sau xe, ngọt thanh đầu lưỡi, lấm tấm hạt đen, hạt đỏ của đậu, beo béo của dừa. Là con nít vùng quê, quanh năm lam lũ, lắm lem bùn đất miệt ruộng đồng nên một cây cà rem giản dị cũng làm chúng vui như vậy đó.

Chúng cứ cười tịt cả mắt mà hăm hở nhìn ông chậm rãi cho tay vào chiếc thùng thiếc sau xe, lấy ra những cây cà rem đậu xanh, đậu đen, đậu trắng. Thấy chúng nôn nao, trong đáy mắt không giấu nổi sự khao khát, phấn khích, chộn rộn, mong chờ. Ông cũng thấy mình vui lây với niềm vui đó, niềm vui giản đơn mà đong đầy hạnh phúc, bởi ông cũng có tuổi thơ nên ông hiểu tâm tư bọn trẻ. Còn gì bình yên cho bằng những buổi trưa hè nóng nực mà được cầm trên tay cây cà rem và nhẹ nhàng bóc bỏ đi miếng bọc ni-lon trong suốt, chớp mắt dòm những sợi khói lạnh mỏng manh tan dần vào không khí rồi cắn một miếng cà rem mát lạnh, buốt cả chân răng và cảm nhận vị ngọt dịu thơm trong khoang miệng. Có đứa nhanh chân chạy u về nhà treo mình trên chiếc võng mát rượi sau hè, dưới tán trâm bầu ríu rít tiếng chim, vừa đong đưa cánh võng, vừa nhắm mắt nhâm nhi tận hưởng món ăn thần tiên của tuổi thơ mà mơ màng đi vào giấc ngủ.

Đứng giữa lòng phố thị ồn ào, náo nhiệt, tự dưng ông lại thèm cái rượi mát của cơn gió chốn thôn quê rào rạt lũy tre làng, thèm được nhìn những gương mặt trẻ thơ ngây ngô đang trông chờ vị ngọt mát thanh của cây cà rem trong cả những giấc mơ trưa, thèm được một lần nghe lại tiếng khóc uất nghẹn của bọn chúng. Con nít mà, đứa nào không thích khoe khoang. Cũng bởi vậy mà khi thấy bạn mình mặt mày bí xị, tèm lem nước mắt vì ba mẹ không mua cho thức quà hấp dẫn cà rem, chúng cứ đến trước mặt nói cười chọc quê, vừa làm mặt xấu, vừa lè lưỡi lêu lêu khiêu khích. Tiếng khóc tức tưởi, hờn giận đan xen tiếng cười hài lòng, thích thú vút cao như cơn gió ban trưa vừa nghịch đùa mà đem treo trên ngọn tre xanh tít. Nhiều đứa gan lì, bí quá làm liều, chúng mạnh bạo giẫm chân bình bịch hay lăn tròn mấy vòng trên đất ẩm mà nằm vạ đòi cha mẹ phải mua cho. Cũng có không ít cánh tay níu giữ ông lại, nhất quyết không cho ông đi, đứa túm áo, đứa túm quần, đứa nắm lấy căm xe… Ông có gỡ thế nào chúng cũng không chịu buông ra, làm ông đi chẳng được mà ở cũng chẳng đành, thiệt khổ! Chúng làm riết ba mẹ bực nên ngọn roi vung cao. Đau nhói. Vậy mà, trăm lần cũng như một, hễ nghe thấy âm thanh leng keng quen thuộc, chúng lại hăm hở chạy ra, lại vật vã vòi vĩnh và lại cười khoe hàm răng súng quên cả lằn roi còn ửng đỏ trên mông khi được ông đưa cho cây cà rem dịu ngọt.

Con nít là vậy, chúng luôn sống thật với cảm xúc chính mình. Chúng cười giòn tan khi vui, khóc tức tưởi khi buồn, dễ giận, dễ hờn nhưng cũng dễ dàng quên đi và tha thứ. Làm người lớn, tính ra người ta còn không can đảm bằng một đứa trẻ. Chúng dám làm tất cả miễn sao có được thứ mình khao khát, ước mơ. Cũng bởi vậy mà ông đã có không ít lần dở khóc, dở cười vì cái tính “muốn là làm” của tụi nhỏ. Ở miệt châu thổ này, ba mẹ phải tất tả ra đồng từ lúc mặt trời chưa kịp thức đến khi nắng đã trốn hoàng hôn. Bọn con nít ở nhà tự chơi với nhau, đứa lớn dòm chừng, chăm nom đứa nhỏ cho ba mẹ lo toan việc đồng áng. Bởi vậy, khi ông chở chiếc thùng cà rem đến, chúng chẳng biết tìm ba mẹ ở đâu mà xin tiền. Nhìn những đứa trẻ khác khoan khoái thưởng thức món cà rem hấp dẫn, mặt mày chúng bí xị, mắt ầng ậc nước chỉ chực khóc. Lúc đó tiếng leng keng cà rem còn song hành với âm thanh toe toe của ve chai lông vịt. Thấy chúng buồn, ông thương nên bảo: “Tìm đồ mủ ra đây chú đổi cho”. Vậy là nụ cười lại toe toét nở trên môi và đôi chân lại háo hức chạy về rồi ôm ra lỉnh kỉnh những chai lọ, giày dép… Nhìn nét khấp khởi, vui tươi trên gương mặt bọn trẻ, ông cũng nghe lòng mình ấm áp, những mệt nhoài của quãng đường xa đầy bụi bùn trong phút chốc như biến mất khi thấy bọn chúng tíu tít cười nói xung quanh mình.

Thế rồi hôm sau, khi ông vừa trờ xe tới còn chưa kịp gạt chân chống xe, ông đã phải đón nhận “trận lôi đình” của các bậc phụ huynh. Số là, nghe ông bảo “đổi đồ mủ” lũ trẻ nhanh chống chạy ngay về tìm hết nhà trên bếp dưới. Nhưng tìm hoài mà chẳng thấy, vừa buồn, vừa thất vọng, vừa lo sợ bạn bè trêu chọc, lại ức cha mẹ không chịu về mua cho món cà rem hấp dẫn, chúng đứng ở cửa mà tức tưởi khóc cho đến tận lúc cha mẹ đi làm đồng về và hốt hoảng chẳng hiểu chuyện gì. Độc đáo và sáng tạo, nhiều đứa ngoài mớ ve chai mẹ để ngoài góc mận, chúng còn góp thêm vào bằng tất cả giày dép trong nhà sau khi dùng dao, kéo cắt quai hết thảy. Có đứa tìm không thấy chai nhựa bỏ đi, chúng nhớ ngay đến những keo lọ lỉnh kỉnh mẹ sắp bày nơi góc bếp. Vậy là vừa mỉm cười đắc chí, vừa tự tán thưởng bản thân thông minh, chúng nhanh tay trút hết tiêu tỏi, muối, đường, bột ngọt… ra đất, rồi gom hết đống chai lọ ấy đổi lấy vị ngọt dịu thơm của cây cà rem bình dị.

Ngày nay, trong một khoảng lặng giữa phố thị ồn ào, bất chợt cũng bắt gặp hình ảnh người đàn ông cong lưng đạp chiếc xe chở chiếc thùng cà rem của tuổi thơ. Con đường nhựa vẫn thênh thang xe cộ qua lại, vẫn tấp nập người, mà sao ông như lạc lõng, bơ vơ giữa nắng chiều nhàn nhạt. Chiếc chuông phía trước ghi đông xe vẫn đều phát ra âm thanh leng keng… leng keng… nhưng đã thiếu đi tiếng cười trẻ nít, thiếu những chiếc môi xinh toe toét cười, thiếu những gương mặt buồn xo, những tiếng nấc trong tức tưởi, thiếu cả tiếng cãi vã, hờn giận nhau vì tranh nhau từng giọt cà rem tan chảy… Mà chính người bán cũng có còn đâu nét vui tươi, hăm hở ngày xưa. Chỉ có tiếng chuông lắc đều, có vòng xe chầm chậm quay và ánh mắt xa xăm man mác buồn. Ánh mắt tìm về những cảm xúc ngập tràn của tuổi thơ xa lắc mà lầu rồi còn cất giữ nơi trái tim mình.

Chiều, những tia nắng ấm áp cuối ngày trải dài lên vạn vật, lấp lánh phản chiếu trên mặt nước sông rồi hong khô những chiếc lá vàng vừa rơi giữa phố thị tấp nập xe cộ ngược xuôi. Phố vào đông, lạnh ồn ào, vội vã tan tầm, ai cũng hối hả quay về sau một ngày dài bận bịu. Ấy vậy mà, trên cao bầu trời trong xanh lại trêu đùa cùng cơn gió, thủng thẳng đẩy mấy cụm mây bay về cuối trời xa, bình yên và thong dong trước bộn bề khói bụi và dường như dòng xe chen chúc dưới kia đã chẳng hề tồn tại. Đôi khi, giữa tất bật lo toan, người ta lại cần những phút giây bình yên như vậy đó.

Ông khẽ vươn vai, đẩy chiếc xe trở lại lòng đường. Hốc mắt sâu u buồn cũng kịp vẽ nên một tia hi vọng khi âm thanh trong trẻo trẻ thơ vang lên ngay bên cạnh mình: “Ông cà lem ơi…!”.

N.H