Léonard de Vinci – Nghệ sĩ toàn năng

951

Đan Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, công chúng mộ điệu hội họa từ trước đến nay có người chỉ nghĩ tới họa sĩ thiên tài Léonard de Vinci là tác giả bức chân dung nổi tiếng Mona Lisa (còn gọi là La Gioconde) với nụ cười độc đáo vô cùng bí hiểm. Thực tế, Léonard de Vinci, ngoài danh nghĩa là một nghệ sĩ tạo hình đỉnh cao độc nhất vô nhị, còn được biết tới là một thiên tài toàn năng trên nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc, kiến trúc sư, văn học, y học, thiên văn học, khoa học kỹ thuật, bản thảo viết tay về nhiều lĩnh vực… Nói đến nhà nghệ sĩ bác học người Ý Léonard de Vinci trong thời kỳ Phục Hưng (Reconnaissance), không một ai trên thế giới trong lòng không cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ.

Danh họa Léonard de Vinci.

Nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng (1420 -1600) tại châu Âu kéo dài đến 180 năm coi như được thống trị bởi các nghệ sĩ lớn nước Ý như điêu khắc gia Michel Ange ( 1475-1564 ), các họa sĩ Massaccio (1401-1428), Botticelli (1445-1510), Léonard de Vinci… Nổi bật lên trong hàng ngũ những nghệ sĩ bậc thầy đó là Léonard de Vinci được nhiều người đánh giá là họa sĩ đỉnh cao – một thiên tài toàn năng về nghệ thuật và khoa học kỹ thuật… vượt trội và khác biệt hẳn với nhiều nghệ sĩ khác trong cùng thời kỳ ở cuộc đời và sự nghiệp.

Léonard de Vinci (1452-1519 ) – viết theo tiếng Pháp đọc là Lê-ô-na Đờ Vanh-xi – với tên Ý đầy đủ trong khai sinh là Leonardo di ser Piero da Vinci, có nghĩa: “Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci” vì Vinci là một thành phố vùng Tuscan nơi ông sinh ra. Léonard là con trai ngoài giá thú của một vị chưởng khế điền chủ giàu có Ser Piero, lúc bấy giờ 25 tuổi, cùng người con gái nông dân tên Catarina (22 tuổi). Nhưng  không rõ vì lý do nào, quan hệ của hai người đã chấm dứt ngay sau khi Catarina sinh ra Léonard. Sau khi chia tay với Catarina, Ser Piero lĩnh phần nuôi dưỡng Léonard. Trong đời, Ser Piero kết hôn bốn lần, ngoài Léonard, ông có thêm 9 người con trai và 2 người con gái với hai người vợ sau cùng. Người ta được biết lúc bấy giờ Ser Piero làm chưởng khế (nay là công chứng viên) rất uy tín của nhiều gia đình danh giá trong thành phố và gồm cả những thành viên trong chính quyền thành phố và hội đồng quốc gia. Do vậy, Ser Piero được xem như là người khá giả đã thành công trong nghề nghiệp thời bấy giờ.

Sống trọn thời thơ ấu và lớn lên theo cha trong gia đình tại thành phố Firenze nước Ý, trước tiên Léonard tiếp thụ học vấn tại nhà. Ngay từ đầu, cậu bé đã thể hiện có những đam mê mãnh liệt, trong đó Léonard  thích nhất là hội hoạ, nghệ thuật tạo hình và âm nhạc. Thấy vậy, Ser Piero đã chọn họa sĩ nổi tiếng về điêu khắc và hội họa trong làng nghệ thuật đương thời tại Firenze là Verrocchio (1435-1488) cho Léonard theo học. Bởi lẽ chính Verrocchio cũng vừa nhận ra cậu bé có năng khiếu đặc biệt về hội họa. Dù là người đặc biệt khéo léo và thuận cả hai tay nhưng lại bị chứng đọc khó (thường gọi là “mù lời nói”), Léonard de Vinci vẫn miệt mài làm việc bên cạnh người thầy nghệ sĩ tài năng suốt 7 năm (1470-1477) cùng với một số đồng môn.

Nhưng bất ngờ, năm 1476, Léonard (lúc bấy giờ đã chơi điêu luyện đàn lyre – một loại đàn xưa thông dụng ở châu Âu) cùng ba người đàn ông khác, bị buộc tội đã có quan hệ tình dục đồng tính với một nam thanh niên làm mẫu 17 tuổi là Jacopo Saltarelli, bị coi là một mại dâm nam do nhiều người phát hiện. Với tư cách một nhạc công chứ không phải là một họa sĩ, sau 2 tháng bị giam giữ trong tù, Léonard de Vinci được trả tự do vì người ta không có chứng cớ xác đáng để buộc tội.

Thông minh bẩm sinh cộng thêm lòng đam mê, sự cần cù chịu khó, trong thời gian thụ giáo với thầy Verrocchio, Léonard thể hiện một khả năng vượt trội một cách xuất sắc so với bao kiến thức và kinh nghiệm thầy đã truyền dạy. Ví dụ như bức tranh “Rửa tội Christi” do Verrocchio phác thảo và thực hiện, có nhờ sự tiếp tay của Léonard, ông thầy đã chân thành nhận rõ ra được tính nghệ thuật hơn hẳn ở phần việc người học trò đóng góp so với phần còn lại trong tranh của ông thầy đã có từ trước. Ngay từ năm 1472, tên của Léonard đã có trong danh sách của hội Họa sĩ thành phố Firenze, lúc mà ông đang làm việc và vẫn còn được coi là học trò của họa sĩ Verrocchio.

Bắt đầu từ năm 1477, được sự nâng đỡ và bảo trợ của nhân vật có thế lực Lorenzo de Medici nên Léonard đã làm việc tự do như một nghệ sĩ độc lập trong hai năm 1482 -1483. Năm kế tiếp sau đó, nghệ sĩ rời Firenze để đến Milano theo lời giới thiệu của Medici cho công tước Ludovico Sforza cầm quyền tại Milano (1494-1499) để lập một tượng đài kỵ sĩ. Khoảng thời gian từ 1483-1487, có người bảo là Léonard de Vinci đi du lịch phương Đông nên có thể coi thời điểm họa sĩ bắt đầu làm việc tại Milano là từ năm 1487.  Trong thời gian ở Milano, có xảy ra vụ tranh giành quyền lực ở gia đình  Ludovico, nên Léonard  thuộc nhóm văn nghệ sĩ hỗ trợ cho Ludovico tuyên truyền qua các bài diễn văn, diễn kịch, vẽ tranh, viết khẩu hiệu để chống lại nữ công tước Bona vốn là chị dâu của Ludovico.  Khoảng thời gian 1484-1485, nhân mùa dịch hạch hoành hành tại Milano,  Léonard đã đệ trình nhiều dự án lên cho Ludovico nhằm xây dựng lại thành phố theo các nguyên tắc vệ sinh thích hợp cho tốt đẹp hơn.

Nhiệm vụ chính của Léonard  tại Milano là đã hoàn thành bức tượng kỵ sĩ cao 7 mét (1493), một công trình được coi là vĩ đại thời bấy giờ. Điều mọi người không ai có thể quên được là trong khoảng thời gian 2 năm (1495-1497), Léonard đã hoàn thành tốt đẹp bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng”, một trong những bức tranh nổi tiếng vẽ cho nhà thờ Santa Maria delle Gracie. Năm 1980, nhà thờ cùng với bức tranh ấy đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vua Louis XII của Pháp, sau khi chiếm được Milano đã đến tận nhà thờ để chiêm ngưỡng bức tranh và ngỏ ý muốn tháo gỡ ra khỏi tường để mang họa phẩm về Pháp. Khi vua Louis XII.

Chiếm được Milano, Leonard cùng một người bạn rời thành phố đến ở tại Mantua, Ý và được nữ công tước Isabella Gonzage nơi đây tiếp đón nồng hậu. Khi làm việc cho công tước Cesare Borgia (1502-1503), Léonard với tư cách là kỹ sư quân sự quyền hành cao nhất đã đi du hành qua miền trung nước Ý. Nhưng lúc một bạn thân của Léonard bị người dưới trướng của Borgia giết thì họa sĩ trở về Firenze.

Thời gian này, họa sĩ đã để lại nhiều bản vẽ trong đó có 6 tấm bản đồ lớn với lời ghi chú cặn kẽ về các vùng đất ông từng đi qua. Tại Firenze, Léonard được giao cho vẽ một bức bích họa trang trí trong đại sảnh nhà hội đồng thành phố. Cùng lúc đó, nhà điêu khắc trứ danh Michel Ange cũng được ủy nhiệm vẽ một bức bích họa khác cũng để treo trong cùng phòng. Trong ba năm (1503-1506), nhà danh họa đã dành nhiều thì giờ để hoàn thành bức chân dung nổi tiếng cả thế giới “Mona Lisa” (còn gọi là La Gioconde) mà có người cho đây là chân dung của Lisa del Giocondo, vợ của nhà buôn tơ lụa ở Firenze. Tương truyền rằng, sinh thời, Léonard không hề rời bức tranh. Trên các nẻo đường lang bạt đó đây, chàng nghệ sĩ thiên tài luôn mang theo bức họa bên mình như một vật bất ly thân trong đời. Mãi cho đến khi Léonard qua đời, vua Francois I của Pháp mới mua được kiệt tác này với giá 4.000 đồng Florin vàng. Chính bức Mona Lisa, nhất là đôi môi người đẹp, hằng bao thế kỷ qua đã thành một vấn đề mỹ thuật làm tốn hao nhiều giấy mực và cho đến nay, nỗi thắc mắc cho các nhà phê bình hội họa và khách thưởng ngoạn nghệ thuật vẫn còn âm ỉ.

Bức tranh nàng Mona Lisa nổi tiếng của danh hoạ Leonardo Da Vinci.

Theo một giả thiết, chỉ riêng đôi môi có vẻ như đang cười mỉm của đối tượng, họa sĩ cũng đã phải bỏ ra nhiều năm để vẽ. Nhưng bằng cả một chương trình khám phá công phu với những máy tính mới hiện đại, các nhà khoa học của Đại học Tổng hợp Amsterdam (Hà Lan) và các nhà khoa học Mỹ đã phân tích để tìm ra kết cấu nụ cười bí ẩn của Mona Lisa. Kết quả cho thấy nụ cười thể hiện qua đôi môi của nàng hàm chứa: 83% hạnh phúc, 9% khinh bạc, 6% sợ hải và 2% giận dữ ! Có người bảo bức họa Mona Lisa chính là chân dung tự họa của Léonard de Vinci ngoài ra họa sĩ đã không để lại một bức chân dung tự họa nào khác.

Ngoài tài năng siêu việt về văn nghệ và khoa học kỹ thuật của nghệ sĩ, người đời sau này còn hay nói đến cá tính và một vài đặc điểm trong sinh hoạt đời sống thường nhật của Léonard de Vinci. Dù sử dụng thuần thục cả hai tay, nghệ sĩ vẫn có thói quen viết bằng tay trái, và viết bắt đầu từ bên phải sang bên trái trên văn bản và các bản thảo theo lối viết chữ ngược (mirror writing). Nhiều người cho rằng, ông làm thế để giữ bí mật cho các nghiên cứu của mình. Leonard có những việc làm đầy tính nhân văn. Thể hiện lòng nhân đạo và làm việc thiện, từ nhỏ họa sĩ đã ăn chay và thích mua lại những con chim bị nhốt trong lồng để thả, trả cho chúng về lại với bầu trời thênh thang tự do bên ngoài: “Nếu như con người muốn vươn tới tự do thì tại saoanh ta lại giam giữ chim thú trong lồng?… con người thực sự là chúa tể của muông thú vì họ đang giết hại chúng một cách dã man. Chúng ta sống bằng cách giết hại những kẻ khác. Chúng ta là những nghĩa địa biết đi ! Ngay từ khi còn trẻ, tôi đã từ bỏ ăn thịt”.  Và một tập quán đặc biệt khác của Léonard de Vinci là nghệ sĩ chỉ miệt mài gắn bó với công việc mà không mấy quan tâm liên hệ đến phụ nữ!

Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà danh họa còn hiện hữu cho đến hôm nay như: Thánh mẫu Benois (1478-1480; Đức mẹ Đồng trinh trong hang đá (1483-1486); Người Vitruvius (1490); Chân dung một nhạc sĩ (1490); Người đàn bà và con chồn (1488-1490); Madonna Litta (1490-1491); Bữa ăn tối cuối cùng (1498); Mona Lisa (1503-1507); Leda và thiên nga (1508); Saint John the Baptist  (1514)…

Năm 1994, tỷ phú Bill Gates sẵn sàng chi ra 30 triệu USD mua lại Tập Bản thảo Codex Leicester – một tuyển tập công trình của Leonard de Vinci. Từ năm 2003, Tập Bản thảo này được chính thức trưng bày tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật Seatle (Mỹ). Chưa hết, năm 2005, nước Pháp đã cắt ra 5,5 triệu USD để chuyển kiệt tác Mona Lisa (La Gioconde) đang treo tại gian chung của Viện Bảo tàng Louvre nổi tiếng (Paris) sang một phòng trang bị đặc biệt rộng mênh mông, chiếm 2/3 gian Nhà nước (Salle des États) có diện tích đến 840 m2. Gian phòng được chỉnh trang trong 4 năm chỉ riêng dành treo tác phẩm Mona Lisa để tránh cho kiệt tác này bị chìm khuất và mờ nhạt đi giữa những tác phẩm nghệ thuật khác của các họa sĩ Ý khác, nhân tiện tránh cho khối lượng công chúng thế giới giảm bớt cảnh phải chen chúc xếp hàng trước từ xa, để được tận mục sở thị một kiệt tác mỹ thuật lẫy lừng mà họ hằng ngưỡng vọng.

Nhìn lại chung về cuộc đời cống hiến và sự nghiệp đầy ý nghĩa của Léonard de Vinci, hậu thế không thể không kính phục tài năng và nhân cách sống của một nghệ sĩ thiên tài toàn diện hiếm có trên nhiều lĩnh vực. Điều làm ta một lần nữa nhận ra thêm ra như một định luật: Những danh nhân nghệ sĩ lớn trong thiên hạ như Léonard de Vinci, Xuân Diệu, Trịnh Công Sơn,… lại trớ trêu hay gặp nhau ở vấn đề giới tính hoặc đồng tính. Phải chăng đây là luật bù trừ của Tạo hóa theo định mệnh mà nhà thơ Nguyễn Du đã từng nhắc đến qua thuyết “bỉ sắc tư phong” đối với con trong Truyện Kiều. Định mệnh đã nghiêm khắc bắt buộc con người trong lúc sinh thời có tài năng vượt trội hơn kẻ khác, phải chấp nhận một cuộc sống thực tại long đong đầy nghiệt ngã. Nhưng cũng không hề chi, người xưa đã nói: “Tất cả mất hết, chỉ còn lại văn hóa” hay Vật chất – lời nói gió bay, tác phẩm – chữ viết thì còn lại với muôn đời sau”. Chưa nghĩ đến vật chất, tiền tài, ai cũng khả dĩ nhận ra được đây là một thực thể đời thường, một niềm vinh hạnh lớn và cũng là nguồn an ủi vô bờ cho những kẻ tài năng bạc phận: cuộc sống hiện thực dẫu có truân chuyên đau khổ đến đâu, hình ảnh và tài hoa của họ cũng mãi mãi được thắp sáng trong lòng mọi người.

Đ.T