Lịch sử đất Sài Gòn kể từ khi khai hoang lập ấp

230

Với tác phẩm về lược sử vùng đất Sài Gòn, vùng đất trù phú này thế kỷ XVII đến 1859 hiện lên sống động qua những sự kiện, con người được tác giả trình bày theo điểm nhấn.

Được giới nghiên cứu biết đến là nhà nghiên cứu địa bạ uy tín, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu còn dành mối quan tâm của mình với mảnh đất ông sống và yêu: Sài Gòn – TP.HCM. Mới đây, nhà nghiên cứu hơn trăm tuổi vừa ra mắt tác phẩm Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859).

Sách “Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859)”.

Ảnh: Đình Ba

Ở tác phẩm mới này, lịch sử đất Sài Gòn kể từ khi người Việt khai hoang lập ấp cho đến khi thực dân Pháp xâm lược năm 1859 đã được tác giả trình bày tóm lược, thông qua những sự kiện, dấu mốc thời gian mang tính điểm nhấn.

Với Lược sử Sài Gòn từ thế kỷ XVII đến khi Pháp xâm chiếm (1859), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã chia lịch sử Sài Gòn thành ba quãng thời gian với những chỉ dấu quan trọng: 1698, 1698-1801 và 1801-1859.

Dấu mốc trước năm 1698, tức là trước khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Nam bộ, chia đặt đơn vị hành chính. Trước dấu mốc này, lịch sử vùng đất Sài Gòn nói riêng và Nam bộ nói chung trải dài từ thời sơ sử qua dấu ấn Phù Nam thế kỷ I về sau.

Khác với lối trình bày thông thường hay thấy lâu nay, tác giả nhìn về Sài Gòn trước 1698 qua dữ liệu Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức với nước Chu Nại ứng với Sài Gòn nay; qua phỏng định chủ nhân chính của Sài Gòn xưa là hai dân tộc Xtiêng và Mạ…

Dựa vào những cứ liệu trong Đại Nam nhất thống chí, Phủ biên tạp lục, Monographie de la province de Thudaumot… nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phỏng định rằng hai dân tộc này trước thế kỷ XVII có thể đã cư trú cả ở lưu vực sông Vàm Cỏ. Khi lưu dân người Việt vào đất Sài Gòn khai hoang, làm ruộng cỏ (thảo điền), còn ruộng cao (sơn điền) do người dân tộc canh tác trước khi các tộc người này lùi dần về vùng cao.

Sài Gòn thời gian 1698-1801 hiện lên với những thăng trầm của một vùng đất khi là trung tâm kinh tế, là thị trường lúa gạo mang tính quốc tế xuyên quốc gia; lúc là tiền đồn quân sự qua việc Nguyễn Cửu Đàm cho đắp lũy Bán Bích ngăn ngừa bất trắc từ ngoại bang; có lúc, Sài Gòn lại là nơi chiến địa, tranh chấp của Tây Sơn và Nguyễn Ánh…

Sau khi Sài Gòn được Nguyễn Ánh lấy lại từ tay Tây Sơn, triều Nguyễn thành lập, diện mạo nơi đất này thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Thời gian 1802-1832, Sài Gòn chính là thủ phủ của Gia Định thành, “đây là 30 năm tương đối thanh bình của lịch sử hình thành và phát triển Sài Gòn, để Sài Gòn trở nên một trong 3 trung tâm tiêu biểu quyền lực của cả nước”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu viết.

Trong con mắt của người phương Tây, Sài Gòn lúc này là nơi đô hội phồn thịnh của nhà Nguyễn. Crawfurd của phái bộ Anh khi tới Sài Gòn năm 1822, đã miêu tả thành phố này với những dòng dưới đây:

Thành phố Saigun (Sài Gòn)… ở cách biển khoảng 50 dặm. Đây là hai thành phố cách nhau chừng 3 dặm đường. Pingeh (Bến Nghé), nơi có dinh tổng trấn và thành trì, nằm ở bờ biển phía Tây sông lớn; và Saigun chính thức lại nằm cạnh một rạch nhỏ chảy thông sang Pingeh. Saigun là địa sở quan trọng của thương nghiệp và nơi cư trú của người Tàu và khách thương khác, mặc dầu trên rạch gần đó chỉ có thuyền bè nhỏ tới lui được, còn tàu thuyền lớn phải đậu cả lại ở Pingeh”.

Dưới thời Nam Kỳ lục tỉnh 1832-1859, Sài Gòn là nơi chiến địa một thời gian ngắn khi Lê Văn Khôi khởi loạn. Sau đó, Sài Gòn thuần chức năng một tỉnh thành thời vua Minh Mạng cho đến khi rơi vào tay thực dân Pháp năm 1859. Đó cũng là dấu mốc kết thúc nội dung của tác phẩm.

Theo Đình Ba/ Zing