Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

292

Sáng ngày 17/12/2023, tại 272 đường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập.

Đến tham dự lễ buổi lễ có Đồng chí Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đồng chí Phan Văn Mãi – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; đồng chí Nguyễn Minh Nhật – Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng các đồng chí lãnh đạo các Sở, Ban ngành TP.HCM, các nghệ sĩ lão thành đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn học nghệ thuật TP.HCM trong nhiều năm qua.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM tiền thân là Hội Văn nghệ Giải phóng Đặc khu Sài Gòn – Gia Định được thành lập vào tháng 12/1963. Sau 30/4/1975, Hội đổi tên thành Hội Văn nghệ Giải phóng TP.HCM, đến năm 1985 tiếp tục được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TP.HCM và chính thức mang tên Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM từ năm 2001 đến nay. Hiện tại, Liên hiệp đang có 9 hội thành viên, gồm: Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Mỹ thuật, Hội Điện ảnh, Hội Nhiếp ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ múa và Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TP.HCM, với trên 5.000 hội viên.

Phát biểu tại buổi lễ, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM – đã phát biểu, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn đội ngũ văn nghệ sĩ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Với truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm công dân cao, văn nghệ sĩ TP HCM luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Hội tổ chức Đại hội lần thứ II và được Ủy ban nhân dân TP HCM ra Quyết định tiếp nhận vào ngày 26-8-1976 với tên gọi Hội Văn nghệ Giải phóng TP HCM.

“Lúc này, Hội đã quy tụ nhiều văn nghệ sĩ từ các nguồn khác nhau gồm các văn nghệ sĩ từ Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Hội Văn nghệ giải phóng đặc khu Sài Gòn – Gia Định cho đến một số văn nghệ sĩ có tư tưởng yêu nước sống trong vùng tạm chiếm, cùng một số văn nghệ sĩ từ tập kết miền Bắc trở về và những văn nghệ sĩ thế hệ đầu tiên này đã tạo thành “xương sống” cho các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật” – Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh.

Tiếp nối truyền thống và phát huy các giá trị đạt được, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã ngày càng vững mạnh, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng Thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình, góp phần xây dựng nền văn hoá, văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển của Liên hiệp, nhiều văn nghệ sĩ TP.HCM đã đóng góp không chỉ trí tuệ, tài năng, nhiệt huyết mà bằng cả tính mệnh của mình cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Đến nay, Liên hiệp có 24 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 90 văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước. Đặc biệt, có 4 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân; 1 văn nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động đó là đạo diễn Phạm Khắc.

Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “Thời gian dù phủ mờ quá khứ nhưng truyền thống văn học nghệ thuật vẫn luôn sống mãi. Chỉ có văn học nghệ thuật mới đi vào lòng người, làm sống mãi những truyền thống hào hùng, đáng tự hào của dân tộc. Tuy nhiên đến nay thành phố vẫn chưa có được các thiết chế văn hoá xứng tầm để tổ chức những sự kiện lớn. Đồng cảm và chia sẻ với những trăn trở trong việc khơi dậy tiềm năng và phát huy nguồn lực trong thời đại công nghệ số, đồng chí đề nghị đội ngũ lãnh đạo quản lý văn hoá phải nâng cao vai trò kiến tạo, không ngừng hoàn thiện các chính sách trong quản lý chất lượng, khích lệ nhiều hơn tinh thần sáng tạo cho đội ngũ những người làm nghệ thuật…Tuy chúng ta vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần sớm được khắc phục. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho văn nghệ sĩ, đặc biệt văn nghệ sĩ trẻ, công tác chăm lo các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho văn học, nghệ thuật cũng cần được quan tâm đẩy mạnh. Các hoạt động mang tính đồng bộ sẽ thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố trong thời gian tới, hướng đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, thể hiện sự đóng góp của giới văn nghệ sĩ cho ngày lễ trọng đại này bên cạnh các kế hoạch hoạt động thường niên của các Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP mang tên Bác Hồ kính yêu” – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Dịp này, UBND TP.HCM cũng đã tặng cờ truyền thống, bằng khen và bằng cống hiến cho các tập thể, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật TP.HCM thời gian qua.

Nhằm tri ân các Văn nghệ sĩ lão thành, các Văn nghệ sĩ hiện đang công tác trong các Hội trực thuộc đã có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng cho nền Văn hóa văn nghệ thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã tặng 60 Bằng cống hiến và 157 Bằng khen cho các văn nghệ sĩ.

Phùng Hiệu