Liều ‘vaccine’ cho tinh thần

790

Bích Ngân

Một bài thơ, đoạn văn hay cũng có thể là liều “vaccine” cho những tâm hồn đang ít nhiều bị chấn động thời dịch. 
Trong cuộc chiến sinh tử kéo dài nhiều tháng qua, đại dịch không chỉ gây mất mát, thương đau, tổn thất kinh tế mà còn mang đến những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần, cùng hệ lụy nặng nề sẽ đeo bám số phận nhiều người, gia đình, cộng đồng… Là người cầm bút, tôi tin trang viết sẽ là một trong những cầu nối tích cực để truyền tín hiệu yêu thương nơi trái tim mỗi người. Tôi và những bạn bè, đồng nghiệp, đang cố gắng viết nhiều hơn mỗi ngày, đôi khi chỉ là những dòng trạng thái trên trang cá nhân, về những điều mắt thấy tai nghe, về thực tế chống dịch diễn ra hàng ngày hàng giờ, về những tấm gương, sự hy sinh của nhiều người. Tôi tin trang viết từ trái tim sẽ chạm đến lòng trắc ẩn, chạm đến “trữ lượng yêu thương” mà mỗi người ít nhiều đều gìn giữ, nâng niu và khi cần, chia sẻ nó.Đó là một trong những lý do mà khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, Ban chấp hành Hội nhà văn TP HCM tổ chức và phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”. Thơ – với thế mạnh mang đến sự rung cảm qua vẻ đẹp, sức mạnh của ngôn từ – có thể là thể loại dẫn dắt cảm xúc trực tiếp từ người viết đến bạn đọc. Cảm xúc và vẻ đẹp khi được cất lên từ nội tâm có thể khiến con người có những ứng xử “người” hơn với nhau, cũng như nhận ra sự cao quý nơi những tấm lòng rộng mở, đầy ắp yêu thương.

Tranh về Sài Gòn thời dịch của họa sĩ Trần Trung Lĩnh

Những người tổ chức cuộc thi tin rằng sân chơi sáng tác này là dịp để người đủ tài, đủ tâm thể hiện những cảm xúc, quan sát, suy nghĩ, trăn trở của họ về cuộc sống thời dịch bệnh. Người cầm bút thường không chỉ nhìn hiện thực bằng mắt mà còn nhìn bằng thứ ánh sáng của trái tim. Dửng dưng thờ ơ với con người, với cuộc sống, sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang nỗ lực vượt qua.

Khi viết được câu thơ hay, bài thơ hay hay đoạn văn hay nó cũng có tác dụng ví như một liều vaccine. Liều vaccine cần cho tâm hồn, những tâm hồn đang ít nhiều bị chấn động do đại dịch.

Tấm lòng người cầm bút

Ngoài kia, trên đường phố, trong những cuộc họp, những quyết sách đòi hỏi không chỉ là trách nhiệm, những chuyến hàng hóa tiếp tế ngày đêm, những cuộc trực chiến xuyên đêm đẫm mồ hôi của nhiều binh chủng, trong bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến đầu, những phòng hồi sức, trong đau đớn của những người thân không thể gặp mặt và vuốt mắt những người mà dịch bệnh tước đi mạng sống… Nhiều người đang kiên cường làm những gì bản thân có thể làm, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, bức bí và ngột ngạt. Họ đến với cộng đồng bằng tình yêu đồng loại. Họ dấn thân, tận hiến. Đẹp biết bao, những con người không chỉ sống cho riêng mình.

Không chỉ dừng lại ở việc viết lách hay tổ chức cuộc thi sáng tác, những người cầm bút ở TP HCM, Hà Nội và nhiều địa phương đang góp một phần cùng cộng đồng chống dịch. Chúng tôi có những đêm gần như thức trắng cùng nhà thơ Huệ Triệu và Trần Mai Hường – trưởng và phó Ban Nhà văn nữ – Hội Nhà văn thành phố – khi mở đợt đóng góp và vận động đồng nghiệp đóng góp mua gạo giúp người nghèo lần thứ hai. Qua mạng xã hội, chúng tôi liên tục thông tin cho nhau về tiến độ công việc. Góp gạo cho người nghèo. Ít tiền bồi dưỡng cho y bác sĩ nơi bệnh viện tuyến đầu. Những cuộc bàn công việc qua máy tính, điện thoại còn có cả giọt nước mắt.

Đạo diễn, nhà văn 93 tuổi, Xuân Phượng, trong lần góp gạo lần thứ hai, nhắn tin: “Chúng mày với những tấm lòng vàng làm cho cô chảy nước mắt. Mai cô gởi thêm gạo đến cho bà con gọi là một chút chia sẻ lúc này. Cảm động xúc động và ôm các con thật chặt“.

Đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức (nguyên Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam), thầy dạy tôi về thể loại kịch ở Trường viết văn Nguyễn Du 30 năm trước – sau khi “xin được đóng” hai triệu đồng góp gạo cho người nghèo, còn thức trọn đêm để cảm tác bài thơ: “… Cần nhất, trước nhất là Gạo/ Hãy là Gạo đã!/ Để có Cơm cho những số phận nghèo và với cả các đồng nghiệp yêu thương gặp khó… Những chiếc áo “lành hơn” lo cho tấm áo “rách hơn”/Đều mặn mồ hôi/Đều cần lao kiếm sống/ Hãy nhìn vào lòng bàn tay người trao và lòng bàn tay người nhận/ Trân trọng nhau… trong cảm thức cùng nhau“.

Nhà văn Bích Ngân (phải) trao 100 triệu đồng cho đại diện của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Trân trọng nhau trong cảm thức cùng nhau” đúng với những gì diễn ra qua những đợt đóng góp và vận động đóng góp của nhiều ban thuộc Hội nhà văn TP HCM, do các trưởng ban cùng tôi trực tiếp vận động. Nhiều nghĩa cử đẹp của đồng nghiệp đã khiến tôi rưng rưng cảm động: nhà thơ Lâm Xuân Thi, trong cuộc vận động nào cũng sốt sắng đi đầu và dõi theo, chia sẻ và khích lệ. Rồi nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học: Kim Thanh, Trương Tuyết Mai, Phạm Trung Tín, Lan Hương, Tiểu Quyên, Cao Xuân Sơn, Đào Văn Sử, Cao Chiến, Nguyên Hùng, Đỗ Viết Nghiệm, Ngô Ngọc Ngũ Long, Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trầm Hương, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Bùi Phan Thảo, Nguyễn Tấn Phát Nguyễn Hồng Oanh, Hồ Thị Ngọc Hoài, Miên Trường, Nguyễn Vĩnh Bảo, Tuyêt Sương, Mã Thiện Đồng, Nguyễn Thị Thanh Long, Trương Nam Chi, Xuân Trường, Hồ Huy Sơn…

Từ Hà Nội, nhà văn Thùy Dương, Trưởng ban nhà văn nữ – Hội Nhà văn Việt Nam, đã cùng các thành viên mở cuộc vận động đóng góp… Sau hai ngày, 50 triệu đồng được chuyển đến y bác sĩ ở một trong những bệnh viện tuyến đầu chữa trị bệnh nhân Covid -19, thành phố Thủ Đức.

Nhà văn Phương Huyền, sau giờ trực tối ở nơi làm việc, một mình đạp xe chở những mặt hàng thiết yếu đi theo những ngõ ngách ngoằn ngoèo, trao quà tận tay những phận đời cơ cực. Khi cảm nhận trực tiếp cái hơi ấm vô giá của sự sẻ chia, Huyền đã gần như trở thành một “ra đa”, thứ ra đa dò tìm tần số của trái tim. Cứ thế, nhiều chuyến xe tải chở gạo, mì, dầu ăn, sữa… đến với xóm nghèo, khu lao động nghèo. Cứ thế, những tần số yêu thương được mở rộng.

Khi cầm 100 triệu đồng đến bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, trao tận tay các y bác sĩ đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch, tôi cảm nhận rõ hơn sức nặng nghĩa tình của người cầm bút và những người bạn của người cầm bút. Người góp 500 nghìn đồng, người góp 10-20 triệu đồng.

Thầy thuốc cứu người. Nhà nông làm ra lúa gạo. Nhà quản lý điều phối. Shipper giao hàng. Họa sĩ vẽ tranh. Nhạc sĩ viết nhạc. Nhà văn làm thơ viết truyện…

Thời dịch, mỗi người, với nghề nghiệp riêng, đang cùng nhau sống và sáng tạo vì con người, vì cộng đồng, vì sự nỗ lực chữa lành những mất mát và thương đau. Khi ấy, những biệt nghiệp riêng lẻ sẽ tạo nên một cộng nghiệp mà hiệu năng của nó có thể bào chế được những liều thuốc giảm đau cho tâm hồn, theo cách nói của cố nhà văn Trang Thế Hy.

Và những tần số của tâm hồn, tần số của yêu thương sẽ được nới rộng, tạo nên sức mạnh.

Nhà văn Bích Ngân sinh ngày 11/8/1960 tại xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nguyên quán: xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, hiện sống và làm việc tại thành phố Thủ Đức. Chị là Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, nhiệm kỳ 2020-2025, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ – Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Bích Ngân đã xuất bản 10 tập truyện ngắn, ba tập truyện hài hước, hai tập tạp bút, hai tập kịch bản sân khấu và tiểu thuyết Thế giới xô lệch (tái bản lần thứ sáu).

B.N/ Theo Vnexpress