Hoàng Thụy Anh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đối diện Tạp chí Nhật lệ, trước đây, là một không gian vừa đủ để trở thành điểm đến của đàn cò trắng. Những hàng chuối xanh quây quần, nối liền nhau như một bờ tường che chắn, vững chãi, ngăn chặn những hiểm nguy đang rình rập. Cái hồ nho nhỏ nhưng quanh năm phủ một màu xanh biếc non của rau muống. Thỉnh thoảng, bên khoảnh ao này có vài người cặm cụi thu hoạch rau, bên khoảnh ao kia những cánh cò trắng muốt chao lượn, nhẹ nhàng đáp xuống rồi lại cất cánh bay. Nhìn khoảnh khắc “cộng sinh” đầy yên bình này, tôi cứ ước ao Đồng Hới giữ mãi chút đồng quê giữa lòng thành phố, dẫu xung quanh dày đặc những nhà cao tầng, khu chung cư. Nhưng rồi, chút đồng quê cũng chỉ còn thổn thức, quay quắt trong nỗi nhớ. Để rồi hôm nay, cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Linh Điểu” của nhà văn Nguyễn Văn Học, tôi như được chạm lại nỗi buồn mong manh trắng muốt ấy.
“Linh Điểu” – cuốn tiểu thuyết cất tiếng bảo vệ môi trường.
Hôn phối hai yếu tố hiện thực và huyền ảo, “Linh Điểu” là câu chuyện sống động về sinh thái. Ở đó, cò vạc, trong mắt của bà Thi, Diệp Sương, Diệp Chi, mẹ Ngãi, Ngờ, ông An,… đặc biệt là Diệp Vân, là một sinh mệnh, một cá thể, một chủ thể, luôn song hành cùng con người. Chi tiết đàn cò tìm về nhà và báo hiệu cho Diệp Vân, hay chi tiết Diệp Vân mọc đôi cánh và mơ về đàn cò,… hoặc chi tiết mẹ Ngải, Ngờ, cô Hằng,… mang theo trên người vết sẹo; theo tôi, đây không chỉ là khát vọng “cộng sinh” như Nguyễn Văn Học nói, mà còn là khát vọng về hiện thực lấy sinh thái làm trung luận. Vì vậy, các loài, dưới cái nhìn nhân ái của anh, đều có tâm tư, tiếng nói riêng. Con người không thể tách mình ra khỏi sinh thái. Nhờ sinh thái, con người mới được là chính mình, biết mình là ai. Nếu tìm mọi cách hằn học, trả thù, tiêu diệt sinh thái, như hành động của nhóm thằng Hùng, cái giá mà con người phải trả rất lớn, đó là mối hiểm nguy và diệt vong.
Đọc văn của Nguyễn Văn Học, phải nói rằng, tôi bị chất thơ bao bọc và quyến rũ. Những câu văn mềm mại, uyển chuyển, giàu chất thơ cứ chảy dài xuyên suốt cả tập tiểu thuyết, cho thấy ở anh, một tâm hồn cực kì nhạy cảm và tinh tế. Giọng văn này rất phù hợp với những trăn trở, thổn thức đầy nhân văn về câu chuyện ngôi nhà sinh thái.
Như anh đã viết: “Thiên nhiên còn biết vá lành những vết thương, thoa nhẹ lên tâm hồn người những lớp diệp lục mơn mởn, chỉ cho mỗi người biết thế nào là sự ngọt sự mát, là bóng râm và sự khát cháy. Mất thiên nhiên, con người sẽ bị cằn cỗi và những ước mơ đã từng nảy mầm sẽ bị héo khô. Mỗi người sẽ trở nên tục tằn, ti tiện, cau có và săn đuổi những chuyện tầm thường” (tr.209).
Cuối cùng, Diệp Vân thả mình trong rừng lửa. Đồi Cò bị cháy. Xóm làng luôn rình rập với những tai hoạ. Đó là một cái kết bi thương. Nhưng hành động Diệp Vân lấy cái chết để đổi lấy lòng bao dung và đôn hậu của con người mãi mãi là bài học vô giá. Chết để được hót như chim. Tiếng ca an nhiên nhất mà con người không bao giờ có.
Chỉ khi con người hoan hỉ, điều bình với sinh thái, con người mới có thể tìm thấy niềm vui và sự thanh thản của lòng mình. Đó là giá trị của “Linh Điểu”. Chi tiết con cu gáy mất chân còn lại, không bị chết cháy trong biển lửa, rất ý nghĩa: sự đau thương, tàn diệt sẽ không bao giờ ngưng, nhưng thiên nhiên sẽ luôn học cách chống trả và lớn lên theo cách của nó. Và con người cần cộng sinh.
H.T.A