Loạn não với tri thức ngữ văn: Cấu tứ

471
Chu Mộng Long
Tháng trước, nhà giáo Phan Thế Hoài đưa một trang sách Ngữ văn (lớp 11, tập 1), phần Cấu tứ, và hỏi: có ai đọc hiểu nổi không? Tôi im lặng và thầm nghĩ, chỉ có loạn não, cả thầy lẫn trò. (*)
Mấy hôm nay, các học giả thi tài, múa gậy vườn hoang. Mở màn, một giảng viên khoe từ sách PGS. Nguyễn Xuân Nam, gọt bỏ phần dài dòng, nôm na, Tứ là ý lớn toàn bài. Học trò là giáo viên phổ thông khen: giản dị, dễ hiểu. Thực ra ông Nguyễn Xuân Nam lấy từ Chế Lan Viên: “Gọi nó là tứ để phân biệt với ý. Chữ “tứ” chẳng qua là ý lớn toàn bài vậy!” Giản dị vậy thì sao không gọi Tứ = Đại ý, như đã học ở tiểu học?
Sự thực, ở sách bình thơ của mình, PGS. Nguyễn Xuân Nam định nghĩa khác: “Tứ trong toàn bài là hình tượng xuyên suốt cả bài thơ”. Nhưng cách hiểu giản dị này lại đồng hóa hai khái niệm: Tứ = Hình tượng. Bởi hình tượng (khác hình ảnh cụ thể, vụn vặt) ắt xuyên suốt toàn bài.
Lại có học giả dựa vào Xuân Diệu: “Tứ làm rường cột cho tất cả, là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài”, từ đó xem Tứ giống như là cốt truyện của truyện, chính là kịch tính trong tâm lý trữ tình. Vậy thì sao không gọi là “kịch tính tâm lý” cho dễ hiểu?
Các sách giáo khoa hiện hành dựa vào các ý trên rồi vẽ rắn thêm chân cho ra vẻ hàn lâm. Tứ không đồng hóa với chủ đề tư tưởng hay đại ý thì cũng đồng hóa với hình tượng, cảm xúc hay kết cấu rồi diễn giải loằng nhoằng. Kiến thức mà cứ đánh tráo khái niệm như vậy là kiến thức giả, sống sượng, khoe, lòe làm rối cả thầy lẫn trò.
Tôi tin, “tứ” hay “cấu tứ” từng làm nhà thơ đến các học giả cũng loạn não, không đủ năng lực để tiêu hóa nổi, huống hồ là bắt học sinh phổ thông phải học.
Khái niệm “tứ” không có trong lý thuyết văn học phương Tây. Chỉ có ở lý luận về thơ cổ điển phương Đông. Người luận về tứ rõ ràng nhất là Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long. Thiên Thần tứ có đoạn viết: “Cái kì diệu của tứ là hình và ý gặp nhau”. Đọc hiểu hết điều Lưu Hiệp viết không dễ, vì phải đọc trọn vẹn hết 50 thiên, từ Nguyên đạo đến Tự chí, mà nền tảng kiến thức là Kinh Dịch với Đạo và Âm Dương luận.
Khởi nguồn khái niệm Tứ hiển nhiên từ tự hình chữ Tứ (思). Chỉ nhìn nghĩa đang sử dụng thì là nghĩ ngợi, suy tư. Nhưng gốc tự hình là trên Óc (囟) , dưới Tim (心). Ngụ ý, Tâm có động thì Óc mới nghĩ ngợi, suy tư đến điều cao siêu. Lưu Hiệp dựa vào đó, kết hợp với Dịch để luận về Thần tứ.
Cái gì làm cho Tâm động? Diễn nôm cho dễ hiểu. Khởi nguồn là Hình, bao gồm đường nét, màu sắc, hình khối, âm thanh của sự vật, hiện tượng, tức cái Văn của đất trời – Thiên văn. Thiên văn cấu trúc theo nguyên lý hài hòa Âm Dương: tĩnh và động, thẳng và cong, cương và nhu, tối và sáng, cao và thấp, rỗng và đặc… Thiên văn tác động vào Tâm, Tâm động thành Nhân văn. Nôm na, cái Hình bên ngoài được chuyển vào nội tâm như một mối quan hệ tương thông, từ đó hình thành nên Ý, tức suy tưởng. Suy tưởng cao nhất là hướng về Đạo, cái siêu hình của đất trời. Đạo siêu hình nhưng là một khối toàn vẹn: Nguyên Đạo – “Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo”. Đạo siêu hình được làm sáng tỏ bởi cái Văn hữu hình – “Văn dĩ minh Đạo”; và Văn như con thuyền chở Đạo – “Văn dĩ tải Đạo”. (**)
Nói gọn, “Thần tứ” xuất hiện trong nhà thơ là khi cái Hình tương thông với Tâm, Tâm tương thông với Trí, Trí mở ra và hướng về Đạo. Nếu không, một bài thơ sẽ lệch lạc, giả tạo từ cảm xúc, tư tưởng đến âm luật, hình tượng và ngôn từ.
Nguyễn Hưng Quốc trong sách Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam có định nghĩa: “Tứ là những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời”. Gần đúng với khái niệm gốc. Tất nhiên, “gần” vì chưa đảm bảo cái nghĩa phức tạp, tinh vi của một khái niệm trong học thuật cổ điển.
Khó vậy đấy! Các nhà thơ, học giả nghe còn loạn não, huống hồ là đám thợ dạy và học trò trẻ con!
Đã là thuật ngữ thì phải chuẩn hóa như chìa khóa kiến thức để sử dụng và áp dụng đúng chứ không thể ngụy biện là có thể “gây tranh cãi”!
Chu Mộng Long
—–
(*) Hình ảnh cóp, cắt từ hai bộ sách Cánh Diều và Kết nối kiến thức với cuộc sống, Ngữ văn 11, tập 1.
(**) Lưu ý, Đạo ở đây không phải là “đạo đức” như các Giáo sư ngoài Bắc luận một cách thô thiển.