Loan – Phượng hoàng tái sinh*

754

Trầm Hương

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Loan” đã thuyết phục độc giả, có lẽ nhờ vào giá trị giáo dục to lớn ẩn chứa trong cuộc đời của một người phụ nữ bé nhỏ đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ hai mươi trên hành tinh này.

Isabelle Muller (thứ hai từ trái) trong ngày ra mắt sách “Loan -Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng”, tháng 3.2018

Phượng hoàng bay lên từ tro tàn đổ nát

Vì muốn thế giới biết đến câu chuyện của mẹ mình – một cô bé nơi làng quê nghèo ở Hà Tĩnh, mới 12 tuổi đã dám trốn nhà ra đi, vượt thoát cuộc hôn nhân mua bán cô, chỉ với mảnh ruộng và hai con lợn mà Isabelle Muller đã viết và nỗ lực đưa câu chuyện đến với nhiều người, bằng cả tự truyện về cuộc đời mình. Cô căm ghét chiến tranh vì sau những trải nghiệm, Isabelle Muller hiểu người cha sinh ra cô đã bị chiến tranh tàn phá cuộc đời, làm biến dạng những phẩm chất tốt đẹp trong ông. Cô có 150 buổi thuyết trình nói lên sự đấu tranh của những người phụ nữ bị lạm dụng tình dục. Cô đã đưa được “Loan” về Việt Nam, chính quê hương của mẹ, được độc giả đồng cảm, đón nhận.

Tác giả quyển sách đoạt giải một trong năm quyển sách hay ở Đức năm 2015 đã dùng nhuận bút quyển sách thành lập quỹ “Loan”, với phương châm “chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn cho thanh thiếu niên trên toàn thế giới”, thực hiện các dự án giúp đỡ học sinh các dân tộc ít người, những mảnh đời khó khăn ở vùng cao Việt Nam. Chỉ  mới hai năm hoạt động, quỹ “Loan” do Isabelle Muller sáng lập đã triển khai 12 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ cho Hà Giang gần 7 tỷ đồng.  Isabelle Muller chọn cách trở về, đến Hà Giang vì còn rất nhiều “miệng không muốn nói tai không muốn nghe” ở cao nguyên xa xôi. Cô mong muốn được cho đi bằng trái tim, đến với những số phận, được lắng nghe và chia sẻ những nỗi đau, được cứu vớt, mang lại hạnh phúc cho những đứa trẻ như Loan đã từng không được học chữ vì là con gái, bị người thân bán đi. Loan có tên khai sinh là Đậu Thị Cúc đã dẫn dắt con gái mình chọn một cách sống “cho đi và làm người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc”.

Phượng hoàng kiêu hãnh

Loan được quyền kiêu hãnh vì mới 12 tuổi đã nhận biết mình bị chính bà cô ruột thua bài bán cô vào nhà thổ, tìm mọi cách vượt thoát, tự cứu cuộc đời mình. Loan kiêu hãnh vì đã sống sau khi rơi xuống địa ngục từ ban-công tầng 4 ngôi nhà bất ngờ đổ sụp, kiên nghị vượt qua đau đớn, thương tích để sống và kể lại. Loan có quyền kiêu hãnh bởi dưới mắt người đời là “gái chửa hoang” đã “rất đỗi hạnh phúc, tự hào” một mình sinh con, nâng niu sự sống. Loan kiêu hãnh vì đã dám đương đầu, tự nguyện gánh khổ nạn thay cho người bạn gái “yếu đuối và còn trinh”, trả ơn người đại úy lính Lê dương đã cứu thoát hai người khỏi nhà tù. Loan kiêu hãnh trước tình yêu vô điều kiện với người lính Pháp nghèo và yếu đuối, bao dung cả lỗi lầm, cứu vớt anh khỏi những tình huống nguy hiểm. Loan kiêu hãnh vì dù bị xem là “me Tây”  đầy khinh miệt dưới mắt người dân tộc mình nhưng đã yêu và dám bảo vệ tình yêu của mình, dám quăng thân vào bão đạn để đồng hành với người mình yêu thương. Loan kiêu hãnh trước sự bội bạc con người; cả sự ghẻ lạnh, bạc đãi của người mẹ chồng trên đất Pháp. Loan kiêu hãnh vì là người đàn bà bé nhỏ, không cao hơn một mét bốn mươi lăm nhưng tình yêu thương con người, lòng dũng cảm, sự kiên nghị vượt qua thử thách khôn cùng, không thước nào đo nổi. Loan đã kiêu hãnh sống trong một thế giới thống khổ nhưng không vắng bóng tình yêu thương con người, không lúc nào tắt niềm hy vọng. Loan kiêu hãnh vì từ đôi bàn tay trắng trên xứ người, vượt qua sự kỳ thị màu da, kiến tạo được ngôi nhà, hạnh phúc trên đất Pháp sau những thăng trầm; đã sinh được nhiều con. Loan đã tự hào khi có được con gái út Isabella Muller cho bà ký thác cuộc đời khổ đau, để từ sức bật ngôn từ, đưa đôi cánh phượng hoàng bay lượn trên bầu trời thênh thang, bát ngát…

Tôi chạm được “Loan” trước một ngày sách ra mắt vào đầu năm 2018, từ tổ chức quỹ học bỗng Vừ A Dính. Các em khẩn thiết mời tôi đến dự tại Nhà xuất bản Trẻ, tin rằng tôi sẽ đồng cảm được thân phận cuộc đời “Loan”. Lòng nhiệt tình của các em khiến tôi đọc quyển sách một cách cầu thị và cẩn trọng. Ngay trang đầu tiên, quyển sách đã cuốn hút tôi mãnh liệt, dù những gì tác giả viết ra không mới mẻ với tôi. Chúng ta đã tắm trong nỗi đau của Loan trong từng chi tiết bởi sự bạo hành, sự bất bình đẳng giới bị áp đặt trên đất nước mình hàng ngàn năm, về thân phận phụ nữ mà thi hào Nguyễn Du đã từng bi thiết thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Rõ ràng, Isabella Muller đã viết bằng sự thấu cảm nỗi đau của người mẹ.

Từ sách đến phim

“Loan” chứa đựng quá nhiều những con đường số phận. Loan đồng cảm sâu sắc với cô gái tên Hoa, phải đi làm gái điếm nuôi gia đình, trong khi cha cô “lên đường đi chiến đấu vì tự do dân tộc”. Người bạn gái tên Liên của Loan về thăm mẹ ở Đà Nẵng mất vì đoàn tàu chở cô bị đánh bom, bay lên không trung. Loan đã dám đương đầu, tự nguyện gánh khổ nạn thay cho Ngọt, người bạn gái “yếu đuối và còn trinh”. Loan cảm kích hạ sĩ Marcel vì yêu bà mà chấp nhận đứa trẻ – kết quả một đêm đền ơn người sĩ quan lính Lê dương đã giải thoát bà và Ngọt ra khỏi nhà tù. Loan đã trả số tiền lớn dù bà không giàu để chuộc cô gái bị bán đi. “Loan” đã thuyết phục độc giả, có lẽ nhờ vào giá trị giáo dục to lớn ẩn chứa trong cuộc đời của một người phụ nữ bé nhỏ đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ hai mươi trên hành tinh này. Nhưng trong một thế giới thống khổ không lúc nào Loan tắt niềm hy vọng.

Đọc Loan nhiều lần, được nghe chị kể chuyện, tôi cứ bị ám ảnh. Với mong muốn được chia sẻ câu chuyện đến với nhiều người hơn, tôi trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hoàng. Anh rất nhiệt tình thực hiện bộ phim, với sự đồng cảm mãnh liệt. Tôi đã gởi email cho tác giả ý định này. Thật hạnh phúc khi tác giả “Loan” nhận lời chia sẻ câu chuyện lên phim. Đầu năm 2019, êkíp làm bộ phim tài liệu “Loan – phượng hoàng tái sinh” cùng Isabelle Muller về Hà Tĩnh, tìm lại cội nguồn tổ tiên của chị. Đó là ngôi nhà mang dấu ấn tuổi thơ bất hạnh của bà Đậu Thị Cúc, làng quê Thạch Đài nơi những người thân yêu của bà Cúc yên nghỉ, con đường đất hoang vắng ngày xưa nay đã thành đường nhựa giữa trung tâm thành phố. Isabelle lần tìm dấu chân của mẹ, cảm nhận Loan đang trở về bằng sự dẫn dắt của tổ tiên. Băng qua một thế kỷ đầy biến động, tang thương; “Loan – phượng hoàng tái sinh” đã trở về đúng nơi vạch xuất phát; bỏ qua thù hận, cay đắng, ngộ nhận; chỉ có thình thương và những giọt nước mắt thấu hiểu. Tôi thấy bàn tay dạo diễn Nguyễn Hoàng một thoáng rung lên vì xúc cảm khi chộp lấy khoảnh khắc những giọt nước mắt rơi.

Sau một năm nỗ lực thực hiện, tìm lại dấu chân tha phương của Loan trên nước Pháp, nước Đức và các thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh… ở Việt Nam; bộ phim tài liệu “Loan – phượng hoàng tái sinh” dài ba tập hoàn thành, ra mắt ở Hà Tĩnh. Trong chiếc áo dài Việt Nam, Loan xúc động cám ơn ê-kip làm phim đã nỗ lực kể lại câu chuyện bằng hình về cuộc đời của Loan bằng cả trái tim. Với Isabelle Muller, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa, vì đây là quê hương của mẹ chị. Bộ phim đã đưa mẹ chị trở về quê hương, kết nối với tổ tiên. Sau buổi ra mắt phim, Isabelle Muller tràn ngập trong hoa và nước mắt ngày đoàn tụ, với những người thân từ nhiều miền đất nước quay về Hà Tĩnh, chỉ để  được ôm lấy người con gái út của Loan. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt những người chị, người em… Để có được cái ôm tìm về cội nguồn, gia tộc bà Đậu Thị Cúc phải đi qua gần một thể kỷ chia ly. “Loan – phượng hoàng tái sinh” đã đưa Loan về với cội nguồn.

Bà Đậu Thị Cúc cắt đi mái tóc dài của mình, sau khi Loan – đứa con gái dầu lòng của bà mất lúc 19 tháng tuổi. Từ đó, bà gọi mình là Loan. Vì với bà, đứa con gái luôn ở bên. Chim phượng hoàng không bao giờ chết.

Isabelle Muller – tác giả “Loan” và nhà văn Trầm Hương trong ngày ra mắt phim “Loan – Phượng hoàng tái sinh” ở Hà Tĩnh ngày 25.10.2019

Isabelle Muller (giữa) cùng ê kíp làm phim “Phượng hoàng tái sinh” ở Hà Tĩnh, tháng 10.2019

Nhà văn Isabelle Muller trong chiếc áo dài Việt Nam ngày ra mắt phim tài liệu “Phượng hoàng tái sinh” ở Hà Tĩnh 25.10.2019

Nhà văn Isabelle Muller tìm lại ngôi nhà mang dấu ấn tuổi thơ của mẹ ở Thạch Đài, Hà Tĩnh

Đạo diễn Nguyễn Hoàng (bìa trái) tác nghiệp phim “Loan – phượng hoang tái sinh” ở Bắc Ninh, tháng 2.2019

Nhà văn Isabelle Muller thăm trường và tặng quà cho các em học sinh người Chút, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sáng ngày 25.10.2019.

T.H

(*) Phim tài liệu dài ba tập, hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) sản xuất 2019; Đạo diễn Nguyễn Hoàng; Kịch bản và lời bình: Trầm Hương