Lời cảm ơn muộn màng – Truyện ngắn của Vũ Khắc Tĩnh

1069

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Câu chuyện Sài gòn trước năm bảy lăm.

Đầu thập niên bảy mươi thế kỷ trước, tôi đặt chân xuống bến xe Miền Đông, thú thật lòng đâm ra hoảng khi Sài Gòn trước mắt tôi dân cư đông đúc, xe cộ chạy nườm nượp, đổ về các nẻo đường, tiếng còi xe kêu inh ỏi nghe đinh tai nhức óc. Phố xá nhộn nhịp, buôn bán sầm uất. Tất cả những thứ ấy đã cho tôi ấn tượng Sài Gòn là thành phố đầy quyến rũ.


Hình ảnh Sài Gòn trước năm 1975.

Những bức ảnh chân dung đẹp mà tôi có được thể hiện đúng diện mạo một góc Sài Gòn xưa như đưa người xem vào một câu chuyện kể không đầu không đuôi nhưng đầy những cảm xúc, đã tạo nên nguồn cảm hứng trong từng góc độ nhịp sống được dàn dựng qua thời gian và không gian một cách tinh tế, không cần vẽ vời hoa lá, hay làm cho màu mè thêm làm gì.

Tôi còn nhớ rất rõ, người Sài Gòn thường đi dạo chơi lòng vòng khu trung tâm, nhất là trên vỉa hè đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ vào mỗi chiều. Đông người đi nhất là chiều thứ bảy hay vào ngày chủ nhật hằng tuần trong không khí hào hứng, chợ Bến Thành vẫn là nơi đi mua sắm, người vô ra đông đúc là chuyện bình thường. Trên đường phố xe Vespa vẫn là loại xe chạy phổ biến nhất, xe mobylette, xe Honda dame, xe cady, xe xích lô và các loại ô tô xưa cũ, ngoài ra những cô thiếu nữ với những tà áo dài bay bay có nhiều màu sắc sáng chói xen lẫn nhau. Sài Gòn sặc sỡ trong lớp hào nhoáng bề ngoài làm say đắm lòng người.

Sài Gòn thời đó giá cả đắt đỏ, làm ảnh hưởng đến môi trường sống như tôi và những con người có thu nhập thấp. Biết vậy nhưng tôi vẫn chọn Sài Gòn là nơi đến để đi học và con đường tiến thân sau này là một giải pháp hữu hiệu vào thời ấy. Như một động lực đã thúc đẩy tôi vào sự hình thành một tâm thế còn mang nặng những giáo điều trống rỗng mơ hồ, về một thế giới hão huyền hoàn toàn không có cơ sở lý luận thực tiễn, có phải thế không? Tôi hỏi như hỏi trong hư vô.

Tôi đã hình dung ra được Sài Gòn của những năm bảy mốt, bảy hai vẫn bình thản trong cuộc chiến tranh thần tốc. Tôi đi làm, đi học, đi lang thang lếch thếch và hoà mình vào dòng người xuôi ngươc, không hề hay biết hay nghĩ đến lửa đạn chiến tranh là gì? Thờ ơ và vô cảm, một sự lạnh lùng đến khó hiểu, ai chết mặc kệ không quan tâm đến làm gì. Đó là những con người ăn trên ngồi trước, họ sống trong nhung lụa, làm giàu trong chiến tranh. Nhưng Sài Gòn vẫn hào phóng, cưu mang và mở lòng trong vòng tay độ lượng với tất cả mọi người, không phân biệt anh là ai đến từ đâu, mang một sứ mệnh nào cũng chẳng một ai quan tâm, chẳng một ai biết, mà biết để làm gì. Sài Gòn vốn dĩ là vậy khắc khoải, hồn nhiên, lãng mạn, vồ vập vào mối tương quan nhịp nhàng cho từng trái tim biết rung động, giàu cảm xúc giữa Sài Gòn hoa lệ mang trong lòng phố nét đẹp tươi trẻ.

Một ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Chuồng Chó, vòng xoay Lăng Cha Cả… được đặt cho các nút giao thông nổi tiếng Sài Gòn vốn dĩ xuất phát từ những biểu tượng một Sài Gòn xưa. Tất cả đều được liệt kê một cách cẩn thận đã tạo nên một khoảng không gian và thời gian nhất định. Khi đi ngang qua hàng trăm con đường lớn nhỏ, chỉ có con đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) là một trong số rất ít những con đường kỳ cựu nhất. Nó hiện diện trước khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn và tầm quan trọng của nó trải dài từ thời pháp thuộc cho đến tận thời gian sau này.

Người ta yêu Sài Gòn vì những thứ rất đổi đời thường. Đó là những con hẻm nhỏ, những khu chung cư hàng chục năm tuổi đã ngã màu rêu xám xịt qua thời gian, khu cư xá đô thành, vườn bách thú…

Sài Gòn về đêm lung linh ánh đèn màu chớp sáng ở các quán bar, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, các tiệm bán các đồ trang sức, hay đơn giản hơn là quán cà phê, còn rất nhiều thứ đọng lại qua thời gian nhưng không hình dung ra được trong những lúc cần nêu ra giữa bàn dân thiên hạ. Giờ tôi chỉ có mỗi một việc ghi chép lại mà thôi, khiến cho một ai đó muốn buông nhưng không nở, quên rồi lại níu giữ như người tình yêu thương từ bến bờ nào xa lắm. Một kẻ đơn độc tìm đến Sài Gòn trong sự hỗn loạn về tinh thần, về cơn lốc nhân tình thế thái, về nhân sinh quan, về tầm nhìn và sự hiểu biết về con người. Sài Gòn như thế nào dễ gần gũi không? Dù có thế nào đi nữa khi đã đến đây sớm muộn gì cũng bị lôi cuốn vào lớp hào nhoáng kim cổ, bởi trào lưu văn hoá nghệ thuật, trào lưu văn hoá ăn uống, những trào lưu và những vẻ đẹp mãi đi cùng năm tháng.

Những lần tiếp theo đó tôi còn khám phá ra các các ngôi chùa có một không gian yên tĩnh như chùa Ấn Quang, chùa Vĩnh Nghiêm… các nhà thờ như nhà thờ Ba Chuông, nhà thờ Đức Bà nằm bên toà nhà Bưu điện trung tâm thành phố là một gương mặt tiêu biểu của kiến trúc đô thị và là một điểm tham quan thu hút khách du lịch. Tôi đã từng đọc các trang sách viết về những nơi này, và những người Sài Gòn nói về Sài Gòn, tôi bị lôi cuốn bởi những câu chuyện huyện thoại xưa và biểu tượng thế nên có cảm giác như mình vừa quay lại một thời xa xưa và đang lắng nghe những câu chuyện cổ tích về những chứng tích còn lưu lại trong tâm khảm của mỗi một con người, có giá trị đích thực được lưu truyền trong dân gian qua mọi thời đại, thoáng qua trong ngồn ngộn thời gian, tôi tưởng mình như đứng trên hồ Con Rùa bí ẩn trong lòng Sài Gòn. Hồ Con Rùa chỉ là cái tên gọi dân gian của một hồ phun nước nhân tạo nằm giữa nơi giao nhau của ba con đường. Tôi không còn nhớ là con đường nào. Chỉ biết con đường mới bây giờ là Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch và Trần Cao Vân, tạo thành một nút giao thông cùng mức kiểu vòng xoay.

2. Mùi cà phê dắt tôi rão bước vào một con đường nhỏ trong cư xá Đô thành. Là một khu cư xá cũng khá lâu đời ở Sài Gòn, nhưng nhiều khi nói đến tên thì không một ai biết, mặc dù nó là cư xá hiếm hoi có một cái cổng và cái bảng hiệu to tướng gác trên hai trụ đứng hình vuông. Đó là cái cổng chính.

Thú vui tao nhã của những người dân khu này là mỗi buổi sáng ngồi uống cà phê và trải nghiệm mọi quan điểm về sự đời, về triết lý nhân sinh và vòng tuần hoàn của cuộc sống đến rồi đi trong vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt.

Tôi ngồi một mình trong quán cà phê, từng giọt từng giọt nhỏ xuống ly, tôi ngồi đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc, uống cà phê xong đứng dậy ra đi. Tôi tha thẩn lạc vào con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo chạy lòng vòng quanh co một hồi mới ra được nhờ sự hướng dẫn của cô bé đang ngồi bán tủ thuốc lá trước hiên nhà

Tôi không còn nhớ thời gian đã trôi qua bao lâu. Khi dừng chân mọi cảnh vật chung quanh khu cư xá chìm trong không gian im ắng vốn có từ lâu nay. Tôi đang tích lũy và vận dụng những sự hiểu biết mà mình đã từng đọc qua sách báo để có thể hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành đối với tôi rất xa lạ. Nhưng chắc chắn là tôi đã rất may mắn vì định mệnh đã cho tôi một cơ hội để đến đây, một Sài Gòn tươi đẹp. Dường như tất cả mọi việc đều phải trôi theo một dòng chảy hay một lộ trình, có lẽ bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu nhưng lòng tôi lại tỏ ra lo sợ là phải chấp nhận một sự thật, lúc đó tôi còn rất trẻ, chỉ có hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi đời, và tưởng rằng chỉ có mình mới quyết định được cuộc sống của đời mình mà thôi. Vì thế tôi không tin vào một ai nói đến tương lai, như sách tử vi, bói toán, đường chỉ tay, mấy ông thầy tướng số, tất cả đều nói chung chung, rập khuôn vào một mô típ nhất định, tôi xét thấy không trúng trật vào chỗ nào hết, thế mà cũng có người tin mới lạ chứ. Tôi xếp những thứ đó vào loại xa xí phẩm không hơn không kém.

Đời tôi trong ngồn ngộn thời gian sống ở Sài Gòn là một sự giao thông hỗn loạn của xe hơi, xe bus, xe gắn máy, nói chung là các phương tiện đi lại, tuy vậy trên đường phố không thiếu những người đàn bà quang gánh trên vai, chiếc nón lá trên đầu và nụ cười hiền hậu thường nở trên môi.

Tôi trở lại con đường Nguyễn Huệ nơi thường bày bán đồ cổ cũng như những bức tranh sơn dầu, sơn mài, tôi chỉ đi lướt qua chứ mua thì không bao giờ mua, vì giá cả quá đắt. Tuy vậy tôi vẫn mong góp một phần nhỏ giúp người yêu nghệ thuật cảm nhận cuộc sống quá khứ của Sài Gòn này với nét vẽ và cái nhìn của người hoạ sĩ về một giai đoạn sáng tác, còn để lại ít nhiều ngẫm nghĩ về một thời trên mảnh đất Sài Gòn, đầy những biến động và nghịch lý nhưng đã xây dựng được không khí sáng tác nghệ thuật sôi động, đầy những cá tính.

Nhiều người du khách như Tây ba lô, Mỹ, Hàn, Nhật đang đứng tụm năm tụm ba chụp hình, một vài con người khác đứng tham khảo cẩm nang du lịch để tìm địa chỉ đến đó. Thế nào họ cũng tìm ra được nhiều điều thú vị đẹp như những bức tranh sơn dầu bày bán ở nơi đây, nên họ không mấy ngần ngại đi bộ tà tà dù con đường đến đó có xa vài cây số cũng không sao, chẳng hề hấn gì đôi chân cũng như sự mỏi mệt hằn lên nét mặt nếu có, miễn sao cuộc viếng thăm các di tích đạt được như mong muốn.

Những vẻ đẹp tiềm ẩn ở Sài Gòn còn nằm ở những góc phố, những tụ điểm vui chơi giải trí, những ngôi chùa cổ lâu đời, nơi có những cụ già ngồi ngẫm nghĩ một nước đi cờ tướng dưới bóng một tàn cây cổ thụ hay dưới mái hiên trước một ngôi nhà nhỏ nào đó chẳng hạn.

Là con người thời trai trẻ làm gì không có những cuộc tình, có những cuộc tình yêu nhau vài năm nhưng không đến với nhau được vì nhiều lý do… hay những cuộc tình thoáng qua nhưng vẫn nồng ấm chút tình lữ thứ đẹp hơn những giấc mơ. Xin cảm ơn Chi Lan, cảm ơn Huyền Vy, cảm ơn Huệ. Đã cho tôi những ngọt bùi lẫn cay đắng trong cuộc tình trường. Không biết giờ các bạn đó sống ở đâu? Ở nước ngoài hay ở trong nước. Tôi cũng không biết được, ai rồi cũng có một cuộc sống với chồng con… Chúng ta bây giờ đã trở thành ông nội, bà ngoại hết rồi… chẳng còn gì để tiếc nuối.

Sài Gòn của những tháng năm nói dối nhau để tồn tại, nhưng mỗi lần gặp nhau vẫn vui cười trong chút tình tha hương. Nhiều khi trong túi không còn một đồng xu dính túi, nhưng tôi vẫn hào phóng, bằng cách ghi nợ tiền cà phê, đến lúc không thể nợ tiền cà phê thêm được nữa… rồi cái ăn cái mặc không biết dựa vào đâu để sống qua những năm tháng ngặt nghèo khi chưa xin được việc làm. Khi có người bà con giới thiệu cho một chỗ dạy kèm, dạy đâu được gần một năm, bí bài toán giải không được, bỏ dạy nửa chừng, mất một tháng lương không đến nhận, lúc đó còn mặt mũi đâu mà đến. Như vậy đó, rồi thời gian khốn khó cũng trôi qua trong thầm lặng, giờ tôi cũng không còn nhớ rõ khoảng thời gian trống rỗng đó làm gì? Bạn bè tôi có tiền chu cấp hằng tháng của gia đình để học đại học, còn tôi trượt chân trên con đường học vấn, chẳng lẽ ngữa tay để xin tiền gia đình hoài coi sao được. Vượt khó chưa qua được đành phải chịu sống chui nhũi ở Sài Gòn, ngẫm cho cùng tôi cũng nghiệm ra được câu người đời thường ví von “Sông có khúc, người có lúc…”. Thời gian sau này vào khoảng năm bảy mấy tôi không còn nhớ rõ, anh Lê Nguyên Đại đem tôi vào làm ở tờ báo Saigon Post, một tờ báo anh ngữ ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi có đồng tiền hằng tháng để sống. Nếu ngày ấy tôi đi lính chắc đã xanh cỏ rồi, đâu còn giờ này ngồi đây để ghi chép lại một quãng đời hư ảo, một quãng đời chẳng làm nên trò trống gì cho ra hồn, học hành cũng chẳng đến đâu để trả ơn cha mẹ…

Không biết sao ông trời vẫn cho tôi sống đến ngày hôm nay. Xin cảm ơn anh Đại. Xin cảm ơn đời đã cưu mang…

Hơn ba trăm năm hình thành và phát triển trải qua bao cuộc thăng trầm, nhiều kiến trúc của Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn xưa nay vẫn giữ được ít nhiều nét đẹp cũ, có những vẻ đẹp mãi mãi đi cùng năm tháng, cũng có cái đổi thay đến ngỡ ngàng.

Vào năm bảy mươi lăm một biến cố lớn xảy ra, mọi thứ đã thay đổi, trường lớp đóng cửa, bạn bè tan đàn xẻ nghé, có đứa đi ra nước ngoài sinh sống, có đứa ở lại quê hương làm đủ ngành nghề để kiếm sống, có đứa thăng hoa cũng có đứa ngã ngựa trên con đường đời đầy may rủi.

Sài Gòn chỉ còn là cái tên gọi đầy thân thương của người phương Nam…

3. Câu chuyện Sài gòn sau năm bảy lăm..

Gần mười tám năm trời, từ ngày tôi về lại quê quán, mang trong lòng một mối hoài nghi về thân phận trong cuộc sinh tử đời người. Tôi tỏ ra đơn độc về mối tương quan không đầu không đuôi trong cuộc sống đời thường, từ những ngày làm nông, làm rừng, làm trong các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp… Sau đó lấy vợ sinh con, tưởng đâu cuộc sống sáng sủa thêm ra, nhưng vẫn không được toàn tâm toàn ý.

Vào năm chín mươi hai tôi khăn gói vào lại Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Sài Gòn đón nhận vào thành phố những người con từ khắp phương xa đất nước về đây học tập, làm việc, buôn bán làm ăn, tiếp cận với những thử thách mới.

Sự ồn ào, cảnh đường xe tấp nập, cảnh ùn tắc giao thông, sáng cũng như chiều xảy ra như cơm bữa làm cho những con người mới đến nhập cư làm ăn cảm thấy ngột ngạt, bực bội. Rồi qua thời gian chịu đựng họ cũng quen dần và hoà mình vào cái ồn à của thành phố muôn màu muôn vẻ.

Hiếm có thành phố nào có mật độ dân cư “khủng” như Sài Gòn. Trong gần mười triệu người, trong đó phần nhiều là dân nhập cư, từ các tỉnh thành khác trong cả nước ùn ùn kéo về sinh sống. Tất cả hình như đều bị cuốn hút vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, chủ yếu là kinh doanh buôn bán ở các chợ, kinh doanh bất động sản, và các mặt hàng chủ lực khác, cạnh tranh nhau để làm giàu, họ coi Sài Gòn là một thiên đường, có người bán cả tài sản, bỏ quê quán vào đây sinh sống.

Thành phố dân cư đông, đường phố chật hẹp nên môi trường sống ảnh hưởng bụi khói, ồn ào, náo nhiệt làm cho không khí ô nhiễm trầm trọng chưa khắc phục được.

Thỉnh thoảng có một vài anh bạn thân quen đi uống cà phê cùng tôi họ thường hỏi:

– Mày sống lâu năm ở Sài Gòn trước năm bảy lăm và sau năm bảy lăm giờ là Thành phố Hồ Chí Minh. Thế thì ở thành phố có món ăn đặc sản nào không?

Thật ra tôi không mấy quan tâm đến các món ăn, nên không biết chính xác, lâu rồi tôi chỉ nghe lóm được, không biết nói ra có trúng trật gì không? Tôi nói với những anh bạn tôi như vậy…

– Hình như bánh bao đặc chất của người miền Nam (Sài Gòn sản xuất) còn loại bánh bao nữa là của người Hoa ở Chợ lớn. Chỉ biết vậy thôi, khác nhau như thế nào, dở ngon ra làm sao, có ăn lần nào đâu mà biết.

Mấy anh bạn tôi ngồi im lặng, mắt ngó vào khoảng không trước mặt.

– Sài Gòn không có đặc sản, mà chỉ có một thứ đặc sản không thể đem đi, không thể đem trao tặng… nhưng lại là thứ đặc sản gợi nhớ không thể nào quên như ăn vặt, là đụng đâu ăn đó, những món ăn trên các vỉa hè, hay trong một con hẻm nào đó, chỉ có những người hay ăn và tìm tòi biết thông thạo các món ăn ngon, rồi người này truyền miệng qua người khác.

Thế là mấy anh bạn tôi biết, những món ăn hiện giờ ở thành phố là những món ăn đặc sản phổ biến nhất, từ các vùng miền khác nhau mang đến Sài Gòn để kinh doanh thực phẩm ăn uống góp phần vào văn hoá ăn như Mì quảng, nem nướng, cơm gà (Quảng Nam), bò bía, bún nước lèo (Sóc trăng), bún bò, bánh bèo (Thừa thiên Huế)… Đó là những món ăn đặc sản của các tỉnh thành được dân thành phố ưa chuộng.

Hiện nay, nói đến Sài Gòn xưa, đối với giới trẻ sinh sau năm bảy mươi lăm, là sự tò mò, thích tìm tòi, dò hỏi để biết bất cứ điều gì. Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) vốn trước đây được mang danh là “Hòn ngọc viễn đông“ với những hình ảnh sầm uất năng động và hối hả. Thời gian dài mấy mươi năm trôi qua. Sài Gòn khoát lên bộ mặt mới trong lòng thành phố.

Đây cũng là lần đầu tiên giới trẻ Sài Gòn nghe đến danh xưng và phần nào cảm nhận được những mô hình tái tạo lại cuộc sống hết ý nghĩa của nó. Sài Gòn “Hòn ngọc viễn đông“, danh xưng có lẽ muốn vừa nói đến thực chất tươi đẹp và thịnh vượng của Sài Gòn, cũng vừa mang tính chất tượng trưng lẫn định hướng vào sự phát triển.

4. Trên những con đường quen thuộc ngày xưa cách đây mười tám năm, giờ đây tôi đã nhận ra được con đường làm ăn, vì sự xuất hiện của những ngôi chợ đầu mối đầy tiềm năng phục vụ. Trước đây tôi có bao giờ tiếp cận với chợ làm gì, cần thứ gì thì ghé vào các chợ bán lẻ mua cũng được. Nhưng hôm nay lại khác phải vô chợ đầu mối cho biết, đâu phải đi mua hàng mới vô. Thế là tôi đi vào dạo qua dạo lại các sạp hàng, hỏi han một vài người buôn bán để tìm hiểu, tạo thêm cái động lực ban đầu. Tôi mới biết ngôi chợ này toàn là những người bán mới, bảng hiệu mới, các vách ngăn sạp cũng mới được sơn phết lại.

Người ta bảo chợ là nơi phản ảnh chân thực nhất về cuộc sống. Vì thế, muốn biết sự thay đổi chân thực nhất về nhịp sống Sài Gòn, hãy tìm đến chợ để buôn bán làm ăn, không còn con đường nào khác để làm cứu cánh. Đó là mục đích cuối cùng tôi chọn Sài Gòn là cửa ngõ vô ra tiếp cận với thị trường buôn bán với bên ngoài. Dù ngày nay những siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm thì văn hoá đi chợ truyền thống vẫn còn tồn tại về lâu về dài.

Thành phố giờ đây phần đông là dân nhập cư các nơi đổ về, nên cuộc sống mỗi ngày mỗi thêm phứt tạp, kéo theo tệ nạn xã hội, người buôn gánh bán bưng nhan nhản trên đường phố, cảnh ùn tắc giao thông xảy ra hằng giờ ở các tụ điểm đèn đỏ đèn xanh, nhất là vào buổi sáng và buổi chiều đã thành cái thông lệ chưa khắc phục được. Dù thời gian gần đây nhà chức trách có hướng giải quyết những vấn nạn về ùn tắc giao thông có giảm nhưng chưa dứt điểm.

Những đứa trẻ con nhà nghèo trong cuộc mưu sinh dầm mưa dãi nắng hằng ngày đi qua các quán ăn uống ở vĩa hè, quán cà phê, quán nhậu nói chung mọi sinh hoạt ở trên đường phố chỗ nào cũng có các em la cà luôn bị chúng nó quấy rầy.

– Chú ơi mua giùm con tờ vé số, cô ơi mua giùm cho con ổ bánh mì, ông ơi con đánh mới đôi giày cho ông nghe…

Giọng mời gọi trong trẻo của các em xen giữa âm thanh xô bồ, náo nhiệt của phố thị, vào những ngày hè này người ta dễ dàng bắt gặp những đôi chân nhỏ nhắn, gầy guộc lê bước qua từng hang cùng ngõ hẹp.

Đi qua một quãng đời dài quá lâu, ít ra cũng hơn mười tám năm sống ở quê nhà. Hôm nay quay trở lại Sài Gòn, tôi cần có một khoảng thời gian để đ tìm lại ngôi nhà cổ xưa nằm trong một con hẻm đường Võ Duy Nguy Phú Nhuận (Nay là đường Phan Đình Phùng) tôi nghe nói con hẽm đó rất nhiều thay đổi tôi còn nhớ rất rõ phía trước ngôi nhà có cây vú sữa già cổi, gốc sần sùi, tàn lá xum xuê che khuất mái ngói màu gạch đã úa màu nâu sẫm cũ mèm. Đó là nhà bà cụ bảy mươi lăm tuổi, chủ nhà trọ tôi ở. Bà cụ đó sống rất tình cảm và có lòng bao dung. Tôi có ý định đến thăm lâu rồi, nhưng hôm nay mới đi được, không hy vọng gì bà còn sống. Tôi đứng nhìn chung quanh sự yên tĩnh ở đây vẫn thế, chỉ khác là cây vú sữa không còn nữa, nhà cửa xây mới khang trang hơn… Ở góc sân cô thiếu nữ đang chơi đùa với một cô bé khoảng bốn tuổi, có lẽ là con cô ấy. Đôi mắt cô ta mở to nhìn tôi chằm bằm…

Tôi tiến lại bên cô ấy.

– Xin lỗi, cô là con bà cụ nhà này. Hồi tôi ở bà cụ có nói bà có hai cô con gái còn ở ngoài quê.

Cô ta nhìn tôi có vẻ ngơ ngác.

– Không phải, sau bảy lăm một hai năm bà cụ đó dọn nhà về quê ở Quảng Trị, nghe đâu bà cụ đó về quê một thời gian ba bốn năm bị bệnh chết rồi. Ngôi nhà này em mua lại lâu rồi.

Cô ta nhìn tôi có vẻ tò mò dò hỏi:

– Anh là gì của bà cụ? Ở nước ngoài mới về hả? Nếu anh ở Việt Nam anh đã nắm rõ tình hình ở đây rồi.

– Không, tôi hồi xưa đi học ở trọ ngôi nhà này, hơn mười mấy năm rồi tôi về quê. Hôm nay mới có dịp ghé thăm bà cụ.

– Anh đến trể quá, làm sao bà cụ còn sống được.

Tôi hơi bối rối, vào Sài Gòn lâu mà giờ mới đến thăm, cuộc sống đời người thay đổi từng ngày, chết sống không một ai biết trước được vận mệnh của mình.

Tôi đứng loay hoay một lúc, cũng chẳng có chuyện gì để nói, cô ta cũng vậy… Tôi chào cô ta ra về.

Cô ta tiễn tôi ra đến cổng…

Sau bảy lăm tôi rời Sài Gòn, tôi vẫn đinh ninh sau này làm gì có cơ hội trở lại Sài Gòn lần nữa, hơn mười tám năm đã thấm đượm mùi vị sương khói ở quê nhà cũng đủ để cho tôi thấm thía mọi khổ cực của cuộc sống, để rồi ngẩng cao đầu để bước tới cuối cùng cũng chọn Sài Gòn là quê thứ hai trong cuộc đời sinh tử.

Hôm nay dang chân đứng giữa mênh mông trời đất, trong cái ánh nắng chiều vàng nhạt rơi vung vãi trên khắp các nẻo đường, tôi có thể mạnh miệng để thốt ra những lời cảm ơn chân thật. Rất chân thật. Sài Gòn đã cưu mang tôi sinh sống làm ăn suốt mấy mươi năm qua, vượt qua những rào cản, thăng trầm, có thịnh có suy.

Qua không gian và thời gian trong lúc này đây tôi cảm nhận là lời cảm ơn muộn màng của tôi thế nào cũng được lắng nghe một cách nghiêm túc.

Dù trên trời cao vời vợi không có hồi âm, và cũng chẳng có mạng internet kết nối.

V.K.T