Lời cỏ hát – Khúc tâm tình của Trần Thu Hà

1303

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đọc tập thơ “Lời cỏ hát”, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 10 năm 2018 của Trần Thu Hà (bút danh Hoa Cỏ May, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Khiết Quảng Ngãi) tôi có cảm giác Trần Thu Hà không chỉ làm thơ mà chị đang mượn thơ để hát lên khúc hát của mình. Khúc hát tâm tình của nữ sĩ đã qua cái tuổi “tri thiên mệnh” với tâm thế suy tư về nỗi người, nỗi đời qua thời gian.

Nhà thơ Trần Thu Hà

Lời hát của chị được cất lên từ trong sâu thẳm của trái tim. Một trái tim đầy ắp yêu thương và khát khao… “Heo mây về trời đất đã sang thu/ Nắng bớt chói chang, lá vàng rơi lối ngõ/ Cánh diều em khẽ chao mình trong gió/ Đóa cỏ may mỏng mảnh hát lời yêu” (Lời cỏ may). Trần Thu Hà đã hóa thân vào hoa cỏ may. “Tôi buộc hồn tôi vào cỏ/ Cỏ hoang hát khúc không nhà/ Tôi buộc tình tôi vào cỏ/ Cỏ may níu bước chân qua/ Tôi buộc đời tôi vào cỏ/ Cỏ mềm tựa khúc du ca” (Tôi và cỏ). Đóa hoa cỏ may được nhân hóa hát lên lời yêu để ghim thương nhớ vào những cuộc tình xa cách và để thắp lên niềm hy vọng về một ngày mai đoàn viên.

Bìa tập thơ “Lời cỏ hát”

Đọc “Lời cỏ hát”, ta như nghe thấy được tiếng lòng và sự thổn thức của Trần Thu Hà. Chị đã gửi gắm những ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư vào thơ. Đọc bài thơ “Lạc”, ta thấy chị lội ngược về quá khứ, tìm gặp thời thiếu nữ trong mơ với mối tình đầu hồn nhiên: “Em lạc về thời thiếu nữ/ Ngu ngơ trước mối tình đầu/ Hồn nhiên như là hoa cỏ/ Ngập ngừng chẳng dám nhìn lâu/ …Ngày xưa bình yên đến lạ/ Theo em đến tận bây giờ/ Bất giác chạm tay lên má/ Gặp thời thiếu nữ trong mơ” (Lạc). Thời thiếu nữ của Trần Thu Hà thật bình yên. Chị muốn giữ sự bình yên bằng giấc mơ níu hồn mình về phía đời xuân: “Tuổi thời gian trôi về phía ráng chiều/ Trôi về phía đời xuân không trở lại/ Nhưng em biết tuổi nào ta còn mãi/ Để cháy lên những khát vọng không cùng…” (Bình yên). Chị khao khát tìm lại tuổi thơ mình: “Có bao người xin vé đến tuổi thơ/ Ta khao khát tuổi xưa mình trở lại” (Tìm về tuổi xưa). Chị ước nguyện: “Em mãi là em mắt biếc với môi mềm/ Ngày trong vắt nõn nà ươm lộc mới/ Em mãi là em muộn phiền hong tóc rối/ Mãi trẻ thơ bước giữa cuộc tình xanh…” (Em). Chính vì thế mà chị một đời mải miết đi tìm lấy chính mình: “Tôi tìm tôi giữa cơn mơ/ Tôi tìm tôi đến bao giờ thấy tôi?” (Tìm tôi)…

Trong “Lời cỏ hát”, Trần Thu Hà không quên ghim hồn thơ mình vào tình yêu quê hương xứ sở, cha, mẹ, con cái… Trong tình máu mủ ruột rà, thơ Trần Thu Hà bình lặng, giản dị với điểm nhìn của người con đã trưởng thành. Đó là những hoài niệm chân thành, sâu lắng về người cha: “Cuộc đời cha trải biết mấy đắng cay/ Thuở nhỏ nhà nghèo làm thuê cho địa chủ/ Kiếm miếng cơm ăn đắng xót lòng kẻ ở/ Cha đã đi qua thời thơ ấu nhọc nhằn.” (Cha). Đọc khổ thơ trên lòng ta xúc động vô cùng, hai mắt cứ rưng rưng. Và hình ảnh người mẹ hiện lên trong thơ chị cũng thật xúc động: “Mẹ đã đi qua những tháng ngày/ Buồn nhiều hơn vui, khổ nhiều hơn sướng/ Để bây giờ đến ngày tận hưởng/ Thì sức mẹ cạn dần hơi thở cũng tàn theo” (Mẹ)…

Viết về con cái của mình thơ Trần Thu Hà tự nhiên, giản dị và thấm thía: “Mới hôm nào con mặc áo xanh/ Lên sân khấu ôm ghi ta và hát/ Tuổi mười lăm say theo từng nốt nhạc/ Mẹ mỉm cười khe khẽ gọi tên con/… Mười tám đến rồi trọn vẹn riêng chung/ Con khép lại tuổi học trò bằng tình yêu của mẹ/ Đôi cánh nhỏ mỗi ngày thêm mạnh mẽ/ Phía con bay mặt trời mọc đang chờ” (Bài thơ cho con).

Có thể nói tập thơ “Lời cỏ hát” của Trần Thu Hà là tập thơ hay, ngôn ngữ, hình ảnh bình dị, thân quen, tạo được nhiều cảm xúc cho bạn đọc.