Lỗi hẹn với sông Gâm – Tùy bút của Phan Ngọc Anh

163

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đã biết và say cảnh sông nước dòng Gâm từ rất lâu rồi nhưng đó là sông Gâm ở Na Hang (Tuyên Quang) còn sông Gâm trên địa phận Bắc Mê (Hà Giang) thì mới chỉ nghe thôi chứ chưa một lần được tận mắt trông thấy.

Thế rồi một lần được xem bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng với bối cảnh phim trường là sông núi dòng Gâm ở Bắc Mê thì tôi đã thực sự bị mê hoặc. Bởi phải lòng dòng Gâm như vậy nên tôi đã từng hẹn lòng sẽ về Bắc Mê để dạo chơi với non xanh nước biếc trên dòng Gâm giang cho thỏa lòng ao ước. Nhưng rồi cũng lại đôi lần bị lỡ hẹn. Nhớ lại, trước khi dịch Covid – 19 xảy ra, khoảng đầu tháng 9 năm 2018, mấy anh em rủ đi theo hành trình bằng thuyền từ Na Hang sang Bắc Mê rồi lên cao nguyên đá Đồng Văn nhưng rồi sắp đến ngày lên đường thì có lệnh công tác bất khả kháng nên đành phải ngậm ngùi ở nhà và luyến tiếc. Sau dịch Covid – 19, mấy lần định đi rồi nhưng cũng lại không thành. Lần này, có dịp lên Yên Minh (Hà Giang) thiện nguyện, chúng tôi đã lập trình về ở Du Già để hôm sau đi Bắc Mê ngắm non nước sông Gâm. Cứ tưởng lần này sẽ được thỏa lòng mong đợi nhưng rồi cũng bất thành. Nói vậy không phải là anh em tôi không được đến Bắc Mê. Hành trình của chúng tôi vẫn đi theo lịch trình đã định nhưng kế hoạch dạo chơi trên sông nước xanh biếc của dòng Gâm thì chưa thành hiện thực. Vậy là lại một lần nữa lỡ hẹn với dòng Gâm.

Nghe kể, mùa nước lên, khoảng từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhà máy thủy điện Na Hang đóng đập, lòng hồ thủy điện mênh mông nước, sông Gâm trở thành điểm đến hấp dẫn và làm say lòng du khách với những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng. Khi ấy biển nước trong vắt một màu xanh rêu hiện lên giữa đại ngàn Đông Bắc tựa như áng tóc của nàng sơn nữ đang buông lơi, sóng đôi cùng trập trùng núi non hùng vĩ để không hổ danh là một “Hạ Long trên núi” như đồn đại của bàn dân thiên hạ với những vách đá dựng đứng hàng chục mét nghiêng ngả, rung rinh theo sóng biếc trên mặt nước cùng những rừng già nguyên sinh soi bóng cổ thụ xuống lòng hồ hay những thác nước tựa như dải lụa trắng tinh nối trời cao với đất bằng, đêm ngày gầm réo tung bọt trắng xóa đổ nước xuống dòng sông. Và rồi, từ tháng 4 đến tháng 7, nhà máy thủy điện Na Hang xả nước phục vụ đời sống và sản xuất ở vùng hạ lưu mà nước trong lòng hồ hạ xuống, sông Gâm trở lại với dòng chảy như cũ. Có chỗ lòng sông nhỏ lại như một dòng suối to làm lộ ra những bãi cát và dải đá ngầm với muôn hình vạn dáng kỳ thú tạo thành một bức tranh sơn thủy rất hữu tình mê hoặc lòng người, trở thành những điểm chụp ảnh hút hồn giới trẻ. Sông Gâm thì như vậy nhưng còn cảnh sắc bên đôi bờ sông Gâm cũng mỗi mùa một vẻ, da diết và níu giữa hồn người không kém. Chỉ riêng mùa đông thôi, cái yếu ớt của nắng vàng quyện cùng cái lạnh vùng cao khiến ta không khỏi vấn vương cùng màn khói sương huyền ảo bàng bạc quấn quanh trên đỉnh núi tựa như màn voan mềm mại hay bảng lảng, lững lờ nhẹ nhàng êm trôi trên mặt nước dòng Gâm dịu hiền mà làm nao lòng lữ khách.

Một lần nữa tôi lại chưa được đến với sông nước Bắc Mê vì lẽ con đường từ Du Già sang Bắc Mê đang sửa, tỉnh lộ 176 với nhiều đoạn đường phá núi mở rộng các chỗ cua hay bị sạt lở nối nhau dài hơn hai mươi cây số, đất đá ngổn ngang, máy múc và xe chở đất đá vào ra không nghỉ, khiến giao thông trên tuyến đường dừng nghỉ liên tục làm trễ thời gian mất hơn ba giờ đồng hồ. Sự cố về đường xá ngoài ý muốn này không nằm trong dự kiến của lịch trình đã định nên chúng tôi phải cắt bớt chương trình theo kế hoạch. Đã vậy xe lại nhầm đường hơn hai chục cây số về thị trấn Yên Phú, trung tâm huyện lỵ Bắc Mê. Bởi vậy dù có đi qua đất Bắc Mê nhưng rồi chúng tôi vẫn chưa đủ duyên với áng tóc trữ tình của sơn nữ nơi đại ngàn Đông Bắc và lỗi hẹn với cả khu di tích được coi là địa chỉ đỏ, ghi dấu nhưng trang sử bi hùng một thời của dân tộc ở nơi tuyến đầu Tổ quốc, nằm bên dòng Gâm xanh biếc – Căng Bắc Mê.

Dù lỗi hẹn với dòng sông và khu di tích lịch sử cách mạng nhưng cảnh sắc đất trời của Bắc Mê dọc bên quốc lộ 34, từ phố huyện Yên Phú đến thành phố Hà Giang đã đi vào trong tầm mắt và làm xôn xao cõi lòng bao người để rồi tâm trí tôi cũng không ít lần bị lạc lối bởi sắc nước, hương rừng và núi non, mây trời trên những cung đường đầy mê hoặc. Phía bên tay trái thị trấn Yên Phú trên đường về thành phố là hồ nước xanh màu diệp lục phẳng lặng như gương ẩn hiện giữa những khe núi với những vách đá dựng đứng, xanh ngắt cây rừng. Nhìn lên những trái núi nối tiếp nhau xanh biếc cây phủ thi thoảng có làn sương mù lượn lờ, quấn quyện như màu khói lam chiều huyền ảo dưới những cồn mây trắng muốt; trông xuống mặt nước thấp thoáng trên mặt hồ xanh bồng bềnh vài ba chiếc mảng hay thuyền ngư phủ buông câu, thả lưới êm trôi nhẹ nhàng như thể mộng du. Cứ như thế bầu trời mặt nước tĩnh lặng và an yên, hiện lên đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bắc Mê không chỉ đẹp như cõi mộng mà còn hùng vĩ bởi những cung đèo vô cùng ấn tượng xứng đáng với những lời truyền tụng “Thứ nhất Su Phì thứ nhì Bắc Mê”. Đi khoảng 60 cây số từ phố huyện Bắc Mê về thành phố Hà Giang, quốc lộ 34 khá vòng vèo, quanh co với những đỉnh đèo cao thấp. Phải nói rằng đây là một cung đường tuyệt đẹp, chạy dài giữa những dãy núi mờ sương xen lẫn những rừng già thanh vắng, âm u, trùng trùng, điệp điệp. Thấp thoáng, ẩn hiện giữa núi rừng mênh mông hoang sơ, dọc bên đường đi là những bản làng nhà sàn mộc mạc đầy thơ mộng của đồng bào các dân tộc, những thửa ruộng bậc thang trập trùng nối dài từ đồi này sang núi nọ như những dải lụa mềm mại giữa đại ngàn mênh mông. Ngang hai bên đường, bên mép núi quanh co, đây đó có vài lán hàng đơn sơ, hiu hắt với dăm ống cơm lam hay mấy mới rau rừng của người bản địa dành cho khách bộ hành đi qua… Nhưng cung đường tuyệt đẹp ấy không phải là dễ dàng cho những du khách, không dành cho những người tay lái còn non. Chỉ tính riêng đoạn đường cách phố huyện khoảng mười cây số có chỗ đổ đèo ước chừng tới năm cây số, không tính những chỗ cua lẻ, chỉ tính những chỗ cua tay áo liên tiếp hình chữ U, tôi đã đếm được tám khúc cua liên tiếp. Có lẽ cung đường này hiểm trở không kém gì đoạn dốc chín khoanh trên quốc lộ 4C, đường lên Đồng Văn. Về đến gần thành phố, từ trên con đường giữa lưng đèo chúng tôi đã nhìn thấy thủ phủ của Hà Giang xinh đẹp, hiện đại nằm bên đôi bờ Lô giang hiện lên trong tầm mắt với những nhà cao dãy dài san sát, đông vui, nhộn nhịp. Chợt nhớ ngày nào đó, mười ba năm trước, thị xã nơi địa đầu cực Bắc mới được công nhận là thành phố. Mới đó mà đã thay da đổi thịt nhanh quá. Ngắm nhìn thành phố ở giữa cái thung lũng xinh đẹp được bao bọc bởi những núi non hùng vĩ nên thơ cùng dòng sông Lô trong xanh vắt qua ngang mình bất chợt tôi lại nghĩ đến sông Thames chảy qua Luân Đôn cổ kính (Anh) hay sông Hoàng Phố đi qua Thượng Hải (Trung Quốc) thơ mộng. Có lẽ, chẳng bao lâu nữa thành phố trẻ Hà Giang cũng sẽ nổi tiếng và được nhiều người biết đến như những thành phố bên đôi bờ dòng sông. Cứ thế, miên man suy nghĩ về thành phố và dòng sông từng là chứng nhân của lịch sử trên địa đầu Tổ quốc này trong lòng chợt ngân lên giai điệu da diết và man mác hoài niệm của nhạc sỹ Minh Quang: “Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ/ Ai bỏ quên giữa dòng/ Câu thơ nói về một người con gái/ Bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về/ Sông Lô chiều cuối năm ai tìm về bên ai/ Ta tìm về bên em” (Sông Lô chiều cuối năm).

Thế đấy, một chiều chưa được hòa mình trong nước biếc của Gâm giang nhưng lại được đắm mình với đèo cao, vực thẳm của núi non hùng vĩ giữa bao la sắc núi hương rừng. Ta lại lỗi hẹn với dòng Gâm nhưng được trở về với một dòng Lô trong bao nỗi niềm mê mải, man mác. Bắc Mê ơi, Gâm giang ơi, ta lại hẹn nhé một lần gặp khác!

P.N.A