Lối mòn – Tản văn của Lương Mỹ Hạnh

969

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lối mòn dẫn lên dầu nguồn nước, luôn là lựa chọn yêu thích của tôi mỗi buổi chiều rảnh rỗi. Con đường nhỏ xíu, mảnh như một tia nắng uốn lượn trên cái nền xanh ngút ngát, hút theo trùng điệp núi đồi.

Nhà thơ Lương Mỹ Hạnh

Háo hức sỏ giầy, buông bỏ nhà cửa, phố xá, xe cộ ồn ào lại đằng sau. Tôi từ từ hít vào thật sâu, thở ra thật chậm để thụ hưởng cái cảm giác thư thái khi được hòa mình với thiên nhiên. Bước chân vừa chạm lối mòn, tôi đã thấy phảng phất mùi thơm dìu dịu của hương hoa, hương cỏ, mùi ngai ngái, hăng hắc của nhựa cây. Được đi dạo một mình trong tiết xuân dịu mát trên con đường mòn thân thuộc còn gì tuyệt bằng. Cơn gió mùa xuân như mang theo một luồng sinh khí mới ngấm vào từng chân tơ, kẽ tóc. Một cảm giác tươi trẻ ùa về.

Hàng ngàn chiếc lá nheo mắt dõi theo từng bước chân tôi, có đôi lúc chúng đụng  vào tôi thật hiền lành và thân thiện. Hai bên lối mòn mọc rất nhiều cây hoa ban.  Giờ đang cuối xuân, ngước lên ngọn cây ban, mở căng hết mắt mới nhìn thấy vài bông hoa lẻ loi, cô độc. Những bông hoa ban còn sót lại, đang cố gắng xòe hết cỡ khoe chiếc cánh mỏng manh cuối cùng trước khi bay về trời. Đi qua những bụi cây lúp súp bghe thấy tiếng lũ chim cãi nhau thật vui tai. Hình như trong thế giới loài chim cũng có con hiền lành, con đanh đá, con hiếu thắng, con nhịn nhường.

Đường ống dẫn nước bằng thép không gỉ cũng men theo lối mòn leo dần lên cao. Sau khi tìm được nguồn nước, người ta rẽ lau, bẩy đá làm một lối đi, đầu tiên chỉ để lắp đặt đường ống dẫn nước về thị trấn. Sau đó theo qui luật phát triển, người sinh thêm, đất đai có hạn, nên rừng hai bên lối mòn được phát quang trồng ngô, sắn, có những khoảng đất bằng phẳng nhiều hộ trong bản gần đấy còn chuyển đến dựng nhà để tiện việc trông coi, canh tác nương, ruộng.

Đi bộ đến nguồn nước mất tầm hơn một tiếng đồng hồ, đi tiếp gần hai tiếng nữa sẽ đến một bản người dân tộc HMông,  nơi bắt đầu của con đường . Để có được con đường dài mấy chục cây số là công sức, xương máu của rất nhiều người, rất nhiều thế hệ.

Tôi được nghe người dân bản xứ kể lại câu chuyện cảm động về hai vợ chồng người dân tộc HMông đã bỏ công sức ròng rã cả tháng trời để san, sửa con đường lên bản, khi con đường bị bịt kín bởi một quá đồi sạt xuống.

Vợ chồng họ cần mẫn cả tuần từ sáng sớm đến tối mịt, mà đống đất đá chẳng vơi đi được mấy. Người trong bản cũng không quan tâm vì họ vẫn còn một con đường khác lên bản, mặc dù nó xa hơn con đường bị vùi lấp rất nhiều.

 Vợ chồng nhà nọ quá mệt mỏi, có lúc họ bất lực nhìn đống đất đá to như trái núi nằm chình ình thách thức, chỉ muốn vứt bỏ cuốc, xẻng, xà beng đầu hàng. Nhưng rồi  không hiểu vì lý do gì, họ lại quyết tâm không ngại vất vả, kiên trì làm tiếp công việc lẽ ra là việc chung của cả bản.

Ý chí của đôi vợ chồng nhà nọ đã lay động được sức lỳ của dân bản. Mỗi người trong bản góp một chút công sức, con đường gần nhất từ thị trấn lên bản đã mau chóng được khai thông. Sau này đoạn đường đó được đặt tên là đường ông Páo, tên người chồng. Có lẽ suy nghĩ, việc làm của hai vợ chồng nhà nọ giản đơn và trong như nước suối đầu nguồn, chứ không hề có tham vọng trở thành tấm gương cho mọi người noi theo, và mong muốn được báo chí để ý, tụng ca.

Tôi vừa đi, vừa suy nghĩ miên man chuyện đời, chuyện mình, vẽ ra trong đầu rất nhiều lối đi khác nhau. Những lối đi trong tưởng tượng có vẻ dễ đi và có rất nhiều điều thú vị, vì mình muốn đến đích nào, nó sẽ dẫn mình tới đúng đích đó. Trong cuộc sống thực, nhiều khi mình muốn đi lối này, nhưng số phận xô đẩy, khiến mình trôi dạt sang một hướng  khác.

Lối mòn tôi đang đi là lối chính, nó như trục xương sống rẽ ra nhiều lối, hướng khác nhau. Đọan đường mòn đoạn này dốc chưa gắt, chỉ thoai thoải như mai rùa. Đi chừng ba mươi phút, mồ hôi đã hơi nhớp nháp sau lưng. Tôi sắp tới được mục tiêu đầu tiên. Đích đến đầu tiên của tôi là cây mạy hụn cổ thụ tầm hai người ôm.Cây mạy hụn này có số phận may mắn hơn những cây khác, vì nó mọc ngay dưới chân một đoạn dốc khá cao. Những cái cây to khác đã lần lượt bị đốn hạ, nhưng có lẽ người ta qui ước ngầm với nhau để lại cây mạy hụn này làm chỗ tránh nắng và nghỉ tạm lấy sức, tiếp tục chinh phục con dốc cao và hiểm trở.

Ảnh minh họa

Ở dưới chân kẻ khác chưa chắc đã không tốt.

Đích đến thứ hai của tôi là con suối đầu nguồn, nơi người ta mang đủ các loại ống to, ống nhỏ, ống gang, ống thép, đặt chồng chéo lên nhau, nơi có mạch nước ngầm đùn lên, để lấy nước.

Đi được tới được đầu nguồn cũng quá nửa chiều. Những tia nắng yếu ớt cuối cùng đùa giỡn nhau trên tán lá, chao đảo, nhạt dần rồi biến mất. Con đường, khoảng đồi nhuộm miên man một sắc tím trầm. Có tiếng bò mẹ gọi tìm con dội vào vách đá, nghe như tiếng nắng rơi…

Về nhà thôi, muộn rồi.

Trăng chiều như mảnh ký ức được uốn cong, treo lơ lửng phía trên những dãy núi  xa xa. Ngày xưa mẹ tôi thường gánh cả buổi chiều bước vội trên con đường mòn gập gềnh sỏi đá. Bó cây nặng trên vai cha xiêu đổ cả bóng rừng.

Từng đàn trâu bò, dê chen vai nhau đi trong bóng hoàng hôn chập choạng, mắt chúng trong như giọt trăng chiều vương trên lá hoa.

 Người ta thường nói về “lối mòn” trong sáng tạo Nghệ thuật như một sự lười nhác, chỉ quen hưởng sẵn những gì người đi trước đã nghĩ ra. Lối mòn của tôi mặc kệ thời gian, mưa nắng dãi dầu, sương sa giá buốt, luôn trổ ra những kỷ niệm tươi xanh, lưu dấu những dáng hình thân thuộc.

                                                 M.H