Lời thề trước biển – Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

722

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi nghĩ bác giúp đỡ mẹ tôi để lợi dụng sự mềm yếu của mẹ mà chiếm đoạt tình cảm. Tôi tìm cách ngăn cản tình cảm của hai người cho bằng được. 

Nhà văn Phạm Văn Hoanh

Tôi đang mải mê truớc màn hình vi tính với bài phóng sự “Biển đảo quê huơng”, mẹ tôi gọi:

– Thủy ơi, con lấy xe máy chở mẹ đi đây chút xíu!

– Đi đâu hả mẹ?

Mẹ tôi vừa mở tủ quần áo vừa nói:

– Đến thăm bác Năm. Bác ấy mới bị tai nạn giao thông hơn mười ngày nay rồi, mẹ bận quá chưa lên thăm được. Tội nghiệp bác quá! Gần sáu mươi tuổi mà con còn bé quá chưa nhờ đỡ được gì. Đúng là “Cha già con muộn chơi vơi. Cha làm bắt chết con chơi tối ngày”.

– Bác Năm nào hả mẹ?

– Bác Năm ở nhà mình mười mấy năm về trước đó. Con không nhớ sao?

– Dạ! Con nhớ rồi. Nhưng hôm nay con đang viết vội lời bình cho phóng sự: “Biển đảo quê hương” chuẩn bị cho ngày mai phát sóng. Để mai đi được không hả mẹ?

– Không được! Mẹ khất lần khất lữa hơn mười ngày rồi. Lúc bác nằm một chỗ không lên thăm để đến khi khoẻ mạnh mới lên thăm thì còn gì mặt mũi. Vả lại mai mẹ bận lên lớp dạy. Thôi, bỏ đó tối về viết, đi với mẹ!

Tôi rời máy đứng dậy mặc đồ rồi dắt xe ra sân.

Vừa đến nhà bác Năm, tôi thấy khách trong nhà bác khá đông, không còn chỗ ngồi, người thì đứng, người thì ngồi trên giường, người thì ngồi dưới đất… Gương mặt ai cũng tỏ vẻ lo lắng. Hai mẹ con tôi rón rén bước vào nhà.

– Anh Năm! Em và cháu Thủy đến thăm anh đây. Anh không sao chứ?

Bác Năm mở mắt nhìn hai mẹ con tôi. Mẹ tôi nói tiếp:

– Nghe tin anh bị tai nạn mười ngày nay rồi nhưng em bận dạy học không lên thăm được. Hôm nay, tiện có cháu Thủy về, em bảo cháu chở lên thăm anh.

– Cảm ơn hai mẹ con em! Bị gãy chân và rách hai mí mắt thôi. Không sao đâu.

– Khổ quá! Xe với cộ… Anh đi đâu mà đụng xe vậy?

– Đi tập thể dục buổi sáng. Thấy nó lạng lách đánh võng, anh tránh sát vào trong lề cỏ rồi, mà sao nó mang mình mới lạ. Chắc bọn này uống rượu bia suốt đêm nên không thấy đàng.

Mẹ tôi thở dài an ủi:

– Thôi, không chết người là may rồi!

Bác Năm mỉm cười gật đầu.

Mẹ tôi xởi lởi:

– Cháu Thủy của anh đây này. Con đem quà vào biếu bác đi!

Tôi đặt gói quà lên cái tủ đầu giường.

Bác cười:

– Mẹ con em cứ bày vẽ, đến thăm anh là quí rồi, quà cáp chi cho tốn tiền…

Quay sang tôi bác nói:

– Lớn quá nhỉ! Giống cha như đúc. Vẫn làm ở báo tỉnh chứ?

– Dạ, cháu chuyển qua đài phát thanh truyền hình rồi.

– Thôi, làm ở phát thanh truyền hình là tốt rồi. Đừng có đứng núi này trông núi nọ nghe cháu!

– Dạ.

Mẹ tôi ra ngoài nói chuyện với bác gái, chỉ còn hai bác cháu tôi. Lúc này mọi người cũng ra về hết. Bác mới kể cho tôi nghe về tình bạn, tình đồng chí giữa bác và cha tôi. Tôi thấy cay cay nơi sống mũi.

Tôi lí nhí:

– Cháu xin lỗi bác, ngày ấy…

– Thôi cháu, bác biết rồi, cháu không có lỗi đâu!…

Vừa lúc đó mẹ tôi đến xin phép bác ra về:

– Anh yên tâm điều trị, mẹ con em xin phép ra về kẻo khuya. Vài hôm nữa em sẽ đến thăm anh.

Bác Năm mỉm cười:

– Cảm ơn em!

Mẹ tôi bước ra ngõ, bác Năm gái nhìn theo trề môi. Không biết mẹ tôi có nhìn thấy không?

Về đến nhà, tôi lao vào phóng sự về biển đảo cho kịp ngày mai. Nhưng tôi không gõ được một chữ nào. Tôi thấy ân hận về những năm tháng mình đã đối xử không phải với bác. Bác thật cao thượng. Bác đã âm thầm lặng lẽ nuôi ba mẹ con tôi. Bác đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì một người bạn. Vậy mà tôi đã nghĩ xấu về bác. Công ơn của bác biết bao giờ tôi trả hết.

*

Cha tôi hy sinh vào một ngày cuối thu trong một chuyến ra khơi giúp bà con ngư dân chống bão.

Mẹ tôi thức trắng bảy đêm cầu siêu cho cha tôi. Trong nhà tiếng gõ mõ cốc cốc, ngoài trời mưa gió bão bùng suốt đêm ngày xoáy vào lòng tôi một nỗi đau nhức nhối.

Đám tang của cha tôi đi trong một buổi sáng cuối thu thật đẹp trời. Gió se se lạnh, nắng vàng như mật ong trải dài trên con đường dẫn đến nghĩa trang. Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển đông lộng gió. Mưa một tuần đã làm cho đất đồi mềm dễ đào. Bác Năm nói: “Đúng là trời thương chú Bảy, chứ ổng  nắng như mọi khi thì bữa nay đào cũng tróc tay”.

Huyệt đào ở vị trí cao nhất đồi để cha tôi có thể nhìn thấy biển Đông, thấy những hòn đảo thân yêu của mình và để cha tôi phù hộ cho biển đảo quê hương, phù hộ cho đồng đội, phù hộ cho xóm làng của mình… mãi mãi được bình yên.

Trong lễ truy điệu cha tôi, bác Năm đã phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương liệt sĩ Vũ Dũng Cảm” trong toàn lực lượng biên phòng tỉnh.

*

Tôi mất cha khi vừa tròn mười tuổi. Cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới mà phải bươn chải cùng mẹ để nuôi đứa em nhỏ. Học một buổi, còn một buổi ra biển mua cá với mẹ về bán. Cuộc sống gia đình tôi lúc này vô cùng khó khăn. Việc học của tôi cũng bắt đầu sa sút. Từ hạng nhất tôi tụt xuống nhóm hạng chót.

Từ ngày cha tôi mất, bác Năm thường đến nhà tôi. Bác không cho mẹ con tôi đi buôn cá nữa. Bác nói với mẹ tôi: “Để cháu nó học! Khó khăn gì thì nói anh giúp cho, chứ để cháu nó dốt anh Cảm dưới suối vàng biết được ảnh buồn lắm”. Lúc đầu mẹ tôi từ chối sự giúp đỡ của bác gần như tuyệt đối nhưng về sau không biết bác nói sao mà mẹ tôi đã nhận lời. Cứ Chủ Nhật bác đến chở mẹ con tôi đi viếng mộ cha tôi. Dần dần mẹ tôi thân thiết với bác. Tôi đâm ra giận mẹ. Nhiều đêm tôi khóc ròng như mưa. Mẹ tôi dỗ thế nào tôi cũng không nín. Mẹ tôi dọa ma tôi cũng không sợ. Thấy tôi khóc thằng Thổ cũng khóc theo chứ không biết gì. Nó thấy bác Năm cho kẹo nó đi theo. Tôi dọa, nó cũng không sợ. Tôi phải xách roi đánh, nó mới sợ. Tôi bảo nó đừng gọi bác Năm nữa. Nó dạ. Nhưng vài ba hôm không thấy bác đến nó lại hỏi mẹ: “Sao bác Năm không về hả mẹ”. Mẹ tôi bảo: “Bác bận công tác. Mai bác về”. Câu hỏi của thằng Thổ và câu trả lời của mẹ như một nhát dao đâm thủng tim tôi. Tôi gào lên: “Mẹ không còn thương chúng con nữa rồi”. Mẹ tôi mếu máo: “Mẹ không thương các con chứ thương ai”.  “Mẹ thương bác Năm” – Tôi gắt um lên rồi vụt chạy.

Thế là tôi bỏ học, theo bạn bè vào Sài Gòn bán báo và bán vé số. Tôi lang thang hết con đường này đến con đường khác. Tối về đôi chân mỏi nhừ. Thế nhưng tôi vẫn kiên quyết không về nhà. Mẹ và bác Năm đi tìm tôi hết chỗ này đến chỗ khác. Một hôm đang đi bán vé số thấy bác và mẹ vào tôi chạy trốn. Mẹ và bác phát hiện mướn người tìm bắt về. Mẹ đến trường xin cho tôi học lại. Tôi không chịu. Thầy cô giáo đến khuyên tôi mới chịu đi.

Từ ngày đó tôi thấy bác Năm ít đến nhà tôi. Bác chỉ gởi tiền và quà cho mẹ tôi qua đường bưu điện. Tiền bác gửi về tôi nhất quyết không đụng đến. Tôi nói với mẹ: “Tiền bác Năm gửi mẹ đưa cho con cất, khi nào bác đến con trả lại”. Mẹ tôi khuyên: “Con không nên làm như vậy mất lòng bác”. Tôi nói với mẹ: “Con ghét bác Năm lắm! Con cũng ghét mẹ lắm! Ai biểu mẹ thương bác Năm hơn con”. Tôi nghĩ bác giúp đỡ mẹ tôi để lợi dụng sự mềm yếu của mẹ mà chiếm đoạt tình cảm. Tôi tìm cách ngăn cản tình cảm của hai người cho bằng được. Bác đến, tôi không thèm chào hỏi một tiếng mặc dù bác mang cho tôi nhiều vỏ sò đẹp, thứ mà tôi thích nhất. Mẹ tôi nói thế nào tôi cũng không nghe. Có lần tôi thấy mẹ và bác ngồi nói chuyện với nhau bên mộ cha tôi cả buổi, tôi khóc thảm thiết. Tôi trách mẹ trước mặt bác: “Cha con mới mất mà mẹ dám tình tự với bác Năm bên mộ cha con. Mẹ không sợ cha con buồn sao? Mẹ đúng là một kẻ bất nhân bất nghĩa. Đúng là chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn”. Mẹ tôi ôm mặt khóc: “Con ơi là con! Con nói chi mà tội lỗi vậy con! Bác Năm với cha con là bạn bè thân thiết với nhau, đã thề nguyền với nhau rồi. Cha con khi còn sống đã thề trước biển là nếu như chẳng may bác Năm hy sinh thì cha con sẽ nhận nuôi mẹ già của bác. Còn bác Năm thề rằng nếu như cha con hy sinh thì bác sẽ nhận nuôi ba mẹ con mình”. Tôi không tin những lời mẹ nói. Tôi gắt lên: “Mẹ nói dối con. Đàn ông nói mà mẹ cũng tin. Mẹ không nghe người ta nói ngọt mật chết ruồi sao? Mẹ đừng cả tin bác Năm!”. Nói xong, tôi chạy ra biển. Mẹ tôi và bác Năm chạy theo.

Hôm sau bác Năm đến, tôi nói thẳng: “Ông không được theo mẹ tôi nữa! Ông về đi!” Bác Năm lặng lẽ ra về. Mẹ tôi xách roi đánh tôi. Bác Năm chạy đến giật roi không cho đánh. Bác nói với mẹ tôi: “Cháu nó còn nhỏ dại, từ từ nó hiểu”.

*

Mấy tháng trời bác Năm không đến. Tôi thấy mẹ tôi buồn buồn ít nói. Lúc nào cũng ra ngẩn vào ngơ, làm như người mất hồn. Đàn ông trong xóm cứ tới lui chọc ghẹo, mẹ tôi chửi như tát nước vào mặt. Có một người đàn ông thấy mẹ tôi đẹp gái theo tán mãi không được bèn tìm cách phục thù. Một hôm lợi dụng trời tối ông ta lẻn vào nhà giở trò bỉ ổi bị mẹ tôi phang cho một đòn gánh quẹo sống lưng.

Không biết do suy nghĩ nhiều hay sao mà mẹ tôi lại lâm bệnh nặng. Cuộc sống gia đình tôi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn. Bác Năm lại đem gạo đến giúp. Chủ Nhật bác lại về nhà tôi ngủ. Thấy bác ở lại hàng xóm lại xầm xì rằng mẹ tôi lấy bác Năm. Mẹ tôi và bác giả vờ không nghe. Nói hoài rồi họ cũng ngán.

Cuộc sống của bác Năm lúc bấy giờ cũng thật khó khăn. Bác vừa phải nuôi mẹ già vừa nuôi ba mẹ con tôi. Tôi thấy bác vất vả vô cùng. Vậy mà bác không bao giờ than phiền một tiếng. Nhất là những ngày mẹ bác lâm bệnh nặng. Những ngày như thế mẹ tôi thường lên phụ giúp bác chăm sóc mẹ già. Khi mẹ bác mất, mẹ tôi đã để tang suốt ba năm trời.

Từ ngày mẹ bác mất, bác đến nhà tôi ở luôn. Mẹ tôi phải mua thêm một cái giường cho bác nằm. Tôi nghĩ thôi thì số phận vậy phải chịu. Tôi không để ý đến chuyện tình cảm của hai người nữa. Hai người muốn làm sao thì làm. Cuộc sống gia đình tôi êm ấm trở lại.

Ngày chị em tôi đậu đại học bác mừng không thể tả. Bác và mẹ đã dẫn chị em tôi vào nhập trường. Những ngày tôi ở kí túc xá, bác đã dẫn mẹ tôi vào thăm. Lần nào bác cũng đem quà cho tôi. Bác không bao giờ quên đem theo mấy vỏ sò biển. Bạn bè tôi đứa nào cũng bảo tôi có người cha thật tuyệt vời. Tôi lấy làm hãnh diện lắm.

*

Tôi cứ nghĩ bác Năm ở với mẹ tôi suốt đời, nhưng đâu ngờ bác đã chia tay mẹ tôi một cách bất ngờ.

Một buổi sáng đầu đông, trời se se lạnh, bác nói với ba mẹ con tôi: “Từ ngày bác đặt chân đến đây tính đã mười lăm năm hai tháng năm ngày. Trong khoảng thời gian ấy bác đã chịu không biết bao nhiêu tai tiếng. Nhưng vì lời hứa với ba cháu mà bác phải chấp nhận. Ngày xưa bác hứa với ba cháu là sẽ nuôi ba mẹ con cháu đến khi nào các cháu có công ăn việc làm bác mới về quê. Hôm nay các cháu đã có công ăn việc làm rồi, bác giao lại mẹ cháu cho các cháu chăm sóc. Các cháu nhớ chăm sóc chu đáo nhé! Bây giờ bác phải tạm biệt ba mẹ con, bác về quê”.

Nghe bác nói, ba mẹ con tôi òa khóc. Bác cũng khóc theo.

Mẹ tôi làm thịt con heo đất mười lăm tuổi. Mẹ gói cẩn thận vào cái khăn biếu bác làm lộ phí. Bác cầm lấy nói: “Anh cảm ơn ba mẹ con em! Số tiền này coi như anh đã nhận rồi. Bây giờ anh gởi lại cho ba mẹ con em sử dụng trong những ngày khó khăn”. Mẹ tôi không chịu nhận. Bác bảo: “Nếu nghĩ thương anh thì em hãy nhận số tiền này. Anh chỉ có một mình sống đồng lương đủ rồi. Chứ em tới ba mẹ con. Cháu Thủy và cháu Thổ mới đi làm lương hướng còn thấp chưa đủ chi tiêu. Thôi, em nhận đi!”. Mẹ tôi hai tay run run cầm lấy gói bạc, nói trong tiếng nấc: “Em cảm ơn anh! Biết bao giờ em trả hết công ơn của anh”.

Ba mẹ con tôi xách hành lí tiễn bác ra xe mà nước mắt tuôn rơi.

Mấy tháng sau, nghe tin bác cưới vợ, ba mẹ con tôi lên giúp bác dọn dẹp nhà cửa, lo chợ quán, cơm nước… Những ngày tiếp theo mẹ tôi thỉnh thoảng lên giúp bác. Nhưng bác gái có tính hay ghen nên mẹ tôi không đến nữa, sợ bác gái hiểu lầm giống như tôi hồi nhỏ rồi hạnh phúc gia đình đổ vỡ.

*

– Thủy ơi! Dựng xong phóng sự về chủ quyền biển đảo quê hương chưa mà gục dưới bàn vậy con?

Tôi giật mình thức dậy. Nhìn đồng hồ thấy bốn giờ sáng. Tôi vội vàng khởi động máy gõ tiếp lời bình cho phóng sự “Biển đảo quê hương” để kịp ngày mai phát sóng.

P.V.H