Lời thì thầm ươm mầm xanh chữ

740

Trúc Thiên

(Bài giới thiệu tập Tản văn “Vườn quê thì thầm” của Lê Minh Hải)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn Hải như chính con người Hải, âm thầm, thủ thỉ, nhẹ bâng mà neo vào lòng người đọc bởi những thương tưởng từ kí ức xưa xa, bởi cái dung dị chân phương trong cách Hải chọn đề tài. 

Tản văn “Vườn quê thì thầm” của Lê Minh Hải 

Tôi nhận được tập Tản văn “Vườn quê thì thầm” của Lê Minh Hải vào những ngày cuối năm bộn bề xuôi ngược. Cuốn sách theo tôi trên những chặng đường ngồi xe. Thoảng khi thấy trống trải giữa những hành trình hằng tiếng, tôi lần giở cuốn sách, chỉ như một hành động lấp đầy khoảng thời gian rỗi rãi. Nhưng, tôi chợt khựng lại bởi ngay từ những dòng chữ đầu, đậm đà một chất quê, đong đầy cảm xúc của niềm thương tưởng. Cứ vậy mà cuốn sách lắng lại trong lòng tôi một cách tự nhiên như chính Tác giả trẻ này, đến với nghiệp viết.

Lê Minh Hải sinh năm 1985, ở Phú Thọ, công việc của anh chàng lại chẳng dính dáng chi đến câu chữ, hay chí ít bay bổng lãng mạn. Những ca trực đêm luôn nối dài quỹ thời gian khiến tôi luôn thắc mắc, anh lấy đâu ra sức lực để viết. Có lần khi nghe tôi hỏi thế, anh chỉ cười hiền, chỉ là do mình có sống trọn vẹn với đam mê hay không mà thôi. Tôi ngớ người trước anh chàng chuyên môn kĩ thuật, sống và kiếm tiền cũng bằng chính sự khô khốc của máy móc, ấy vậy mà bén duyên và máu lửa với văn chương một cách nhiệt thành bất tận.

Giữa những xáo động của cuộc đời, Hải chọn cách điềm nhiên ngồi xuống và viết. Hải trải lòng mình qua từng câu chữ. Chẳng nắn nót mỹ từ mỹ ý, chẳng cao thâm dịu vợi. Văn Hải như chính con người Hải, âm thầm, thủ thỉ, nhẹ bâng mà neo vào lòng người đọc bởi những thương tưởng từ kí ức xưa xa, bởi cái dung dị chân phương trong cách Hải chọn đề tài. Và ngay cả chính cái phong cách hành văn cũng chất phát đến mức đọc của Hải người ta nghĩ ngay đến anh chàng ít nói, mắc cỡ và nội tâm. Văn chương đôi lúc chỉ cần giản đơn như thể cốt lõi giá trị của nó. Văn cũng là người. Người mang chất Văn, thì tự khắc các sáng tác sẽ đủ sức lay động độc giả.

“Hồi tôi còn nhỏ, tôi đã rất quen với rã rơm. Những tháng ngày thơ bé ấy vẫn còn nguyên vẹn như hơi thở mát lành phả vào hồn tôi. Ngày mùa đâu đâu cũng thấy rơm. Những cọng rơm ban đầu còn ruỗi thẳng và mang hình hài của những cây lúa. Cái nắng như nung đã làm những thân lúa kia khô đi nhanh chóng. Chúng cong queo, ngả dần sang màu vàng rồi tỏa lên mùi thơm đặc trưng ngai ngái của ruộng đồng. Chúng tôi đã vui chơi, đã nghịch cùng rơm, lăn lộn trên rơm, rơm ôm ấp, che chở cho chúng tôi.” – Trích Mùi rạ rơm thơm.

Tác giả Lê Minh Hải 

Lê Minh Hải đi từ những kí ức xưa dại, cho đến quãng đời thăng trầm bôn ba áo cơm gạo tiền, nhưng có thể nói, trong cái giọng điệu kể của văn mình, Hải chọn cách thủ thỉ rót vào lòng bạn đọc, những câu chữ nhẹ nhàng, ngọt mát như gió quê, như sáo diều, như những thứ bình dị của làng quê, vốn dĩ luôn là màu kí ức tươi xanh nhất với chúng ta.

Lê Minh Hải viết nhiều, đăng báo khắp từ Trung Ương đến địa phương, nhưng với Tập Tản văn “Vườn quê thì thầm” thì mới chỉ là cuốn sách đầu tiên. Với 24 tản văn quẩn quanh hình ảnh làng quê, nắng gió, ruộng nương, hay tình cảm chòm xóm thân bằng quyến thuộc, Lê Minh Hải cho thấy mình chọn cách tiếp cận gần nhất, tỉ mẩn ghi lại những xúc cảm rung đụng thật của mình. Chính vì vậy, khi đọc chúng ta có cảm giác nghe đâu đó từng câu chuyện kể của Hải có một phần hoài ức của mình trong đó. Rất thân quen. Rất thương tưởng. Trong cái rưng rức tấc lòng chính là niềm mỏi mong vào một điều thiện căn nguyên gốc của sự yêu thương giữa người và người, giữa hiện thời và xưa xa.

“Tôi đã lớn lên và đi qua những cái Tết như thế. Những bộ quần áo mới của ngày Tết ấu thơ vẫn mãi là hình ảnh, kỉ niệm không thể nào quên. Giờ đây, mỗi khi Tết về, xuân đến, kí ức đẹp đẽ về những Tết xưa, những manh áo ngày ấy luôn làm cho tôi rưng rưng một nỗi niềm khó tả” – Trích Manh áo mới ngày Tết.

Tập Tản văn là sự chắt chiu gạn lọc hình ảnh, câu chuyện, và phong cách viết mà theo tôi, đáng để chúng ta cẩn trọng lần giở và chiêm nghiệm từng trang một. Cho đến khi gấp trang sách cuối lại, vẫn ấn tượng về một giọng văn giản đơn đầy mộc mạc nhưng thấm thía tâm can những nỗi niềm.

T.T