Lời trái tim dành cho Sài Gòn

770

Trúc Thiên

Giới thiệu Chuyện kể từ Sài Gòn – Nguyễn Ngọc Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngay khi cầm trên tay tập sách “Chuyện kể từ Sài Gòn” của Nguyễn Ngọc Hà, tôi đã thán phục tình yêu của tác giả với mảnh đất Phương Nam nắng ấm quanh năm này. Nếu biết rằng trước tập sách này, Tác giả đã có rất nhiều tác phẩm dành riêng cho Sài Gòn như: “Sài Gòn đi và nhớ” tập 1 và 2, “Sài Gòn thương và nhớ”, “Sài Gòn tình yêu của tôi”, “Sài Gòn ký ức vượt thời gian”, thì sẽ thấy trái tim của tác giả gần như trọn vẹn dành hết cho thị thành xa hoa lộng lẫy này.

Tập sách Chuyện kể từ Sài Gòn

Nguyễn Ngọc Hà sinh năm 1965, vốn chánh gốc dân phố thị này. Cuộc đời chính tác giả như một minh chứng theo dòng chảy biến thiên của thời cuộc. Đi qua những thăng trầm bôn ba phận đời mình, hầu như Sài Gòn chiếm trọn kí ức cũng như là một phần máu thịt chẳng thể tách rời trong tác giả. Nỗi lòng với Sài Gòn cứ như thác đổ, mãi tuôn tràn trong tâm khảm của nữ sĩ này.

Tốt nghiệp khoa Nông nghiệp trường Đại học Sư phạm kĩ thuật năm 1980, tác giả vẫn không ngừng học hỏi suốt quãng đời dạy và viết của mình. Cứ thế, Nguyễn Ngọc Hà lấy tiếp bằng cử nhân Anh của Đại học Ngoại ngữ năm 1997. Cả cuộc đời gắn trọn với Sài Gòn, từng con đường, từng góc phố, chuyện phố chuyện phường, chuyện nghề chuyện đời, chuyện người chuyện ta, đều nằm gọn trong một ngăn kí ức của tác giả. Vậy nên, hễ đặt bút viết, thì dòng chảy cứ thế tràn ra, miên man bất tận.

Cái khéo của Tác giả khi viết về Sài Gòn là biết phân loại từng câu chuyện, gom lại thành một chủ đề. Cứ vậy mà lần lượt gần 5 cuốn sách viết về Sài Gòn nhưng chưa hề trùng lặp ý tưởng hay câu chữ. Chọn cho mình văn phong giản dị và chân phương như bản tánh vốn dĩ của người Sài Gòn. Tác giả nhẩn nha kể chuyện từ bên trong Sài Gòn, ngỏ hầu chính người Sài thành, hay lưu dân định cư tại đây, hoặc cũng có thể dành cho những ai chỉ một đôi lần ghé bước đến Sài Gòn hoặc cũng chưa đủ duyên hạnh ngộ miền đất này. Tất cả chỉ để mọi người hiểu thêm sài Gòn, hiểu được giữa cái xô bồ thị thành, ráo hoảnh đua tranh vẫn còn đó rất nhiều con người, hình ảnh, nếp sống, câu chuyện thiện lành và lấp lánh niềm thương đọng ray rứt cõi lòng.

 

Tỷ như tác giả kể câu chuyện “Kem cây bán dạo”, một điển hình của mưu sinh nhọc nhằn giữa phồn hoa đô thành này. Những thùng kem nhan nhản đẩy rong, quẩy vai ngay nhà thờ Đức Bà. Có khi là những người đàn ông gương mặt chai sần nắng gió, có khi là người đàn bà ánh nhìn khắc khổ tâm can, cũng có khi chỉ là những chú bé đen nhẻm lấm lem cát bụi phố phường. Những xe kem, hay thùng kem, cũng chỉ là công cụ mưu sinh, nhưng phía sau đó là cả câu chuyện về phận đời bám víu Sài Gòn mà sống.

Hay như trong “Con đường cây cổ thụ”, tác giả khéo léo đưa người đọc trở về một Sài Gòn phủ bóng cây xanh. Ngày ấy dưới vòm trời mướt lá, người Sài Gòn thả bộ dọc các con đường ngắm phố thong dong. Chiều tan trường, mấy nữ sinh tha thướt trong tà áo trắng như gói mây xuống phố. Nhưng Sài Gòn phát triển vượt bậc, sự phát triển nào cũng đồng nghĩa với việc một điều cũ kĩ ra đi, nhường cho sự mới lạ tiến bộ. Tiếc khung trời cũ, nhưng cũng hòa nhịp với sự thăng hoa mới mẻ của Sài Gòn. Các con đường như khoác một tấm áo mới của sự phát triển sánh vai cường quốc năm châu.

Văn phong bình dị, lát cắt đời thường cùng với cảm xúc từ con tim dành cho Sài Gòn, có thể nói “Chuyện kể từ Sài Gòn” của Nguyễn Ngọc Hà cứ vậy mà dung dị đi vào lòng bạn đọc. Từng trang sách lật qua, nhưng từng mảnh ghép của Sài Gòn được tìm thấy. Đến cuối cùng trang sách. Bức tranh tổng thể một Sài Gòn ẩn hiện xưa cũ nhưng cũng đầy khát vọng tương lai hiện diện đầy đủ.

Chúng ta, ai rồi cũng sẽ neo một mảnh đất vào tận sâu tâm khảm, bởi nơi đó chiếm trọn cả cuộc đời lẫn con tim mình. Với Sài Gòn, điều này còn tha thiết và bám chặt lòng mình hơn nữa. Biết bao thị dân chánh gốc, hay lưu dân tứ xứ, chỉ cần gắn phận đời mình một quãng ngắn hay khoảng dài, thể đều như nhau, yêu Sài Gòn đến cạn cùng cuộc đời. Mà hễ yêu rồi thì thiếu gì điều để kể. Nguyễn Ngọc Hà chính là người như thế, cô kể chuyện Sài Gòn như kể về người tình chẳng thể nào quên. Một người tình thủy chung sâu sắc và trọn vẹn đời mình.

T.T