Bài vọng cổ không biết viết từ năm nào. Vào những năm đầu giải phóng ở miền Nam nhất là miền Tây còn bỡ ngỡ xa lạ mọi thứ thì nó được hát vang lên đi tới đâu cũng nghe đấy là bài Dệt chặng đường xuân: “Anh ra đi khi gà chưa gọi sáng trăng mùng mười còn giỡn nước giữa đầm sen. Chiếc xuồng con cây sào nặng thân quen. Với cơm gói mo cau khăn rằn quấn cổ. Ngày lại ngày qua hàng trăm cây số lặn lội đường xa em vượt suối… qua đèo…”.
Sáu câu hát có cốt truyện lời lẽ lại mộc mạc nên không giới hạn dù người nghe có trình độ nào và nó ăn sâu vào lòng người. Nó như sống mãi theo thời gian như Tình anh bán chiếu của Viễn Châu vậy. Hơn bốn mươi năm trôi qua cho tới nay hầu như ngày nào cũng có người xuống xề Dệt chặng đường xuân. Khi có đám tiệc xúm quanh dàn karaoke, ca hát một hồi là có người lên khoe giọng anh ra đi khi gà chưa gọi sáng. Nhưng trừ giới văn nghệ sĩ ít người biết tác giả là nhà văn Anh Động. Trong kháng chiến Anh Động còn là người liên lạc, bảo vệ, giao liên trầy da tróc vảy trong nhiệm vụ rồi trở thành nhà văn.
Còn nhớ những năm đầu giải phóng, anh em ngoài thành có người là lính quốc gia nữa đang lo sợ, bỡ ngỡ chưa biết gì về chiến khu, cách mạng. Một số nhà văn từ trong rừng ra ở R về Nguyễn Bá, Lê Chí, Văn Định, Nguyễn Linh, Nguyễn Thanh… khoảng cách giữa hai bên xóa đi thật nhanh và xích lại gần nhau. Lý do anh em bên ngoài không biết gì bên trong nhưng những người bên trong lại biết rất rõ, và đọc nhiều tên tuổi ở ngoài. Và các anh cũng đã lôi cuốn mọi người bằng những bài thơ, truyện ngắn cùng những mẩu chuyện vui buồn trong chiến khu. Riêng nhà văn Anh Động rất đặc biệt, là một người chất phác như nông dân ăn nói hệch hạc, hơi cà lăm. Con cá rô nói là con cá gô – chị gọi bằng chế. Củ cải muối nói là bấu. Anh kêu bằng hia chính hiệu gốc dân Cà Mau, rừng U Minh (vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ba dân tộc Việt, Miên, Tàu sống chung người Việt như đến khai phá sau nên tiếng nói nhiều câu chữ bị ảnh hưởng người tới trước) và người sau thì văn vẻ cũng mộc mạc vậy. Qua trang sách bạn đọc như sống lại trải nghiệm cuộc đời của Anh Động dường như thấy sao viết vậy mộc mạc chớ không trau chuốt, bóng bẩy như các nhà văn khác. Bấy lâu người có định kiến miền Tây không phải đất của chữ nghĩa văn chương điều ấy dường như đúng, phần đông nhà văn, nhà thơ nếu đem ra so với nhà văn, nhà thơ vùng miền khác. Ở buổi khởi đầu không thua ai, có thể nói là vượt trội nữa nhưng không hiểu sao lại thường dừng lại nữa chừng sự nghiệp cuộc đời mình. Trừ một vài người như trường hợp nhà văn Anh Động. Từ tập truyện ngắn đầu tay Bên hàng cù oanh (cây me nước) bạn đọc chưa hình dung gì sự nghiệp một người. Thế rồi Anh Động với văn phong mộc mạc cặm cụi bền bỉ như anh nông dân cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa cho ra 50 đầu sách lớn nhỏ. Bạn đọc và những người viết sau phải khâm phục sức làm việc của Anh Động. Và bất ngờ khi biết nhà văn còn lấn sân qua viết lịch sử và viết kịch bản phim, qua nghiên cứu nghệ thuật dân gian. Đất rừng U Minh, nhân vật bác Ba Phi sống lại với Anh Động. Chị Trần Mỹ Hồng vợ của Anh Động theo chân của chồng cũng là dân nghiên cứu văn nghệ dân gian. Nói theo truyện chưởng của Kim Dung thì đây là đôi vợ chồng song kiếm hợp bích của miền Tây. Bước vào năm Anh Động 75 tuổi mang nhiều chứng bệnh, nhất là tiểu đường đi đứng khó khăn, phải có người đi theo. Tưởng anh viết bấy nhiêu là đủ nhưng hình như vẫn chưa nói hết, kháng chiến trải qua bao thăng trầm buồn vui. Vì vậy bạn đọc lần nữa bất ngờ vào tuổi 75 nhà văn còn ra mắt tập hồi ức, tự truyện có tựa đề Lục Bình trôi dày hơn ngàn trang Lục Bình là loài thủy thảo lênh đênh trên sông nước vừa đi vừa trổ bông. Bông lục bình tím ngan ngát như tô điểm cho dòng sông đẹp hơn nên thơ. Nhưng nói tới thằng đó giống lục bình lập tức nghĩ ngay đến một người có số phận long đong. Cái tựa đề đã làm cho bạn đọc chú ý. Khi mở sách bạn đọc bắt gặp những dòng tự bạch “phàm những gì mình bị thiệt thòi, bị bạc đãi thì nhớ dai, nhớ đậm, những gì được thắng nước, được ưu đãi thì dễ quên, dễ phai… tôi cũng cám ơn những kẻ ích kỉ bần tiện đã giúp tôi nghiền ngẫn thế thái nhân tình để tôi nhìn thấy rạch ròi cái yêu cái ghét”
Cái tựa và tự bạch đã cho bạn đọc tò mò… hình như tác giả gặp điều gì bất công, oan sai. Tưởng ngoài đời mới có việc nầy. Trong kháng chiến người liều bỏ cha mẹ, vợ con gặp nhau coi như anh em gia đình chung tay cầm súng đánh đuổi đế quốc thực dân. Nói tới kháng chiến thường nghe những câu chuyện tốt, hy sinh cao đẹp. Nhưng nó vẫn có những điều xấu, tồi tệ lại được một ông nhà văn già gần đất xa trời chân thật kể ra chăng. Quyển sách ngàn trang chia làm ba phần. Tập 1 Thời con nít. Tập 2 Bước lưu linh. Tập 3 Dậy mà đi. Thêm 3 phần mục lục dù chưa đọc nhưng thấy cuộc đời tác giả có điều gì đó. Điều gì đó uẩn khúc nói chung cuộc đời nầy không biết niềm vui, nỗi buồn cái nào nhiều.
Trước hết là nói cái vui. Qua hồi ức của Anh Động ta thấy nhà văn chỉ vui ở tuổi con nít, sinh ra và lớn lên ở góc rừng U Minh hoang dã… Nhưng rồi tuổi thơ hoang dại qua nhanh, nhà văn khi lên 10 tuổi bắt đầu hiểu biết để rồi nó biến ra tuổi thơ dữ dội. Đứa trẻ chứng kiến thực dân Pháp vẫn không chừa chỗ khỉ ho cò gáy kéo đến đốt phá xóm làng. Tuổi thơ dữ dội nhiều lần thấy giặc đốt nhà phải chạy vô rừng trốn. Giặc đi, người trở lại cất ngôi nhà mới, chạy đi chạy lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn cố bám lấy mảnh đất. Rồi đứa trẻ chứng kiến những trận đánh hun đúc nên lòng yêu nước… Cho tới lúc nhà văn 15 tuổi. Tây rút đi là thay chân là Mỹ với đám lính Việt Nam Cộng Hòa chiếm đất xây ấp chiến lược dữ dội hơn. Những người trẻ lần lượt rút vô rừng đến khu căn cứ kháng chiến, người già ở lại giữ xóm làng. Cha của nhà văn thấy con cũng đã lớn đủ tuổi làm cách mạng để lập công với đất nước nên kêu con đi tìm tổ chức đầu quân…
Tập 2, Bước lưu linh. Từ giã tuổi thơ, nhà văn lớn lên với lý tưởng cầm súng đánh giặc lại rơi vô nghịch cảnh. Khi biết ở nhà anh có làm liên lạc, tổ chức liền đưa anh vào làm liên lạc, giao liên, bảo vệ, để rồi suốt thời kỳ kháng chiến Anh Động không ra khỏi tổ giao liên, bảo vệ. Người được Anh Động bảo vệ là một yếu nhân trưởng tiểu ban văn nghệ của khu. Ban đầu Anh Động rất vui mừng vì được gần gủi người tài giỏi như vậy mình sẽ được học hỏi thêm. Nhưng khi được về khu chỉ sau ít ngày Anh Động đã nhận ra ngay số phận lục bình trôi của mình. Anh vô cùng hụt hẫng khi biết mình phục vụ một ông quan kháng chiến… Anh Động xin chuyển đi nơi khác, nhưng đi được đôi ba ngày lại bị rút về. Thân phận lục bình vừa trôi vừa trổ bông nhưng không trổ bông được. Cuộc đời Anh Động không được suôn sẻ như mọi người. Nhưng hình như số phận của nhà văn phải như vậy để rồi về sau Anh Động mới được danh hiệu nhà văn…
Tiểu ban văn nghệ mở trại sáng tác có Nguyễn Văn Bỗng tác giả Con Trâu ngoài Hà Nội vô, có Anh Đức, tác giả Hòn Đất nổi tiếng. Anh Động gom hết những thứ mình viết, những bài thơ, các ghi chép những gì tai nghe mắt thấy trong những lần đi công tác ngang qua đồn giặc… thu hết can đảm đưa cho hai nhà văn Trung ương xem thử. Không ngờ hai ông khen và công nhận Anh Động là người có năng khiếu sáng tác. Hai ông như mở ra cho Anh Động một con đường đi mới…
Tập 3, Dậy mà đi. Cuộc tổng tiến công Mậu Thân diễn ra. Anh Động như quên hết những cay đắng đã qua. Từ Cà Mau anh được lệnh tập kết về Cần Thơ phối hợp với các cánh quân tạo ra các mũi nhọn tiến công nhất là trận đánh lộ vong cung nhiều chiến sĩ phải hy sinh. Sau Mậu Thân Anh Động tiếp tục nhiệm vụ thông tin tuyên truyền làm hò vè ca dao bắt đầu nổi tiếng với biệt danh là anh cổ động. Anh gặp người yêu rồi làm lễ cưới. Vợ anh sửa lại biệt danh anh cổ động ra Anh Động. Khắp nơi, miền Bắc cũng nghe tiếng Anh Động, sau ngày giải phóng Anh Động trở thành chủ tịch Hội văn nghệ Kiên Giang. Qua 50 cuốn sách lớn nhỏ được xuất bản nhà văn là tấm gương lao động miệt mài cần cù cho những người viết đi sau. Hồi ức Lục Bình trôi rất nhiều chi tiết sống động, thú vị tôi chỉ tóm tắt sơ lược cuốn sách đã cho thấy cuộc kháng chiến miền Tây nam bộ trải qua nhiều gian khổ đồng thời cũng có những góc khuất những bi kịch. Có người nói cho không nên nhắc lại những việc đau lòng người nhưng cũng có quan điểm cho là lịch sử, thuộc về quá khứ thì mặt tốt lẫn mặt xấu cũng nên cho thế hệ sau hiểu để mà rút kinh nghiệm chuyện về sau này.
Theo Ngô Khắc Tài/Văn nghệ