Lũ về sau cơn khát, dân miền Tây vội vã vào cuộc mưu sinh

802

Từ 31-8 đến nay, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhiều, gió thổi mạnh, báo hiệu một mùa nước lên. Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm về xã Thường Thới Hậu A, xa xa đã thấy cánh đồng mênh mông nước. Đây là một trong vài xã đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp, giáp biên với Campuchia.

Sức sống trên cánh đồng lũ

Khác với không khí buồn tẻ khi vắng lũ, bà con nông dân đang tất bật các hoạt động mưu sinh. Toàn xã có hàng trăm hộ sống nương nhờ con nước mùa lũ.

Dù lượng cá, tôm bắt được chưa nhiều nhưng người dân địa phương phấn khởi hẳn. Họ không còn hoang mang, e ngại như những ngày không biết lấy gì để sống. Con nước về, giải tỏa cơn khát lũ hàng tháng qua.

Đi dọc trên các tuyến đường của xã Thường Thới Hậu A, không khó để bắt gặp hình ảnh bà con nông dân cùng ngồi lại với nhau lựa ra các loại cá đồng, cua, lươn vừa thu hoạch được dưới sông hay cánh đồng nước sau nhà. Thời điểm này, dớn là loại dụng cụ được người dân địa phương chuộng dùng nhất để đón bắt luồng cá, tôm đầu mùa.

Hiếm hộ dân nào sống nương nhờ con nước lại không có vài ba chục cái dớn. Đặt dớn là cách bắt cá tôm quen thuộc của người miền Tây. Cách giăng bắt này khá đơn giản. Người nông dân chỉ cần vài chục mét lưới mành, vài chục cây nhỏ (để cắm cố định dớn) và lưới đuôi dớn là có thể hành nghề. Thủy sản giăng bắt được cũng hết sức đa dạng, nhiều nhất là cá linh, cá tạp, tép…

Có lẽ, điều người dân vùng lũ vui mừng nhất là sự xuất hiện của cá linh. Thông thường, cá linh non sẽ về với con nước đầu mùa lũ tháng 7 âm lịch. Khi ấy, cá xuôi theo dòng từ thượng nguồn Mekong đổ về các nhánh của sông Tiền, sông Hậu, trong đó, có dòng chảy trực tiếp vào đồng đất của xã Thường Thới Hậu A. Ở đầu nguồn lũ, Thường Thới Hậu A là nơi đón mùa cá linh sớm nhất.

 Ông Được tìm đến những đám cây điên điển mọc dại để bẻ bông bán.

Trong ánh nắng nhàn nhạt của buổi chiều thu dịu mát, ông Được (ngụ ấp Bình Hòa Trung) rong ruổi trên con đê tìm đến những đám cây điên điển mọc dại để bẻ bông bán. Năm nay, đám điên điển chưa cho bông nhiều như những năm trước, nên mỗi buổi hái, ông chỉ thu được khoảng 2 kg, bán với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Không phải ai cũng nhẫn nại mưu sinh bằng nghề này như ông Được. Ông phải ra đồng từ khoảng 4h sáng, đèn pin đeo trên đầu, rồi oằn nhánh điên điển. Ông làm việc đến khoảng 8h thì ngưng. Cũng theo ông Được, chỉ những người chịu khó, kiên nhẫn mới có thể làm nghề này, vì thu nhập ít nhưng tốn nhiều thời gian.

Con nước từ thượng nguồn đổ về mang theo những con cá linh non bơi dọc bờ kênh nhuộm vàng bông điên điển. Cứ đến mùa lũ, sẽ gặp những người hái bông điên điển thong dong làm việc trên đê. Thỉnh thoảng, có người ca lên vài câu hát nghêu ngao, như để thỏa lòng mà quên đi cái nhọc, cái cực lâu ngày. Thành quả từ những buổi sáng rong ruổi của nông dân này là mớ bông điên điển vàng ươm, được bày bán cho đông đảo thực khách trong và ngoài tỉnh. Bông điên điển từ đó được nhiều người biết đến, dần được hiểu là một loại đặc sản độc đáo có một không hai nơi miền đất lũ miền Tây.


Cũng ở xã Thường Thới Hậu A, còn có chàng trai trẻ Nguyễn Anh Phong. Phong đặc biệt có tài nghệ câu ếch đồng. Cùng thời gian vài giờ đồng hồ như nhau, những người khác chỉ có thể câu được dăm ba ký thì nhờ kỹ năng tuyệt vời, Phong đã làm được gấp 5-7 lần số lượng đó. Phong trở nên nổi tiếng khắp xã và được xem là một trong số ít những “cao thủ” săn ếch mùa nước nổi. Hiện giá ếch đồng xấp xỉ 45.000 đồng/kg. Mỗi sáng bỏ ra khoảng 4-5 giờ, Phong câu được 15-20 kg, thu được cả triệu đồng. Cũng theo Phong, công việc này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những khi ít gặp ếch, anh cũng chỉ săn được vài ký hoặc chỉ đủ ăn.

Cao thủ săn ếch Nguyễn Anh Phong

Ngoài đặt dớn, hái bông điển điển bán, câu ếch, người dân quê vùng lũ còn tất bật với nhiều cách thức mưu sinh như bắt chuột đồng, hái rau muống. Một số người đi giăng lưới để tìm sản vật mùa lũ mang ra chợ bán. Công việc của họ diễn ra liên tục cả ngày cho đến đêm tối trên những cánh đồng ngập nước mênh mông.


Buổi chợ “đen” lúc 4 giờ sáng

Chợ “đen” chỉ là cách nói vui của người dân xã Thường Thới Hậu A, để nói về việc họp chợ khuya (khoảng 4g) tại một khu vực đất trống, trên là lộ bê tông, dưới là đồng nước.

Tại đây, hàng chục hộ câu lưới, dớn… tụ hội, mang theo những mớ cá, tôm vừa bắt được trên đồng. Một vài tiểu thương đến trực tiếp mua thủy sản của người dân. Tiểu thương thường đi bằng xe máy, phía sau xe gắn chi chít những chiếc can bằng nhựa để đựng tôm cá. Điểm đặc biệt là việc họp chợ ở đây rất chóng vánh, trong vòng khoảng trên dưới 40 phút rồi tan. Đó cũng là lý do mọi người gọi chợ này là “khu chợ đen 4 giờ 40 phút” để phân biệt với các chợ khác.

Chị Nguyễn Thị Điểm (35 tuổi)

Chị Nguyễn Thị Điểm (35 tuổi) cùng chồng và con làm nghề đóng đáy tại một cửa cống điều tiết nước cho khu vực đồng trũng trong xã. “Gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác gom mớ cá tôm lại để tiện bán cho thương lái”.

Vì là lũ đầu mùa nên đây chưa phải là thời điểm mưu sinh hiệu quả của nhiều người dân. Họ vẫn chờ thêm con nước lên. “Vì vậy chợ cũng vắng hẳn, mỗi buổi chỉ khoảng 10 hộ, với mấy mươi người là cùng”, chị Điểm nói. Cũng theo chị, số lượng người họp chợ “đen” đã giảm mấy mươi người so với thời điểm đỉnh lũ của Đồng Tháp năm 2018. “Hy vọng sắp tới, cá tôm về nhiều, nước đồng lớn hơn, để mọi người được trở về với công việc mưu sinh hàng ngày”, chị Điểm chia sẻ.

Khu vực chợ có một gian nhà nhỏ được cất tạm bằng cây lá địa phương, chị Điểm chọn làm nơi phục vụ nước uống cho người dân làm nghề mùa lũ. Trong đêm khuya, những chiếc bàn trơ ra sương gió, bên trên là những ly cà phê uống dở. Những ly, tách ngổn ngang sẽ được dẹp gọn sau khi cuộc giao dịch cá tôm hoàn tất.

Có những hộ gia đình giăng bắt cá tôm trên đồng nước từ 0h đến khoảng 4h sáng mới về. Sau khi bán lại cho thương lái, số tiền họ thu được khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Thu nhập này xem ra khá ổn tại một vùng thôn quê xa xôi, nơi mà mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống ở mức thấp.

Sau họp chợ, mọi người tiếp tục công việc ngày mới trên đồng. Những tiểu thương nhanh chóng rời chợ “đen” để đi bán lẻ hoặc bỏ mối cho một số quán ăn trong và ngoài xã. Về phần khách hàng, những ai biết được khu vực họp chợ này, họ sẽ mua được tôm, cá đồng mùa lũ tươi ngon, giá rẻ hơn các khu vực chợ khác.

Kiểu sinh hoạt mùa lũ có một không hai

Hơn 10 ngày nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi này hoàn toàn thay đổi. Không còn những buổi sáng rỗi nghề ngồi tán gẫu hoặc chè chén cùng nhau. Giờ đây họ kéo nhau ra đồng từ đêm khuya để giăng bắt cá tôm, đến 7h về nhà, tập hợp lại thành từng nhóm để lượm lặt cá tạp, phân loại cá.

Vội vã ăn cơm thật sớm cũng là một thói quen của người dân mùa nước lên. Để có sức băng đồng giăng bắt cá tôm, họ ăn sáng ngay từ 5h, lúc trời còn tờ mờ tối. Thời gian của họ trôi qua trên đồng nước, cứ cuốn chiếu hết việc này tới việc kia, chạy đua để ai giăng bắt được nhiều cá, tôm hơn.

Kết thúc buổi giăng bắt cá tôm, người dân thong thả chuyện trò. Tiếng cười rộn ràng một góc thôn quê. Những người đàn ông tranh thủ thời gian sửa soạn lưới cá, làm thêm hoặc sửa chữa dớn. Chị em phụ nữ mang những con cá lóc vừa giăng bắt được ra ngay con lộ trước nhà đánh vảy chuẩn bị nấu cơm hoặc gỡ cá trong lưới, sửa những đoạn lưới bị rối chuẩn bị cho chuyến giăng bắt kế tiếp.


Nhiều người dân chọn cất nhà kiểu lồng bè trên sông hoặc kênh rạch để vừa nuôi cá vừa sinh sống. Những căn nhà này có khả năng lưu động cùng dòng nước, bà con chủ động được khi ứng phó với lũ lớn. Không khó bắt gặp hình ảnh những thanh niên tắm gội trên dòng nước phù sa đục ngầu, hay một người đàn ông dùng lưới mành rào lại ao cá, để tránh nguy cơ nước ngập bờ, cá nuôi thoát được ra ngoài.


Một buổi sáng nắng nhẹ, những luồng khói tỏa từ căn bếp một nhà dân trong nắng tạo những sợi ánh sáng đẹp mắt nối đất với trời. Trong chốn không gian hữu tình, nhiều người ngược xuôi buôn bán hàng rong từ các vật dụng thủ công tự tay đan lát được. Bọn trẻ nằm chơi trên chiếc võng, đung đưa trong ngôi nhà sàn được cất dựng cao hơn mặt đất ruộng khoảng 2m, để ứng phó khi lũ về. Ven con đường tỉnh lộ thuộc xã là 2 xóm cư dân, một trong đê, một ngoài đê, nằm đối diện nhau. Mỗi sáng, có hàng chục chiếc bếp củi đun nước từ hừng đông. Mùi khói từ lá, từ củi khô tạo một cảm giác chân quê và khoan khoái vô cùng. Bên những ấm đun này, phụ nữ làm cá, trẻ em vờn quanh vui đùa, tiếng cười nói rộn vang.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết từ khi mùa lũ bắt đầu, huyện đã chủ động cho xả nước vào các cánh đồng Thường Thới Hậu A và một số xã khác. Điều này vừa giúp tạo sinh kế cho bà con đánh bắt thủy sản mùa lũ, vừa “mở đồng” đón phù sa, giúp rửa sạch mầm mống sâu bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, đầu tháng 9 này, mực nước ở các huyện đầu nguồn của tỉnh thấp hơn cùng kỳ năm 2018 là 1,5m. Khu vực đầu nguồn do chịu ảnh hưởng kết hợp của thủy triều và lũ thượng nguồn, nước sẽ lên dần. Do đó, đến cuối tháng 9, mực nước tại Thường Thới Hậu A và các nơi trong tỉnh chỉ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,2m đến 0,5m.


Phạm Ngôn

(Theo Zing.vn)